Chuyện xin chữ và cho chữ ngày xuân

18:10 - 09/02/2012

Hán Nôm (Chữ Nho) là loại chữ tượng hình, mỗi chữ thể hiện một hình ảnh, một bức tranh và người viết là họa sỹ.

 

Ngày xưa, cứ mỗi độ xuân về, các gia đình ngoài việc trang hoàng lại không gian trong nhà, treo các bức tranh, câu đối mua sẳn ngoài chợ về để đón tết, còn treo các chữ nho “xin” từ các cụ đồ để cầu mong một năm mới tốt lành, thành đạt theo mong ước của mình. Vì vậy, thời gian này những người viết chữ đẹp, các thầy dạy học (thầy đồ) bận rộn công việc viết chữ, cho chữ. Miêu tả cảnh cho chữ, trong bài thơ nổi tiếng “Ông Đồ” nhà thơ Vũ Đình Liên viết:

 

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay…”

Khi được xin chữ, các thầy đồ sử dụng bút lực mà viết tặng cho người xin cái tâm, cái tài của mình qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin. Mặc dù người xin chữ trả tiền nhưng không ai gọi là mua bán chữ, chỉ có người mua giấy để xin chữ hoặc thầy đồ mua giấy để cho chữ. Người cho chữ vẫn nhận được tiền thù lao nhưng cách gọi rất tinh tế, không bình thường này lại thể hiện được nét thanh tao của công việc. Các thầy đồ không phải quan tâm chuyện giá cả, tiền nong mà toàn tâm vào công việc cho chữ mang vẻ tao nhã này.

 

  

 

Người xin chữ có thể yêu cầu người viết theo chữ đề nghị của mình, cũng có thể nhờ thầy tư vấn hoặc đối với những thầy đồ biết âm dương ngũ hành thì dâng thầy một ít tiền để thầy gieo một quẻ bói năm mới trước khi xin chữ. Chữ thầy viết phổ biến là bằng bút cọ, mực tàu trên giấy đỏ nhưng có khi dùng mực son viết trên giấy điệp, giấy bản (giấy dó) hoặc trên vải đỏ, vải vàng. Tờ giấy thầy viết có thể vuông hoặc dài tuỳ theo số chữ nhưng phải đủ to để gia chủ treo hoặc dán vào vách nhà và đọc được dễ dàng.

 

  

 

Có khi thầy đồ sử dụng các điển tích cổ, những từ trong truyện Kiều để cho chữ, cũng có người xin được chữ nhưng chưa rõ nghĩa thì hỏi để được giảng giải ý nghĩa của chữ mình được cho. Chữ xin cho có thể là một chữ như 福phúc,  祿lộc, 壽 thọ, 康khang, 寧ninh, tâm,nhẫn…, cũng có thể 2 chữ như 富 貴 phú quý, 榮華vinh hoa,大 吉đại cát, 大 利đại lợi…, 3 chữ như 萬事 vạn sự thành, 福 phúc đáo gia… hay 4 chữ như萬 事 如 意vạn sự như ý,  富 貴安 康phú quý an khang, 新 春 如 意tân xuân như ý, 春 日 平 安  xuân nhật bình an … hoặc những chữ viết như hoành phi treo ở cửa進財進祿tấn tài tấn lộc,金 玉 滿 堂kim ngọc mãn đường, 五 福 臨門ngũ phúc lâm môn….hoặc treo hai bên như câu đối天 增 歲月 人 增 壽. 春 滿乾 坤 福 滿堂 Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ . Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường,新 年 幸 福 平 安 進. 春 日 榮華富 貴來 Tân niên hạnh phúc bình an tiến . Xuân nhật vinh hoa phú quý lai,歲有 四 時春 在 首 . 人 生 百 幸 孝 為先 Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ . Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên (Một năm có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu . Người sống có trăm tính, hiếu thảo là trước tiên)…

 

Bên cạnh chữ nội dung chính các thầy đồ cũng thường viết lên các dòng chữ nhỏ để giải thích nghĩa chữ như cạnh chữ Phúc có dòng chữ nhỏ 福 如 東海 Phúc như Đông Hải  hoặc  福深 似 海 Phúc thâm tự Hải, bên cạnh chữ Lộc viết dòng chữ 祿 高 如 山 Lộc cao như sơn, bên cạnh chữ Thọ viết dòng chữ 壽 比 南 山 Thọ tỷ Nam sơn… Còn một bên thầy đồ thường viết thời gian, ngày tháng viết chữ và đóng dấu son hiệu tự (tên tự) của mình.

