Điện Biên hôm nay

09:48 - 09/05/2014

Bút ký của Lê Chiêu Phùng

Quốc lộ 6, nối từ Mãn Dục tỉnh Hòa Bình vượt đèo cao qua Mộc Châu, Sơn La, Thuận Châu, Tuần Giáo…lên Điện Biên đang gồng mình bởi những đoàn xe ngược xuôi qua lại. Trong đó không ít xe du lịch lớn, nhỏ với những lá cở và băng rôn đỏ thắm: “Cựu chiến binh Đại Đoàn 320, Đại Đoàn quân Tiên phong, Sư Đoàn 324, Sư Đoàn 304, Sư Đoàn 316, cựu thanh niên xung phong…thăm lại chiến trường xưa”.

 

Khó khăn lắm chúng tôi mới lấy được tấm hình lưu niệm trọn vẹn tại Tượng Đài chiến thắng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ- Mường Phăng, cứ điểm Him Lam, hầm Tướng Đờ Cát, Đồi A1…bởi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách lên với Điện Biên quá đông. Không chỉ bà con các dân tộc Tây Bắc, Cựu chiến binh các địa phương, các Quân khu, Binh đoàn, Quân chủng…mà còn rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan.

 

 

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Điện Biên Đông, một người con quê hương Quảng Bình; anh đã từng là lính trinh sát tại chiến trường bắc Lào rồi được chuyển công tác về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu trước đây sau này là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên. Nguyễn Thanh Bình không chỉ giỏi về quân sự mà còn rất thông thạo về phong tục tập quán của bà con các dân tộc Tây Bắc và nếu không được giới thiệu, chúng tôi cứ ngở anh là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, anh Bình cho biết: “Tỉnh Điện Biên không chỉ có nhiều danh thắng lịch sử nổi tiếng mà còn là tiềm năng lớn về văn hóa phi vật thể với 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, điển hình là văn hóa dân tộc Thái, H`Mông… Cùng với tiềm năng danh thắng lịch sử, phi vật thể, Điện Biên còn có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và các hồ nước lớn tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như rừng nguyên sinh Mường Nhá; các hang động tại Pa Thơm, Thấm Púa, suối khoáng nóng Hua Pe; các hồ chứa lớn như Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Pạ… với dung tích hàng trăm triệu m3 không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Điện Biên Phủ, một phần của huyện Điện Biên mà còn cung cấp nước tưới 2 vụ lúa cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh”. Đại tá Bình cho biết thêm: “Những năm gần đây, đặc biệt năm 2014 kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên Phủ nên khách thăm quan, du lịch tăng đột biến”.

Tại địa danh Đồi A1, với giọng Kinh lơ lớ, chị A Dúa dân tộc Thái tâm sự: “Cha tôi đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông hy sinh khi tôi vừa lọt lòng mẹ. Vì quá thương ông, tự hào về ông mà bà ở vậy…một mình nuôi tôi khôn lớn. Mặc dù gia đình ở Mường Nhé nhưng năm nào mẹ con, bà cháu tôi cũng về Điện Biên Phủ, mảnh đất ông và đồng đội của ông đã từng chiến đấu và hy sinh”... Trong tiếng nức nghẹn ngào, A Dúa vội lau những giọt nước mắt lăn trên gò má rồi cận thận đặt nắm hoa rừng bên chiến hào nơi ông và các chiến sỹ tiểu đội trinh sát đã hy sinh trước khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch phát lệnh tấn công căn cứ quân sự quan trọng này.  

 

 

Trước khi nhóm Cựu chiến binh Quảng Bình lên với chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, chúng tôi ghé thăm thương binh hạng 4/4, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng hiện đang nghỉ hưu tại Phường Quỳnh Lôi- Quận Hai Bà Trưng- Hà Nội. Ông là một trong những người con quê hương Quảng Bình vinh dự được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù tuổi đã gần 85, sức khỏe không được tốt nhưng ông Dũng còn khá minh mẫn. Gặp những Cựu chiến binh thuộc thế hệ hậu sinh lại là quê hương Quảng Bình, ông vui lắm. Ông Dũng tâm sự: “Lâu lắm rồi chưa được về thăm quê, một phần do tuổi cao, phần thì vết thương tái phát, cứ chuẩn bị về quê thì sức khỏe lại có vấn đề nên đành chịu …nhớ quê hương lắm”. Được hỏi về cuộc đời binh nghiệp, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng khiêm tốn kể lại: “Tôi tham gia trong Quân đội chỉ gần 30 năm nhưng chiến trường nào cũng đến. Từ chiến trường Điện Biên Phủ trước đây đến Đường 9, Khe Sanh, Nam Lào…đều có mặt. Những năm gian khổ nhất, ác liệt nhất chuẩn bị cho chiến dịch, lên xuống Điện Biên hàng chục lần không sao, thế mà năm 1968 về chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên bị thương mới buồn… Năm đó, Tiểu đoàn tôi là mũi chủ lực của Sư 325 đánh vào Đường 9, Khe Sanh, sau trận đánh đó tôi bị thương nặng và được đơn vị được đưa về hậu cứ điều trị”. Trong giây phút bùi ngùi, ông Dũng kể tiếp: “Tôi nhập ngũ đầu năm 1949, cuối năm tôi được vào đào tạo tại Trường Lục quân khóa 5, sau đó nhận công tác tại Trung đoàn 44, Bộ Tổng Tham mưu, chuyên làm công tác huấn luyện tân binh bổ sung cho các đơn vị phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những lần đưa quân lên chiến trường với bao khó khăn gian khổ: “Sau mỗi khóa huấn luyện tân binh, anh em chúng tôi tự đưa quân lên Điện Biên trực tiếp giao cho các đơn vị chủ lực. Trên vai nào là ba lô, súng đạn, quân tư trang rồi men theo con đường qua tỉnh Hòa Bình, lên Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, tối đâu ngủ đó. Nói là đường chứ có đâu, chúng tôi phải leo đèo, lội suối tự tìm đường tắt mà đi, men theo đường mòn mà đến. Được cái, bà con các dân tộc Tây Bắc tốt lắm, thương yêu bộ đội lắm. Nhiều gia đình không chỉ nhường nhà, nhường cơm cho bộ đội ăn, ngủ mà còn phân công nhau dẫn đường cho bộ đội đi. Có chuyến gần cả tháng trời mới đưa quân vượt được đèo Pha Đin lên Mường Phăng, Mường Nhé.” Ông Dũng nhớ lại: “Vào cuối năm 1953, nhằm cắt đứt đường tiếp tế vũ khí, lương thực của ta từ miền xuôi lên Điện Biên, địch cho hàng chục máy bay do thám, ném bom hòng phá sập cầu đèo Pha Đin. Trước những khó khăn đó, nhiều đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) cũng được thành lập đảm bảo giao thông phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng đơn vị TNXP 293 được chia ra thành nhiều đội. Nhiệm vụ chủ yếu của các đội là tháo gở bom mìn, san mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm, chuyển thương bệnh binh và sẵn sàng bổ sung quân cho các đơn vị chiến đấu. Cũng thời gian đó, đơn vị tân binh tăng cường của chúng tôi cũng có mặt tại nơi trọng điểm ác liệt này. Trên đầu máy bay rà lượn, dưới rừng, các đơn vị TNXP vẫn bảo đảm thông tuyến, liền đường cho những đoàn xe chở hàng, kéo pháo vượt đèo ra mặt trận… Không riêng gì đèo Pha Đin mà các trọng điểm khác như ngã ba Cò Nòi, chợ Suối Rút, dốc Cun, đường 6, đường 13…nhiều cán bộ chiến sỷ quân đội, TNXP, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Mặc dù không trực tiếp đánh nhau nhưng các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên có nhu cầu bổ sung quân là chúng tôi có mặt”… Chia tay ông Nguyễn Tuấn Dũng, chia tay một Cựu chiến binh quê hương Quảng Bình đã vinh dự tham gia chiến dịch Điện Biên, càng tăng thêm niềm tự hào trước khi nhóm Cựu chiến binh chúng tôi lên thăm lại chiến trường xưa, nơi các bậc cha anh đã từng làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

 

Trở lại Điện Biên. Đọc lướt nhanh bản “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2014”; với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn của tỉnh Điện Biên mới thấy được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc ở đây đã vượt qua, từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi quan tâm hơn cả đó là phát triển nông nghiệp, du lịch và dịch vụ của địa phương. Riêng về nông nghệp, chỉ tính năm 2013, diện tích gieo trồng cây lương thực của tỉnh Điện Biên đạt gần 80 ngàn ha trong đó lúa Đông xuân trên 8 ngàn ha, lúa mùa gần 16 ngàn ha, lúa nương trên 24 ngàn ha và gần 30 ngàn ha ngô… nâng tổng sản lượng lương thực đạt trên 232 ngàn tấn. Năng suất lúa mùa, lúa Đông xuân đạt trên 55 tạ/ha có nơi đạt tới 65 tạ/ha. Phát huy lợi thế của mình, ngành nông nghiệp Điện Biên khuyến khích nông dân, các cơ sở trang trại đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, xem ngành chăn nuôi là mủi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế. Hiện tại, tổng đàn gia súc toàn Tỉnh đạt 160 ngàn con, trên 300 ngàn con lợn, tổ chức khai thác tốt trên 2 ngàn ha mặt ao hồ nuôi trồng thủy sản…Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên rất chú trọng phát triển cây công nghiệp như chè, caphe, cao su…cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, lạc, với tổng diện tích trên 18 ngàn ha. Có thể nói, ngành nông nghiệp Điện Biên đã có những gam màu tươi sáng nổi bật giữa nền kinh tế chung của Tỉnh.

 

Cùng với việc đầu tư phát triển nông nghiệp, tỉnh Điện Biên tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá…thế mạnh của địa phương nhằm thu hút khách du lịch, xem du lịch là thế mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình phát triển kỉnh tế. Với lợi thế nhiều địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh…Tỉnh chú trọng đầu tư khôi phục, tôn tạo và nâng cấp các điểm du lịch, bảo tàng lịch sử…các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Sản phẩm dệt thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất các nhạc cụ truyền thống, sản phẩm kim hoàn và mộc mỹ nghệ. Trong đó, tỉnh khuyến khích đầu tư hàng dệt thổ cẩm, mây tre đan, các nhạc cụ truyền thống bởi nhu cầu thị trường rất lớn. Chính nhờ thế mạnh này mà hàng năm khách du lịch đến Điện Biên tăng mạnh. Chỉ tính năm 2013, đã có trên trên 360 ngàn lượt khách đến Điện Biên trong đó có trên 60 ngàn lượt khách Quốc tế và doanh thu xã hội từ ngành du lịch đạt trên 300 tỷ đồng, so với các tỉnh đồng bằng thì chưa cao nhưng đối với tỉnh miền núi, rẻo cao như Điện Biên thật đáng được trân trọng.

 

Dạo quanh phố thương mại Mường Thanh, bất chợt Đại tá Nguyễn Thanh Bình lên tiếng: “Chào anh, hôm nay anh lại đến cắt tóc à”, và anh Bình không quên giới thiệu, mấy hôm nay có đoàn Cựu chiến binh từ Quảng Bình lên thăm Điện Biên Phủ.” Nghe nói đến Quảng Bình ông xin phép người cắt tóc tạm dừng để tiếp chuyện. Qua câu chuyện chúng tôi biết, ông là Mùa A Sơn Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên lại là con rể Quảng Bình… Sau những câu chào hỏi thân thiết ông Chủ tịch say sưa giới thiệu về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương mình... Tôi không phải nể ông vì ông là Chủ tịch Tỉnh lại là con rể Quảng Bình mà tôi thật sự nể ông bởi sau giờ làm việc, ông Chủ tịch Tỉnh cũng ngồi vỉa hè cắt tóc như bao “thảo dân” khác, một hình ảnh khó tìm thấy hiện nay.

 

 Rời thành phố Điện Biên Phủ với quảng đường dài trên 30 km, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, vượt qua nhiều bản làng cheo leo bên sườn núi, chúng tôi có mặt tại khu Di tích “Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ- Mường Phăng”. Từ đường vào khu Di tích, nơi ở và làm việc của Bộ chỉ huy Chiến dịch đến lán trại của ban Tham mưu, Tác chiến, Thông tin, Cơ yếu…đều được đầu tư nâng cấp. Được đặt chân đến Sở Chỉ huy Chiến dịch mới biết được sự tài tình, sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa…Do hết giờ làm việc buổi chiều nên “tiếp” chúng tôi tại Ban Quản lý khu Di tích chỉ có các cháu nhỏ. Điều đáng nói, phần lớn các cháu là những “hướng dẫn viên” rất giỏi. Với chất giọng lơ lớ nửa Mường nửa Kinh, các cháu thuộc lòng lịch sử ở địa danh quan trọng này. Với sự nhiệt tình của các cháu, chúng tôi không quên tặng quà cho những “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ trước khi tạm biệt Mường Phăng.

 

 Theo ông Nguyễn Xuân Thảo một Cựu chiến binh cùng đoàn thì: “Gần 10 năm quay lại, Điện Biên đã có nhiều đổi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá nhất là giao thông đi lại, đặc biệt khách du lịch đến ngày càng đông, đây là tín hiệu đáng mừng. Ngoài việc Tỉnh đã đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ- Mường Phăng, cứ điểm Him Lam, hầm Tướng Đờ Cát, Đồi A1, khu Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ…thì mặc dù ở các địa điểm thăm quan đã có nhiều mặt hàng lưu niệm nhưng cần chú trọng chất lượng, hình thức bao bì, mẫu mã…đặc biệt đội ngủ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp hơn, có như vậy mới thu hút được khách du lịch đến với Điện Biên. Hiện tại các mặt hàng thủ công truyền thống số lượng còn hạn chế, đơn điệu, chưa có các cơ sở sản xuất tập trung, thiếu nguồn nhân lực, tay nghề…nên khả năng cạnh tranh chưa cao.”

 

Lý giải về vấn đề này, ông Hồ Nam cán bộ Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: “Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, cùng với việc đầu tư, nâng cấp các địa danh lịch sử, khu Bảo tàng, các nghỉa trang Quốc gia…tỉnh Điện Biên không chỉ tổ chức thi sáng tác các sản phẩm quà tặng du lịch mà còn tập trung đầu tư phát triển các nghề thủ công như: bạc đồng xòe, cúc bướm, trâm cài tóc của đồng bào dân tộc Thái và các mặt hàng mộc mỹ nghệ khác. Duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm tăng giá trị văn hóa bản địa thể hiện trên các sản phẩm và quảng bá hình ảnh Điện Biên nhằm thu hút khách trong nước và Quốc tế. Việc đưa hoạt động du lịch về với các làng nghề sẽ không chỉ tạo ra một nguồn thu nhập mới cho người dân làng nghề, mà còn góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển nghề truyền thống ở địa phương bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao, đáp ứng nhu cầu du khách; tạo dựng thương hiệu cho nghề thủ công truyền thống phục vụ hoạt động du lịch. Để làm được điều này, tỉnh Điện Biên đang tập trung quảng bá nhằm thu hút các nhà đầu tư vào ngành du lịch, dịch vụ nhất là đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống; tiến hành quy hoạch không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi nghề, mà còn biết trình diễn và tham gia các hoạt động du lịch”…

 

Cùng với đường hàng không từ thành phố Điện Biên Phủ đi Hà Nội- Viên Chăn- LuôngPrabang, tỉnh Điện Biên còn có 3 tuyến đường giao thông đường bộ đó là: Quốc lộ 6 về Hà Nội, Quốc lộ 12 qua cửa khẩu Ma Lu Thàng và Quốc lộ 279 qua cửa khẩu Quốc tế Tây Trang sang Lào. Chính nhờ có các tuyến đường giao thông quan trọng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và giao lưu Quốc tế… Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, Điện Biên đã, đang và sẽ xứng tầm là Trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Tây Bắc nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên ban tặng và các di tích lịch sử vô giá; nơi mà 21 bà con các dân tộc anh em đoàn kết, một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ cùng nhân dân cả nước lập nên chiến công hào hùng đập tan Tập đoàn cứ điểm của Pháp năm 1954 làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẩy năm châu, chấn động địa cầu” . /.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip