Đêm Cát Bà

02:21 - 27/06/2014

Bài viết về chủ đề hưởng ứng Biển - Đảo của tác giả Lê Chiêu Phùng

 

Tạm xa cái nắng gay gắt của Miền Trung, vượt qua hàng trăm km, chúng tôi có mặt tại quần đảo Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Đứng trên phà Gót nhìn về phía biển khơi, những dãy núi cao trên đảo sừng sững, nhấp nhô như những người lính kiên trung canh giữ biển trời Đông Bắc của Tổ quốc.

 

 

Con đường thảm nhựa ngoằn nghèo trên đảo dài trên 27 km như con rắn khổng lồ len lõi giữa vườn Quốc gia Cát Bà rồi bất chợt chồm ra biển trong xanh. Những đoàn xe mang biển kiểm soát 52N, 29H, 43B, 65H, 73L… nối đuôi nhau về trung tâm Thị trấn. Phía chân trời xa, thấp thoáng những con tàu của bà con ngư dân cần mẫn buông câu, thả lưới dưới cái nắng chiều phủ màu vàng vắt qua những ngọn sóng bạc đầu trắng xóa. Chiều Cát Bà đẹp với một vẽ đẹp hoang sơ yên tỉnh đến nao lòng.

 

 

Một ngày mới trên đảo Cát Bà, khi ánh bình minh vừa ló dạng tỏa ánh sáng bao la trên mặt biển biếc xanh; từng đoàn thuyền lướt sóng ra khơi và những đoàn thuyền đầy ắp cá trở về sau bao ngày bám biển. Tiếng còi tàu hú dài mêng mông trên biển đảo như gợi cho ta một khoảng trời thanh bình tự chủ. Anh Trung Thành đi cùng đoàn không chỉ làm nghề tài xế mà còn là một “hướng dẫn viên” kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm mỗi khi đưa khách đến đảo Cát Bà: “Em chuyên đưa, đón khách ra đảo, tháng cao điểm đến cả chục chuyến, mặc dù khách sạn ở đây khá nhiều nhưng lắm lúc vẫn thiếu phòng nghỉ. Những năm gần đây nhất là từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khách đến Cát Bà tăng đột biến. Khách đến với Cát Bà không chỉ để tận mắt chứng kiến cuộc sống, ý chí của bà con ngư dân biển đảo mà còn được tham quan danh lam thắng cảnh trong quần thể nổi tiếng vịnh Hạ Long, thăm khu dự trử sinh quyền Thế giới đã được UNESCO công nhận”...

 

 

  

 

Tại quán caphê nhỏ ven đường Thị trấn, bà Nguyễn Ngọc Lan, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Thay vì lên Điện Biên, lần này chúng tôi quyết định ra thăm quần đảo Cát Bà. Cách đây ít hôm, chúng tôi đã đến huyện đảo Lý Sơn, rồi huyện đảo Vân Đồn và một số huyện đảo khác. Tôi già rồi không có điều kiện ra khơi với bà con, cùng bà con sát cánh với các lực lượng chức năng bảo vệ vùng biển quê hương thì chúng tôi ra các đảo xa đất liền không chỉ để động viên mà còn chứng kiến không khí bà con ngư dân vươn xa bám biển, bám ngư trường…” Lời tâm sự của bà Lan càng tăng thêm sức mạnh, niềm tin không chỉ đối với chúng tôi, bà con ngư dân mà còn là động lực cho những ai chưa có dịp đến với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

  

 

Tại Vườn hoa công viên, nơi cách đây 55 năm Bác Hồ về thăm bà con làng cá huyện đảo Cát Bà (lúc đó Cát Bà chưa sát nhập vào huyện đảo Cát Hải), một cán bộ phòng Thông tin- Văn hóa huyện đảo Cát Hải tự hào giới thiệu với chúng tôi về vị trí chiến lược, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quần đảo Cát Bà: “Ngoài khu dự trữ sinh quyền Thế giới; vườn Quốc gia nổi tiếng với diện tích trên 15.000 ha trong đó trên 9.000 ha rừng và gần 6.000 ha biển với sự có mặt của 3.860 loài thực vật, động vật trên cạn và dưới biển tạo nên một môi trường sinh thái lý tưởng; Cát Bà còn có nhiều hang động nổi tiếng như động Trung Trang, động Phù Long, động Hùng Sơn (còn có tên là động Quân y) vì những năm chiến tranh người ta đã xây dựng một bệnh viện với hàng trăm giường nằm ở trong lòng núi…Đặc biệt các bãi tắm Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3, Cát Dừa (bãi tắm ở đảo khỉ), Cát Ông, Cát Trai Gái…tuyệt đẹp, kín đáo thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước; ở đây, người ta dự định xây dựng “thủy cung” để con người có thể trực tiếp quan sát các đàn cá heo, tôm hùm, rùa biển, mực ống, cá mập…bơi lượn quanh những cụm san hô đỏ”. Cát Bà là hòn đảo lớn nhất trong số gần 1.969 đảo trên vịnh Hạ Long, với phong cảnh kỳ thú, non nước hữu tình nên người ta ví Cát Bà như hòn đảo Ngọc quả không sai. Theo tuyền thuyết địa phương thì xưa kia tên đảo là Các Bà vì các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo lân cận có tên là đảo Các Ông (Cát Ông) và Các Bà đã bị đọc chệch thành Cát Bà. Đảo Cát Bà có diện tích gần 300 km2, có 5 xã và một thị trấn với trên 10.000 dân sinh sống chủ yếu làm nghề đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy sản, trồng cây công nghiệp, kinh doanh du lịch, dịch vụ và bảo vệ rừng. Cát Bà có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của các tuyến giao thương hàng hải, nơi có khu dự trữ sinh quyền Thế giới, vườn Quốc gia với cơ sở hạ tầng phát triển khá mạnh nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, chùa chiền...

 

  

 

Được biết chúng tôi từ Miền Trung ra, ông Nguyễn Văn Nam chủ khách sạn vui mừng đón tiếp: “Bà con chúng tôi ngoài này quý bà con Miền Trung lắm, chiến tranh ác liệt rồi thiên tai lụt bão…nay lại bị Trung Quốc chèn ép, hung hăng, ngăn cản… thế mà bà con vẫn bám biển ra khơi cùng lực lượng Kiểm ngư, Cánh sát biển bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Học tập bà con Miền Trung, ngư dân Cát Bà chúng tôi và nhiều địa phương khác cũng thành lập tổ nhóm giúp nhau trên biển, đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, nhờ đó mà có chuyến đi xa đến cả tháng. Nhiều lần chúng tôi đã gặp bà con Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam… ở vùng biển Hoàng Sa. Mỗi lần thấy tàu cá QNg, QN, QT, QB…cắm cờ đỏ sao vàng là mừng lắm. Cách đây không lâu, đang loay hoay tìm luồng cá, may mắn tôi gặp được một thuyền, tôi nhớ thuyền của bà con ngư dân Quảng Bình, họ đã chỉ cho chúng tôi vị trí luồng cá ngừ…nhờ vậy mà trong chuyến đi đó tàu chúng tôi thắng lớn. Mặc dù tôi đã ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để khi có dịp vào Quảng Bình ghé thăm nhưng do thiếu thận trọng tờ giấy đó bị ướt…thật có lỗi lớn. Bà con ngư dân Miền Trung không chỉ có nhiều kinh nghiệm đánh bắt xa bờ mà họ còn chia sẽ kinh nghiệm tiếp cận, phòng tránh mỗi khi xuất hiện tàu Hải cảnh Trung Quốc hung hăng ngăn cản”. Được hỏi về gia đình, ông Nam cho biết, gia đình ông có 5 người con, vợ ở nhà làm nghề kinh doanh khách sạn còn ông và các con chuyên nghề đánh bắt thủy sản, mỗi người một việc nên kinh tế khá giả.

 

  

 

Mãi tâm sự mà hoàng hôn buông xuống lúc nào không biết. Theo chiếc xe điện, một loại xe không chỉ thuận tiện mà giá cả cũng khá rẻ cho khách đi lại, chúng tôi có mặt ở bãi tắm Cát Cò, một trong những bải tắm nổi tiếng của quần đảo Cát Bà. Mặc dù đã muộn nhưng khách tắm vẫn đông đúc tấp nập, họ còn kháo nhau: “Tắm biển ở đây càng muộn càng vui, càng thích”. Ánh điện lung linh từ dãy phố cao tầng hòa cùng ánh trăng mờ chiếu xuống bãi tắm ven biển như một bức tranh thủy mặc huyền ảo. Trên các tuyến phố từng đoàn người bách bộ…thả mình sau một ngày lao động để tận hưởng không gian trầm lắng, yên ả với ngọn gió nồm từ biển thổi vào. Dưới bến, hàng chục thuyền của xóm chài Cát Bà đã lên đèn chuẩn bị cho một chuyến đi xa, nơi đó không chỉ có nguồn lợi thủy sản lớn mà còn cùng với bà con ngư dân Miền Trung và các lực lượng chức năng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa. Đoàn thuyền Cát Bà nối nhau lặng lẽ xuyên qua màn đêm…bất chợt tôi nhớ về quê hương, chắc giờ này bà con ngư dân Cảnh Dương, Quảng Phúc, Đức Trạch, Lý Hòa, Nhân Trạch, Bảo Ninh…cũng chuẩn bị ra khơi. Và, lại một chuyến đi với bao vất vã, khó khăn, bao hiểm nguy rình rập mỗi khi đối mặt với tàu Hải cảnh Trung Quốc hung hăng quấy phá trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta mà lòng tôi se lại.

 

  

 

Đêm về khuya, đảo Ngọc chìm dần trong không gian tỉnh mịch; những ngọn gió nồm se lạnh kéo theo những tiếng sóng biển vọng về…Bên kia khách sạn cao tầng, những căn nhà điện sáng “treo” lưng chừng bên sườn núi Cát Bà; không riêng gì chúng tôi mà ở đó chắc có những người mẹ, người vợ, người em không ngủ, dỏi theo những chiếc tàu mà người thân của họ đang ngày đêm sát cánh cùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

 

Cát Bà tháng 6/2014

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip