Con gà trống

19:29 - 17/12/2013

Truyện ngắn dựa trên một câu chuyện có thật của tác giả Lưu Văn Lộc

 

Bây giờ, Quyền Văn và Huyền Nga đã thành ông thành bà, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, là niềm mơ ước của bao người. Họ đến với nhau từ một sự kiến bất bờ. Bởi, không ai có thể hình dung nổi tỉnh yêu lại nảy nở từ một tình huống oái ăm như thế.

 

Hồi đó, cách đây hơn 40 năm, Quyền Văn tốt nghiệp đại học ở một trường sư phạm nổi tiếng. Anh được phân công về dạy học ở một tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ. Không thể tả nổi niềm vui sướng và tự hào của gia đình và bà con làng xóm ngày Quyền Văn về quê sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Mấy ngày nghỉ hè rồi cũng qua mau, Quyền Văn khăn gói chuẩn bị lên đường nhận công tác. Hành lý của anh chỉ là mấy bộ quần áo cũ, vài chục cuốn sách, vài chục đồng bạc có được nhờ  mẹ bán chục trứng gà ở chợ Hạ.

 

Nhà Quyền Văn nghèo. Thấy con chuẩn bị đi xa, chẳng có của cải gì cho con làm vốn, bố mẹ thương anh lắm, nhất là mẹ anh. Tiền bạc không có đã đành, tài sản chẳng có gì đáng giá… Đang suy nghĩ mông lung, bỗng mẹ gà mất trứng kêu toác…toác làm mẹ anh giật mình. Tiếc lứa gà mới ấp, nhưng không bán thì lấy đâu tiền cho con.  Bất chợt, bà loé lên ý nghĩ: hay là cho Quyền Văn mang luôn con gà mái này đi. Ra ngoài đó chăm con gà cho vui, lại có trứng ăn. Ý định này được bà nói với ông. Ông lưỡng lự một hồi rồi cũng gật đầu đồng ý. Thôi, cho con mang đi, vụ tới bán mấy thúng thóc mua lại mạ gà khác. Ông ra cuối vườn, chặt cây tre, đan luôn cái lồng.

 

Lúc đầu Quyền Văn cũng ngại. Đẹp trai thư sinh, lại là thầy giáo, ai lại xách theo con gà hàng trăm cây số. Phải mất mấy ngày đường chứ ít đâu. Dọc đường lỡ gặp người quen thì xấu hổ chết. Hơn nữa, con gà có sống nổi mấy ngày đường không? Nhưng, cuối cùng anh cũng phải chiều mẹ.

 

Dọc đường, đúng là hết khổ với mẹ gà. Khi thì phân vương vãi ra quần áo, lúc lại kêu quang quác trên tàu. Anh bạn cùng đi cứ gạ đem vào quán đổi mấy bát cháo cho xong, vừa ngon, vừa nhẹ người. Anh định buông xuôi nhưng nghĩ đến ánh mắt mẹ và đứa em gái, lại thôi. Sau mấy ngày vất vả, Quyền Văn và mẹ gà cũng đến nơi an toàn.

 

Sau khi nhận phòng tập thể, cất vội hành lý, Quyền Văn bắt tay làm ngay cho mẹ gà cái chuồng. Vốn khéo tay, con nhà lao động nên việc này với anh quá dễ. Mấy đồng nghiệp trong khu tập thể người cho tấm ván, kẻ vài thanh tre, người sang phụ giúp đóng đinh, buộc lạt. Chỉ trong 1 buổi, cái chuồng gà nho nhỏ xinh xinh hoàn thành. Mấy ngày bị tù túng, giờ được tự do, mẹ gà vươn cổ, đập cánh phành phạch.

 

Ngoài giờ lên lớp và soạn giáo án, anh quấn quýt bên mẹ gà. Nhờ được chăm sóc chu đáo, chỉ một thời gian ngắn, mẹ gà béo tốt hẳn ra. Rồi những quả trứng đầu tiên cũng ra đời. Không những có ăn, anh còn mang cho bạn bè đồng nghiệp. Không biết từ khi nào, việc chăm sóc mẹ gà không còn là của riêng Quyền Văn nữa. Mẹ gà trở thành tài sản chung của xóm tập thể.

 

Mọi việc cứ diễn ra bình thường, cho đến một ngày….

 

Lần đó, vào kỳ thi tốt nghiệp, Quyền Văn được điều động đi coi thi ở một trường cấp 3 huyện bên, cách chỗ ở mấy chục cây số. Anh phải ở lại nơi này suốt thời gian coi thi. Hết coi thi, lại chấm thi. Hơn nửa tháng sau, anh mới quay về khu tập thể. Kiểm tra ổ trứng, mẹ gà vẫn còn nằm lỳ trong đó. Nhẹ nhàng nâng mẹ gà lên, anh không tin vào mắt mình khi trong ổ có hơn chục quả. Chà! Mình đi vắng hơn chục ngày, tưởng chị gà bị bỏ đói sẽ không đẻ, nào ngờ vẫn có hơn chục trứng. Mà phải rồi, mình đi vắng thì còn có mấy người ở nhà, mẹ gà đã là của chung rồi mà. Hơn chục quả trứng, ngày mai, mang cho mỗi người mấy quả.

 

Anh đuổi nó xuống. Nó vẫn nằm lỳ, xù lông xù cổ có vẻ giận dữ. Anh bắt nó ra khỏi ổ, thả xuống đất, định lấy hết trứng. Bất ngờ, chị gà lại nhảy lên, xù lông xù cánh, mổ vào tay anh mấy cái rồi nằm lên ổ, xoè cánh ấp gọn ổ trứng. Anh à lên: Thì ra mẹ gà đang ấp. Quả này sẽ có chục chú gà con chào đời đây.  Anh thông báo với mọi người, ai cũng vui lây cùng anh

 

Nhưng rồi, 5 ngày, 10 ngày, hai mươi ngày sau mà mẹ gà vẫn miệt mài ấp. Hơn hai chục ngày trôi qua mà chả thấy chú gà con nào ra đời. Không chỉ anh, mọi người ai cũng thấy sốt ruột. Bỗng cô Mai, cùng xóm tập thể thốt lên: Anh Quyền Văn ơi, suốt thời gian qua, em có thấy chú gà trống nào đến ve vãn gà mái của anh đâu. Mà gà mái nhà anh cũng suốt ngày luẩn quẩn trong chuồng thì lấy đâu ra…Nói xong cô bụm miệng cười khúc khích. Anh vỡ nhẽ: Ừ nhỉ, gà có trống đâu mà bảo ấp với chả nở. Đúng là đàn ông đàn ang, chẳng hiểu gì về … đẻ.

 

Anh lấy ra mấy quả trứng, cùng mọi người mang kiểm tra. Thôi, hỏng hết rồi, lắc cái nào cũng nghe ọc ạch. Cô Mai với tay cầm 1 quả, giơ lên, xoay qua xoay lại, lắc lắc. Cô lắc mạnh quá, quả trứng rơi xuống đất, vỡ tan. Một mùi thum thủm xông lên. Anh lấy 1 quả khác đập ra. Lại cái mùi thum thủm thối. Trứng ung hết rồi! Tại không có trống đây mà. Mất toi hơn chục quả trứng. Tiếc quá.

 

Từ cái sự kiện này nên đi đâu anh cũng bị mọi người trêu chọc. Cô Mai còn gán cho anh biệt danh “trứng ung” nữa chứ.

 

Nhưng, nhờ cái vụ trứng ung mà anh nảy ra một sáng kiến. Thế rồi, hàng ngày, anh bí mật thực hiện sáng kiến độc nhất vô nhị này.

 

Bên kia đường, nhà ông Tám có một đàn gà hơn chục con. Trong đàn, có chú trống choai to lớn, dáng dấp bệ vệ oai phong. Đây chính là mục tiêu để anh thực hiện sáng kiến. Mỗi trưa, lúc mọi người nghỉ ngơi, xóm làng im ắng, anh lẳng lặng ôm mẹ gà qua phía hàng rào nhà ông Tám. Anh vén mấy cành dâm bụt tạo ra một lỗ nhỏ, nhẹ nhàng thả mẹ gà xuống vệ đường, nín thở chờ đợi. Hình như phảng phất đâu đây có hương bồ kết quyện lẫn mùi rơm mới. Mọi việc sau đó xảy ra đúng như kịch bản của anh. Thấy mái lạ, chú trống choai chui ra khỏi hàng rào, làm mấy động tác thị uy, ra oai kiểu con nhà võ. Mẹ gà nhà anh lâu ngày khát trống, hai chân chực khuỵu xuống, đứng im một chỗ, người cứ run bần bật. Chỉ chờ có vậy, chú gà trống múa một vòng quanh mẹ gà mái rồi leo lên. Mấy giây sau, chú trèo xuống, lảo đảo bước đi, chui qua lỗ nhỏ vào vườn, vỗ cánh phành phạch, vươn cổ gáy vang, tỏ vẻ khoái chí lắm. Anh nhanh tay ôm mẹ gà về. Mọi việc diễn ra chỉ trong chốc lát, không một ai nhìn thấy.

 

Đã chục ngày trôi qua, cũng là chừng ấy buổi trưa anh làm cái việc “ngoại tình”cho gà. Ổ trứng cũng gần chục quả. Chỉ cần chịu khó cho mẹ gà “đi” thêm một hai lần nữa là sẽ có một ổ trứng mỹ mãn. Rồi những chú gà con sẽ ra đời. Phen này thì cô Mai nghịch như quỷ hết gọi là ta là “trứng ung” nhé.

 

Trưa hôm ấy, anh định là lần cuối. Vẫn vào cái giờ ban trưa, vẫn nơi hàng rào dâm bụt nhà ông Tám. Mọi việc vẫn diễn ra như trước. Để kết thúc “chiến dịch”, sau hiệp 1, anh để 2 “anh chị” nghỉ vài phút rồi cho “chiến đấu” hiệp 2. Lần cuối mà, từ nay về sau hết cảnh rình mò như kẻ trộm. Nhưng, chờ mãi, 10 giây, 30 giây, rồi hơn 1 phút mà chú trống choai vẫn chưa chịu xuống. Ngồi cách mấy bước chân, nhìn qua cành dâm bụt là tà, anh chỉ thấy chú gà trống, còn chị gà mái thì chẳng thấy đâu.  Mà lạ thật, sao chú gà trống lại nằm im thế kia. Anh rón rén lại gần, mẹ gà cũng nằm bất động dưới chú trống choai. Anh lấy một cành cây khều nhẹ vào chú gà trống. Cũng chẳng thấy núc nhích. Gay rồi, chết mất gà rồi. Anh với tay chụp lấy chú gà trống. Thân gà nóng ấm trong tay anh. Bỗng, chú gà trống giật mình kêu toáng lên. Cũng là lúc ông ông Tám xuất hiện.

 

Ông Tám hô hoán lên. Người nhà chạy ra. Thầy cô giáo chạy ra. Hàng xóm láng giềng chạy tới. Chỉ một loáng, anh bị vây giữa đám người mỗi lúc một đông. Ông Tám bước tới, chỉ vào con gà trống trên tay anh, lớn giọng: Bà con nhìn rõ nhé, đây là thầy giáo Quyền Văn mà lâu nay lũ trẻ trong xóm vẫn thường ca ngợi. Mọi người thấy đó, chú gà trống thầy đang ôm này là gà nhà tôi, con trống choai đẹp nhất cái xóm này. May mà trưa nay tôi dậy sớm, định ra đồng gặt nốt đám ruộng để chiều còn đi ăn cỗ nên mới phát hiện được. Nếu không, tối nay nó được thầy cho vào nồi rồi. Nhân chứng vật chứng có đủ cả, hết đường chối cãi nhé.

 

Anh đứng như trời trồng hai tay vẫn ôm chặt chú gà trống.

 

Có người ở ngoài nói vọng vào: Việc rõ như ban ngày, lập biên bản rồi giao công an giải quyết. Phen này thầy “mất dạy” là cái chắc.

 

Một người đàn ông đứng tuổi bước lên, đó là trưởng thôn Hà, trong tay cầm tập giấy bút, nói: bà con trật tự để chúng tôi lập biên bản.

 

Quyền Văn mặt cắt không ra máu. Trong khi trưởng thôn Hà làm biên bản, anh suy nghĩ miên man. Sự việc không ngờ lại rắc rối đến vậy. Anh nghĩ, chỉ “trưng dụng” gà trống hàng xóm mươi ngày là xong. Ai ngờ, lần cuối cùng lại xảy ra sự cố trớ trêu này. Việc này mà đến tai nhà trường thì còn mặt mũi nào đến lớp được nữa. Họ mà gửi giấy về địa phương thì bố mẹ làm sao ngẩng mặt lên với hàng xóm. Quyền Văn ơi là Quyền Văn! Mày nghĩ mày thông minh lắm, tưởng không ai biết. Tình ngay lý gian. Phen này sự nghiệp tan tành mây khói nhé. Uổng công ăn học mấy chục năm. Lại mang tiếng đời nữa chứ! Mà cũng tại nghèo cả. Nếu có tiền mua thêm con gà trống thì đâu xảy ra chuyện. Bầu trời như tối sầm trước mặt. Anh ước mình có phép độn thổ để chui xuống đất.   

 

Biên bản lập xong, trưởng thôn Hà chuẩn đọc lại cho mọi người nghe thì vừa lúc cô Huyền Nga, con gái ông Tám, giáo viên dạy cùng trường với anh, đi thăm người bạn ốm ở làng bên về. Thấy nhà mình mọi người xúm đen xúm đỏ, ở giữa là thầy Quyền Văn mặt tái mét. Lại có cả ông trưởng thôn với nét mặt nghiêm nghị cầm tờ giấy trên tay. Huyền Nga rẽ đám đông, hỏi:

 

Có chuyện gì vậy, bố?

 

Ông Tám chưa kịp trả lời thì trưởng thôn Hà nói: Có cả cô Huyền Nga đây nữa, mời bà con và cô nghe luôn, rồi cô sẽ hiểu.

 

Trưởng thôn Hà hắng giọng mấy cái, dõng dạc đọc lại nội dung sự việc xảy ra. Nghe xong, Huyền Nga bất ngờ lao tới giật lấy tờ giấy trên tay trưởng thôn Hà rồi la lên: Không phải! Không phải! Không phải vậy! Anh ấy không phải là kẻ trộm…Anh ấy chỉ…. Ông Tám sẳng giọng: Không phải là không phải cái gì? Buổi trưa vắng vẻ sang nhà hàng xóm rình mò. Lại còn con gì đó hả? Phải để công an giải quyết, phạt thật nặng cho chừa cái thói ấy đi.

 

Huyền Nga lúc này đứng hẳn về phía Quyền Văn, giọng lạc đi: Không phải! Không phải bố ơi! Không phải đâu bà con ơi! Anh ấy không ăn trộm! Mọi người tin cháu đi! Bố tin con đi!

 

Trưởng thôn Hà nhận thấy có vấn đề gì đó cần làm sáng tỏ, ông tuyên bố: Mọi người giải tán ai về nhà nấy. Mời anh (chỉ Quyền Văn), bác Tám và cô vào trong nhà làm việc. À, mời thêm cô Mai cùng đi để làm nhân chứng. Mọi người giãn ra, bàn tán xì xào một lúc rồi giải tán. Quyền Văn cúi đầu lặng lẽ đi vào nhà ông Tám, hai tay vẫn ôm chặt chú gà trống.

 

Huyền Nga xin phép bố và trưởng thôn Hà nhốt chú gà trống vào lồng rồi kể lại sự việc mà cô đã chứng kiến suốt hơn 10 ngày qua.

 

Mọi người chăm chú nghe Huyền Nga kể. Nét mặt căng thẳng của ông Tám từ từ giãn ra. Quyền Văn lắng nghe không bỏ sót một lời. Anh bắt đầu bình tĩnh trở lại, ánh mắt chăm chú nhìn Huyền Nga với lòng biết ơn. Nghe xong câu chuyện, trưởng thôn Hà hỏi anh, anh ấp úng:  dạ…dạ… đúng như vậy ạ.

 

Trưởng thôn Hà bảo: Cô nói cũng có lý nhưng cô lấy gì làm bằng chứng. Huyền Nga khẳng khái: Bố và mọi người đợi thêm khoảng 20 ngày nữa, chờ ổ gà anh Quyền Văn nở sẽ biết, lúc đó buộc tội anh ấy cũng chưa muộn. Ông Tám và trưởng thôn Hà  trao đổi một lúc rồi cũng chiều theo ý Huyền Nga.

 

Thời gian sau đó trôi đi sao mà chậm chạp đến thế. Mỗi ngày đến trường là một nỗi buồn khó tả. Anh mong cho tiết học trôi đi thật nhanh để tránh ánh mắt của đồng nghiệp, của học trò. Quyền Văn đếm từng ngày. 1…2…3….rồi 18..19…20….

Ngày ấy cũng đến. Buổi sáng hôm đó, nghe tiếng gà con kêu chiêm chiếp, anh chạy tới chuồng gà. Không chỉ 1 con, 2 con mà 10 chú gà con xinh xắn ra đời. Quyền Văn vỡ òa sung sướng. Anh chạy nhanh sang nhà ông Tám.

 

Quyền Văn được giải oan. Sau đó, từ sáng kiến của anh, nhà trường nơi anh dạy đã phát động phong trào mỗi học sinh trồng 1 cây nuôi 1 con. Phong trào nuôi gà phát triển rầm rộ. Em này nuôi gà trống, em kia gà mái. Hàng ngày, sau giờ học, mang gà qua lại nhà nhau vui đáo để. Anh được ông Tám cho phép qua lại để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Ông còn biếu luôn anh con gà trống “vật chứng” để làm giống. Không những vậy, ông còn là người tích cực nhất trong việc tác thành cho mối tình Quyền Văn – Huyền Nga như ngày hôm nay.

 

Một lần, ngồi bên nhau dưới ánh trăng, Huyền Nga nhỏ nhẹ: mấy buổi trưa ngày đó, nếu em không gội đầu, hóng gió bên cửa sổ ngoảnh ra vườn thì…Mà anh biết vì sao 2 chú gà lúc đó nằm im như chết không? Tại nó quá sức đấy! 

 

Quyền Văn cười âu yếm, quàng tay ôm lấy Huyền Nga…

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip