Chuyện về một liệt sĩ

08:56 - 28/09/2013

Chuyện về một liệt sỹ hy sinh trên đất Cao Lao hạ

 

Trong một lần ngồi chuyện trò, luật sư Lê Minh Tâm, Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Hướng Dương nói, ông vừa hoàn thành công việc tưởng chừng “bất khả thi”, khi vừa đi tìm nhân chứng vừa hỗ trợ về pháp lý để các cấp có thẩm quyền công nhận một trường hợp có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là trường hợp của liệt sĩ Võ Viết Chưng, một người lính phản chiến trở thành đội viên du kích hoạt động cho Việt Minh rồi bị giặc Pháp giết hại vào năm 1950 tại Cao Lao Hạ (nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch).

 

Anh Võ Văn Luân, cháu của liệt sĩ Võ Viết Chưng kể lại, chú của anh sinh năm 1926 tại xóm Rậy, làng Thuận Lý, sau đổi thành thôn Nam Lộc, xã Lý Ninh, và nay là tổ dân phố 8, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới. Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, mồ côi cha từ nhỏ nên được sự yêu thương đùm bọc của mẹ và các anh, các chị.

 

Sống trong vùng tạm chiếm của thực dân Pháp, do đó khi trưởng thành chàng thanh niên Võ Viết Chưng không tránh khỏi nạn bắt lính nhằm thực hiện âm mưu “dùng người Việt trị người Việt” thâm độc của kẻ thù. Không trốn được sự lùng sục, đàn áp của địch, Võ Viết Chưng bị bắt và sung vào đồn binh ở Cao Lao vào năm 1949. Sống trong cảnh nước mất nhà tan, nên trong lòng Võ Viết Chưng luôn nuôi dưỡng ý chí phản kháng để hướng về Việt Minh đang lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Anh Võ Văn Luân với tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của chú mình.
Anh Võ Văn Luân với tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của chú mình.

 

Vì vậy tuy là lính trong đồn Cao Lao nhưng ông luôn tìm cách trốn tránh các cuộc hành quân, mà sớm giác ngộ cách mạng và móc nối với những tổ chức Việt Minh trong vùng.

 

Ông Lưu Văn Lân, 85 tuổi, nguyên Bí thư Đảng bộ Hạ Trạch cho biết, trong một đợt công đồn Cao Lao,

Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Bố Trạch (tập 1, 1930-1954) có ghi lại rằng, thời kỳ này phát huy thắng lợi đã giành được trong tuần lễ “Quảng Bình quật khởi” tiếp tục chủ trương “20 ngày đánh mạnh” của tỉnh, quân và dân Bố Trạch đẩy mạnh các hoạt động quân sự gây cho địch nhiều thiệt hại lớn. Hoang mang và lo sợ đến nỗi, quân Pháp ở đồn Cao Lao phải viết thư xin du kích không đánh vào đồn, đồng thời thực hiện việc rút quân đồn trú vào ngày 24-4-1950.

ngoài sự phối hợp tác chiến của bộ đội và du kích thì ông Võ Viết Chưng và một người tên Cầu (quê ở Thừa Thiên Huế-P.V) được giao nhiệm vụ khống chế khẩu trọng pháo trong đồn nhằm hạn chế tổn thất về người cho quân ta và tránh địch phản kích. Nhận nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm này, nhưng Võ Viết Chưng vẫn không từ nan, ông đã lén bỏ cát vào nòng pháo và những khẩu súng của binh lính Pháp.

 

Tuy nhiên sự việc bị bại lộ do mật khẩu giữa “nội công và ngoại kích” không khớp, nên ông Võ Viết Chưng và ông Cầu đã bị bắt giữ và tra tấn hết sức dã man nhưng chúng vẫn không khuất phục được hai ông. Không khai thác được thông tin, bọn chúng đã hèn hạ mang cả hai người lên đê chặt đầu rồi vứt xác xuống sông Gianh. Máu và thân thể của những người yêu nước đã hòa vào dòng Gianh lịch sử, ông Võ Viết Chưng hy sinh vào ngày 20-5-1950 khi vừa tròn tuổi 24.

 

Ông ngã xuống khi độ tuổi thanh xuân đang tràn đầy sức sống, với đầy ắp ước mơ và khát vọng về tương lai khi nước nhà độc lập non sông liền một dải. Cảm phục trước sự hy sinh anh dũng, bất khuất của liệt sĩ Võ Viết Chưng, người dân Cao Lao Hạ đã lập miếu thờ ghi nhớ công ơn về một người thanh niên dám hiến dâng cả thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Trở lại làng Cao Lao Hạ vào những ngày chớm thu, gặp chúng tôi trên một ngọn đồi lộng gió, anh Nguyễn Văn Huân, 47 tuổi, tâm sự, thuở nhỏ anh thường nghe ba kể về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Võ Viết Chưng, thời đó giặc Pháp lùa dân ra đê chứng kiến cuộc hành hình nhằm trấn áp về tinh thần của họ. Anh cứ đi tìm hiểu ở trong làng này, những người lứa tuổi khoảng từ 55-60 tuổi đều biết câu chuyện như là huyền thoại về liệt sĩ Võ Viết Chưng!

 

Khi biết tin em trai mình bị giặc Pháp giết hại, ông Võ Viết Y (anh trai, bố của anh Võ Văn Luân-P.V) lòng đau như cắt, bởi người em ông yêu thương ra đi mà không kịp để lại cho họ hàng, dòng tộc một chút manh mối về quãng thời gian đóng góp cho phong trào cách mạng. Và sau một thời gian lo cơm áo cho gia đình, mãi đến năm 1985 ông mới bắt đầu hành trình đi tìm nhân chứng để làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho em mình.

 

Đến năm 2004 do gặp quá nhiều khó khăn, công việc hoàn thiện hồ sơ cho ông Võ Viết Chưng buộc phải dừng lại. Hơn 5 năm sau, trước lúc nhắm mắt xuôi tay (năm 2009), ông Võ Viết Y gọi anh Luân đến bên giường rồi nói, con phải thay cha tiếp tục  gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng để họ ghi nhận công lao đóng góp của chú con thì cha mới ngậm cười nơi chín suối.

 

Nghe lời cha dặn, anh Luân bèn đến cậy nhờ luật sư Lê Minh Tâm. Là người am hiểu về pháp lý và quy định của nhà nước về lĩnh vực này, nên luật sư Lê Minh Tâm đồng ý tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn gia đình anh Võ Văn Luân thực hiện những việc làm cần thiết. Năm 2012, gia đình anh Võ Văn Luân vỡ òa niềm vui khi hồ sơ của liệt sĩ Võ Viết Chưng được công nhận bởi tấm bằng “Tổ quốc ghi công” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký.

 

Sau đó vài tháng, vào ngày 19-6-2012, UBND phường Bắc Lý đã tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Võ Viết Chưng để ghi nhớ sự hy sinh của ông và những người đã ngã xuống cho tương lai tươi sáng của dân tộc.

Tác giả : Minh Văn

Bình luận

Bài viết liên quan

Thư ngỏ của hội cựu chiến binh xã Hạ Trạch
Thư mời dự lễ khánh thành cổng xóm 16
Trồng cây trên các tuyến đường vào Cồn Cui
Thư chúc tết
Thư kêu gọi ủng hộ kinh phí lát gạch sân Đình và tôn tạo một số hạng mục Đình làng

Video clip