Đôi dòng về Phong Thủy cho vùng đất và Đình Làng Cao Lao Hạ

09:44 - 14/09/2014

Ý kiến của anh Truongluu Caolao về việc làm thêm 2 cổng phụ của Đình làng Cao Lao Hạ

 

Lời Ban biên tập: Trong một bức thư gửi cho Ban biên tập  anh Truongluu Caolao có ý kiến là “Đình làng ta ngoảnh mặt về hướng Bắc trong khi nhà của cư dân lại hướng về phía Nam là do tiền nhân của ta chọn hướng Đình quay về hướng Bắc ngoài việc đó là ước muốn hướng về cội nguồn (những người khai canh làng Cao Lao Hạ là từ Bắc vào) thì còn cho địa thế hợp với phong thủy để xây Đình. Về Phong Thủy mặc dầu ta đã xây Bình Phong để chắn bớt luồng hung khí xộc thẳng vào Đình nhưng nếu xây thêm 02 cửa phụ và để cửa chính luôn luôn đóng thì sẽ hợp hơn trong Phong Thủy. Hơn nữa vì Đình quay về hướng gió bấc nên nếu không có cửa phụ mà chỉ có cửa chính thì sẽ có cảm giác lạnh lẽo trong mua đông mưa phùn gió bấc. Truongluu Caolao  đề xuất nên làm thêm 2 cửa phụ, lúc đó cửa chính sẽ luôn luôn đóng. Đình sẽ ấm cúng hơn, mang vẻ thâm nghiêm hơn”. Anh còn nhấn mạnh “cần được quan tâm xem xét kỹ chớ bỏ qua vì xét như vậy rất hợp với Phong thủy và cũng hợp lẽ tự nhiên. Nếu không được nghe theo thì tiếc lắm”. Ngày 30/8/2014, Ban biên tập đã chuyển ý kiến của anh Truongluu Caolao tới các lãnh đạo xã và các anh có trách nhiệm trong và ngoài làng.

 

Nay, để minh chứng cho ý kiến của mình, khuya ngày 10/9/2014, anh Truongluu Caolao gửi tiếp cho Ban biên tập bài viết "Đôi dòng về Phong Thủy cho vùng đất và Đình Làng Cao Lao Hạ."đồng thời cung cập các  đường dẫn đến các ngôi Đình làng ở một số địa phương có cổng phụ như  cổng đình Đình Đình Bảng (Bắc Ninh) và gần ta hơn là Đình làng Thuận Bài cũng có làm cổng phụ để tham khảo

 

http://truongkieumauhue.org/2014/02/15/du-khao-phuong-bac-ky-7/

http://commons.wikimedia.org/wiki/File:Gate_Dinh_Bang_communal_house.JPG

  

https://thuanbai.wordpress.com/2009/11/29/cong-c%E1%BB%A5-%E2%80%B9-thuanbais-blog-%E2%80%94-wordpress/#jp-carousel-18

  

Mặc dù các công việc chuẩn bị cho việc khởi công các hạng mục phụ trợ của Đình làng năm 2014 đã cơ bản xong, hợp đồng với với đợn vị thi công đã được ký kết. Tuy nhiên, theo tiến độ triển khai công việc thì chúng ta vẫn đủ thời gian để điều chỉnh lại thiết kế 2 bên cổng Đình nếu thấy hợp lý. Sau khi trao đổi và được sự đồng ý của các anh có trách nhiệm ở trong và ngoài lảng, Ban biên tập xin đăng lại ý kiến và bài viết của Anh Truongluu Caolao để bà con thảo luận.

 

Lưu Đức Hải

 

 

 

Đôi dòng về Phong Thủy cho vùng đất và Đình Làng Cao Lao Hạ

 

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở quê. Sinh động và hiếu kỳ cái gì cũng muốn biết nhất là những cái nhìn thấy, dẫm thấy, nếm thấy và cảm nhận thấy vậy. Có nhiều cái, nhiều điều đã nhìn thấy, đã dẫm lên đi trên nó  mà đến bây giờ vẫn chưa biết được; có những điều thì lớn lên đi xa nhìn lại cộng với một số tri thức ky cóp được mới phần nào hiểu được. Nhưng cứ mỗi lần ngẫm ra được điều gì đó tôi càng thấy quê hương tôi thật là đẹp đẽ biết bao nhiêu. Ơn những người mở cõi, lật đất – các đấng tiền nhân thật là to lớn biết bao nhiêu.

 

Một trong các câu hỏi mà tôi muốn biết là: Vì sao tất cả nhà ở quê mình cửa quay về hướng Nam mà Đình làng cửa lại quay về hướng Bắc?.  Nhà quay về hướng Nam thì đúng rồi. Bởi vì để tránh gió mùa Đông Bắc lạnh lẽo cắt da cắt thịt. Thế thì sao Đình làng lại quay về hướng Bắc?

 

Khi đọc các bài nói về câu đối trên cột đình tôi như chợt tỉnh và nghĩ rằng có lẽ mình hiểu được phần nào rồi chăng?

 

Linh thủy ngoại triều nội nhất hà khê lai hoạt thủy.

Hoành sơn viễn củng cận tam sa phụ tác bình sơn

 

Hai câu đối này diễn tả địa thế của ngôi đình làng – Địa thế với yếu tố phong thủy đối với vùng đất của Làng Cao Lao Hạ.

 

Nghiên cứu thêm một chút về phong thủy thì đúng là như vậy. Ông cha ta dựng Đình có cửa quay về hướng Bắc để cho hợp với phong thủy, thế đất mà cha ông ta cắm cọc tọa lạc cho con cháu an cư.

 

 

 Phong thủy kinh điển khi mô tả một thế đất đẹp, đó là khu đất hội tụ Tứ tượng: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. 

 

 

Tứ Tượng hay tứ thánh thú là một khái niệm hình tượng trong triết học phương Đông, tượng trưng cho các con thú thiêng trong các chòm sao Trung Hoa cổ đại.

 

Trong khoa học phong thủy có câu: “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ” nghĩa là một thế đất tốt phải đảm bảo phía sau có núi cao dầy làm chỗ tựa vững chãi (hậu Huyền Vũ). Hai bên phải trái phải có hai dãy núi cao ôm vào, hay là cồn cát, phù sa nhằm che chắn không cho khí thoát đi (tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ). Phía trước mặt ngoài sông hồ hoặc khoảng đất bằng phẳng  ( Minh Đường) ra còn phải có một ngọn núi hay quả đồi thấp không cho những dòng nước hay luồng khí xung xạ trực diện (tiền Chu Tước).

 

1-     Huyền Vũ(玄武) là một trong Tứ tượng là một khái niệm rộng trong phong thủythuyết âm dương, triết học.

 

“Chòm Huyền Vũ (rùa và rắn đen) gồm: Đẩu (cua), Ngưu (trâu), Nữ (dơi), Hư (chuột), Nguy (én), Thất (heo) và Bích (nhím)”

 

Hình tượng Huyền Vũ có liên quan mật thiết đến một vị thần có vị trí rất cao trong Đạo giáo là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế, ông còn các danh xưng khác: Thượng đế tổ sư, Đãng ma thiên tôn, Hỗn nguyên giáo chủ, Bắc cực huyền linh đại đế. Ông có 2 con vật thiêng là Linh Quy và Thần Xà, tượng trưng cho sự trường tồn và trí tuệ. Vì vậy chữ “Vũ” trong “Huyền Vũ” ở đây với nghĩa là “sức mạnh” gồm cả rùa và rắn

 

2-     Thanh Long(青龍) là một trong Tứ tượng là một khái niệm rộng trong phong thủy, âm dương, triết học.

 

Trong thiên văn, Thanh Long chỉ cung gồm 7 chòm sao phương đông trong Nhị thập bát tú, đó là:

 

* Giác Mộc Giảo (sao Giác)

* Cang Kim Long (sao Cang)

* Đê Thổ Lạc (sao Đê)

* Phòng Nhật Thố (sao Phòng)

* Tâm Nguyệt Hồ (sao Tâm)

* Vĩ Hỏa Hổ (sao Vĩ)

* Cơ Thủy Báo (sao Cơ)

 

Thanh Long: Rồng xanh là biểu tượng mang lại may mắn. Trong phong thủy hình thế, việc chọn được thế đất nhấp nhô, nơi rồng trú ẩn, được coi là hết sức tốt lành.

 

 

3-     Bạch Hổ là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con hổ (虎), có màu trắng (bạch,白) là màu của hành Kim ở phương Tây, do đó tương ứng với mùa thu

 

Bạch Hổ cũng là một trong Tứ tượng của Thiên văn học, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, triết học.


“Chòm Bạch Hổ (cọp trắng)gồm: Khuê (sói), Lâu (chó), Vị (trĩ), Mão (gà), Tất (quạ), Chủy (khỉ) và Sâm (vượn)”

 

Bạch Hổ: Mãnh thú này cũng quan trọng không kém Rồng. Thanh long tạo ra cuộc sống tốt đẹp còn Bạch hổ lại giúp duy trì cuộc sống thịnh vượng này.

 

4-     Chu Tước (朱雀) là một trong Tứ tượng của Thiên văn học, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, triết học Phương Đông.

 

Trong thiên văn, Chu Tước chỉ cung gồm 7 chòm sao phương nam trong Nhị thập bát tú, đó là:

 

*Tỉnh Mộc Hãn (sao Tỉnh)

* Quỷ Kim Dương (sao Quỷ)

* Liễu Thổ Chương (sao Liễu)

* Tinh Nhật Mã (sao Tinh)

* Trương Nguyệt Lộc (sao Trương)

* Dực Hỏa Xà (sao Dực)

* Chẩn Thủy Dẫn (sao Chẩn)

 

Chu Tước thời cổ còn gọi là Chu Điểu(朱鳥, con chim màu đỏ) là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con chim sẻ (tước雀), có màu đỏ (chu, 朱) là màu của hành Hỏa ở phương Nam, do đó tương ứng với mùa hạ

 

ChuTước: Chim đỏ là biểu tượng của phương nam hay khoảng đất trống phía mặt tiền trước Minh Đường. Chu Tước được cho là mang lại cơ hội tiền tài vật chất.

 

5-     Minh Đường: Minh Đường là nơi tụ Thủy , mà có câu : “Sơn Quản Nhân Đinh Thủy Quản Tài – Núi Quản Con Người , Nước Quản Tài Lộc .”.

 

Con đường dẫn đến tài lộc chính là Minh Đường , nên Minh Đường chính là để xem Tiền Đồ của mỗi trạch.


“Phép của Phong Thủy, đắc được Thủy là cao nhất, tàng được Phong là thứ hai” – Trong Phong Thủy thì được nước ( tụ thủy) là cao nhất sau đó thì giữ được gió ( tàng phong) là thứ nhì. “Táng Kinh” nói : “Khí theo gió mà tán ra , gặp nước thì dừng . Người xưa làm cho tụ lại không tán , làm cho dừng mà không đi. Nên nói là Phong Thủy.” nơi dừng thủy chính là Minh Đường. 

 

Trong phong thủy cần đạt được các yếu tố: Tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ – tiền Chu Tước – hậu Huyền Vũ; tiền án, hậu chẩm, minh đường; sơn quần thủy tụ,…, như vậy mới là cuộc đất long mạch. Cụ thể, thế đất nên nhìn mặt ra sông, tựa lưng vào núi, che chắn trước sau, hai bên có gò đống bảo vệ thật là lý tưởng vậy.

 

Xét vê phong thủy làng Cao Lao Hạ  có một địa thế vô cùng đẹp đẽ: Có núi, có sông có án, có bình phong, hâu chẩm, có minh đường....thật là đất cho vạn đời con cháu mà cha ông ta tạo dựng nên.

 

Từ hàng ngàn năm trước, con người đã ý thức được rằng các yếu tố thiên nhiên ảnh hưởng rất lớn đến họa phúc và có thể quyết định vận mạng con người.


Đình làng dựa lưng vào núi, ngoảng mặt ra sông lấy Kỳ Sơn làm hậu chẩm đây là thế Huyền Vũ – thể hiện cho trí tuệ và sự trường tồn là chốn linh thiên sinh ra những con người tài giỏi,  lấy khúc sông Linh Giang đoạn bằng phẳng trước mặt làm Minh Đường - là nơi tụ Phúc Lộc của mảnh đất. Minh Đường đẹp khi là dòng nước quẫn. Có phải nước dòng sông Son và nước nguồn Nẩy giao nhau tụ lại ở ngã ba Quảng Văn làm nên 1 khoảng nước bằng phẳng trước mặt Đình Làng là Minh Đường tụ thủy lý tưởng cho Đình làng Cao Lao Hạ đó chăng?

 

Còn Còn Hác, Cồn Soi, Cồn Văn Phú đó là Thanh Long của Đình Cao Lao Hạ – mang lại sự may mắn vậy. Còn Bạch Hổ và Chu Tước bảo vệ cho Khí Lộc không tẩu tán đi và chắn các Hung khí nhập vào đó chính là các cồn cát chạy dài của làng Quảng Thọ vậy.

 

Xa có Hoành Sơn làm án làm Bình Phong.

 

Gió và nước là hai yếu tố thiên nhiên vốn luôn luôn động. Đồi núi đất đai thì vốn luôn luôn tĩnh. Sự chuyển động không ngừng của hai yếu tố gió và nước đã làm thay đổi, ảnh hưỡng đến hình thể vốn cố định của đồi núi đất đai. Đất Cao Lao Hạ hội tụ đủ các yếu tố tuyệt vời của Phong Thủy thật là đất vạn đời để an cư để cường thịnh.

 

Thân mến.

Truongluu Caolao

Tác giả : Truongluu Caolao

Bình luận

Bài viết liên quan

Hình ảnh một số cây đa làng tháng 10 năm 2023
Hoàn thành cơ bản công trình kè và tôn tạo ao Đình
Triển khai tiếp tục công trình tôn tạo ao Đình
Tiếp tục thực hiện tu bổ, tôn tạo ao Đình
Thư kêu gọi đóng góp xây dựng ao Đình

Video clip