Đình làng Cao Lao Hạ quê em

07:54 - 21/05/2022

Bài viết của em Lưu Thị Trà My, lớp 9, đạt giải khuyến khích cuộc thi Viết về làng quê của em” do trường THCS Lưu Trọng Lư phát động, trang tin caolaoha.com tài trợ kinh phí.

 

Đình làng Cao Lao Hạ quê em

Học sinh Lưu Thị Trà My (Ảnh: Trường THCS Lưu Trọng Lư)

Quê hương …!

Trong trái tim mỗi người , tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra ai mà chẳng có cội nguồn, không có quê hương. Quê hương là cái nôi nuôi dưỡng ta khôn lớn và trưởng thành, nơi cho ta những kỉ niệm đẹp đẽ, ngọt ngào, nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta, dạy cho ta bao bài học luân lí đạo đức làm người. Và đối với tôi, mảnh đất Hạ Trạch - hay còn gọi với cái tên thân thuộc là làng Cao Lao Hạ chính là cội nguồn, là nơi chứa đựng những kí ước tuổi thơ tươi đẹp nhất, chôn sâu trong tâm hồn tôi. Đặc biệt trên mảnh đất "địa linh nhân kiệt" này là nơi xây dựng lên đình Cao Lao Hạ - nơi gắn liền với biết bao di tích lịch sử.

Tọa lạc trên một khu đất khá bằng phẳng, hướng nhìn về phương Bắc, nơi ngã ba hội tụ của nguồn Son, nguồn Nậy và dòng sông Gianh lịch sử, đình Cao Lao Hạ là một trong những ngôi đình thiêng liêng, cổ kính mà cho đến nay chưa có nguồn tài liệu nào cho biết chính xác thời gian xây dựng. Đã qua nhiều lần trùng tu, đình Cao Lao Hạ trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng tiêu biểu của địa phương và tỉnh nhà trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc. Trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đặc biệt là hai cuộc chiên tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, đình Cao Lao Hạ gắn liền với các phong trào yêu nước của địa phương, góp phần cùng quân và dân Hạ Trạch anh dũng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù.

Vào cách mạng tháng 8-1945, đình là nơi tập trung dân làng để nghe diễn thuyết, nơi diễn ra cuộc mít tinh cả Mặt trận Việt Minh kêu gọi nhân dân nổi dậy giàng chính quyền. Ngày 4-9-1945 , chính phủ phát động xây dựng quỹ Độc lập, Tuần lễ vàng nhằm huy động nguồn tài chính trong nhân dân để phục vụ công cuộc kháng chiến và cứu quốc .Đợt quyên góp này đã diễn ra rộng khắp, liên tục sôi nổi khắp các làng quê ngõ xóm, thu hút được sự tham gia của hằng chục vạn nhân dân Quảng Bình. Tại đình Cao Lao Hạ, chính quyền và nhân dân Hạ Trạch đã tổ chức các đợt quyên góp, nhiệt tình ửng hộ tham gia cách mạng, cùng đóng góp sức người, sức của cùng quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến

Tháng 9-1945 Chính phủ lâ thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban sắc lệnh thành lập "Nha bình dân học vụ". Ở tỉnh ta đã thành lập "Ty bình dân học vụ", phong trào bình dân học vụ được phát động sôi nổi ở khắp nơi. Tại làng Cao Lao Hạ, ban “Bình dân học vụ” của địa phương cũng được thành lập do ông Lưu Đức Dõng làm trưởng ban. Đình Cao Lao Hạ được chọn làm nơi mở lớp dạy học, xóa mù chữ cho bà con trong xã, góp phần nâng cao dân trí, đẩy lùi các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan… tạo nên cuộc sống vui tươi, lành mạnh trong nhân dân.

Đặc biệt, đình Cao Lao Hạ là một trong những địa điểm được chọn để tổ chức bầu  cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước (1946).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Hạ Trạch với vị trí nằm ở nam bến phà Gianh, là tuyến vận tải chiến lược cực kỳ quan trọng của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Chính vì vậy, vùng đất này trở thành tọa độ lửa mà máy bay địch ngày đêm tập trung đánh phá, hòng cắt đứt mạch máu giao thông, cắt đứt sự chi viện vào chiến trường miền Nam. Mặc dù bị giặc Mỹ bao vây, đánh phá ác liệt nhưng chính quyền và nhân dân Hạ Trạch vẫn sát cánh cùng với lực lượng cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám trụ, vững chắc tay súng, anh dũng chiến đấu, bảo đảm thông đường, thông bến, thông phà để vận chuyển hàng hóa, vũ khí và sức người vào chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược….

Đi qua các cuộc chiến tranh, kiến trúc đình Cao Lao Hạ xưa đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn của quân thù, đình Cao Lao Hạ đã bị đánh sập, dấu tích còn lại khá nguyên vẹn là hai trụ biểu cổng đình. Trụ biểu cao khoảng 4m, có bốn cạnh, mỗi cạnh rộng 1,2m, được trang trí viền hoa văn hình long, lân, quy, phượng xen kẽ hình tùng cúc, trúc, mai. Bốn mặt mỗi trụ biểu có đắp nổi bằng sành sứ khá tinh xảo theo hàng dọc bốn câu đối bằng chữ Hán.

Với tâm nguyện để có nơi thờ tự Thành Hoàng làng và có một trung tâm sinh hoạt văn hóa tại địa phương, cuối năm 2008, đình Cao Lao Hạ được khởi công xây dựng lại với sự góp công, góp của của con em Hạ Trạch đang sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc. Tháng 4-2011, việc xây dựng đình được hoàn thành.

Đình làng là một biểu tượng công trình kiến trúc văn hóa cộng đồng lớn nhất của làng, xã, là một di sản văn hóa với tổng thể nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo. Tình yêu quê hương, đất nước của con người một phần được nuôi dưỡng và lớn lên ở đó, góp phần định hình cho mỗi chúng ta nhận ra được gốc tích của mình. Đình Cao Lao Hạ là một trong số ít đình làng ở Quảng Bình được phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị, đã thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biết biến những giá trị đó thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp pt kinh tế - văn hóa, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ quê hương.

 

Tác giả : Lưu Thị Trà My

Bình luận

Bài viết liên quan

Lễ vinh danh học sinh giỏi cấp tỉnh
Học sinh trường THCS Lưu Trọng Lư đạt gải cấp tỉnh
Nguyễn Thị Minh Ánh đạt giải nhất cấp tỉnh môn sinh học
Cảm nhận từ một cuộc thi
Hạ Trạch quê hương em

Video clip