 

Tôi nhớ hồi nhỏ vào một ngày đầu xuân, có một người phụ nữ ngoài 30 tuổi đến nhà ông tôi xin chữ, chị nách một cái rổ Tiến (Loại rổ có đế bằng vành tre, đan rất đẹp có nắp là một cái mẹt nhỏ thường dùng cho các bà đi chợ ngày xưa), trong đựng một cút rượi và một cơi trầu, chị đặt trầu rượi lên bàn và trình bày với ông tôi xin chữ đầu năm, ông hỏi: “Ả ưng trự chi”, chị ta trả lời: “Dạ trự chi cũng nhờ thầy, chớ con không biết”. Ông tôi vừa mài mực vừa hỏi tuổi tác gia cảnh mới biết chị đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa có chồng vì tình duyên nhiều lần trắc trở, ông tôi bấm ngón tay đọc quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, các sao Kế, Hán, Mộc, Âm, Thổ, La, Dương, Bạch, Thủy, lại đọc các cửa Trường sinh, Mộc dục, Quan đái, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng, bấm tiếp Quý, Kiếp, Đao, Thương, Ấn, Quyền, Cô, Hùng, Khấp, Thọ, Hâm, Bại rồi nói rằng: “Số tử vi của ả có sao Cô thần, Quả tú nhưng cũng có Thiên phúc, Thiên đức, Thai phụ…  tuy tình duyên có trắc trở nhưng năm ni có tin vui đây”. Chị ta nói “Nói thiệt với thầy có một eng bộ đội xin hỏi nên con đến hỏi thầy coi năm ni được không”, ông trả lời : “Trước tê thì ai ưng ả cũng không cưới được nhưng chừ thì ả cưới ai cũng được”, nói rồi ông chấm mực viết lên tờ giấy đỏ một chữ khá nhiều nét, đợi mực khô ông cuộn lại trao cho chị dặn về treo gần chỗ ngủ, chị gửi tờ 5 đồng bạc nhưng ông không lấy mà dặn: “Ả cầm về mà lo chuyện dôông con”. Chị ta nách rổ ra về, tôi đến hỏi ông viết chữ gì thì ông nói đó là chữ Tình .

 

Cũng có người xin chữ để tặng cha mẹ, anh em, bạn bè trong dịp năm mới, cầu chúc cho họ trường thọ, nhiều tài lộc, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

 

  

 

Ngày nay, người cho chữ cũng có thể dùng chữ quốc ngữ viết kiểu thư pháp để cho chữ nhưng không nhiều. Nền nho học ngày xưa tuy đã lụi tàn vì được thay thế bằng chữ quốc ngữ ít rối rắm hơn, phương pháp dạy và học cũng được liên tục cải cách nhiều lần nhưng truyền thống quý báu tôn sư trọng đạo, đề cao tri thức, chữ nghĩa được hình thành trong nền nho học của dân tộc ta không bao giờ mất, vì vậy chữ hán nôm vốn có ý, nghĩa sâu xa cũng vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Tuy nhiên việc xin chữ, cho chữ vào ngày xuân không còn như xưa nên để lại cho mọi người một sự nuối tiếc, hoài niệm, trăn trở mà Nhà thơ Vũ Đình Liên thể hiện dưới ngọn bút tài ba:

 

…Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

 

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Bình luận

Bài viết liên quan

Mồ côi
Chùm thơ của người Cao Lao Hạ
40 năm ngày tịu trường
Không đơn giản khi mưu sinh trên đất khách
Tám năm trang web làng

Video clip