Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Đình và lễ Đình làng Hạ

Ghi chép và những hình ảnh tư liệu của anh Nguyễn Chung Quý về Đình và lễ Đình làng Cao Lao Hạ

Đình làng Cao Lao Hạ được xây dựng, toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo nằm sát đường Quan, trên địa bàn xóm 7 (xã Hạ Trạch ngày nay), mặt đình nhìn ra hướng bắc. Theo truyền khẩu và tìm hiểu qua các cụ cao niên thì Đình làng Cao Lao Hạ được xây dựng cách đây trên 300 năm, là nơi thờ Thành Hoàng làng, cùng các vị đã có công khai canh, khai khẩn lập nên làng Cao Lao Hạ xưa – Hạ Trạch ngày nay và những người có công với quê hương, đất nước. Đồng thời là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội truyền thống của quê hương. Cũng qua tìm hiểu, vào năm Minh Mạng thứ 3 (năm Nhâm Ngọ 1822), tức là cách nay gần 200 năm đình làng được trùng tu, tôn tạo. Gần 120 năm sau, năm Bảo Đại thứ 16 (năm Tân Tỵ 1941), với sự đề xuất và ủng hộ kinh phí của ông Lưu Trọng Dư, một thầy thuốc tây y nổi tiếng người Cao Lao Hạ, bà con dân làng đã đoàn kết, chung tay góp sức, tiền của tôn tạo lại ngôi đình làng khang trang, uy nghi.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình làng Cao Lao Hạ là nơi thành lập mặt trận Việt Minh, Ủy ban hành chính, Ủy ban hành chính kháng chiến, nơi tuyên truyền, quyên góp, tham gia diệt giặc đói, giặc dốt. Đặc biệt, đình Cao Lao Hạ là một trong những địa điểm được chọn để tổ chức bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước (06/1/1946). Đình làng Hạ còn là chỗ tụ họp của lực lượng dân quân, du kích, nơi tập luyện quân sự. Và, trong một lần đi càn (tháng 4/1947), phát hiện trong đình làng cất giấu nhiều vật liệu, vũ khí, lính Pháp đã tưới xăng đốt cháy đình làng.

Hòa bình lập lại, khi chính quyền và nhân dân xã nhà chưa kịp khôi phục, xây dựng lại đình làng thì giặc Mỹ âm mưu xâm lược nước ta, cùng với việc đưa quân vào Miền Nam, Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại Miền Bắc. Với tinh thần tất cả vì Miền Nam ruột thịt, tất cả vì tiền tuyến, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, người dân Hạ Trạch lại tiếp tục hiến dâng những phần còn lại của ngôi Đình để lót đường (qua ngầm Hói Hạ) cho xe qua, từ đó Đình làng Cao Lao Hạ thực sự không còn. Dấu tích còn lại là hai trụ biểu cổng đình. Trụ cao gần 6m, có bốn cạnh, mỗi cạnh rộng tương đương 1,05m, được trang trí viền hoa văn hình tứ linh: long, lân, quy, phượng xen kẽ hình tùng, cúc, trúc, mai – biểu tượng cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Trên mỗi đỉnh trụ có gắn hình một con nghê đắp nổi uy nghiêm.

Trải qua thời gian dài làng Cao Lao Hạ không có nơi để thờ Thành Hoàng và các bậc tiền nhân, những người có công với quê hương, đất nước. Đó là nỗi băn khoăn, day dứt của lãnh đạo Đảng, chính quyền xã nhà cũng như toàn thể bà con nhân dân ở quê và bà con xa quê.

Trước tình hình như vậy và thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân, BCH Đảng bộ xã Hạ Trạch đã nhiều lần họp bàn và tổ chức nhiều hội nghị, thống nhất ra Nghị quyết về việc xây dựng lại đình làng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các ông Trưởng họ. Đặc biệt là ủng hộ của Ban liên lạc các hội đồng hương và đồng thuận của toàn thể bà con nhân dân ở quê cùng bà con xa quê, các nhà hảo tâm, ngày 15-12-2008 (nhằm ngày 19-11 năm Mậu Tý) đình làng Cao Lao Hạ được khởi công phục dựng lại, với mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của quê hương.

Nhờ tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của bà con nhân dân ở quê cùng bà con xa quê, sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị xây dựng, sau hơn hai năm thi công, công trình Đình làng Cao Lao Hạ cơ bản hoàn thành. Ngày 17/4/2011 (nhằm ngày 15/3/ năm Tân Mão) người dân làng Hạ mừng vui, hân hoan tổ chức lễ khánh thành Đình làng.

Với vai trò và ý nghĩa lịch sử của Đình làng, năm 2015 Đình làng Cao Lao Hạ vinh dự được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là niềm tự hào của toàn thể người dân làng Hạ ở quê cũng như tất cả bà con xa quê.

Ngay sau khi Đình làng khánh thành, nhiều hạng mục phụ trợ tiếp tục được bà con xa quê quan tâm đóng góp mua sắm, xây dựng, như: các bức Hoành phi, câu đối, bộ gươm giáo đặt trong đình. Tiếp theo, năm 2012 là chương trình trồng lại những cây đa quê hương, trong đó có một số cây trong khuôn viên của đình, năm 2013 khởi công xây dựng sân đình và bình phong, năm 2015 tôn tạo, nâng cấp cổng đình với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Ngay từ khi chuẩn bị khởi công xây dựng lại Đình làng, công việc của Ban quản lý đình là tìm lại những kỷ vật, đồ thờ cúng, ngày kỵ, ngày lễ đình. Đáng tiếc, vì nhiều nguyên nhân: thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, chiến tranh tàn phá, đặc biệt là trải qua thời gian quá dài nên công việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc khó nhất là tìm lại ngày lễ đình – Ngày cúng Thành Hoàng làng. Vì không còn được lưu giữ bằng văn bản, nên có nhiều ý kiến khác nhau đã đưa ra. Để thống nhất lại ngày lễ đình, địa phương đã mở hội nghị gồm đại diện các cụ cao tuổi, các ông Trưởng họ của 24 dòng họ cùng lãnh đạo xã. Theo đa số các ông trưởng họ và đại diện các cụ cao tuổi cùng lãnh đạo xã nhà, đó phải là một ngày có tính chất truyền thống. Mặc dù thời gian trôi qua đã khá lâu, nhưng may mắn nhiều cụ còn nhớ đó là một ngày của trung tuần tháng 6 Âm lịch, và với đa số ý kiến, hội nghị đã thống nhất lấy ngày 16/6 Âm lịch hằng năm làm ngày lễ cúng Thành Hoàng.

Ngày nay, vì cuộc sống, học tập, công tác, người Cao Lao Hạ - Hạ Trạch có mặt khắp mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài. Sau lễ Đình năm 2011, có một số bà con băn khoăn: Lễ hội thường được mở vào mùa xuân, tại sao lễ Đình làng Cao Lao Hạ lại tổ chức vào mùa hạ? Nếu tổ chức lễ vào mùa xuân, lúc đó thời tiết mát mẻ, con cháu khắp nơi có điều kiện để hội tụ, về dâng hương Thành Hoàng?

Mong ước, nguyện vọng của bà con là chính đáng, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống của địa phương. Theo lập luận của nhiều người, ngày xưa người Cao Lao Hạ cùng chung sống quây quần, giới hạn trong 20 lối xóm. Vào mùa xuân, tức là dịp tháng giêng, tháng hai đói rét, cuộc sống chật vật, mọi người còn lo bươn chải lên rừng, xuống sác để tìm kiếm cái ăn, ít có thời gian rãnh rỗi như các nơi khác. Ngược lại, vào dịp tháng sáu, đêm hè mát mẻ, trời đầy sao, trăng sáng vằng vặc, đây là thời gian sau khi thu hoạch vụ 5, thóc lúa đầy bồ, là thời điểm nông nhàn, người lớn được nghỉ ngơi, trẻ em cũng được nghỉ, nên lễ hội tổ chức vào dịp này là hợp tình, hợp lý.

Đó là dựa vào thực tế và theo lập luận của các cụ, còn nguyên nhân sâu xa hơn, có thể ngày 16/6 là một ngày giỗ, ngày kỵ, hoặc một ngày quan trọng liên quan đến gốc tích mà các vị Hoàng làng muốn lưu truyền lại cho hậu thế. Thực tế, từ lúc khánh thành đến nay, vào dịp lễ Thành Hoàng 16/6 Âm lịch, ngoài bà con nhân dân ở quê thì Đình làng là nơi trở về của đông đảo bà con đồng hương, nơi hội tụ của du khách thập phương.

Ngày nay, với tất cả người dân làng Cao Lao Hạ, dù ở gần hay xa, ở quê hay sinh sống ở nước ngoài thì ngày 16 tháng 6 Âm lịch hằng năm đã trở thành một ngày đại lễ, là thời khắc để mọi người trở về thành kính dâng những nén hương thơm lên Thành Hoàng làng và các bậc tiền nhân, bày tỏ lòng tri ân đến những người đã khai sinh, lập nên làng Cao Lao Hạ thân yêu, đồng thời cầu mong Thành Hoàng và các bậc tiền nhân phù hộ, độ trì cho con cháu, người dân làng Hạ ở khắp mọi nơi được bình an, hạnh phúc, quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp…

Tác giả: Nguyễn Chung Quý

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 1097

    Trong tuần: 9858

    Trong tháng: 88010

    Tổng số: 225205

    Đang online: 24