Ghi chép về Bankok (Phần 3)

20:25 - 14/08/2013

Bút ký của anh Lê Chiêu Phùng

KỲ 3: GIAO THÔNG VÀ VĂN HÓA, GIAO THÔNG- NHÌN TỪ THÁI LAN

 

Nhìn qua cửa sổ máy bay, Thủ đô Băng Kok hiện dần, hiện dần, đường sá chằng chịt, nhà cao ốc, chùa chiền…phía xa ngoại ô thành phố là những cánh đồng mênh mong với hệ thống thủy lợi tưới tiêu, bờ ruộng, bờ vườn thẳng tắp. Trên đường băng, hàng trăm máy bay xếp hàng chờ đến lượt cất cánh. Tháp Không lưu của Hãng hàng không Quốc gia Thái Lan (có thể lớn nhất Thế giới) với độ cao trên 300m liên tục chớp đèn báo hiệu, cứ vài phút một máy bay đáp xuống, cất cánh bay lên…Lần đầu được đặt chân đến đất nước Chùa tháp, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước một sân bay hiện đại và hệ thống giao thông hoàn chỉnh đến như thế. Đường cao tốc từ phi trường Suvamabhumi vào thành phố với 16 làn nên dù xe rất nhiều và tốc độ cho phép trên 100km/h nhưng không xẩy ra hiện tượng kẹt xe như người ta đồn đoán.

 

 

Là một đất nước có hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại; rào chắn, biển báo khá hoàn chỉnh; không có đường cắt ngang qua đường cao tốc, đường ưu tiên; các chốt giao thông quan trọng đều có hệ thống cầu vượt, đường xoắn ốc nhiều tầng…Đây là những thuận lợi cơ bản cho người và phương tiện tham gia giao thông tại Thái Lan. Dọc theo đường cao tốc là những tuyến đường địa phương chạy song song và có “cửa” ém dần vào nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa sự bất cẩn của lái xe khi vào đường ưu tiên. Để tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, người ta bố trí nhiều trạm dừng xe phía ngoài đường cao tốc. Trạm dừng có nhà hàng phục vụ ăn uống, cây xăng, trạm bảo hành sửa chữa và nhiều dịch vụ khác. Ngoài ra, còn có các điểm dừng phụ, máy điện thoại công cộng (điện thoại cạc) dọc đường phục vụ cho xe bị sự cố và xe cứu nạn. Vạch cứng giữa đường ở Thái Lan ít trồng hoa, cây xanh như ở Trung Quốc, Lào, Campuchia… mà chỉ có hệ thống đèn cao áp. Mỗi bên có tới 8 đến 10 làn cho từng loại xe có tốc độ khác nhau. Trên các tuyến đường nhất là đường cao tốc cũng có nhiều trạm thu phí đường bộ. Để tránh ùn tắc, người ta bố trí các trạm nhỏ lệch nhau, mỗi trạm 4 đến 5 làn xe cách nhau 3 đến 4 km. Phần lớn đường cao tốc do các nhà thầu đầu tư nên việc bố trí trạm thu phí tùy thuộc vào chiều dài của nhà đầu tư đó và giá cước cũng khác nhau. Điều đáng nói là tất cả các tuyến đường, đặc biệt là đường cao tốc ngoài hàng rào che chắn khép kín thì đường không đi qua khu dân cư và tuyệt nhiên không hề có dân cư sinh sống ven đường.

