Cụ Lưu Trọng Tuần

19:47 - 10/10/2015

Cụ Lưu Trọng Tuần, tác giả bài “Cao Lao Hương Sử lược thuật diễn ca” qua bài viết của của bác Lâm Văn Do, con rể của cụ

 

Xem “Cao Lao Hương Sử lược thuật diễn ca” tại đây (20/10/2010)

 

Lưu Trọng Tuần Bút hiệu: Túy-Không
Sinh: 01-01-1900 Mất: 30-06-1980

Chánh quán: Làng Cao-lao-Hạ, huyện Bố-Trạch, tỉnh Quảng-Bình.

Tác giả là con trai thứ 3 trong gia đình gồm 11 trai và 11 gái .
Thi sĩ Lưu-Kỳ-Linh thứ 8.
Thi sĩ Lưu-Trọng-Lư thứ 11 và cũng là trai út trong gia đình.
Tác giả bắt đầu làm thơ vào lứa tuổi ngoài 60, sau khi về hưu.

 

 

 


Tôi được hân hạnh biết Cụ Lưu Trọng Tuần từ năm 1957 khi cậu Cưu tôi dẫn tôi đến thăm ông ở xóm Bàn Cờ. Thoạt nhìn thấy Cụ ung dung tự tại trong bộ bà ba lụa trắng, Cụ tươi cười tiếp khách, có dáng một nhà Nho ẩn dật khiến cho tôi đem lòng kính trọng Cụ ngay. Mặc dầu tôi chỉ là một người cháu theo gót cậu tôi nhưng Cụ vẫn coi tôi như khách nên thỉnh thoảng Cụ quay qua hỏi chuyện tôi như nói chuyện với người quen . Dù tôi chỉ đáng bậc con cháu mà Cụ không hề có thái độ hay ngôn ngữ coi tôi là kẻ nít nên tôi lấy lại được tự nhiên để hầu chuyện cùng Cụ, không còn thái độ e dè ngạị ngùng sợ sệt như khi mới gặp Cụ nữa. Ấn tượng đầu tiên làm cho tôi rất cảm khái Cụ, tôi vui vẻ ngõ lời cám ơn lòng tốt của Cụ khi Cụ muốn tôi thỉnh thoảng đến chơi tự nhiên, đừng ngại chi cả vì Cụ không còn làm việc nữa nên rãnh rỗi muốn có người để chuyện trò cho vui.

 

Sau đó vì việc quân nên bẳng đi một dạo tôi không về Sài gòn nên không đến thăm Cụ được. Rồi mấy tháng sau tôi theo hậu cứ của Trung Đoàn dời về Chợ Lớn. Một hôm tôi ghé thăm cậu tôi. Cậu tôi nhắc lại chuyện ông Cụ và bảo tôi đến thăm ông Cụ nên tôi mạnh dạn đến và được Cụ vui vẻ tiếp chuyện và từ đó tôi đến thường luôn. Qua những buổi hầu chuyện với Cụ tôi nhận thấy Cụ có kiến thức uyên bác, thông hiểu Hán học, giỏi Tây học và có tâm hồn thi sĩ. Cụ thích nói chuyện văn chương, triết học Đông Phương và triết học Tây Phương. Hồi đó Cụ gần 60 mà trí tuệ rất minh mẫn. Tóc bạc, trán cao, mày rậm trên cặp mắt quắc thước, Cụ có phong thái của một kẻ sĩ. Ẩn trong cái vóc dáng nhỏ bé của Cụ là một tâm hồn rộng mở bao la; Sau đôi mắt sáng thể hiện tính cương trực; Dưới nụ cười là ý chí sắt son, là tình yêu gia đình, quê hương và đất nước. Đôi khi Cụ cao hứng cho tôi xem vài bài thơ của Cụ sáng tác. Tôi nhận xét ý thơ hợp lòng Cụ, Cụ cười tỏ vẻ hài lòng.

 

Có lẽ tôi có duyên với cô con gái thứ ba của Cụ cho nên nhờ những buổi chuyện trò mà tôi may mắn được Cụ đặc biệt có cảm tình và lọt vào mắt xanh của cô con gái Cụ. Và không biết có phải nhờ cái duyên may đó mà vài năm sau tôi trở thành con rể của Cụ chăng. Nhạc phụ tôi quê làng Cao Lao Hạ, một làng nhỏ thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình ở hữu ngạn hạ lưu sông Gianh, tức sông Linh Giang. Cao Lao là vùng nước mặn đồng chua, hằng năm thường bị thiên tai nên nghèo lắm, nhưng dân làng có tiết tháo thông minh, nơi sinh ra nhiều nhân tài cả văn lẫn vỏ cho đất nước. Cụ thuộc dòng họ Lưu, một họ đầu tiên và lớn nhất đã có công khai phá ra mãnh đất Cao Lao Hạ, tức Kẻ Hạ, vốn có tiếng là làng của “Cửu Khúc Long Khê”, là địa đầu của tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh.

 

Ông nhạc tôi, Cụ Lưu Trọng Tuần, là con trai thứ ba trong số 11 trai và 11 gái của cụ Cử Nhân Lưu Trọng Kiến (1864-1927), một quan Phủ thanh liêm chính trực, là tác giả nhiều thơ Đường thời bấy giờ với bút hiệu Kỳ Sơn. Cụ còn có hai người em trai nặng nợ với nàng thơ là người em thứ tám, cụ Lưu Trọng Lai bút hiệu Kỳ Linh và người em út thứ 11 là thi sĩ Lưu Trọng Lư. Sau ngày Cụ khuất núi, mấy năm trước đây ông Lưu Trọng Tưởng, con trai Cụ, đã gom góp lại được 57 bài thơ của Cụ, đóng lại thành tập với tựa đề là “TÚY KHÔNG THI TẬP, QUÊ HƯƠNG TÔI, QUẢNG BÌNH”. -Túy Không là bút hiệu của Cụ.- Tập thơ 123 trang gồm các đề tài sau đây:

 

-Những Thắng Cảnh Quảng Bình 14 bài; -Những Bài Xướng Họa 12 bài; – Đôi Bài Cảm Tác 12 bài; -Túy Không Tự Vịnh 13 bài;

– Một bài trường thiên lục bát Cao Lao Hương Sử Diễn Ca 423 câu; Và một bài phú có âm hưởng điệu ca trù Thái Hòa Bình Đẳng Luận Phú 136 câu.

 

Được hấp thụ bởi địa linh nhân kiệt nơi sinh trưởng và chịu ảnh hưởng của cảnh trí thiên nhiên bao la hùng vĩ của đất Quảng Bình, thêm vào đó được nối dõi văn chương của thân phụ cho nên đã thúc đẩy Cụ noi theo bước chân của những nhà thơ nổi tiếng của dân tộc đã từng sống trong ám ảnh của dãy Hoành Sơn với Đèo Ngang, Trường Sơn với ngọn Đầu Mâu, và sông Gianh, Sông Nhật Lệ, như Nguyễn Du đã từng làm Bố Chánh tỉnh Quảng Bình.

 

Quả vậy, trong mục Những Thắng Cảnh Quảng Bình Cụ đã lướt qua hầu hết những danh lam thắng cảnh lịch sử quan trọng nổi tiếng của đất Quảng Bình. Từ sông Gianh đến Lý Hòa, động Phong Nha, sông Nhật Lệ, Lũy Thầy, núi Đầu Mâu đến đầm Hạc Hải, qua mỗi thắng cảnh Cụ không quên ghi lại những chiến tích hiển hách của cha ông thuở trước. Hình ảnh dãy Trường Sơn với đỉnh Mâu cao ngất, sông Lệ êm ả, sông Gianh oai hùng, Lũy Thầy hiên ngang là những hình ảnh ấp ủ trong tâm hồn cụ:

 

Mâu sơn hình tạc gươm hùng khí,
Bút lãnh sơn đề chữ chính tâm
(Mâu Bút Kịch Lam) Trang 19.

Non sông Mâu Lệ anh hùng thế,
Vừng ác chiều tà khi loáng gương
(Nhật Lệ Thương Lương) Trang 20.

Trang Trường Dực binh cơ tiếng Lũy Thầy,
Vạn cốt kho tàng dành thắng cuộc,
(Nhớ Ngày Đi Qua Lũy Thầy) Trang 17.

 

Tuy nhiên cảnh trí thiên nhiên dù sao cũng chỉ là ngoại cảnh, nói cách khác, chỉ là nguyên nhân gợi hứng. Thơ phải bắt nguồn ở chính con người thi sĩ. Điều cần phải nhận xét là Cụ có nhiều tình cảm và những xúc cảm bén nhạy, tức là yếu tố cần thiết, nếu không nói là điều kiện cần và đủ để tạo nên thi tài của Cụ. Cụ nắm vững giá trị của cuộc đời và tin tưởng ở Phật Trời. Làm thơ mà vẫn giữ được sự khoan hòa đôn hậu giữa tình và lý. Phải chăng đó là thái độ của kẻ sĩ:

 

Vẫn gởi vào hoa cơn mộng lớn,
Để xem kết quả mối tình con.
Đầu gió vững vàng căn cội tốt,
Mặt trời soi nắng ấm trên non.
(Lão Mai) Trang 48.

Tặng hoàn bổ não Gammalon,
Ông uống qua thi hứng lạ lùng.
(Nhận Được Thuốc Của Cháu Gởi) Trang 49.

Muốn ngủ đầm lòng, phải độn khoai.
Thơ tín tin con chờ vắng đến,
Bóng hình nhìn cháu mãi không thôi.
Sôi gan thộp ngực Xanh kia hỏi
Sao vội quên tôi đứng dưới trời!
(Trông Thơ Con) Trang 52.

Cụ có cốt cách khí khái của người cầm bút là xem danh vọng như phù vân, tiền tài như phấn thổ. Xem thường cái thăng trầm của cuộc đời và bình thản chấp nhận nghịch cảnh trong cuộc sống. Cái quan trọng đáng nói không phải ở nơi hoàn cảnh mà là thái độ của Cụ chấp nhận hoàn cảnh ấy. Niềm tin tôn giáo là nguyên nhân khiến cho Cụ chấp nhận hoàn cảnh. Cụ không hề than thân trách phận khi thất thế, Cụ không quỵ lụy quyền thế khi sa cơ. Cốt cách khí khái ấy trong thơ Cụ có nhiều hình thái và bàng bạc như thế đó. Cho nên cảm nhận thì dễ mà diễn tả thì thật là khó.Thật đáng trọng lắm!

 

Những sáng tác của Cụ hầu hết đều ở vào thời kỳ hai thập niên 60 và 70, nhưng cụ chịu ảnh hưởng của cổ văn nên thơ Cụ thong thả trở về trong khuôn khổ, trở về những vần điệu quen thuộc . Thơ Cụ hình thức thiên về lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, nghĩa là thơ luật. Thơ tích tập chữ nghĩa khó khăn, hiểm hóc, cầu kỳ. Thơ Cụ có bố cục vững chắc, lời thơ sắc gọn, ý tưởng được trình bày minh bạch, lý luận khá chặt chẽ. Nội dung thơ cụ nặng trĩu những ưu tư về thế sự, đất nước và thời cuộc thế giới mà người đọc thấy rải rác trong các bài tả cảnh, tả tình. Nét suy tư trong thơ Cụ nhuốm màu triết học, tư tưởng nhuốm màu tôn giáo. Thơ Cụ không phải chỉ có vần điệu, âm thanh mà thôi, mà còn có màu sắc hòa hợp với màu sắc,hình ảnh phối hợp với hình ảnh, ý tưởng đối chiếu với ý tưởng. Những xếp đặt hài hòa đẹp đẻ như thế chính là những hình thức nhịp điệu của hình ảnh, của ý thơ.

 

Qua câu mở đầu của bài “THÁI HÒA BÌNH ĐẴNG LUẬN PHÚ”:

 

Ánh hào quang sáng tỏ khắp trùng thiên.
Vùng thái dương cũng là trong cãm giác.
Có chi mà bội bạc lòng từ bi…
Sau khi trình bày ý tưởng của mình:
Đã tiến, đều tiến mới ngoan.
Chớ vào rừng rậm không địa bàn hướng chỉ.
Mù mịt lỗi lầm tưởng được vinh quang
Không thanh cao mà lại ham dành đại vị.
……..

Trời sanh có kẻ tài năng
Mà người đần độn cũng thân con người.
Cụ kết bài với lời lẽ khiêm tốn:
Mấy lời phổ biến cầu may,
Ai thương cũng quý, ai rày cũng cam.

 

Đặc biệt bài“CAO LAO HƯƠNG SỬ DIỄN CA”có giá trị về hình thức, nội dung và thi điệu tác động mạnh vào người đọc, nhất là đối với những người con của làng sống xa quê cha đất tổ từ lâu muốn tìm hiểu cội nguồn xứ sở mình:

 

Giang sơn gấm vóc trải bày
Thanh, cao, tín, mỹ ngày ngày mới thêm.

 

Là một tài liệu hương sử quý giá dành cho lớp trẻ sau này muốn nghiên cứu về lịch sử làng Cao Lao Hạ, quê hương và gốc gác của tổ tiên dòng họ mình qua các mục riêng biệt về địa dư, văn hóa, kinh tế, chính trị, phong tục, xã hội, giáo dục …

 

Cụ làm thơ không có ý phổ biến hoặc cho truyền tụng để khêu gợi cảm quan người đọc mà chỉ để tiêu khiển lúc tuổi già và có thể để lại mai sau cho con cháu thông cảm với tâm tư, tình cảm và ý chí của mình, chỉ như một tiếng thở dài cho vơi bớt ưu tư trong lòng.

 

Tâm sự này được Cụ trải dài trong mười ba bài “TÚY KHÔNG TỰ VỊNH”. Mỗi bài một vẻ:

 

Lúc dí dỏm:
Rắp rem bảy chục tuổi rồi đa.
Uổng áo, uổng cơm, uổng nước trà.
(Sáu mươi bảy tuổi) Trang 64.

Lúc trẻ trung:
Bảy mươi ba tuổi tưởng mình già.
Xem lại trong gương, trẻ quá ta!
(Tự họa bài Bảy mươi ba) Trang 70.

Lúc luyến tiếc:
Hăm hai xuân nữa tuổi trăm tròn.
Hổ nỗi chưa đền nợ nước non.
(Bảy mươi tám) Trang 71.

Lúc nhẫn nhục:
Học theo hiền triết tây, đông đủ.
Xem thấy khôn ngoan xã hội đầy.
Hai bữa nâng tô nhìn đói khổ.
Ba hồi nắm viết trách Đông Tây.
(Tám mươi tuổi) Trang 76.

 

“TÚY KHÔNG THI TẬP, QUÊ HƯƠNG TÔI, QUẢNG BÌNH” là di sản trí tuệ và tinh thần của Cụ để lại cho chúng ta, một tài liệu quý giá không chỉ riêng cho gia đình họ Lưu; mà còn cho con cháu chắt chít của Cụ. Chúng ta và những thế hệ mai sau có bổn phận và trách nhiệm phải trân quý và mãi mãi giữ gìn. Được vậy cũng là cách báo hiếu và đền đáp ơn sâu nghĩa nặng của cha ông ta.

 

Mong lắm thay!

San Diego, Ngày 24 tháng 12 năm 2013.

Tác giả : Lâm Văn Do

Bình luận

Bài viết liên quan

Anh Nguyễn Chung Quý vào vòng chung kết cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Anh Nguyễn Chung Quý đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh
Nhà thơ Lưu Trọng Lư: Gánh tình trĩu nặng hai vai
Nguyễn Hoàng Anh được tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú
Cuộc sống của Miss Teen Huyền Trang trên đất Mỹ

Video clip