Gánh nước oan khiên

22:44 - 24/05/2015

Ký ức xưa của tác giả Đặng Văn Quang

Lời ngỏ: Ai sinh ra và lớn lên trên quê hương mình đều có những kỷ niệm, vui, buồn, sướng, khổ, những câu chuyện khó quên. Mỗi kỷ niệm phản ảnh một góc của đời sống, sinh hoạt của người quê ta. Đi nơm, đi tát, mót khoai, hái củi, lặn hói lội bàu, gánh nước đêm trăng, hay một buổi tập văn nghệ HTX măng non, kỷ niệm tuổi học trò .v.v.

 

Những kỷ niệm đó là sợi dây vô hình neo níu giữ tâm hồn ta với nơi chôn rau cắt rốn, nhất là đối với những người xa quê.

 

Ngồi buồn nhặt kỷ niệm xưa, những mong chút ít tái hiện hình bóng quê nhà, nhớ một thuở hàn vi lam lũ và cũng để làm sống động thêm trang báo quê ta.

 

Mọi người hãy hưởng ứng nhé, hãy kể về kỷ niệm của mình. Sau đây Đặng Văn Quang xin kể trước:

 

GÁNH NƯỚC OAN KHIÊN

 

Ngày đó quê mình đói và khát, đói thì đã đành nhưng khát cũng là nỗi cơ cực thường xuyên. Quê ta thời đó dùng ba loại nước: Nước rửa; Nước nấu và nước uống. Nước rửa thì nước gì cũng được không đòi hỏi sạch lắm, thường là nước múc ở hố bom, phốốc, đìa, ao hồ, dùng để rửa khoai, rửa chân tay… Nước nấu là nước tương đối sạch, miễn là nước ngọt để nấu cơm, luộc rau, luộc khoai sắn…nước này thường được gánh ở bàu sâu, giếng làng, cũng có thể là gánh ở hố bom, ao hồ nơi không có trâu bò tắm rửa.v.v . Quý nhất là nước dùng để uống, nước này phải đi xa khoảng hai cây số, vào tận xóm rẫy để gánh. Không biết từ lúc nào nhưng hệ thống giếng nước ngọt này có từ lâu lắm. Nước giếng Hung, giếng Hóc, giếng Kiệt và xa hơn tận trong khe núi là nước giếng Mây, ngon có tiếng. Mùa hè gánh củi qua đây múc lên uống, mát lịm thấm vào tận gan thịt, nhớ đời.

 

  

 

Hết ăn đã là nỗi lo triền miên, hết nước uống cũng là nỗi lo không kém. Không như bây giờ, nhà nào cũng chứa nước bằng bể xi măng, bồn innox, citẹc…ngày đó, quê mình thường trữ nước uống trong những cái chum sành, lu vại…nhà ai mà vỡ chum vại thì tổn thất lớn vô cùng.

 

Đi gánh nước uống theo phường hội, theo nhóm bạn bè cũng là nét văn hóa đẹp của làng quê mình.

 

Như kỷ niệm mà Lưu Hữu Thông đã viết trong bài thơ Nhớ quê: “Nhớ những trưa hè tát mương bắt cá / Trăng sáng đường làng Ả gánh nước  đêm khuya”. Gió nồm dìu dịu, trăng non chênh chếch, tiếng côn trùng rả rích, tiếng gọi nhau í ới, xốc lại thùng gióng cả hội lên đường, chuyện trò râm ran…vui đáo để.

 

Những câu chuyện tình đẹp, những đôi lứa thành duyên, cũng từ những buổi gánh nước đêm trăng…

 

Câu chuyện tôi muốn kể ở đây không phải là gánh nước đêm trăng đẹp hay mùa mùa hè nắng cháy nứt nẻ cả cánh đồng…mà là gánh nước những ngày mưa.

 

Thật khổ cho nhà ai hết nước uống vào những ngày này, mưa rả rích, mưa lâm thâm, lu vại không hứng được giọt nước nào, mà có hứng được thì cũng không uống được, bởi nước cứ đỏ quạch, đặc quánh mùi tóóc rạ.

 

Hết nước uống rồi, mạ tui nói: Bây chịu khát được không? Đứa mô đi sương nác uống? Cả mấy chị em tui ngó chắc, ai cũng nêu ra lý do “rất chính đáng” cuối cùng phần trọng trách gian khó đó thuộc về tui.

 

Thùng gióng lên vai, ngó lên bầu trời thì u ám, nhìn con đường Eo sao mà dài, giếng Hóc sao mà xa tít tắp, đường sao mà trơn như đổ mỡ, hậu quả của hai ngày trời đang mưa lâm thâm không dứt. Bước đi lúc “không tải” mà chân cứ phải bấm sâu hơn mọi khi, huống chi lúc có nước đầy thùng…Và rồi, tôi cũng quảy được gánh nước đi về, lòng lại dặn lòng cẩn thận, đi chậm, cố không để sánh nước ra ngoài, phải bảo toàn thành quả cao nhất…

 

Qua Chủ Thanh, tới Chủ Quỷ, xa xa trước mặt là cầu Eo, quyệt mồ hôi, ngẩng lên tui gặp một chị áo trắng, quần lụa đi qua.

 

- A chị Điểu chị đi mô mà khéo rứa?

 

- Chị về làng có việc, để chị sương giùm cho một đoạn.

 

Sướng quá, mừng như mở cờ trong bụng, chị đỡ lấy gánh nước, bước đi thoăn thắt, tui lon ton chạy theo sau. Dáng chị thanh mảnh, mềm mại uyển chuyển, đung đưa đôi thùng nước không hề sánh một giọt cùng bộ quần áo mới sao mà chị đẹp lạ lùng.

 

  

 

Sắp đến cầu Eo, một khoảng nữa là vô đường Bạn, sắp về đến nhà. Chợt nghe cái xoảng, đôi thùng lăn long lóc, chị Điểu ngã dài trên vũng bùn, một ống quần rách toạc… Ui chao ngao ngán, chị lồm cồm đứng dậy áo trắng, quần lụa bê bết bùn đất, chị đi đến bên bờ ruộng vốc nước, gột vội, gột vàng rồi chị xin lỗi:

 

-Chị mắc chân vô tiếp quần, em vô sương lại triêng khác nghe, chị đang có việc vội lắm.

 

Rồi chị đi như chạy, trong lòng ngổn ngang, tôi thương chị vô cùng, tại tôi mà chị rách quần lấm áo, không chừng rồi trễ việc quan trọng cũng nên.

 

Tôi đứng tần ngần một lúc, trời vẫn lâm thâm, cổ họng đắng ngắt, xốc lại gióng gánh nhìn lại con đường xa vời vợi, trơn trợt kia tiếp tục bắt đầu lại từ đầu, lòng nghẹn ngào ứa nước mắt…

 

Mấy chục năm rồi, ngồi buồn nhặt lại kỷ niệm xưa, không thể nào quên được, thương quê mình một thời gian khó nhọc nhằn.

 

 Chị Điểu ơi! bây giờ chị ở nơi nao, biết bao niềm vui, nỗi buồn  đã đi qua cuộc đời, nhưng em chẳng thể nào quên cái gánh nước oan khiên ngày đó.

 

Thương quê mình lắm lắm người ơi!

 

Tháng 5 năm 2015

Tác giả : Đặng Văn Quang

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip