Đối mặt với vô thường

09:41 - 02/02/2016

Kỷ niệm của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tư về người Cha, về quê hương thân yêu nhân dịp Tết đến xuân về

 

Lời Ban biên tập: Tết đang về rất gần rồi, giờ này bà con ở quê đang rất bận bụi với việc chuẩn bị cho Tết. Những dòng chữ của Nguyễn Thị Hồng Tư ghi lại những kỷ niệm về người Cha thân yêu của mình thật là xúc động. Đúng là “Chỉ có một thứ có thể làm con người ta luôn mạnh khoẻ và vui vẻ, đó là tình thân, là gia đình đoàn tụ. Khi Tết đến Xuân về, điều này còn ý nghĩa hơn ngàn lần”. Nếu có thể, hãy cố gắng đoàn tụ gia đình trong dịp Tết.

 

 

ĐỐI MẶT VỚI VÔ THƯỜNG

 

Những ngày cuối năm trời lạnh trở lại. Thế là hết hai năm ba tháng . Con trở về nhà như một ngày thường. Bỗng oà khóc như một đứa trẻ. Không còn bàn thờ ba giữa nhà để mỗi ngày con được thắp một nén nhang và thả hết mọi buồn đau mỏi mệt. Một cảm giác trống trải bao trùm, con biết mình phải chấp nhận đối mặt với sự thật đã tồn tại hơn hai năm qua. Nỗi đau mất ba nhói thêm lần nữa.

 

Ngày ba ra đi trời cũng bắt đầu lạnh. Cho dù cả nhà ai cũng đã chuẩn bị tinh thần cho sự mất mát lớn lao này, nhưng với con thì chưa bao giờ đủ can đảm. Con nhắm mắt suốt ba ngày. Là đứa con gái bản lĩnh có đủ, hiểu chuyện biệt li là vô thường, con vẫn không đủ sức để đối diện sự thật này. Và hơn hai năm qua, con chưa một lần dám nhìn thẳng vào di ảnh của ba, trong khi mẹ lại muốn kéo tấm vải đỏ lên để được nhìn thấy ba cười mỗi ngày. Có những sự thật mà có thể cả đời người con người ta vẫn không đủ can đảm để đối diện. Có lẽ nào con cũng thế.

 

Ngày con còn bé đã nghe ba dạy rằng đời người có bốn cái đại sự, đó là lo sự nghiệp, xây dựng gia đình, làm nhà và lo hậu sự cho cha mẹ; còn những việc khác người ta vẫn dùng từ “đại sự” nhưng thực ra là không phải. Đời ba gần như cả bốn đại sự đều không trọn vẹn. Nhưng ba có được một điều là chưa bao giờ làm mất lòng ai. Chúng con đứa nào cũng bất lực trên con đường đi tìm một hình mẫu như ba trong cuộc đời này. Người ta thường nói mẹ là quê hương, nhưng với  chúng con ba là quê hương, và quê hương cũng là ba. Từ khi còn rất bé, chúng con đã quen với cái từ “ngài Kẻ Hạ”. Chúng con rất tự hào vì điều đó. Trong những câu chuyện của ba, có một thứ tôn giáo thiêng liêng  đã thấm vào sâu tận tâm hồn của những đứa trẻ chúng con, cho đến khi chúng con lớn lên, có gia đình, có biết bao thứ phải quan tâm khác.Và chắc chắn sau này, chúng con già đi, làm ông làm bà, cái tôn giáo thiêng liêng ấy vẫn luôn còn nguyên vẹn.

 

Những đêm trăng sáng, chúng con háo hức nằm nghe ba kể chuyện đi ở thuê cho địa chủ bị đánh mà trên người có đến 48 cái lằn roi; chuyện cả làng chạy trốn vào rừng vì Tây ngày nào cũng lùng sục bắn giết; chuyện ba và ông nội chạy không kịp chỉ biết núp vào sau một ngôi mộ nhưng thằng Tây cũng không nhìn thấy vì mắt của chúng chỉ có nhìn thẳng thôi, không nhìn xiên như mình được; chuyện ngày đói tìm mỏi mắt mới có một quả cà vàng khè trong vườn để lót dạ; chuyện đi ở cho địa chủ bên Ba Đồn, chiều 30 Tết về đến phà sông Gianh không còn một bóng người, may có một ông già cho ngồi lên chiếc mủng nín thở qua hết sóng nước hung tợn, để suốt đời ba thầm cám ơn mà không biết ông già ấy là ai; chuyện người bạn cụt tay đi khám bộ đội mà khám đến phòng cuối cùng người ta mới phát hiện ra, người đó sau này lại trở thành anh hùng chèo đò Nguyễn Văn Tương; chuyện ra Hà Nội đang đứng xếp hàng trong cửa hàng bách hoá bỗng có người đập vào vai hỏi “eng ngài Kẻ  Hạ à”, quay lại mới nhận ra cô em họ lâu ngày không gặp, cô ấy bảo không biết eng là ai, nhưng nghe giọng nói thì không lẫn vào đâu được.

  

Trong câu chuyện của ba luôn có hình ảnh quê hương, gia đình. Ba bảo ông nội có nhiều sách chữ Nho, sức thanh niên gánh khoẻ phải khoảng ba gánh. Con tròn mắt tiếc rẻ những ngày nhai món Hán Nôm hoa mắt trên ghế trường Đại học. Ba kể bà nội có một chiếc mủng đựng kim chỉ mà trong đó lúc nào cũng có một miếng gừng. Ông bà ai cũng may rất khéo, may tay thôi, may áo nâu cho người nghèo. Con bỗng chợt hiểu sao chúng con đứa nào cũng rất thích may vá giữa cái thời mà cây kim may tay chỉ còn trong thành ngữ.  Ba kể ngày ba đi công nhân, tiêu chuẩn ăn sáng mỗi ngày được cấp một lạng gạo. Ba không ăn sáng, làng mình có tục như thế. Ba tháng một lần, ba lại nhận gạo, đạp xe hơn 80 cây số chở về cho ông bà.

     

Ba kể nhà ông bà mình nghèo lắm, nhưng ai cũng thương yêu nhau, và ai cũng được mọi người yêu quý. Vườn ông bà rất nhiều tre, ông rất khéo làm đồ dùng bằng tre. Ngày đầu tiên về mẹ làng ngạc nhiên lắm khi bà nội đi gánh nước bằng cái thúng tre lót ni lông bên trong. Và , mẹ cũng có một cái mủng tre đựng kim chỉ cho đến ngày chúng con đi lấy chồng nó vẫn còn. Rổ rá  nhà mình toàn đồ ba mang từ quê vào hoặc ba tự đan. Hàng xóm ai cũng tới nhờ ba đan. Bọn trẻ cùng lứa tròn mắt nhìn chị em con đan rổ thoăn thoắt để nộp môn thủ công, trong khi chúng nó lại phải nhờ ba đan cho để đi chấm. Ba đi xa rồi, một vài cái mủng tre vẫn còn đó. Mẹ bảo cố gắng giữ để làm kỉ niệm. Và không chỉ đồ tre mà còn nhiều thứ nữa, cho dù lòng người luôn trân trọng nhưng thời gian có đủ sức mạnh để giữ lại được không?, đôi lúc con vẫn tự dạy mình cái gì đáng trân trọng thì giữ nguyên nó trong lòng, đừng sống với hoài niệm quá nhiều mà day dứt.

    

Ba bảo ông bà nội nghèo nên cả nhà không ai được học hành nhiều, không ai được làm to. Đó không phải là điều ba tiếc nuối. Đời con người học bao nhiêu cho đủ, cốt yếu là phải biết học như thế nào. Ngày ba đi họp phụ huynh cho con, mọi người đề nghị ba chia sẻ kinh nghiệm dạy con, ba bảo “tui mới học hết lớp 3 bình dân học vụ” làm ai cũng bất ngờ. Tất cả những gì ba dạy chúng con giống như được lấy từ sách vở nhà trường. Chúng con lớn lên thường nghe mẹ kể chuyện cổ tích, còn ba, ba chỉ kể một chuyện mà chúng con nhớ cả đời, chuyện ba anh em mồ côi Phú, Quý, Nghĩa. Con không còn nhớ hết chi tiết câu chuyện, chỉ hiểu một điều rằng con người ta sống trên đời cần nhất chữ nghĩa, như tên cậu em út. Và đến bây giờ con cũng chưa tìm thấy câu chuyện của ba có trong sách vở nào, cũng không nghe ai kể lại, con cũng lờ mờ nhận ra rằng truyện cổ tích làm gì có những cái tên đẹp như thế.

  

Rồi ba đọc thơ Tố Hữu. Cả mấy chục bài. Ba kể ngày bé có chú bộ đội ở lại nhà cho quyển thơ Tố Hữu, ba đọc thuộc hết. Ba còn kể chuyện Bác Hồ, chuyện ông Giáp. Ba dạy chúng con đánh răng, giặt quần áo như thế nào cho sạch. Ba dạy cách tính nhẩm, áng chừng chính xác. Ba dạy cách nhận diện nhân tướng…Càng lớn con càng nhận ra, con người ta hơn nhau ở cái hiểu biết chứ không phải trình độ, ở chỗ biết bao nhiêu chữ chứ không phải có bao nhiêu tiền. Đời ba nghèo, nghèo nổi tiếng, nhưng ai cũng nể trọng. Sau đổi mới cơ chế, ba về hưu. Người ta lo chạy chọt đủ thứ để kiếm tiền làm nhà, sắm sửa, ba lại bình thản trồng rau nuôi cá đủ lo ngày ba bữa, sống  như ẩn sĩ. Lúc đó con mới học lớp 4, chưa đủ để hiểu cái giá trị của chữ thanh bần. Lớn lên, chúng con thiếu nhiều thứ mà bạn bè có, nhưng chưa đứa nào trách ba, người trụ cột gia đình chưa bao giờ lo chuyện vật chất. 

    

Bao nhiêu đêm, có những chuyện ba kể đi kể lại năm này qua năm khác, chúng con vẫn cần mẫn lắng nghe. Rồi ba hát, những bài hát cũng đêm này qua đêm khác, đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Hà Nội -Huế- Sài Gòn” chúng con thuộc từ ngày học lớp ba lớp bốn.

    

Bà con bên ngoại ai cũng nể và thương ba. Mỗi lần mọi người tề tựu đông đủ ba đều lặng lẽ một góc. Mẹ bảo những lúc ấy ba cứ nghĩ đến ông bà và các o các bác nên buồn.  Nhiều người nói người Hạ Trạch họ rứa, hiền và rất thông minh. Chúng con thơm lây cái danh con nhà nòi.

    

Con học đến lớp 6 rồi ba vẫn đạp xe về quê. Ba bao giờ cũng tiết kiệm. Ba thường mặc áo quần bộ đội vì vải tốt, mặc bền  mà lại rẻ. Bạn chúng con đứa nào cũng tưởng ba là bộ đội về hưu cũng vì thế, và cũng vì điều nữa là ba hiền mà rất nghiêm khắc, sống kỉ luật và nề nếp.

    

Ngày ấy, mỗi lần tết đến ba đều đau . Con băn khoăn bao nhiêu năm mới có thể hiểu được sự lạ này. Ngày ấy nhà mình không bao giờ đốt pháo, hàng xóm bảo ba tiếc tiền, cả năm đến tối không mua được phong pháo. Chúng con đều là con gái cũng chẳng thiết tha gì. Còn ba thì bảo đốt pháo là đốt tiền, với lại tiếng pháo là để thay cho tràng vỗ tay, nhà mình có vui đâu mà vỗ tay. Ba cứ sống trong u uất vì không được đoàn tụ, ba mang nỗi u uất ấy đi suốt đời thành tâm bệnh. Ở nông trường người ta cứ về hưu là chuyển về quê ở, nhiều người cũng khuyên ba như thế. Ba không về. Ba bảo ở quê còn ai nữa đâu mà về. Con hiểu ba không muốn chạm lại nỗi đau anh em li tán, ông bà khổ cực ba chưa kịp báo hiếu. Hai bác đi từ sau năm 1945 không về, hai o đi lấy chồng, ba trở thành con trưởng. Con quen với việc nhà mình thờ 10 đời, tháng nào cũng có ngày kị, ngày nào tháng nào con đều nhớ. Con nhìn ba cúng rồi học theo. Lúc đó con không biết việc cúng quải là việc đàn ông. Và đến giờ con vần nghĩ, cần gì đến đàn ông, con trai, ai có hiếu có nghĩa thì chăm lo cho cha mẹ ông bà, kể cả người sống hay người đã khuất. Như chuyện ba kể, mỗi năm làng mình cúng Cồn Cui một lần, để chăm lo cho những vong hồn cô quạnh, đó là việc nghĩa đâu cần phân biệt ruột thịt hay con gái con trai.

       

Càng lớn, nhìn cách sống của ba, con lo sợ một đời người lúc nào cũng day dứt u uất. Con đã từng ngây thơ ước một phép màu để ba khoẻ lại và luôn vui vẻ. Nhưng phép màu thì chỉ xuất hiện trong cổ tích mà thôi. Chỉ có một thứ có thể làm con người ta luôn mạnh khoẻ và vui vẻ, đó là tình thân, là gia đình đoàn tụ. Khi Tết đến Xuân về, điều này còn ý nghĩa hơn ngàn lần. Cái Tết của thời hiện đại vội vã hơn nhưng mỗi con người ai cũng muốn chậm lại trong không khí gia đình sum vầy ấm cúng. Con sợ mình lại không vượt qua được những nổi niềm thấm trong máu bao nhiêu năm để tiếp tục đón một cái Tết vắng bóng ba.

Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Tư

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip