Danh nhân làng Cao Lao Hạ

22:22 - 23/08/2014

Các danh nhân thành đạt của làng Cao Lao Hạ được chép trong nguyên tác mộc bản Duy Tân năm thứ ba.

 

Lời Ban biên tập: Anh Lê Hồng Vệ, người Lệ Sơn, hiện đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là người có tình cảm rất sâu nặng với làng Cao Lao Hạ; anh đã giúp làng ta những ý kiến quý giá về giao diện, màu sắc của  trang caolaoha.com và luôn đồng hành với caolaoha.com từ lúc ra đời cho đên nay. Anh vừa gửi đến caolaoha.com các danh nhân thành đạt của làng Cao Lao Hạ được chép trong nguyên tác mộc bản Duy Tân năm thứ ba với mong muốn để độc giả Cao Lao Hạ tự hào thêm về các bậc tiên sinh của quê hương mình. Xin chân thành cám ơn Anh và trân trọng giới thiệu với bà con

 

Danh nhân làng Cao Lao Hạ

 

Trải qua 10 thế kỷ, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, khoa cử đã góp phần thể hiện chính sách tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Sự hùng mạnh của một triều đại cũng tùy thuộc vào chính sách dùng người. Tính từ đời Lý Nhân Tông, khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) và đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919). Lịch sử khoa cử đã để lại cho chúng ta niềm tự hào về những lớp ông nghè, ông cống thuở xưa.

 

Việc học hành, thi cử gắn liền với đường hướng tiến thủ của những người đã bước chân vào cửa Khổng sân Trình, chỉ có khoa danh là con đường chính đáng, tạo cơ hội cho người có tài năng, hoài bão vươn lên thực hiện lý tưởng của Nho gia. Tuy không phải là mục đích cuối cùng, nhưng đi học đi thi, đỗ đạt để được lưu danh bảng vàng bia đá là một mốc son rất quan trọng của kẻ sĩ.


Trong khi biên soạn cuốn Quảng Bình Đăng Khoa Lục, nhóm biên soạn chúng tôi thấy các vị quan khoa của làng Cao Lao Hạ đỗ đạt khá nhiều, nên kính cẩn thống kê lại theo như nguyên tác mộc bản Duy Tân năm thứ ba để độc giả Cao Lao Hạ tự hào thêm về các bậc tiên sinh của quê hương mình.


Thành kính.

Lê Hồng Vệ

 

LƯU VĂN BÌNH


Lưu Văn Bình 劉文平sinh năm Quý Hợi (1803), người xã Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch (nay là huyện Bố Trạch). Năm 51 tuổi thi Hội đậu Phó bảng khoa Quý Sửu niên hiệu Tự Đức 6 (1853) đời Nguyễn Dực Tông do Lâm Duy Nghĩa và Ngụy Khắc Tuần đọc quyển, Phạm Thế Hiển và Trần Mai duyệt quyển. Làm quan đến chức Viên ngoại lang bộ Hình, sau được tặng hàm Thái phác tự khanh. Thế khoa (là cha của Lưu Đức Xứng, là ông của Lưu Trọng Kiến và Lưu Đức Tuân).


LÊ VĂN GIẢN


Lê Văn Giản 黎文簡người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch thi Hương đậu Cử nhân Ân khoa Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842) đời Nguyễn Hiến Tổ (Miên Tông) do Hộ bộ Tham tri Đào Trí Phú làm Chủ khảo, Lại quán Soán tu Tô Trân làm Phó chủ khảo. Làm quan đến chức Tri huyện, sau được tặng Thị giảng. Cha con đăng khoa (là cha của Lê Mô Khải).


. LÊ KHOAN HOẰNG


Lê Khoan Hoằng 黎寬宏người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch thi Hương đậu Cử nhân giải Á nguyên Ân khoa Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị 2 (1842) đời Nguyễn Hiến Tổ (Miên Tông) do Hộ bộ Tham tri Đào Trí Phú làm Chủ khảo, Lại quán Soán tu Tô Trân làm Phó chủ khảo. Làm quan đến chức Tri huyện.


LÊ MÔ KHẢI


Lê Mô Khải 黎模楷(có sách chép Lê Ngọc Thành). Người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch. Thi Hương đậu Cử nhân khoa Tân Dậu niên hiệu Tự Đức 14 (1861) đời Nguyễn Dực Tông do Hình bộ Tham tri Phan Huy Vịnh làm Chủ khảo, Lại bộ biện lý Phạm Thanh làm Phó chủ khảo. Ông làm quan Biện lý luôn không quên can nghị và là người có tính chí hiếu tận trung. Sau tuẫn tiết vì lòng cố thủ. Cha con đăng khoa (là con của Lê Văn Giản).


LƯU TRỌNG KIẾN


Lưu Trọng Kiến 劉仲建(có sách chép là Lưu Vĩnh Kiến) người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch, thi Hương đậu Cử nhân khoa Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh 3 (1888) đời Nguyễn Cảnh Tông do Bố chánh Hà Tĩnh Nguyễn Doãn Tựu làm Chủ khảo, Lại quán Soán tu Trịnh Quang Chiếu làm Phó chủ khảo. Làm quan đến chức Tri huyện hầu bổ. Thế khoa (là cháu của Phó bảng Lưu Văn Bình, là điệt của Lưu Đức Xứng, là tòng thúc của Lưu Đức Tuân).


LƯU LƯỢNG


Lưu Lượng 劉亮người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch thi Hương đậu Cử nhân khoa Đinh Dậu niên hiệu Minh Mệnh 18 (1837) đời Nguyễn Thánh Tổ do Lại bộ Tham tri Hà Quyền làm Chủ khảo, Lại bộ Biện lý Phan Thanh Giản làm Phó chủ khảo. Làm quan đến chức Tham tri, từng phụng mệnh đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc).

ĐẶNG VĂN THÁI


Đặng Văn Thái 鄧文泰sinh năm Tân Mùi (1811), người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch thi Hương đỗ Cử nhân Ân khoa Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) đời Nguyễn Hiến Tổ (Miên Tông) do Hình bộ Tham tri Bùi Ngọc Quỹ làm Chủ khảo, Lại bộ Biện lý Trương Tiến Sĩ làm Phó chủ khảo. Năm 33 tuổi thi Hội đậu Phó bảng Ân khoa Quý Mão niên hiệu Thiệu Trị 3 (1843) do Trương Đăng Quế và Phan Trọng Đạt đọc quyển, Phạm Thế Hiển và Hoàng Tế Mỹ duyệt quyển. Làm quan đến chức Tri phủ.


NGUYỄN ĐỨC THỤ


Nguyễn Đức Thụ 阮德樹người thôn Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, thi Hương đậu Cử nhân khoa Quý Dậu niên hiệu Tự Đức 26 (1873) đời Nguyễn Dực Tông do Binh bộ Tham tri Nguyễn Hữu Lập làm Chủ khảo, Lại quán Soán tu Nguyễn Phong làm Phó chủ khảo. Làm quan đến chức Tri huyện.


LƯU ĐỨC TUÂN


Lưu Đức Tuân 劉德洵người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch. Năm 31 tuổi thi Hương đậu Cử nhân khoa Kỷ Dậu niên hiệu Duy Tân 3 (1909) đời Nguyễn Duy Tân (Vĩnh San) do Quang lộc tự khanh nguyên lĩnh Đốc học Thái Văn Trung làm Chủ khảo, Hồng lô tự khanh hưu trí Dương Thúc Hợp làm Phó chủ khảo. Làm quan tới chức Tri phủ, rồi về nghỉ. Thế khoa (là cháu của Phó bảng Lưu Văn Bình, là con của Lưu Đức Xứng, là tòng đệ của Lưu Trọng Kiến).


NGUYỄN VĂN XU


Nguyễn Văn Xu 阮文樞(có sách chép là Khu) người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch, thi Hương đậu Cử nhân khoa Bính Tý niên hiệu Tự Đức 29 (1876) đời Nguyễn Dực Tông do Hộ bộ Tham tri Đỗ Đệ làm Chủ khảo, Lại bộ biện lý Phạm Giảng làm Phó chủ khảo. Làm quan đến chức Viên ngoại lang.


LƯU ĐỨC XỨNG


Lưu Đức Xứng 劉德稱người thôn Hạ, xã Cao Lao, huyện Bố Trạch, thi Hương đậu Cử nhân Ân khoa Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc 1 (1883) đời Nguyễn Giản Tông do Lễ bộ Thượng thư, sung Soán tu Đặng Đức Địch làm Chủ khảo, Bố chánh Quảng Bình Đỗ Huy Điển làm Phó chủ khảo. Làm quan đến chức Tham tri, sung Lại quán Soán tu. Thế khoa (là con của Phó bảng Lưu Văn Bình, là cha của Lưu Đức Tuân, là chú của Lưu Trọng Kiến).

Tác giả : Lê Hồng Vệ

Bình luận

Bài viết liên quan

Phan Đình Châu
GS.TSKH Phan Đình Châu: Quê hương là trái bần chua ngọt...
Con đường trở thành bác sỹ nội trú của cô gái Việt
Lưu Trọng Hải- Nhà văn hoá kiến trúc.
Điếu văn truy điệu cụ ông, Tiến sỹ Lưu Đức Hồng

Video clip