Cũng như các nước trong khu vực, Thái Lan nói chung, Thủ đô Băng Kok nói riêng cơ sở hạ từng giao thông rất hoàn thiện. Rất nhiều phương tiện giao thông công cộng nhưng thông dụng nhất vẫn là xe buýt và taxi, xe buýt không trang bị máy lạnh, xe buýt mini và xe buýt có máy lạnh. Ngoài ra còn có hệ thống tầu điện ngầm nối với tất cả các điểm du lịch, các khu thương mại và dân cư trong thành phố Băng Kok. Tầu điện trên không còn gọi là tầu Skytrain không chỉ an toàn, rẽ tiền mà còn tránh được tình trạng kẹt xe và giảm ô nhiệm môi trường. Theo kinh nghiệm của người Thái thì mỗi khi sử dụng taxi nếu bị kẹt xe nên trả tiền và đón xe khác vì dù xe đứng tại chổ đồng hồ vẫn tự động nhảy tiền. Ngoài taxi còn có xe Tuk Tuk, đây là loại xe 3 bánh giống xe lam là phương tiện hoạt động đặc trưng của Băng Kok, sử dụng bằng phương tiện này giá không rẽ nhưng thu hút nhiều khách bởi tính tò mò và lạ mắt. Ngoài ra còn có rất nhiều ghe, đò và tàu tốc hành ChaoPhraya Express được trang trí khá đẹp mắt chở khách trên sông…Trừ một số địa phương, riêng Thủ đô Băng Kok hiếm thấy xe máy cũng vì thế mà trên các tuyến đường, các khu dân cư ít thấy xe máy hoạt động. Một điều khác biệt đối với nước ta là xe ô tô Thái Lan tay lái bên phải (tay lái nghịch), tránh nhau bên trái, các cửa xe ca lên xuống cũng bên trái và ít dùng còi… 

 

  

 

Cùng với việc xây dựng hệ thống đường hiện đại thì biển báo giao thông ở Thái Lan rất hoàn chỉnh, rõ ràng. Trước khi có biển báo “động lệnh” màu xanh, có tới 5 đến 7 biển báo “dự lệnh” màu vàng, làm cho người lái xe chủ động và biết trước về khoảng cách cho phép rẻ phải hay trái để ra tín hiệu cho những xe sau biết. Người Thái ít uống bia rượu nơi công cộng, kể cả những điểm dừng xe cũng tại các nhà hàng, khách sạn. Khách tham quan, du lịch nếu có nhu cầu dùng bia, rượu tại nhà hàng thì giá rất đắt; nếu có rượu mang theo mà gọi cốc uống người ta cũng thu phí gần ngang với giá mua tại nhà hàng. Thái Lan nghiêm cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Tại các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống, người ta thường bố trí một chổ giành cho những người “nghiện thuốc” tại cửa ra vào các phòng vệ sinh, nếu ai không thực hiện bị phạt tiền khá cao. Có thể nói, đây là nét đẹp văn hóa nơi công cộng mà người Thái duy trì khá tốt trong những năm qua.

 

Được hỏi về tình hình an toàn giao thông trên đất Thái, ông BikiLuoong, tài xế phục vụ đoàn cho biết: “ Hiếm thấy xe ô tô gây tai nạn trên các tuyến giao thông, có chăng vào lúc trời mưa, đường trơn, xe chạy tốc độ cao, chỉ cần một xe sự cố có thể xẩy ra tai nạn liên hoàn…nhưng ít thôi”. Ông BikiLuoong tâm sự: “Lái xe ở Thái Lan nghiêm lắm, tuyệt đối không uống bia, rượu khi tham gia giao thông, không hút thuốc lá khi đang phục vụ, không tranh giành đường”…Và đúng như BikiLuoong nói, suốt thời gian phục vụ, anh không chỉ nhiệt tình, chu đáo mà còn luôn làm chủ tốc độ, mỗi khi rẽ trái, rẽ phải hay từ đường địa phương vào đường cao tốc mà thấy xe đang chạy trên đường ưu tiên là anh dừng chờ. Ở nước ta, lái xe phục vụ thường được ngồi ăn cơm chung, ngủ chung, có khi còn được suất “ưu tiên”, còn ở Thái Lan tài xế chỉ biết lái xe và tự lo ăn ngủ. Xe vào khách sạn, hay dừng ăn cơm mặc dù đã có lời mời nhưng họ chỉ chấp tay gật đầu và xin hẹn giờ đến đón; bởi vậy xe du lịch to, nhỏ của Thái Lan đều có chổ ăn, ngủ trong xe. Điều dễ nhận thấy đó là thái độ của tài xế, họ không chỉ chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông mà luôn nở nụ cười và niềm nở với khách…

 

Mặc dù trên các tuyến đường cao tốc chưa thấy kẹt xe nhưng tại Băng Kok chúng tôi đã được chứng kiến…Sau bữa cơm chiều, từ khách sạn gần Ga tầu Trung tâm Thủ đô, chúng tôi lên xe đi trên đại lộ ChuLa về siêu thị. Xe lăn bánh một lúc thì xẩy ra kẹt xe. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tận mắt chứng kiến sự “kinh hoành” cảnh kẹt xe tại Thủ đô Băng Kok. Đoàn xe nối đuôi nhau kéo dài đến hàng chục km và cứ 20 phút, xe lăn bánh được vài chục mét. Mặc dù đã nhìn thấy thế mà gần một tiếng chúng tôi mới đến được chốt giao thông có đèn tín hiệu xanh, đỏ…Ở Thái Lan do, đèn tín hiệu thường kéo dài tới 100 đến 150 giây, thậm chí nhiều chốt đến 200 đến 300 giây. Tuy bị kẹt xe nhưng ở Băng Kok không xẩy ra tình trạng tắc đường, không nghe tiếng còi xe bởi làn xe nào vẫn đi theo làn đó, làn này kẹt không lấn qua làn khác mặc dù làn đó thông thoáng…Và, kẹt xe hôm đó cho tới hơn 9 giờ đêm, khi đoàn chúng tôi đến được cũng lúc Trung tâm thương mại vừa đóng cửa.

 

  

 

Chứng kiến sự kẹt xe ở Băng Kok chỉ là một nét buồn, dù sao chúng tôi thấy giao thông trên đất nước Thái Lan là niềm mơ ước của nhiều nước khác trong đó có Việt Nam chúng ta. Đó là hệ thống hạ tầng giao thông, người tham gia giao thông, văn hóa và văn hóa giao thông. Suốt trong thời gian lưu lại trên đất Thái, chúng tôi ít thấy cảnh sát giao thông nào làm nhiệm vụ trên đường. Không riêng gì trong lĩnh vực giao thông mà ở các khu vui chơi giải trí có tới hàng ngàn người vào ra một lúc nhưng họ luôn tự giác xếp hàng có khi dài đến hàng km nhưng không một ai chen ngang, xô đẩy. Các trường học mẫu giáo, mầm non…các cô giáo hướng dẫn học sinh xếp hàng nề nếp mỗi khi vào các khu vui chơi giải trí; mỗi khi gặp người lớn, các cháu chắp tay lễ phép cúi chào. Có thể nói, nền tảng văn hóa nói chung, văn hóa giao thông nói riêng ở Thái Lan đã bắt nguồn từ hệ thống giáo dục con người từ khi chập chững bước vào trường học…

 

Trước đây tôi đã từng làm tài xế nhiều năm nên hiểu khá sâu mỗi khi tham gia giao thông. Dẫu biết rằng, vẫn còn nhiều vụ tai nạn giao thông ở nước ta do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó không ít vụ do sự bất cẩn của lái xe nhưng khách quan mà nói thì cơ sở hạ tầng giao thông của ta như hiện nay quả là rất khó cho những người tham gia giao thông. Tuyến đường Quốc lộ 1A và rất nhiều tuyến đường quan trọng khác ở nước ta phần lớn chỉ có 2 làn xe trong, đường không có rào chắn lại qua nhiều khu dân cư, chợ, trường học…Không riêng gì các loại xe ô tô mà đủ các loại phương tiện khác như: xe máy, xe đạp, thậm chí người đi bộ, trâu bò cũng chen lấn cả xe cơ giới… Nói đến chuyện này có thể hơi buồn nhưng ai đã từng làm tài xế trên đất nước chúng ta mà được “ôm” xe chạy trên đất Thái dù chỉ một lần mới thấy yên tâm với nghề tài xế.

 

“Học họ thì học cả đời”, câu nói vui của anh Nguyễn Xuân Thạo người bạn đồng hành của tôi mỗi khi nói đến giao thông và văn hóa giao thông trên đất Thái. Dù sao chúng tôi vẫn hy vọng một ngày không xa, cơ sở hạ tầng giao thông ở nước ta được hoàn thiện, tư duy văn hóa giao thông trong mỗi người được nâng lên thì chắc chắn không chỉ hạn chế tai nạn giao thông mà sẽ là điểm đến an toàn, thân thiện của khách du lịch thập phương mỗi khi nhắc tới hai tiếng: Việt nam.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip