Đời rơm

00:59 - 06/06/2018

Giới thiệu tác phẩm dự thi trên trang haithehe.com của Nguyễn Thị Hồng Tư

Nắng rát, cánh đồng lúa vàng, những con đường rơm, những cây rơm đứng sừng sững nơi góc vườn như một linh hồn. Kí ức của thế hệ 7x, 8x chúng tôi là như thế!



 

Ngày con trai đi mẫu giáo được cô dạy bài hát “một sợi rơm vàng”, cháu về hỏi tôi : “Rơm là chi rứa mẹ”. Phải khó khăn lắm tôi mới giải thích được cho con hiểu rơm là cái gì, sau đó tôi đã cụ thể hoá lời giải thích của mình bằng cách đưa con ra đồng lúa mùa gặt. Có lẽ trong đầu đứa trẻ ba tuổi như con tôi, rơm là một thứ gì xa xôi lắm, nó không xuất hiện cùng với những siêu nhân, những bộ lắp ghép, những chiếc điện thoại thông minh. Chỉ có trong tuổi thơ của tôi thôi, rơm thiêng liêng lắm. Người ta thường ví mỗi hạt lúa vàng là một giọt mồ hôi, còn tôi thì ví một cọng rơm là một tiếng thở, bao nhiêu nhọc nhằn, và cả niềm hi vọng của người nông dân gửi cả vào đấy, những cọng rơm vô tri.
 

Đời rơm bắt đầu từ đâu? Có lẽ phải từ những luống cày trên đồng đến mùa gieo mạ. Người nông dân gieo hạt lúa xuống bùn nâu đâu chỉ mong mang về hạt lúa, họ còn mong rơm. Rơm để làm gì? Là thức ăn cho đàn trâu bò mùa mưa rét, là chất đốt thay củi nấu chín cơm canh, là phân bón ủ cho cây cối tốt tươi. Và còn điều này nữa,có thể bạn biết nhưng đã quên:

“Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
– Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”

 

Bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” của nhà thơ Nguyễn Duy bình dị mà thấm đẫm triết lý nhân sinh. Rơm còn là chiếc nệm đủ ấm êm cho người nông dân ngả lưng sau một ngày lam lũ. Rơm xấu lót nệm nằm thì dễ gọi mời con rận con mát. Rơm xấu thì mau hỏng, không giữ được đến mùa rét cho trâu bò, đem đun vào bếp không đượm. Rơm tưởng như là thứ bỏ đi, nhưng người nông dân phải chăm lắm, chăm cọng rơm chẳng khác gì chăm hạt lúa.
 

Nghe nói ở miền Bắc người ta cắt lúa đến tận gốc, để lấy cả rạ lẫn rơm đan lại lợp nhà. Miền Trung quê tôi thường chỉ gặt phần trên cây lúa để lấy rơm, còn gốc rạ thì đốt luôn tại đồng làm phân. Lúa gặt về khi còn đang tươi vừa tuốt xong thì cọng rơm xanh lắm, là món khoái khẩu cho những chú trâu nằm nghỉ ngơi sau những giờ kéo lúa. Rơm phơi được nắng vài ngày mới có màu vàng ươm như mật ong của ruộng đồng. Vào những ngày gặt rộ, đường làng ngập rơm, xe trâu bò, xe đạp, phải mệt nhọc lắm mới qua được những đoạn ấy. Ngày ấy xe máy còn khá hiếm hoi, chỉ có xe đạp. Qua những đoạn đường này thường phải xuống xe dắt bộ, rồi hết đoạn đường rơm phải mất cả chục phút gỡ hết những sợi rơm còn vấn vương trên vành xe trả lại cho chủ. Thế nhưng không mấy ai nhăn nhó. Có lẽ ai cũng hiểu rằng những cọng rơm kia cũng phải chạy đua với nắng, tránh những cơn mưa dông buổi chiều sẽ đuổi kịp. Mưa dông ào đến, người quét lúa, kẻ cào rơm, lũ trẻ chúng tôi có đang lăn trong rơm cũng xúm tay vào, không cần biết lúa của nhà ai, rơm của nhà ai, cứ thấy chổi thấy cào là vơ lấy phụ với người lớn, đến khi mọi việc xong xuôi thế nào cũng được vài chiếc kẹo, chiếc bánh hay củ khoai từ chủ nhà. Có ngày mây ùn như bão, bầu trời đen kịt, sấm chớp ầm ì, cả làng cật lực mong dọn dẹp cho xong trước khi trời đổ nước, thế mà khi mọi thứ đã đâu vào đấy thì mây tan, nắng hé lên, giọt mồ hôi cùng cười với nước mắt. Lại cào ra để tranh thủ nắng. Rồi nếu có dông thì lại cào vào. Cùng với những giọt mồ hôi rơi là những tiếng thở, thở vì mệt, thở vì bực mình. Tôi ví mỗi cọng rơm là một tiếng thở là như thế. Phơi lúa không mệt như phơi rơm. Phơi rơm hơi nóng bốc lên hừng hực. Lúa ướt nếu có nắng phơi lại thì không sao, rơm chỉ cần ướt một lần sau đó có bao nhiêu nắng cũng không vàng, không nguyên cọng nữa và không thể giữ được lâu. Vì thế, nhiều gia đình vẫn thường phơi rơm xong mới phơi lúa, coi như được một khoản yên tâm.
 

