Đôi điều góp bàn về việc xây dựng cổng phụ đình làng

07:23 - 26/09/2014

Ý kiến của anh Lưu Văn Lộc về việc xây dựng cổng phụ đình làng

 

Kính thưa bà con.

Thưa cộng đồng caolaoha.com!

 

Đình làng ta đã có từ rất lâu. Trải qua chiến tranh tàn phá, mưa bão hủy hoại nên đình làng đã bị hư hỏng hoàn toàn. Nhưng thật may mắn là 2 trụ chính cổng đình làng vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Có thể nói rằng, chính sự tồn tại của 2 trụ cổng đình là động lực vô cùng to lớn để năm 2011, cả làng chung sức chung lòng xây dựng lại đình làng.


Nay chúng ta tiếp tục xây dựng các hạng mục phụ trợ, nhiều hạng mục được bà con đồng tình nhất trí cao đã và đang được triển khai. Riêng phần hạng mục có hay không mở thêm cổng phụ đình làng thì cho đến nay vẫn chưa thống nhất. Người nói không cũng có cái lý của việc không mở, người nói có cũng có cái lẽ của việc cần phải mở. Tất cả cũng vì cái chung của làng, vì ai cũng muốn công trình đình làng khi xây dựng hoàn chỉnh phải đẹp, uy nghiêm và trường tồn mãi để con cháu sau này khỏi mất công cải tạo.


Vậy có nên mở cổng phụ?


Quan sát kỹ 2 trụ cổng đình, từ phần chân đế lên đến đỉnh trụ thì 4 mặt phần đế trụ và thân trụ đều được đắp vẽ như nhau. Có chăng chỉ khác nhau ở phần nội dung các câu đối trên các mặt thân trụ. Riêng mặt trụ phía từng rào gắn vào không biết ngày xưa ông cha ta có gắn câu đối hay không thì không rõ vì dấu tích không còn.
Nói đình làng ta ngày xưa không có cổng phụ thì cũng không sai, bởi không có dấu tích để lại. Nhưng nếu căn cứ vào điều này để bây giờ không làm thì e cũng không đúng. Bởi ngày xưa ông cha ta cũng không xây tường rào bao quanh. Hai trụ cổng đình hoàn toàn đứng độc lập, không có 2 cánh gà gắn vào trụ cổng đình.
Có thể nhờ 2 trụ cổng đình đứng độc lập nên mới tồn tại đến ngày nay. Bởi nếu có 2 cánh gà gắn vào trụ, những cánh gà này tạo nên những bức tường cản gió, tăng thêm độ rung lắc. Với thời tiết khắc nghiệt của miền trung cùng những trận bão có sức gió giật lên đến cấp 14, 15 những cánh gà này có khi vô tình trở thành “kẻ phá hoại” trụ chính cổng đình.

 

  


Qua tìm hiểu, hầu hết đình làng các nơi đều có cổng phụ. Những đình làng mới khôi phục làm lại thường có cổng đình “hoành tráng” hơn những ngôi đình cổ. Ở miền Bắc, rất nhiều đình làng vẫn còn được bảo tồn, giữ gìn, và tồn tại hàng trăm năm nay. Những ngôi đình còn lại nguyên vẹn này tất cả đều có cổng phụ. Một điều đáng chú ý là các cổng đình này, cả cổng chính và cổng phụ đều không có cánh cổng. Tường rào nơi có nơi không, nếu có thì cũng được xây rất thấp. Nói chung, là không kín cổng cao tường.


Vậy tại sao đình làng ta không có cổng phụ?


Như trên đã nói, cũng có thể ông cha ta không cần cổng phụ. Bởi cổng chính luôn luôn mở (không có cánh cổng) thì làm thên cổng phụ là thừa? Nhưng, cũng có thể, ông cha ta cũng đã từng xây dựng đình làng theo lộ trình, các hạng mục được xây dựng theo thời gian nên chưa kịp làm cổng phụ và xây tường bao quanh?


Bây giờ, chúng ta đã xây dựng lại được ngôi đình trên nền đất cũ. Hình dáng, kích thước chúng ta cũng đã thiết kế lại trên cơ sở những tài liệu còn sót lại về đình làng và trí nhớ của những bậc cao niên cùng với việc tham khảo những ngôi đình của các làng bạn. Vật liệu làm đình cũng đã thay đổi hoàn toàn để phù hợp với tình tình thực tế (xi măng cốt thép thay cho gỗ). Tóm lại đình làng ta xây dựng năm 2011 là ngôi đình xây mới hoàn toàn.


May mắn cho chúng ta là 2 trụ cổng chính vẫn còn nguyên vẹn. Về mặt lịch sử, 2 trụ cổng đình có giá trị gấp nhiều lần ngôi đình mới xây.


Vậy, việc mở thêm cổng phụ có làm ảnh hưởng gì đến 2 trụ chính cổng đình?


Theo quan điểm cá nhân, việc mở thêm cổng phụ sẽ có những ưu điểm như sau:


- Giữ nguyên vẻ đẹp và giá trị lịch sử vốn có của trụ cổng chính. Bởi nếu không mở cổng phụ mà xây 2 cánh gà gắn vào trụ chính, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trụ cổng chính. Bởi trụ cổng chính đã là một tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc hoàn chỉnh, cho nên phải để cho trụ chính đứng độc lập. Bất kỳ công trình phụ trợ nào gắn vào trụ cổng đình đều làm mất hết giá trị của trụ chính.


- Khi mở cổng phụ, chúng ta sẽ xây thêm mỗi bên trụ chính một trụ phụ, quy mô và kích thước sẽ do nhà thiết kế tư vấn. Lúc này chúng ta sẽ có một bộ 4 trụ cổng đình đẹp. Trụ cổng phụ sẽ tôn thêm vẻ đẹp cho trụ chính.


- Đình làng là nơi thờ cúng thần hoàng, là nơi tôn nghiêm nhưng cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, nhất là sân đình. Sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Các hoạt động này được diễn ra hàng ngày vào mọi thời điểm… Khi mươi cụ già tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ buổi sáng, lúc 5, 7 em nhỏ nhảy dây buổi tối, có khi tập hợp cả hàng trăm người tham gia các buổi đồng diễn… Nói tóm lại, nếu khai thác, sử dụng đúng chức năng thì hầu như lúc nào cũng có các hoạt động ở sân đình. Đó là chưa kể, ở nhiều nơi, người dân còn được sử dụng sân đình để phơi lúa, ngô, khoai, đậu… (tháng 10 năm 2011, chúng tôi vinh dự được tham quan chùa Mông Phụ làng cổ Đường Lâm nhân dịp kỷ niệm 1 năm caolaoha.com, sân đình ở đây được nông dân sử dụng để phơi ngô. Cổng đình có cổng chính và 2 cổng phụ, tất cả đều không có cánh cổng, tường rào xây rất thấp).


Tóm lại, trừ những ngày đại lễ là mở cổng chính, còn lại mọi sinh hoạt thường ngày thì nên đi bằng cổng phụ.


Chúng ta đã xây dựng hoàn chỉnh nhiều công trình phụ trợ như sân đình, cột đèn, bình phong, cánh cổng… Tuy nhiên, cũng cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá các giá trị của mỗi công trình (cả về giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng) để có những phương án xử lý điều chỉnh kịp thời. Tôi vẫn rất phân vân trong việc gắn 2 cánh cổng vào trụ chính cổng đình. Gió bão có tăng độ rung lắc ảnh hưởng trụ cổng hay không?

Trân trọng

Lưu Văn Lộc

Tác giả : Lưu Văn Lộc

Bình luận

Bài viết liên quan

Hình ảnh một số cây đa làng tháng 10 năm 2023
Hoàn thành cơ bản công trình kè và tôn tạo ao Đình
Triển khai tiếp tục công trình tôn tạo ao Đình
Tiếp tục thực hiện tu bổ, tôn tạo ao Đình
Thư kêu gọi đóng góp xây dựng ao Đình

Video clip