Công trình thủy lợi vực sanh nguy cơ không có nguồn nước

15:36 - 16/08/2014

Phóng sự phản ánh về nguy cơ cạn dần nguồn nước của hồ Vực Sanh của anh Lê Chiêu Phùng

 

Lời Ban biên tập: Phóng sự "Công trình thủy lợi vực sanh nguy cơ không có nguồn nước" phản ánh một hiện tượng rất đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến quê hương Hạ Trạch của chúng ta. Mong rằng, các cấp chính quyền cùng toàn thể bà con quê hương trong và ngoài làng quan tâm và cùng chung tay giải quyết. Có được phóng sự này, anh Lê Chiêu Phùng đã mất rất nhiều thời gian, công sức thể hiện một tấm lòng, sự tâm huyết và trách nhiệm rất lớn đối với quê hương. Xin trân trọng gửi tới bà con phóng sự của Anh 

 

Công trình thủy lợi vực sanh nguy cơ không có nguồn nước

 

Hồ chứa nước Vực Sanh xã Hạ Trạch là công trình thủy lợi lớn của huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Là một trong những công trình “mẫu mực về công tác quản lý, khai thác phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và dân sinh” của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Quảng Bình.

 

 

Xây dựng vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước và nhiều lần công trình thủy lợi Vực Sanh được Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình đầu tư nâng cấp nhằm tăng diện tích tưới cũng như đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương. Những năm 1983, 1984… đặc biệt năm 2013, lũ lớn xẩy ra trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều công trình thủy lợi như Khe Chù, Cửa Mương…huyện Quảng Trạch, Đá Mài, Đồng Ran, Mù U, Trọt Hóp…huyện Bố Trạch và nhiều công trình khác bị trôi, vỡ, sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, thì công trình thủy lợi Vực Sanh vẫn an toàn.

 

 

Theo thiết kế, công trình thủy lợi Vực Sanh có lưu vực trên 4,5 km2, sức chứa gần 3,2 triệu m3 nước, trong đó nguồn nước hữu ích đạt gần 2,5 triệu m3. Tuyến đập chính dài 382m, cao trình đập 19,5m, cao trình tường chắn sóng 20,3m, hệ thống tràn tự do rộng 33m, được bê tông kiên cố, hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 cũng như một phần kênh nội đồng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Công trình thủy lợi Vực Sanh có nhiệm vụ tưới cho phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp xã Hạ Trạch và một phần diện tích của xã Mỹ Trạch. Đây là một trong những công trình không chỉ đạt thẩm mỷ cao, chất lượng tốt mà còn rất thuận lợi trong việc quản lý, vận hành phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

 

  

 

Ông Nguyễn Hải Long, Cụm trưởng thủy nông bắc Bố Trạch cho biết: “Cụm thủy nông bắc Bố Trạch thuộc Chi nhánh Thủy nông Bố Trạch có nhiệm vụ quản lý, khai thác 3 công trình thủy lợi. Đó là công trình Đồng Ran thuộc xã Bắc Trạch, công trình Vực Sanh và công trình Cửa Nghè thuộc xã Hạ Trạch. Những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chi nhánh và Công ty TNHH Một thành viên quản lý khai thác công trình Thủy lợi Quảng Bình. Sự phối hợp chặt chẻ với chính quyền địa phương, chung sức đồng lòng của cán bộ, nhân viên trong việc quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống dân sinh cho các địa phương. Riêng công trình thủy lợi Vực Sanh, có nhiệm vụ tưới cho 170 ha lúa vụ Đông xuân và 170 ha lúa vụ Hè thu và nước sinh hoạt cho nhân dân xã Hạ Trạch. Ngoài ra, phối hợp với công trình thủy lợi Cửa Nghè tưới gần 100ha lúa vụ Đông xuân và 48 ha lúa vụ Hè thu của xã Mỹ Trạch. Có thể nói, nhờ công tác quản lý, vận hành tốt nên các công trình thủy lợi bắc huyện Bố Trạch nói chung, công trình thủy lợi Vực Sanh nói riêng đã phát huy hiệu quả góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới của các địa phương vùng hưởng lợi. Tuy nhiên công trình thủy lợi Vực Sanh hiện tại đang có nhiều bất cập. Đó là, rừng đầu nguồn công trình đang bị xâm hại nghiêm trọng. Một phần do ảnh hưởng bão lũ, phần do diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị thu hẹp ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cũng như phá vỡ quy luật thiết kế mỗi khi mưa lũ tràn về”.

 

  

 

Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn rừng đầu nguồn công trình thủy lợi Vực Sanh đã và đang bị hủy hoại. Một phần do bão số 10 năm 2013, nhưng chủ yếu do các chủ rừng khai thác. Ông Nguyễn Văn Hồng một người dân địa phương cho biết: “Đất rừng trồng khu vực thượng nguồn hồ thủy lợi Vực Sanh thuộc địa phận xã Hạ Trạch nhưng đã giao cho Lâm trường rừng thông Bố Trạch và Lâm trường lại giao cho các “chủ rừng” quản lý. Khi được giao đất rừng, các “chủ rừng” tiến hành chặt, đốt, làm đất để trồng và sau 4-5 năm họ lại đồng loạt khai thác. Và cứ như vậy, sau khi khai thác, trồng lại, những năm đầu, rừng thượng nguồn Vực Sanh cơ bản không còn”. Cũng theo ông Hồng thì, trận mưa giữa tháng 7 vừa rồi không lớn nhưng nước đổ về rất nhanh kéo theo bùn đất đục ngầu. Các mái rừng dọc khe Khế, khe Nước, khe Mỏ. khe Trù, khe Ngang khu vực Ba Trại đã tạo thành hàng trăm dòng chảy và chắc thời gian không lâu, lòng hồ công trình thủy lợi Vực Sanh chỉ còn chứa đất, bùn và cát từ các mái rừng đổ về.

 

  

 

Ông Nguyễn Văn Chinh xóm 13 xã Hạ Trạch, một trong những gia đình được hưởng lợi từ nguồn nước sinh hoạt của công trình thủy lợi Vực Sanh cho biết: “Năm ngoái, năm kia dù mưa to hay mưa nhỏ, nước sinh hoạt về trong lắm, thế mà năm ni vừa mới mưa, nước đục ngầu không thể dùng được. Các chú lên hồ Vực Sanh mà coi, trận mưa hôm qua, nước các khe suối cuốn theo đất cát trôi xuống lòng hồ ầm ầm. Trước đây cây to cây nhỏ chắn lại chừ có mô nữa”. Vừa nói, ông Rào thở dài nhìn vào những mái đồi thượng nguồn Vực Sanh loang lỗ với những vệt đất đỏ cày sâu trên sườn núi.

 

  

 

Nhìn mặt nước Vực Sanh đục ngầu với những khối đất, cát vừa mới tràn về sau trận mưa đầu mùa lấn sâu vào lòng hồ hôm trước. Tôi thoáng nghĩ, nếu rừng đầu nguồn bị xâm hại như thế này thì mùa mưa lũ năm 2014 liệu công trình Vực Sanh có an toàn không ? Và chỉ cần ít năm nữa chắc lòng hồ không còn nước do bồi lắng của cát, đá, sỏi từ núi đổ về. Và…liệu cánh đồng lúa đang ngã màu vàng kia còn có nguồn nước tưới nữa không ? Những phân vân, day dứt không chỉ riêng tôi mà của hàng ngàn người dân Hạ Trạch đang chờ câu trả lời từ các cấp có thẩm quyền./.

 

 

Ông Nguyễn Hải Long Cụm trưởng thủy nông Bắc Bố Trạch (bên phải)

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip