Đất làng nhìn từ mộ Tổ

23:16 - 20/10/2016

Giới thiệu bài nghiên cứu của anh Lưu Văn Lộc về đất làng Cao Lao Hạ từ góc nhìn các ngôi mộ Tổ họ Lưu Quan

 

Lời Ban biên tập: “Đất làng nhìn từ mộ Tổ” của Lưu Văn Lộc đã gửi tới chúng ta, các thế hệ con cháu nhiều thông điệp về bảo tồn và phát triển những giá trị vật chất và tinh thần mà các bậc tiền nhân của làng Cao Lao Hạ đã để lại. Những lập luận có tính logic của tác giả về nhiều vấn đề trong bài viết đã gợi cho mỗi chúng ta nhiều trăn trở và suy ngẫm về những gì mà thế hệ chúng ta đã và đang tiến hành xây dựng, phát triển quê hương hiện nay. Chân thành cám ơn anh Lưu Văn Lộc về bài viết rất có giá trị của Anh. 

 

ĐẤT LÀNG NHÌN TỪ MỘ TỔ

 

Năm 2010, họ Lưu Quan tổ chức lễ kỷ niệm 540 năm hình thành và phát triển. Đây là cột mốc đánh dấu ngài Lưu Văn Tiên cùng các ngài họ Nguyễn, họ Lê Quang tiền khai canh ra làng Cao Lao Hạ. Trải qua hơn năm trăm năm hình thành và phát triển, đến nay các dòng họ ở Cao Lao Hạ nói chung và họ Lưu Quan nói riêng đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp rất nhiều cho quá trình phát triển của làng cũng như sự phát triển chung của đất nước.

 

Nói đến sự phát triển của họ Lưu Quan, phải kể đến những đóng góp của Ngài Lưu Văn Hành, là ông tổ của 5 nhánh con cháu họ Lưu Quan, một trong các vị hậu khai khẩn của làng. 

 

Theo gia phả họ Lưu Quan, Ngài Lưu Văn Hành sinh năm Giáp Ngọ, giỗ ngày 19/7 (âm lịch). Vợ ông, bà Nguyễn Thị Cừ, sinh năm Mậu Tuất, giỗ ngày 04/5 âm lịch. Gia phả chỉ ghi chép về năm sinh, ngày mất ngắn gọn như vậy cho nên năm Giáp Ngọ là năm nào, năm Mậu Tuất là năm nào liên quan đến năm sinh của ông bà rất khó xác định. Tra theo âm lịch các năm Giáp Ngọ cách đây 400 – 500 năm thì có các năm Giáp Ngọ 1534, 1595. Các năm mậu tuất có 1538, 1598. Tính theo đời trong dòng họ, Ngài Lưu Văn Tiên là đời thứ nhất còn Ngài Lưu Văn Hành là đời thứ 6, mỗi đời cách nhau khoảng 20 năm thì có thể Ngài Lưu Văn Hành được sinh vào năm Giáp ngọ 1595? Ngày giỗ của ông bà cũng chỉ ghi ngày tháng nên cũng không biết ông mất năm nào. 

 

 

Bia mộ bà tổ họ Lưu Quan Nguyễn Thị Cừ

 

Mộ ông Lưu Văn Hành được táng ở Trầm Trăn (Trại ngoài) và mộ bà ở Phôốc láng (Trại trong) là nơi gần giáp ranh với xã Cự Nẫm, xã Sơn Lộc. 

 

Mộ bà tổ họ Lưu Quan Nguyễn Thị Cừ

 

Hàng trăm năm nay, con cháu họ Lưu Quan vẫn luôn chăm sóc hương khói, xây dựng và bảo vệ mộ ông, mộ bà đúng nơi khởi thủy mà ông bà đã chọn để gửi cốt nhục về nơi đất mẹ. 

 

  

Quang cảnh rừng thông khu vực mộ bà

 

Tương truyền, để con cháu đời sau làm ăn phát đạt, phát triển dài dòng lớn họ, con cháu của ngài đã mời thầy địa lý người Tàu chọn đất an táng. Mộ tổ ông, tổ bà  an táng xa nhau gần ngàn mét. Các mộ đều nằm trên một khu đất bằng phẳng, gối đầu lên dãy núi hình lá cờ. Bên phải, bên trái các mộ này đều có khe suối nước chảy quanh năm. Các khe này sau đó hợp thành một dòng suối lớn chảy ra hồ Vực Sanh, nơi khởi nguồn của cửu khúc long khê làng Cao Lao Hạ.

 

 

  

Đường vào mộ ông tổ họ Lưu Quan Lưu Văn Hành

 

Nhưng tại sao mộ các ngài, từ ngài tiền khai canh, hậu khai khẩn đến các ngài tổ các nhánh của dòng họ Lưu Quan lại không an táng một chỗ để con cháu dễ bề chăm sóc hương khói, mà mỗi ngài nằm mỗi nơi cách xa nhau, nhất là mộ của vị tiền khai canh, hậu khai khẩn đều nằm ở những nơi “biên ải” của làng. Mộ ngài Lưu Văn Tiên, Thủy tổ của họ Lưu Quan nằm ở chân núi Thuỷ Đạo (Thuỷ Đạo sơn) - ngọn núi tiếp giáp xã Bắc Trạch, nay là sườn núi phía đông Vực Sanh. Từ mộ ông Thủy tổ đến mộ ông bà tổ cách xa nhau 3-4 km đường rừng.

 

 

  

Mộ ông tổ họ Lưu Quan Lưu Văn Hành

 

Hàng trăm năm năm trước, nơi đây rừng núi rậm rạp, thú dữ rất nhiều, đường đi lối lại vô cùng khó khăn nhưng tại sao các cụ lại “bắt” con cháu đưa các ngài đi xa đến vậy. Ngoài yếu tố địa linh thì còn có thâm ý sâu xa gì mà các ngài muốn gửi gắm lại cho hậu duệ. Phải chăng, thấm thía nỗi vất vả gian nan của những người đi mở đất, các ngài đã lấy thân mình làm cột mốc ranh giới cho làng.Thời khai thiên lập địa, khi chưa có bản đồ địa giới thì đây là những cột mốc bất khả xâm phạm. Đường vào mộ ông bà tổ nay đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây, xe ô tô đã vào được tận nơi dưới những tán rừng thông vi vu gió hát. Tuy nhiên, cách đây vài chục năm thôi, mỗi lần vào viếng mộ ông bà tổ, con cháu phải đi bộ mất nửa ngày đường. Vén gai mà bước, vạch lá để tìm. Trong đoàn người đi, nhất thiết phải có người thật sự am hiểu rừng núi, nếu không sẽ rất khó tìm ra mộ các ngài. Khái quát như vậy để có thể hình dung thời khai thiên lập địa, khi chưa có đường giao thông thuận lợi như bây giờ thì việc đưa các cụ vào đó, rồi hàng năm con cháu chăm nom hương khói gian nan vất vả biết nhường nào.

 

Tuy nhiên, nhờ sự vất vả gian lao khai phá của các vị tiền nhân mà đất làng Cao Lao Hạ được mở mang, hình núi thế sông rộng lớn, phong cảnh hữu tình, là vùng địa linh nhân kiệt.

 

Trong khi có những dòng họ đã quy tập mộ tổ, mộ các vị quan về lăng họ gia đình thì họ Lưu Quan vẫn bảo tồn nâng cấp và gìn giữ mộ ngài thủy tổ, mộ ông bà tổ, mộ tổ các nhánh của dòng họ đúng vị trí khởi thủy. Mặc dù việc giữ gìn, bảo vệ các ngôi mộ này không phải là điều đơn giản. Bởi có nhiều ý kiến trái chiều trong họ tộc, quan điểm của chính quyền địa phương trong việc di dời mồ mã để lấy đất sản xuất. Tuy vậy, việc bảo vệ được các ngôi mộ này ở vị trí cũ là việc làm hết sức sáng suốt của con cháu họ Lưu Quan.  Đặc biệt là mộ ngài thủy tổ và mộ ông bà tổ. Nơi đây trở thành những cột mốc cả nghĩa đen và nghĩa bóng của làng. Cái khu vực Trầm Trăn, Phôốc Láng, nơi khỉ ho cò gáy của hàng trăm năm trước, nay đã là miền đất hứa của phát triển kinh tế rừng. Và mới đây, một doanh nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến gỗ, tuy là thuộc địa phận xã Sơn Lộc nhưng lại là đầu nguồn Vực Sanh của xã Hạ Trạch, chỉ cách mộ ông bà tổ họ Lưu Quan vài trăm mét. Thế mới thấy tầm nhìn của các ngài thủy tổ vĩ đại biết chừng nào. Nếu chính quyền và nhân dân xã Hạ Trạch không kiên quyết ngăn chặn, để nhà máy này mọc lên, xã chất thải độc hại xuống hồ nước Vực Sanh thì thật có lỗi với các bậc tiền nhân đã mất hàng trăm năm mở đất và giữ đất cho làng.

 

Kinh tế xã hội phát triển, con cháu ngày càng đông đúc, đồng ruộng cần phải cải tạo, hàng ngàn ngôi mộ trên những cánh đồng được các dòng họ cất bốc để lấy đất sản xuất theo xu thế phát triển là điều hết sức cần thiết. Thêm vào đó, việc quy tập mồ mã về các lăng họ, lăng gia đình cũng là điều hợp tình hợp nghĩa. Tuy nhiên việc cất bốc mồ mã cũng còn những điều đáng suy ngẫm. Đó là những ngôi mộ của các vị có công lớn với làng, nằm ở những khu vực nhạy cảm về ranh giới, những người đỗ đạt cao đã được lịch sử ghi nhận, thì việc đưa các ngài rời khỏi nơi các ngài đã chọn để an nghỉ, xét về giá trị lich sử, giá trị văn hóa, giá trị ranh giới là những điều đáng tiếc. Có thể nêu ra một vài dẫn chứng: Di tích Lăng mộ và đền thờ của vị tướng cần vương Lê Mô Khải. Đây là một di tích lịch sử đã được tỉnh Quảng Bình công nhận là di tích cấp tỉnh. Đã là di tích cấp tỉnh thì sẽ được cấp kinh phí trùng tu nâng cấp. Tuy nhiên, với lăng mộ Lê Mô Khải, qua tìm hiểu từ một số cán bộ Sở Văn Hóa Thể Thao Quảng Bình thì nay là không thể, vì mộ ông đã quy tập vào lăng dòng họ Lê Văn, bởi ngành văn hóa không thể đầu tư kinh phí để nâng cấp cho một ngôi mộ trong lăng mộ của một dòng họ đã được sắp xếp theo thứ bậc, dù đó là vị Tướng cần vương. Hay như Lăng mộ ông Đặng Văn Thái, người đỗ phó bảng đầu tiên của làng. Mộ ông nằm ở vùng Bắc Lá, là vùng đất địa đầu phía tây bắc của làng, giáp với Mỹ Trạch. Cách đây mấy năm, mộ ông cũng được họ Đặng cất bốc vào nghĩa địa họ theo chủ trương quy hoạch sản xuất của xã. Một điều đáng tiếc nữa là khi đã di dời các di tích ấy, thì nó không còn là di tích nữa, điều này làm mất đi một địa chỉ thăm quan, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

Chúng ta cũng cần quan niệm rằng, những vị tiền khai canh, hậu khai khẩn, những vị tướng, vị quan ở các dòng họ khi đã thành danh, thì họ đã là người của công chúng, là tài sản lịch sử vô giá của cả làng. Có như thế chúng ta mới có những ứng xử phù hợp với những lăng mộ của các ngài. Rất nhiều làng đã lấy ngày giỗ của những vị tiền khai canh, hậu khai khẩn làm ngày lễ chung của cả làng.

 

 

Mộ ông tổ họ Lưu Quan Lưu Văn Hành

 

 

Để có một làng Cao Lao Hạ phát triển đến ngày hôm nay, chúng ta cần ghi đậm công lao của những vị tiền khai canh, hậu khai khẩn, các vị đã mở mang và giữ gìn địa giới cho làng. Nếu chúng ta không sáng suốt và tỉnh táo trong việc giao đất, giao rừng cho những tổ chức cá nhân nào đó mà thiếu những ràng buộc pháp lý chặt chẽ thì đất làng sẽ dần biến mất, muốn đòi lại phải hàng chục năm, thậm chí phải mất nhiều chục năm nữa. Con cháu trong làng lại ly hương đi tìm việc khắp nơi, hoặc phải làm thuê cho những “ông chủ” nhiều tiền tích tụ hết ruộng đất, ngay trên quê cha đất tổ.

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Thư mời dự lễ khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Phúc
Diễn văn khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh
Lời chào mừng và tuyên bố khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh
Mời dự lễ khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh
Lễ rước Tiên linh họ Nguyễn Danh, làng Cao Lao Hạ

Video clip