Trần Văn Hối

09:03 - 04/06/2015

Chuyện về anh Trần Văn Hối 33 năm liên tục mỗi ngày lặng lẽ đi xe đạp 15km chuyển công văn giấy tờ về các thôn, xóm.

Đó là câu chuyện nói về ông Trần Văn Hối, một người phục vụ tại Văn phòng UBND xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Với chiếc xe đạp cọc cạch và túi xách sờn trên vai, hơn 30 năm qua ông đã không ngại khó khăn ngày đêm mang công văn, giấy tờ của Lãnh đạo xã về tận các thôn, xóm.

 

Khó khăn lăm chúng tôi mới gặp được ông Hối trên con đường làng vừa mới bê tông hóa. Với tác phong nhanh nhẹn, nụ cười tươi và hóm hỉnh lộ rõ những nếp nhăn từng trải trên khuôn mặt rám nắng của ông. “Tui sinh năm 1960, năm 1983 thấy tui  nhanh nhẹn, Lãnh đạo xã Hạ Trạch rút lên chạy công văn giấy tờ, hồi đó họ gọi là liên lạc cho xã. Lúc đầu tui nghĩ công việc đơn giản nào ngờ…chạy lu bù suốt ngày, không có ngày nghỉ kể cả thứ bảy, chủ nhật, lãnh đạo gọi là đi ngay. Hơn 33 năm chuyển công văn, giấy tờ phục vụ cho 8 đời Chủ tịch, 7 đời Bí thư và các phòng ban xã Hạ Trạch nhưng chưa có lần nào các bác khiển trách hay nhắc nhở chi cả. Mà có chi mà nhắc nhở, nửa đêm họ gọi là đi, lụt, bão mưa to mấy cũng đi. Tui xác định, mất chi thì mất chứ không được thất lạc, mất mát công văn, giấy tờ. Có những công văn đi năm lần, bảy lượt mới gặp được cán bộ thôn để đưa được tận tay”, ông Hối tâm sự.

 

Rồi ông nhẩm tính: “Tui nói chú nghe, chạy công văn giấy tờ từ trụ sở xã về 9 thôn 28 xóm, bình quân mỗi ngày đạp xe 10- 15 km, với 33 năm liên tục ít khi được nghĩ. Trừ qua, bù lại với chiếc xe đạp này tui chạy trên 150.000km chứ không ít đâu”. Nghe ông nói, nhiều người không tin bởi đó không chỉ là con số rất lớn đối với người đi xe máy và gần bằng một nữa tuổi thọ của một chiếc ô tô đời mới huống chi đối với người đi xe đạp thì quả là điều đáng nể. Lặng đi trong giây lát, ông Hối tâm sự: “Tui sinh được 4 người con, 3 gái, 1 trai, 2 đứa đã có gia đình, vợ bị bệnh nan y nằm liệt gường lâu rồi, gia đình gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Ngoài công việc ở xã, tui làm thêm 4 sào ruộng. Do bận việc không có điều kiện thâm canh, chăm sóc nên mỗi năm chỉ thu được trên dưới 8 tạ lúa nhưng cũng đủ chắp vá qua ngày. Những năm trước đây nhà cửa không ra gì, đến mùa mưa bão, cha con còng lưng chống đỡ. May có anh em, con cháu và bà con lối xóm giúp đỡ dựng được căn nhà cấp 4; nói nhà cấp 4 nhưng cũng ổn không phải lo chống đỡ như trước đây nữa”. Vừa nói ông Hối vừa kéo tay áo lau những giọt mồ hôi lăn trên gò má sạm đen vì mưa nắng . Bất chợt ông giơ cánh tay gầy gò vỗ nhẹ trên vai tôi: “Ừ thì ở hiền, gặp lành mà chú” và ông cười để lộ bộ răng sún vàng ám khói thuốc quê.

 

Ông Lê Tương một Cựu chiến binh thôn 5 xã Hạ Trạch cho biết: “Ở xã Hạ Trạch này từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết ông Hối và quý ông. Mấy chục năm rồi nhiều cấp lãnh đạo thay thế nhau làm việc qua từng nhiệm kỳ, còn ông Hối chẳng ai thay cả bởi ông không chỉ làm việc chăm chỉ, cẩn thận mà còn thật thà, chịu khó chịu thương nên lãnh đạo đời nào cũng mến, mộ và yêu thương ”.

 

  

 

Nói về ông Trần Văn Hối, ông Nguyễn Văn Tầm nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hạ Trạch cho biết: “Xã Hạ Trạch là một địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhất là về phát triển kinh tế. Cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới 4,6%. Gia đình của ông Hối ở thôn 4 cũng nằm trong số hộ đó. Mặc dù vợ ốm đau dài ngày nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến công việc của ông. Sáng nào cũng vậy, ông thu xếp việc nhà rồi đến Cơ quan sớm hơn mọi người, nếu có công văn nhất là những công văn quan trọng là  ông nhận lệnh đi ngay. Ông Hối thật thà, cần cù, hiền lành và chịu khó nên anh em Cơ quan cũng như bà con lối xóm ai ai cũng thương yêu ông. Những năm công tác tại UBND xã, ông không chỉ tận tụy với công việc mà còn đảm bảo an toàn và giữ bí mật công văn, giấy tờ. Lãnh đạo xã qua các thời kỳ đánh giá cao thành tích của ông Hối”.

 

Hơn 33 năm với trên 15 vạn km đi lại trên chiếc xe đạp phục vụ chuyển công văn giấy tờ tại Văn phòng UBND xã Hạ Trạch nghe ra chẳng mấy ai tin. Nhưng đúng như vậy, với chiếc xe đạp và túi vải bạc màu theo thời gian của mình ông đã đi lại trên những tuyến đường lầy lội trước đây và nay đã được bê tông hóa. Rồi mãi đến nay, với tuổi đời đã 55 mùa xuân ông vẫn hăng say với công việc. Một “hợp đồng” khiêm tốn, với mức lương 1.150.000 đồng/tháng. thế nhưng ông Trần Văn Hối vẫn cần mẫn với công việc của mình thường ngày vận chuyển công văn, giấy tờ của xã về tận thôn, xóm và các hộ gia đình.

 

 

Chiếc xe đạp và hình bóng ông Hối khuất dần sau lũy tre làng Hạ, tôi liên tưởng về ông như một anh “Quân bưu vui tính” ngày nào của một thời chiến tranh. Và hôm nay, giữa cuộc sống đời thường với vô vàn quán cafe và nhà hàng, quán nhậu. Ở đó, không ít cán bộ công chức sà vào trước giờ làm việc hay rời Cơ quan sớm với những tiếng hô: dô, dô, 100% thì vẫn còn đó, những “công chức” cấp xã cần mẫn như ông, với công việc thường nhật của mình và mấy đồng lương ít ỏi mang về phụ giúp gia đình… Mãi dỏi theo bóng hình ông, tôi thầm ước: Một ngày không xa, ngoài phụ cấp đang hưởng Nhà nước cần có một chế độ hay chính sách nào đó nhằm động viên những người làm việc như ông. Hy vọng điều ước của tôi cũng chính là mong ước của nhiều người trong đó có ông Trần Văn Hối.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình
Chuyện về một người vợ liệt sĩ

Video clip