Diễn văn khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh

10:48 - 07/02/2024

Diễn văn khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh làng Cao Lao Hạ do anh Nguyễn Danh Lợi trình bày

 

 

 

Diễn văn khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh

 

DIỄN VĂN KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ HỌ TỘC NGUYỄN DANH
LÀNG CAO LAO HẠ, XÃ HẠ TRẠCH, HUYỆN BỐ TRẠCH,
TỈNH QUẢNG BÌNH

Kính thỉnh Tiên linh Tiên tổ!

Kính thưa các ông đại diện cho 24 dòng Họ anh em làng Cao Lao Hạ!

Kính thưa các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương!

Kính Thưa toàn thể các ông, các bà, các bác, các chú thím, o dượng và toàn thể con cháu nội, ngoại họ tộc! 

Kính thưa quý vị khách quý!

Trải qua những thăng trầm lịch sử của dân tộc Việt nam, quá trình dựng nước và mở mang bờ cõi, di dân, khai hoang lập ấp và quần tụ dân cư, cùng với họ Nguyễn tộc Việt Nam và các dòng họ anh em khác thì họ tộc Nguyễn Danh vốn là dòng họ “trâm anh thế phiệt” đã cùng kề vai sát cánh suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Qua quá trình nghiên cứu, cho đến nay chưa tìm thấy thông tin Họ Tộc Nguyễn Danh được sinh ra từ Nguyễn Tộc Việt Nam ở giai đoạn nào và ở đâu. Họ Nguyễn Danh có rất nhiều ở các tỉnh, thành như: Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác. Cũng qua tìm hiểu, được biết, họ Nguyễn Danh tập trung nhiều nhất là ở Nghệ An, đa số đều có nguồn gốc từ các vùng Sơn Tây, Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội. Xin nêu một số nơi để tham khảo, biết đâu họ Nguyễn Danh làng Cao Lao Hạ cũng được di cư vào đây từ một trong những nới đó:

Ở tỉnh Nghệ An có các dòng họ Nguyên Danh như: Ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu có nhà thờ Thủy tổ là Nguyễn Danh Đạo. Cụ Nguyễn Danh Đạo sinh vào cuối triều Trần, quê ở thôn Làng Nội, huyện Lập Thách, phủ Lâm Đào, tỉnh Sơn Tây. Ông khai cơ lập nên làng Trung Phường từ năm 1377, đến nay đã 647 năm; Ở xã Quỳnh Liên, Thị xã Quỳnh Mai, năm 2022 tổ chức Lễ khánh thành tu bổ nhà thờ; Ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, ngày 23/7/2023 tổ chức Lễ mừng công trùng tu và kỷ niệm 10 năm đón nhân di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra Họ Nguyễn Danh còn có ở Đô Lương và nhiều nới khác trong tỉnh Nghệ An. Đa số nhà thờ Họ Nguyễn Danh ở Nghệ An đều đã được công nhận di tích lịch sử.

Ngoài Nghệ An ra thì dòng họ Nguyễn Danh và nhà thờ cũng có rất nhiều tại các địa phương cũ của tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, trong đó một số huyện thị nay thuộc thành phố Hà Nội. Xin nêu một vài nơi như:

Nhà thờ Đại thần Nguyễn Danh Thế (1573-1645) ở làng Viên Nội, huyện Ứng Hoà. Năm 1595, đời Lê Thế Tông, ông thi lần đầu đỗ ngay đồng tiến sĩ khi 23 tuổi. Năm 1626 ông làm Thượng thư bộ Hình. Đáng lưu ý là ông cùng Nguyễn Khải mang quân đến huyện Kỳ Hoa (Hà Tĩnh) sắp đặt việc biên giới phía Nam với họ Nguyễn. Ông được triều đình truy tặng là Thái phó, Thượng thư bộ Hộ, và nhiều chức vụ khác.

Tiếp nữa, Nhà thờ Đại thần Nguyễn Danh Dự triều Lê trung hưng. Ông sinh tại làng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, trấn Sơn Tây. Khoa Ất Sửu (1685), ông thi đỗ Hội Nguyên, Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ. Ông được thăng Đông các Đại học sỹ, tước Nam và nhiều chức vụ cao trong triều đình.

Ngoài ra còn nhiều nơi có dòng họ Nguyễn Danh và có nhà thờ tổ rất lớn, ví dụ như ở làng Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc có nhà thờ Nguyễn Danh Phương, ông là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài lớn vào giữa thế kỷ XVIII; Ở xã Tiên Phương và một số xã khác ở Huyện Chương Mỹ cũng có họ Nguyễn Danh rất lâu đời và rất lớn, những nơi này có nhà thờ trên 400 năm; Ở Bắc Ninh có nhà thờ Nguyễn Danh Thực. Khoa thi năm Kỷ Hợi (1659) đời vua Lê Thần Tông, ông thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, ông được thăng chức Binh bộ thượng thư. Và còn rất nhiều vị Đại thần, quan văn, võ tướng xuất chúng trong các triều đại mà không thể kể hết ra đây hết được.

Trong số những bia Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu Quốc Tự Giám, họ Nguyễn Danh có ít nhất 2 bia Tiến sĩ của các Đại thần là Nguyễn Danh Thế và Nguyễn Danh Dự.

Làng Cao Lao Hạ là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khai khẩn và định cư của nhiều họ Nguyễn và nhiều họ tộc anh em khác. Dòng họ Nguyễn Danh có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, gắn liền với nhiều tên tuổi và đã trở thành niềm tự hào của các thế hệ con cháu. Cho tới nay họ tộc Nguyễn Danh làng Cao Lao Hạ có gần 300 Đinh,Tráng. Nhiều con cháu học hành thi cử đỗ đạt cao, có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân; nhiều nghệ sĩ ưu tú được nhà nước phong tặng; nhiều nhà quản lý tại các cơ quan chính quyền. Hiện nay có một số Tiến sĩ như: Tiến sĩ Nguyễn Danh Trung- giảng viên trường Đại học Văn hóa Nghệ Thuật Quân đội; TS Nguyễn Danh Bình từng là giảng viên trường Đại học bách khoa Đà Nẵng, ông là tiến sĩ ngành Xây dựng tại Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có một số con cháu là giảng viên các trường đại học như: Nghệ sĩ Ưu tú- thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy giảng viên trường Đại Học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Nghệ sĩ Ưu tú, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Họ tộc có rất nhiều con cháu đang học tập, lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong và ngoài nước. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến con cháu Ngoại của họ tộc. Cùng với con cháu Nội, con cháu Ngoại cũng có rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân đang giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều người cũng đang làm việc trong các cơ quan chính quyền từ trung ương tới địa phương, hoặc đang làm việc cho các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Con cháu họ tộc Nguyễn Danh hôm nay và mãi mãi về sau vô cùng biết ơn các  bậc Tiền bối đã để lại cho con cháu bộ Gia Phả gồm 11 cuốn, với 241 trang viết trên bản giấy gió. Năm 2015, Họ cùng một số chuyên gia, cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam tổ chức bồi lại và dịch ra chữ Quốc ngữ. Đây thực sự là những báu vật thiêng liêng vô giá mà con cháu đời nay và mãi mãi về sau nâng niu trân quý, giữ gìn. Xin trích dẫn một đoạn lời tựa mà các Cụ biên, đặc biệt là để biết về Thủy Tổ và Tiên Tổ của dòng họ: Thiết nghĩ, nhờ trời mà có sự khởi đầu, nhờ đất mà có sự sinh sôi, từ đó mới có sự tưởng nhớ đến thượng cao cao Thủy tổ. Việc đó tựa như cây có gốc, nước có nguồn, để rồi nguồn vui trào tới kéo dài đến vô tận vậy. Bởi vậy, để có được các thế hệ con cháu đời sau chính là nhờ vào công đức ngập tràn thấm nhuần mọi chốn của các thế hệ đi trước. Công đức ấy cũng chẳng khác cây cao bóng cả che trùm. Vậy nên, người đời sau chẳng thể quên tình công lớn tựa biển của người xưa. Do đó, việc sớm tối hương hỏa kéo dài vạn vạn năm là lẽ cương thường không bao giờ thay đổi vậy. Nay biên: Cụ Thủy tổ khảo, húy Bích, tự Đô (giỗ ngày 24 tháng 4). Cụ sinh hạ được 3 người con trai, con trưởng húy Lời, thứ hai húy Dư, thứ ba húy Nghìn. Ba Cụ Tiên tổ chính là ba Cụ Trưởng Nhánh, cho đến ngày nay con cháu dòng tộc đã phát triển đến đời thứ 18-19. Nói về việc xây dựng nhà thờ thì tiếc thay con cháu chưa tìm thấy tư liệu ghi lại Nhà thờ họ Nguyễn Danh tại làng Cao Lao Hạ được xây dựng bắt đầu vào năm nào, nhưng một điều kỳ thú là Gia phả có ghi lại lần tu sửa năm Tự Đức 33 (1880) như sau:Ngày 20 tháng giêng năm Tự Đức 33 (1882) Trưởng tộc Nguyễn Danh Dụ cùng toàn thể mọi người trong họ phụng biên. Nguyên vì, vào ngày... tháng 10 năm Tự Đức 33 (1880) bản tộc hội nghị bàn bạc ở Từ đường thấy cần phải báo ơn linh sảng như tìm về cội. Do đó, mọi người thành tâm trên thuận dưới hòa, cùng nhau truy ân tiên tổ, tỏ rõ công đức vĩnh hằng, năng vun bồi đắp, quanh năm hương khói tỏ lòng đạo hiếu đời đời không ngưng. Vậy nên, hôm nay mọi người đồng tâm hiệp lực mua gỗ, sắm gạch, mời thợ về để tu sửa lại cho quang cảnh thêm tươi sắc, chiêu mục hai hàng lộng lẫy khang trang, để cho đời đời con cháu thêm hưng thịnh. Đó chẳng phải là điều vui lắm thay! Hơn nữa, vật đổi sao rời, vì trải qua nhiều thời gian nên tất phải có sự tu sửa...”. Lần tu sửa lúc đó các Cụ không ghi chú rõ là lần tu sửa thứ mấy nhưng tính đến nay đã được 144 năm. Cùng với các nhà thờ Nguyễn Tộc anh em và các nhà thờ họ tộc khác, nhà thờ họ Nguyễn Danh đời nào cũng được xây dựng uy linh, tọa Bắc hướng Nam. Thời Pháp thuộc, nhà thờ họ bị giặc Pháp làm nơi đồn trú. Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1965 đến 1972 nhà thờ họ phải tháo dỡ để bắc ngầm, lấp hố bom tất cả vì tiền tuyến, xe chưa qua, nhà không tiếc. Và rồi nhà thờ Họ tiếp tục làm lại, nhưng chưa được bao lâu thì bom đạn Mỹ tàn phá. Tiếp đến, năm 2005-2006, nhà thờ xây dựng lại với bộ khung bê tông cốt thép, mái được làm bằng các loại gỗ quý, lợp ngói. Lần này, nhờ phúc ấm của tổ tiên và để tỏ lòng biết ơn, tri ân lên Tổ tiên, nhằm ngày mồng 6 tết Nguyên Đán năm Nhâm Dần 2022, toàn thể con cháu họ tộc họp bàn và thống nhất tiến hành xây dựng lại nhà thờ cho cao rộng hơn, phù hợp với số lượng con cháu đông hơn như hiện nay. Họ quy định mỗi Đinh đóng 10 triệu, mỗi Tráng đóng 5 triệu. Ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (tức ngày 27/2/2023), Họ tộc long trọng tiến hành làm lễ động thổ. Sau 8 tháng 10 ngày tổ chức thi công, đến ngày 16 tháng 10 năm Quý Mão (tức ngày 28/11/2023), Họ tộc tổ chức làm lễ Nhập Trạch và rước Tiên Linh qua nhà thờ mới. Và rồi hôm nay, ngày 25 tháng 12 năm Quý Mão (tức ngày 4/2/2024), toàn thể con cháu chúng ta cùng các ông đại diện cho 24 họ tộc anh em và các quý vị khách quý về đây tham dự lễ Khánh thành nhà Từ đường mới, đáp ứng ý nguyện của toàn thể con cháu. Nhà Từ đường mới được dịch chuyển lại cho ngay thẳng khuôn viên mới mở rộng, đồng thời vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống linh thiêng và uy nghi. Nhà Từ đường vừa để thờ phụng, tri ân Tổ tiên và các bậc Tiền Nhân, các đấng sinh thành nhưng cũng vừa để cho con cháu thời nay và cả mai sau sinh hoạt tâm linh, đàm đạo việc họ, kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Hệ thống Hoành phi Câu đối của nhà thờ cũng được biên soạn lại, tất cả nội dung đa phần đều nhắc nhỡ con cháu luôn biết ơn và nhớ về Tổ tiên; nhờ phúc ấm Tổ tiên cao như núi, dài như sông mà mãi mãi ghi lòng tạc giả và đèn hương muôn thuở. Cùng với đó, hệ thống Hoành phi- Câu đối còn ca ngợi đất trời, cảnh quê, sơn thủy hữu tình, mà tổ tiên chọn nơi cư trú. Xin được trích lược một số câu đối tại một số vị trí:

百年庆址留几式

一片斋诚寓芯芬

Phiên âm:    - Bách niên khánh chỉ lưu cơ thức;

                   - Nhất phiến trai thành ngụ tâm phân.

Nghĩa:     - Trăm năm nền phúc truyền khuôn phép;

                   - Một tấm lòng thành tựa hương thơm.

 

祖德莊嚴萬代子孫傳繼世

祠堂奉事億年香火永長流

          Phiên âm:    - Tổ đức trang nghiêm, vạn đại tử tôn truyền kế thế;

                             - Từ đường phụng sự, ức niên hương hỏa vĩnh trường lưu.

Nghĩa:      - Đức tổ tiên trang nghiêm, muôn đời con cháu truyền kế nối;                               

                   - Từ đường thờ phụng, vạn năm hương hỏa kéo mãi dài lâu.

堂構舊基積累仰憑先世蔭

詩書素業繼承永迪故家風

Phiên âm:       - Đường cấu cựu cơ, tích lũy ngưỡng bằng tiên thế ấm;

                       - Thi thư tố nghiệp, kế thừa vĩnh địch cố gia phong.

Nghĩa:        - Nền cũ dựng xây, tích lũy đức nhân ơn nhờ tiên tổ;

                       - Thi thư nối nghiệp, kế thừa dài mãi nếp gia phong.

旗山朝環鍾旺氣

泠江宛轉衍恩波

Phiên âm:       - Kỳ Sơn triều hoàn chung vượng khí;

                       - Linh Giang uyển chuyển diễn ân ba.

Dịch nghĩa:    - Kỳ Sơn (Núi Cờ) chầu vây hun đúc nên vượng khí;

                     - Linh Giang (Sông Gianh) uyển chuyển nước sáng long lanh.

 

Về kinh phí, tính đến ngày 20 tháng 1 năm 2024 (tức ngày 10 tháng Chạp năm Quý Mão), tổng số đóng góp và ủng hộ của toàn thể con cháu nội, ngoại, dâu, rể trong, ngoài họ được số tiền là: 2.345.000 đồng (Hai tỷ ba trăm bốn mươi lăm triệu đồng). Hiện nay con cháu vẫn đang tiếp tục đóng góp và ủng hộ. Bên cạnh sự đóng góp theo quy định thì nhiều con cháu nội, ngoại, dâu, rễ đã ủng hộ với giá trị rất lớn, điện hình như:

Ông Nguyễn Danh Trung ở Hà Nội đóng góp và ủng hộ 200 triệu đồng xây dựng, ông còn ủng hộ thêm 5 triệu để mua đồ thờ;

Thím Nguyễn Thị Đào đã chuyển nhượng lại mảnh đất cạnh nhà thờ đồng thời cung tiến lại cho họ 5 triệu đồng;

Ông Nguyễn Danh Lợi ở Hà Nội cùng mấy anh em đều là con ông Nguyễn Danh Thới bà Nguyễn Thị Dĩnh ở thôn 7 cung tiến 270 m2 đất; ông Lợi còn ủng hộ thêm hơn 30 triệu đồng bao gồm mua một bộ hoành phi câu đối bằng gỗ hương đá, mua thêm đồ thờ và 4 triệu tiền mặt. Ngoài ra ông Lợi cũng giúp họ chủ trì phối hợp với chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm biên soạn toàn bộ hệ thống Hoành phi- Câu đối của nhà thờ; Ông cũng là người tổ chức phối hợp với viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam bồi và dịch thuật bộ Gia Phả của họ tộc năm 2015;

Ông bà Trần Quang Thành-Nguyễn Thị Nguyệt là con rể, con gái họ ủng hộ 50 triệu đồng;

Gia đình ông Nguyễn Danh Thường trưởng họ cung tiến toàn bộ hàng rào sắt trước mặt nhà thờ;

Ông Nguyễn Danh Ánh người đóng góp chính cùng một số con cháu là: Công, Long, Tuấn, Hải đang làm việc ở Nga ủng hộ 45 triệu mua 3 bộ Ngũ Sự và đồ thờ; Hai con ông Ánh là Hùng và Hưng ủng hộ thêm 5 triệu đồng;

Vợ  chồng ông Bài bà Hạnh ở Huế ủng hộ 20 triệu đồng;

Ông Nguyễn Danh Sung thôn 3 ủng hộ 15 triệu đồng để mua đồ thờ;

Cụ bà Nguyễn Thị Tuần, con gái họ ở Hà Nội ủng hộ 10 triệu đồng;

Ông Nguyễn Danh Tâm ở Đồng Hới ủng hộ 10 triệu đồng;

Ông Nguyễn Danh Sơn ở A Lưới con ông Nhánh thôn 9 ủng hộ 10 triệu đồng;

Các ông con ông Sự bà Hằng ở thôn 9 gồm ông Nhân, Hùng,  Dũng, Vinh, Tám ủng hộ thêm 14 triệu đồng;

Các bà con gái ông Nguyễn Trương ở Sài Gòn ủng hộ 10 triệu đồng, gồm các bà: Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Thu Hương và Nguyễn Ngọc Anh;

Ông bà Lưu Minh Tầm-Nguyễn Thị Duyến (con rể- con gái họ) ủng hộ 10 triệu;

Ông Nguyễn Danh Hải ở Huế con ông Kình thôn 9 ủng hộ đồ thờ gần 10 triệu;

Ông Nguyễn Danh Ngọc thôn 9 bên cạnh ủng hộ toàn bộ vật tư lắp nước chừng 5 triệu thì còn lo cung cấp nước cho thi công công trình ngay từ ngày khởi công cho đến ngày hoàn thành.

Các con gái họ: Hường, Hòa, Thoa con ông Hợi ở Nông trường ủng hộ 10 triệu;

Bà Nguyễn Thị Du ở thôn 1 tuy bố mẹ đã mất nhưng ủng hộ 6 triệu;

Ông Nam con rể ông Đức bà Lài, bà Nga cùng các ông Bình, Luận đã có tấm lòng đóng 10 triệu thay cho Ba mẹ đã mất.

Gia đình ông Nguyễn Danh Thái ở thôn 9 ủng hộ 6 triệu;

Ông Nguyễn Danh Thành ở Nghệ An ủng hộ 5 triệu;

Ông Nguyễn Danh Thắng ở Sài Gòn ủng hộ 5 triệu đồng;

Ông Nguyễn Danh Hùng ở Biên Hòa ủng hộ thêm 5 triệu mua đất cùng ông Lợi;

Gia đình bố con ông Nhị ở thôn 6 ủng hộ 5 triệu;

Ông Nguyễn Danh Tuất ở Bình Dương ủng hộ 5 triệu;

Bà Nguyễn Thị Hà em ông Kiên ở Hà Nội ủng hộ 5 triệu;

Bà Nguyễn Thị Thương con gái ông Rèn thôn 8 ủng hộ 5 triệu;

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Phượng- ông Thành con ông Sung thôn 5 ủng hộ 5 triệu;

Bà Nguyễn Thị Hà con ông Nhánh thôn 9 ủng hộ 5 triệu;

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan- ông Búa con ông Ngọc thôn 4 ủng hộ 5 triệu;

Các ông Nguyễn Danh Sáu và Nguyễn Danh Tiến ở Đắc Lắc ủng hộ 6 lọ lục bình bằng gỗ quý.

Ông Nguyễn Danh Thành ở Huế ủng họ 2 lá cờ.

Và còn nhiều con cháu ủng hộ mà chưa thống kê hết.

Đặc biệt, ngoài những con cháu ủng hộ từ 5 triệu trở lên thì còn có tới gần 70 con gái họ, con dâu, con rễ, cháu ngoại ủng hộ kinh phí từ 1 triệu đến 4 triệu, do thời gian eo hẹp nên chưa liệt kê ở đây, rất mong được thông cảm. Ngoài ra trong một thời gian rất ngắn, họ tộc cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều con cháu lên tới hơn 100 triệu để mua sắm đồ thờ.

Cùng với sự đóng góp về tiền của thì còn có một số con cháu được phân công vào ban Xây dựng, chủ trì là bác Trưởng họ Nguyễn Danh Thường. Một số con cháu được phân công làm các việc trọng trách như: Trưởng ban xây dựng ông Nguyễn Danh Toàn; phó ban xây dựng phụ trách kỹ thuật kiêm giám sát thi công ông Nguyễn Danh Ngọc, ông Ngọc còn kiêm Thủ quỹ; ông Nguyễn Danh Hải làm kế toán, ông Nguyễn Danh Lộc làm Kế toán thay ông Hải một thời gian; ông Nguyễn Danh Phương làm bảo vệ vật tư vật liệu công trình; và còn nhiều người giúp họ nhiều công việc khác. Tất cả những con cháu họ tộc được phân công ai cũng hết lòng hết sức ngày đêm lo toan, bám sát công trường với tinh thần trách nhiệm rất cao, tất cả vì tổ tiên mà đem lòng tận tâm. Đặc biệt nhất, ông Nguyễn Danh Toàn- trưởng ban Xây dựng, là người bám sát trên công trường từ ngày khởi công cho đến ngày hoàn thành để chỉ đạo mọi công việc; ông Nguyễn Danh Ngọc luôn bám sát công trình để trao đổi công việc với thợ; ông Nguyễn Danh Lộc có mặt trên công trường để giúp họ nhiều việc suốt từ những ngày đầu cho đến kết thúc công trình. Ngoài ra, ông trưởng họ, ông thư ký, các ông trưởng Nhánh và còn nhiều con cháu nội, ngoại khác cũng siêng lui tới trao đổi và động viên. Tổ Khánh Tiết cũng lo toan chuẩn bị lễ cúng thờ khi có việc rất chu đáo. Nhiều con cháu cũng tự nguyện đến làm nhiều việc như dọn mặt bằng, dọn dẹp vật tư, vật liệu, vệ sinh công trình và nhiều công việc khác. Xin đề nghị toàn thể khách quý và con cháu họ tộc nhiệt liệt hoan nghênh.

Xin cảm ơn công ty xây dựng Minh Sơn do ông Lưu Minh Sơn là con cháu ngoại của họ làm giám đốc cùng đội thợ lành nghề đã tận tâm xây lên ngôi nhà thờ khang trang, chất lương tốt nhất cho họ tộc chúng tôi; Bên cạnh đó, ông Sơn còn giúp họ nhiều ca máy để san lấp mặt bằng, tháo dỡ nhà thờ cũ. Cảm ơn ông Lưu Minh Lực- người làm những tấm cửa ưng ý, chất lượng cho nhà thờ. Xin cảm ơn đội thợ Kép, họ là những người đến từ tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê hương của các thế hệ thợ xây Cung Đình ra đây. Với những bàn tay điêu nghệ, các anh đã khắc họa lên lớp áo mang hơi thở mỹ thuật truyền thống Cung Đình và vùng miền cho tươi đẹp nhà thờ họ tộc chúng tôi.

Toàn thể họ tộc chúng tôi xin chân thành cảm ơn Đảng Ủy, Chính quyền, các cơ quan đoàn thể địa phương cùng bà con thôn xóm nơi nhà thờ họ tộc Nguyễn Danh an vị, đã tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu họ tộc chúng tôi xây dựng nên công trình như hôm nay.

Xin cảm ơn toàn thể con cháu nội ngoại, dâu rể của dòng họ đã đồng sức đòng lòng, thơm thảo đóng góp để hôm nay nhà thờ họ được khang trang tươi đẹp.

Cuối cùng, nhân dịp tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, xin kính chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể bà con nội ngoại, dâu rể năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tác giả : Nguyễn Danh Lợi

Bình luận

Bài viết liên quan

Thư mời dự lễ khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Phúc
Lời chào mừng và tuyên bố khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh
Mời dự lễ khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh
Lễ rước Tiên linh họ Nguyễn Danh, làng Cao Lao Hạ
Thông báo của họ Nguyễn Danh, làng Cao Lao Hạ

Video clip