Mệ Lưu Thị Thám, nữ y tá làng thời chiến

18:54 - 07/06/2016

Chuyện về y tá làng thời chiến qua ghi chép và ảnh của anh Lưu Văn Lộc và Đặng Văn Quang

Chiến tranh đi qua đã lâu, nỗi đau mất đang dần vơi đi. Nhưng những ký ức về một thời ác liệt sẽ khó phai với những ai đã từng sinh ra và lớn lên trong lửa đạn chiến tranh. Trong tôi, cậu bé sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, 6 tuổi đã theo dòng người đi K8 vẫn còn đọng lại hình ảnh những con người bình dị nhưng hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đó là những y tá làng thời chiến. Họ cũng bình thường như bao người bình thường khác, nhưng với tôi họ thật cao quý bởi họ vừa là nông dân, vừa là chiến sỹ và cao cả hơn, họ là những thầy thuốc của làng chữa bệnh cứu người. Thỉnh thoảng về làng, gặp lại những y tá làng thời chiến, nhiều kỷ niệm rơi vãi lại hiện về. Một trong số những y tá làng thời chiến ấy có bà, Lưu Thị Thám.

Mệ Lưu Thị Thám

Năm 1963 bà được cử đi học lớp y tá sơ cấp mấy tháng rồi về làng làm y tá xã. Phải nói rằng, những đứa trẻ sinh ra trong những năm thập kỷ 60, 70 và cả những năm 80 của thế kỷ trước ở Cao Lao Hạ, đa phần đã qua đôi bàn tay nâng đỡ, chăm bẵm “cắt rốn chôn rau” của bà. Tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ dưới bàn tay nâng niu của những “bà đỡ” – y tá làng át đi tiếng bom rền đạn réo. Nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện của những người mẹ “vượt cạn” thành công dưới những căn hầm ẩm ướt, trong những ngôi nhà tranh dột nát làm tan đi những nỗi đau chiến tranh. Họ thầm cảm ơn những y tá làng, người luôn sát cánh bên mẹ con họ, giúp họ mẹ tròn con vuông.

  

Dụng cụ còn sót lại của mệ Lưu Thị Thám khi làm y tá làng

Bao thế hệ lớn lên nhờ đôi bàn tay nâng đỡ của bà nay đã trưởng thành. Nhiều người vẫn không quên công ơn của bà, thỉnh thoảng về thăm, nhắc lại những kỷ niệm đã được bà cứu chữa trong chiến tranh. Mới đây, anh Lưu Quý Thông, một trong rất nhiều người đã từng được bà cứu chữa về thăm bà. Anh kể, hồi đó anh bị thương, mảnh bom bắn vào mặt, máu me chảy đầm đìa, bà đã khâu lại vết thương cho anh. Không dùng thuốc gây mê, gây tê, chỉ với đôi bàn tay khéo léo, giọng nói nhẹ nhàng êm ái đã là liều thuốc giảm đau thần kỳ giúp anh quên đi đau đớn. “Chịu khó nghe, ạ khâu là mau lành lắm, sau này còn đẹp trai, có duyên hơn chừ nữa đó. Mai mốt ra ngoài ve con mô thiệt khéo đem về cho ạ coi với”. Anh bảo, cứ mỗi lần soi gương, nhìn thấy vết sẹo trên mặt là lại nhớ và biết ơn mệ Thám. Thỉnh thoảng gặp chúng tôi, anh còn khoe, vết khâu của bà, một y tá làng sơ cấp, đẹp không kém một bác sỹ chuyên khoa.   

Bà kể, thời chiến tranh, đội ngũ y bác sỹ làng vô cùng vất vả nhưng rất nhiệt tình xông xáo. Nghe tin ở đâu có người bị thương, ốm đau là anh chị em có mặt ngay. “Ai kêu mô chạy nấy, không kể đêm hôm mưa rét, để việc nhà mình đó đã”.  Không chỉ cứu chữa cho bà con trong làng mà còn đến từng trận địa pháo cao xạ, trận địa tên lửa ở phà Gianh, Hói Hạ, Lều Cù, Ba Trại để cứu chữa thương binh, khâm liệm tử sỹ. Đi đi bộ hàng chục cây số để nhận thuốc men gánh về. Thầy thuốc với người bệnh thật gần gũi, luôn tìm đến với người bệnh chứ không phải ngồi ở trạm xá chờ người bệnh đến. Với bà, do làm chuyên trách nữ hộ sinh, “bà đỡ” Lưu Thị Thám có mặt ở mọi nơi khi có bà bầu “vượt cạn”. Không phải như bây giờ, bà bầu chỉ việc ăn chực nằm chờ, bồi dưỡng tẩm bổ thuốc này thuốc kia, rồi siêu âm xét nghiệm cũng phải tìm đến bệnh viện cao cấp. Bà bầu ngày ấy bụng vượt mặt vẫn phải sản xuất, phục vụ chiến đấu. Có những ông chồng đang cày ruộng, nghe tiếng vợ kêu đau bụng khi đang cấy mùa vội hớt hải chạy đi tìm bà  “Ạ ơi, cấy tui đau đẻ trước đồng, mau nhờ ạ ra”. Thế là bỏ hết mọi việc, vơ vội mấy thứ cần thiết chạy thật nhanh. Chuyện các bà bầu đẻ rơi giữa đồng, bến đò, sân kho hợp tác không phải là hiếm. Thế mới biết, công lao các “bà đỡ” trong thời chiến là vất vả thế nào. 

   

Ký ức khắc mãi trong tôi là hình ảnh chiếc ấm nhôm đen nhẻm, cái hộp nhôm đựng bơm kim tiêm, nón lá, áo tơi của những y tá làng thời chiến cùng những đôi chân trần đi khắp làng trên xóm dưới. Trưa hè nắng rát cũng như đêm đông mưa rét. Những đôi chân trần bấm chặt trong bùn đi khắp các nẻo đường làng lầy lội đến tận từng nhà, từng trận địa pháo để chăm sóc bệnh nhân. Thầy thuốc đến nhà người bệnh, ngồi bên bếp lửa chờ ấm nước sôi để luộc sát trùng bơm kim tiêm. Mội mũi kim tiêm phải cất để dùng đi dùng lại nhiều lần, tiêm cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Chân tình hỏi thăm bệnh nhân, không có khoảng cách bệnh nhân thầy thuốc. Thầy thuốc chẩn đoán tại chỗ, tiêm thuốc, cho thuốc tại chỗ. Không có những cái bắt tay xã giao, không quà không cáp. Tình người trong chiến tranh sao mà cao quý thế.  Những bác Liên, bác Lượng, o Trạn, o Năm… lúc nào cũng nhiệt tình hăng hái, với những khuôn mặt hiền từ, thật sự là những “lương y như từ mẫu” luôn mãi trong tôi.

  

Bà con Đồng Hới thăm mệ

Thế hệ những y tá làng thời chiến nay đã già lắm rồi, có người đã thành thiên cổ. Công lao của các bác cũng đã được nhà nước ghi nhận bằng những tấm huân, huy chương, là những đồng tiền trợ cấp dù chưa nhiều. Nhưng đó cũng là những phần thưởng xứng đáng, là niềm động viên an ủi về già.

Nhưng với bà, niềm vui không trọn vẹn. Nhà nước cũng đã biết đến và ghi nhận công lao bà bằng tấm Huân chương kháng chiến Hạng Ba do chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tặng. Nhưng như thế là chưa đủ, chưa xứng đáng với những đóng góp mà bà đã cống hiến cho y tế xã nhà trong suốt thời kỳ chiến tranh. Mấy chục năm nay, hai ông bà sống nhờ số tiền ít ỏi của chồng bà, ông Lê Chiêu Hợi, một cán bộ tín dụng HTX về hưu. Trời cũng không cho ông bà một đứa con để có chút niềm vui khi chiều tà xế bóng. Bà kể, bà làm y tá xã từ năm 1963 đến năm 1983 thì nghỉ việc, không lương không bổng. Khi nhà nước có chủ trương làm chế độ trợ cấp người có công, bà cũng nằm trong diện được xét. Nhưng chẳng biết vì lý do gì, cuối cùng tên bà bị gạt ra khỏi danh sách xét duyệt. Bà cũng đã nhờ một vài người bà con giúp đỡ để làm lại, bao nhiêu hồ sơ giấy tờ bà đưa cho họ hết. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, trong khi những người cùng làm ở trạm xá với bà đều được hưởng chính sách thì bà vẫn cứ mòn mỏi đợi. Cuối cùng, hỏi ra mới biết là không ai nhiệt tình giúp bà cả. Không những vậy, họ còn làm mất hết hồ sơ giấy tờ. Vậy nên, cứ mỗi lần nhà nước có chủ trương làm chế độ cho người có công, bà đều không được. Mỗi lần có ai hỏi đến chuyện này, bà lại chua chát, mắt nhìn xa xăm luyến tiếc một đều gì đó trong vô vọng. Nhiều trận đau thập tử nhất sinh nhưng bà chẳng dám đi bệnh viện. “Cũng may là trời còn thương mệ, cho mệ sống đến tám mươi để mệ còn được hưởng chút tiền nhà nước phụng dưỡng tuổi già”. Trời ơi, hai ông bà già yếu, mấy chục năm sống bằng một suất lương của một cán bộ tín dụng HTX về hưu mà vẫn lạc quan: “trời thương mệ cho mệ sống đến tám mươi”...

  

Ngoài tấm huân chương này mệ không  được hưởng thêm chính sách gì nữa

Tuy nghèo của cải nhưng tấm lòng bà bao dung rộng lớn. Làng xóm ai cũng quý mến, cảm phục bà. “Mệ Thám ư, cả làng ni hiếm người như mệ”. Nhiều người đã nói về bà như thế.

Người xưa dạy: “Có phúc có phần” thật không sai. Nhưng với bà, một người phụ nữ phúc hậu, đức độ hiền từ như thế, sao phần bà chỉ toàn phần khổ?

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip