Em và tôi và phiến khúc haiku

06:09 - 11/02/2023

Lời bình của chị Đặng Kim Thanh về một số bài haiku trong tác phẩm “Tươi mãi với thời gian” của PGS.NGUT Lưu Đức Trung

Em và tôi và phiến khúc haiku

Ảnh: Kỷ niệm 6 năm thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM 

 

EM VÀ TÔI VÀ PHIẾN KHÚC HAIKU

Tươi mãi với thời gian(1) của người thơ Lưu Đức Trung là tập phiến khúc trữ tình được viết theo thể haiku, một thể thơ độc đáo của đất nước Nhật Bản. Với 99 bông hoa haiku nhỏ xinh mà tinh tế, Tươi mãi với thời gian sẽ dẫn bạn vào hành trình khám phá, chiêm nghiệm cảm xúc thơ… Bạn có thể đắm mình vào không khí đậm vị trầm mặc u huyền, an nhiên vang tiếng thông reo, nhạc trời, sóng vỗ:

Lá thông reo / sóng vỗ / ta và cát.

Ve sầu / nhạc trời / mình ta.

Bạn có thể nhận ra chất ngụ ngôn kết tinh từ:

Đôi mắt / nhìn sau lưng / thấy cả khuôn mặt.

Và : Rùng mình / rắn quấn dưới chân / sợi dây thừng.

Đặc biệt, tôi muốn được chia sẻ với bạn một sự ngạc nhiên thú vị khi thưởng thức những phiến khúc Haiku Tươi mãi với thời gian!

Nếu thi tài Basho của xứ sở Hoa Anh Đào chinh phục độc giả bởi tâm thức Thiền, màu sắc Yugen (trầm mặc, u huyền), Sabi (nỗi buồn), Aware (bi cảm)… thì Tươi mãi với thời gian của tác giả Lưu Đức Trung sẽ làm xao xuyến trái tim người đọc bằng những vần thơ Haiku Việt hàm súc, tinh tế, giàu sức gợi. Đặc biệt sự xuất hiện của hai nhân vật Em và Tôi trong một chùm thơ có màu sắc tình yêu sẽ đưa độc giả vào một không gian thơ Haiku phong cách Việt mang dấu ấn hiện đại vừa lạ vừa quen…

Cả tập thơ có 99 bài, tác giả đã dành hẳn 12 bài (tỉ lệ 1/8 tổng số) để nói về Em và Tôi bằng một xúc cảm nồng nàn tình yêu trần thế – một đề tài khá hiếm trong thơ Haiku cổ điển. Em và Tôi không phải là hình ảnh, biểu tượng lạ của thơ ca hiện đại, nhất là trong đề tài tình yêu. Em có lúc được sóng đôi cùng biển như nỗi niềm của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: Anh không xứng là biển xanh / Nhưng muốn em là bờ cát trắng… Em và Sóng đồng hành trong khát vọng tình yêu kiểu Xuân Quỳnh: Làm sao được tan ra thành trăm con sóng nhỏ / Giữa biển lớn tình yêu / Để ngàn năm còn vỗ… A. Puskin – mặt trời của thi ca Nga thế kỉ XIX vẫn khiến ta ngỡ ngàng bởi tình yêu thánh thiện: Cầu mong em được người tình như tôi đã yêu em…

Nhưng trong thơ haiku truyền thống với những đại diện tiêu biểu như Basho, Issa…, thì Em hầu như vắng bóng. Bởi những thi nhân ấy có lí lẽ riêng của họ. Vậy mà, với nhà thơ Lưu Đức Trung, phiến khúc Haiku vẫn có thể là tiếng nói về Em.

Em trở thành trung tâm cảm xúc của không ít bài thơ. Tác giả thường để chủ thể trữ tình ẩn vào những cảm xúc thanh khiết mà không kém phần nồng cháy.

Mời bạn thưởng thức 6 trong số 12 vần thơ với chất Em đa sắc đã được xuất hiện như nét nhấn trữ tình hiện đại cho Phiến khúc Tươi mãi với thời gian:

1. Tặng B

Em ở rất xa
hoa lưu ly đến đây những giọt sương sa.

2. Tặng T. A

Cùng Em
đi mua hoa đào
ngẩn ngơ trước chồi non tơ.

3.

Tóc Em bay
mùi hoa sữa
ngây ngất đêm thu.

4.

Đồi chè xanh
con bướm trắng
đậu trên lưng Em.

5.

Tóc Em dài
lấp cả ánh trăng
căn buồng tối lại.

6.

Dưới trăng thu
tôi gọi gió
rối bồng mái tóc Em.

Cùng em đi mua hoa đào, cùng em vào hang núi Cốc, theo em trong chốn thần tiên… Và ngay cả khi em ở rất xa thì những bông hoa lưu ly đến với người cũng được gợi nhớ… Riêng mái tóc em được đặc tả gắn với vẻ đẹp của mùa thu, của gió và ánh trăng. Hình như những nét tinh túy của thiên nhiên đã được nhà thơ dùng làm chất liệu để đặc tả Em – Cái Đẹp của một nửa thế giới!… Thu là sắc vàng, trăng thu hài hòa cả ngà và vàng. Có phải thế không mà tôi gọi gió làm rối bồng mái tóc. Mái tóc rối bồng trong đêm trăng ngà hay chính nỗi lòng tác giả…?

Dường như, Dưới trăng thu là bài haiku duy nhất trong cả tập thơ có chủ thể trữ tình – Tôi xuất hiện trực tiếp và cũng là lần duy nhất Em và Tôi song hành! Hai cái duy nhất ấy đã làm nên sức hấp dẫn của bài thơ. Nhưng phải chăng nỗi lòng tác giả mới là điều duy nhất tạo chất thơ. Bởi nếu chỉ có ánh trăng với sắc vàng quyến rũ của mùa thu mà vắng Em… và Tôi không khát khao gọi gió thì làm sao mái tóc rối bồng và tất cả ánh sáng, sắc màu, hình ảnh, không gian và thời gian ấy lại hội tụ nên thi hứng dệt thành phiến khúc haiku… (Có lẽ 2 chữ gọi gió giản dị chính là linh hồn của bài thơ haiku này! Chẳng biết ca khúc “Lời của gió” của Duy Thái và truyện ngắn “Một chuyện đùa” của A. Sê – khốp có là chất men tạo cảm xúc cho cái Tôi thi nhân không nhỉ? Bạn thử ngẫm và đặt mình vào nhân vật Tôi xem nhé!)…

Có thể nói, cái hay và lạ của “Tươi mãi với thời gian” là sự cộng hưởng uyển chuyển, sáng tạo trong cách lựa chọn đề tài, ngôn từ, hình tượng Em và Tôi giản dị mà đằm thắm… Mỗi bài thơ haiku nhỏ xinh chỉ có hơn 10 chữ với 3 dòng mà tạo sự rung cảm, trường liên tưởng vô bờ. Phải chăng vì thế mà Phiến khúc “Tươi mãi với thời gian” có nét đẹp riêng và tác giả Lưu Đức Trung đã chinh phục không ít độc giả yêu mến thơ haiku Việt!

Sài Gòn, Mùa Hạ, năm 2009

Đặng Kim Thanh

 

Tác giả : Đặng Kim Thanh

Bình luận

Bài viết liên quan

Này hoa bỉ ngạn
Cảm xúc mùa vu lan: Nhớ mẹ ngày xưa...
Về lại ngõ xưa
Giữa đám cỏ hoang
Tuyết rơi đầu mùa

Video clip