Sau vài ngày được lang thang trên những nẻo đường quê, rơm được chở về nhà để dự trữ bằng một công đoạn thú vị: xây rơm. Đó là việc người ta đưa rơm xếp chặt xung quanh một cái cột trụ chính giữa, rồi cứ thế tuỳ vào lượng rơm mà xây cao lên. Đây là công việc khá thích thú đối với những đứa trẻ. Cái cảm giác đứng trên cây rơm đang cao dần lên nó thích lắm. Rồi khi được lên tận đỉnh cây rơm và được thả mình trên chiếc cầu trượt vàng ươm lại còn thích hơn, đặc biệt là trượt trên những cây rơm to bệ vệ. Nhìn vào cây rơm nhà nào là thấy được mùa màng nhà đó. Cây rơm còn là hình ảnh thân thuộc của làng quê, trên đầu nó được đội một chiếc nón, bao quanh thân cũng áo quần để rơm đỡ dầm mưa, để nó có thể sống đến tận mấy mùa lúa sau. Cây rơm như một con bù nhìn khổng lồ đứng ở góc vườn mang trong mình bao nhọc nhằn lam lũ của người dân quê. Ở những vùng chiêm trũng thiếu chất đốt, rơm là trợ thủ đắc lực nấu chín ba bữa cơm hằng ngày.  Củi rơm đượm nhưng nhanh tàn, không có than, nấu cơm bằng rơm thay củi là một việc cực khổ vô cùng, phải ngồi canh một bên nồi cơm cho đến khi cơm cạn, phải đun thế nào cho vừa đủ lửa để làm than. Tôi thường được mẹ giao nhiệm vụ nấu cơm rơm, nhiều bữa “trên sống dưới khê bốn bề nhão nhoét” là chuyện thường. Mẹ cũng chẳng trách gì, nhìn con nhễ nhại mồ hôi ngồi đun rơm cũng đủ thương rồi. Sau này lớn lên, được ăn cơm thơm trong nồi điện, tôi mới biết nghĩ đến mà thương người nông dân cực nhọc cả ngày đồng, trưa về vẫn vui vẻ bưng bát cơm nhão cho vào bụng.
 

Những ngày mưa rét dầm dề, lũ trâu bò yên tâm nằm trong chuồng vì đã có nguồn thức ăn sẵn. Có khi chúng được dắt đến bên cây rơm cho thoả thích tự phục vụ. Nhiều nhà sang hơn thì trộn rơm với cám, món cao cấp cho trâu cày quần quật cả ngày ngoài đồng. Rơm còn là vật liệu làm tổ cho gà vịt, là dụng cụ lau chùi mớ xoong nồi đen nhẻm muội than, hay để giải quyết hậu quả từ một chú gà “vô tổ chức” để lại “nỗi buồn” chễm chệ trên nền nhà. Rơm gần gũi thân thương đến lạ.!
 

Rơm còn gắn với bao câu chuyện vui buồn con người Việt Nam. Hẳn bạn đã đọc câu chuyện sự tích ông Công ông Táo và không thể không nghĩ đến chữ nghĩa tình của con người Việt Nam rực lên trong ngọn lửa rơm thiêu đốt người vợ và hai người chồng. Cây rơm như một hình ảnh chứa chan nỗi nhớ về tuổi thơ, về gia đình, về tình làng nghĩa xóm. Nhà nào sớm hết rơm có thể sang hàng xóm xin tạm bó rơm về nhóm bếp. Trẻ con vô tư chọn đống rơm, cây rơm làm sân chơi với đủ trò ma quỷ. Lứa đôi cũng chọn cây rơm làm chỗ tâm tình, đến khi thành vợ thành chồng cây rơm cũng là nơi buông xả giận hờn. Người quê tôi vẫn truyền nhau câu chuyện cười rằng có ông chồng nổi nóng đuổi đánh vợ, bà vợ thông minh chạy quanh cây rơm mấy vòng làm ông chồng chạy hết hơi mà vẫn không đuổi kịp; rồi bất ngờ bà chạy ngược vòng lại, hai vợ chồng chạm trán nhau, bà vợ kêu lên “mệt chưa ông”, ông chồng cười hề hề, thế là hết giận dỗi.
 

Vẫn còn cái nắng cháy da, vẫn những giọt mồ hơi rơi quanh năm với khoai lúa, người nông dân quê tôi vẫn còn đó những ngọc nhằn, nhưng đời rơm thì đã sang trang mới. Hình như không thấy còn nhà nào có cây rơm nữa. Lúa được tuốt ngay ngoài đồng, rơm đem bán cho những nhà làm nấm hoặc đốt đi vì mang về nhà cũng chẳng để làm gì, người nông dân chỉ việc mang lúa về nhà. Trẻ con ngày nay thỉnh thoảng cũng được lăn trên những đống rơm, nhưng không còn biết cây rơm là gì nữa, và khái niệm củi rơm với chúng bây giờ đã thành cổ tích. Xã hội đổi thay, khó có thể níu giữ nhiều điều từng là thân quen trong quá khứ, chắc chắn rồi. Người nông dân Việt Nam sẽ vẫn luôn gắn bó với cây lúa, đường quê mùa gặt vẫn ngập rơm vàng, nhưng không phải là rơm trong kí ức của những con người thuộc thế hệ 7x, 8x như chúng tôi.

Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Tư

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip