Giá trị của Văn tế Đình Trung

06:56 - 03/04/2011

Hơn 200 năm đã qua, Văn tế Đình Trung làng Cao Lao Hạ vẫn còn nguyên giá trị

 

Làng Cao Lao Hạ xưa, xã Hạ Trạch bây giờ thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, năm về phía Nam cầu Gianh, cách thành phố Đồng Hới hơn 40 Km về phía bắc.  Trên mảnh đất này, thuở sơ khai đã có người bản địa (Man di) sinh sống, nhưng còn thưa thớt; địa hình hoang vu hiểm trở, rừng núi lau sậy bạt ngàn. Về sau vào đời vua Lê Thánh Tông, trong khoảng thời gian 1470 – 1504, thực hiện chính sách chiêu mộ dân chúng, đưa quan quân ngoài Bắc vào lập nghiệp trên đất của ba châu mới: Lâm Bình, Minh Linh, Bố Chính. Sau một thời gian dài khai khẩn, làng Cao Lao Hạ được xây đắp, tô bồi ngày càng rộng lớn, làng xóm trù mật, nhân dân đông vui, làm ăn và xây dựng những công trình văn hóa, phục vụ cho đời sống tình cảm tâm linh. Đây là một làng quê nghèo khó nhưng là mảnh đất Địa Linh, Nhân kiệt, nhiều người làm quan to qua các triều đại  phong kiến, là làng quê hiếu học sản sinh ra lắm người tài.

 

Ngoài Đình làng là công trình to đẹp nhất, còn có một số công  trình khác như: Chùa phật, đền, miếu thờ thần linh và nhân thần, nền xã tắc, cúng tế cầu mùa, miếu đền tưởng nhớ tiền hiền khai khẩn, hội văn, hội võ… Những kiến trúc này do mưa nắng của thời gian hàng trăm năm, do chiến tranh liên miên, nên đã bị phá hủy chỉ còn lại dấu tích. Đình làng Cao Lao Hạ được xây dựng lại lần thứ 3 năm 1942, nhưng rồi đi qua 2 cuộc chiến, thực dân Pháp xâm lược, và cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đình chỉ còn lại 2 cột  trụ  cổng thi gan với trời đất.

 

Đặc biệt bài văn tế Đình Trung viết bằng chữ Hán được đọc trong ngày Tế Lễ ở Đình Cao Lao Hạ đã trải qua hơn 200 năm.  Khi Đình làng bị đốt cháy năm 1947, được các cụ già làng chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lưu giữ ở nhà thờ Họ Lê Quang cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Văn tế Đình Trung  Làng Cao Lao Hạ minh chứng cho lịch sử hình thành, và truyền thống quê hương con người Cao Lao Hạ qua hơn 5 thế kỷ dựng nước và giữ nước. Qua nội dung bài văn tế Đình Trung đã được Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Quảng Bình  dịch ra 7 trang văn tế bằng chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ gồm 7 trang giấy A4. Đây là một bài văn tế Đình trung độc đáo, một  di sản văn hóa cần được giữ gìn và xếp hạng.

 

Bài Văn tế Đình Trung toát lên tình yêu quê hương tha thiết, lòng biết ơn và tưởng nhớ cội nguồn, của các bậc Tiền nhân đối với những người có công với dân với nước.  Bài văn tế Đình Trung khi vào Tế lễ đã mời các nhân thần là các bậc Thành Hoàng làng, là những người con của làng quê Cao lao Hạ được lưu danh, đó là các bậc Phó Bảng, những cử nhân, những thượng thư, những Phó sứ, Án Sát sứ, Quan bộ lễ, những Đại tướng quân, Tỉnh trưởng, Tri huyện, Tri Phủ, những đội trưởng, đến những quan viên, quý công,  Tài Hầu, Tài Nam, Đô Úy, Quan Bố Chánh, Trưởng Ty, là những công tước, Hầu tước, Bá tước, Tứ tước, Nam tước...vv…

 

Mở đầu bài văn tế Đình Trung là lời Tâu mời của Quan tiên chỉ trang phục như một vị quan triều đình trong buổi lễ Thiết Triều, thay mặt cho các vị chức sắc trong ban tế lễ của Làng vào các dịp Lễ Xuân Thủ, lễ Thượng Nguyên, Lễ Hạ Nguyên hàng năm: “… Kính xin Tâu mời: Đức Đại Kiến Quốc Gia Nam Hải Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức  Phổ Bác Hiển Hóa Trang Trưng Trì Dực Bảo Trung Hưng Tứ Vị Thượng Đẳng Thần…”

 

Tiếp đến Quan chủ Lễ mời các vị Đức Vua, Đức Hoàng, Đức Cao Các.  Sau đó mời các ngài, … “ Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi đạt phong thái văn chương sán lạn vẻ vang làm nức lòng nhà vua, được giữ chức thái vận tướng quân, hiệu tùng giang văn Trung tước Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần…”

 

 Đến thứ tự 12, Ngài chủ lễ mời: "...Ngài công thần có khí tiết oai hùng, thông thạo việc nước, hết lòng chăm lo bàn mưu tính kế giúp nhà vua chăm lo giữ nước yên dân, đặc biệt được phong hàm Phụ quốc thượng tướng quân, Đông quân Đô đốc phủ, giữ chức Tả Đô đốc thái bảo, tước Chấn Quận công

 

Từ thứ tự 13 đến thứ tự 20 Ngài chủ lễ mời các ngài Thượng tướng quân Cấm Y vệ, Đô Tá Quân, Đô Đốc Phủ, Phó Tướng Quân, Phụ Quốc Thướng Tướng Quân, Ngài Tước Nghị quận Công, ngài Tả Phủ Đô Đốc, ngài Nghĩa Lược Hầu, đến ngài Họ Lê vị công thần giữ chức Tá Lý Bộ Hình vv…

 

Đến thứ tự 21 Ngài chủ lễ Mời các ngài Thành Hoàng Làng có công trực tiếp với dân làng Cao Lao Hạ: “…Ngài Thành hoàng làng chuyên lo giữ vững trật tự, an toàn trong thôn xóm, chăm giúp đỡ người hiền làm việc thiện, đôn đốc kẻ chưa tốt rèn luyện ý chí, từ bỏ thói hư cần cù lao động để trở nên dân lành, được phong tước Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Chi thần; Nguyên khai canh, ngài Lưu Văn Tiên, hàm Đại tướng quân, được phong tước Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần (tương đương Thành hoàng làng - ND) Đại tướng quân ngài họ Lưu;  Nguyên khai canh, ngài Đại tướng quân Nguyễn Văn Khai Đại tướng quân ngài họ Nguyễn. Nguyên khai canh, ngài Triệu phong Lê Quang Lữ Triệu phong ngài họ Lê; Ngài Lưu Văn Hành là vị khai khẩn của họ Lưu; Ngài Lê Văn Giám là vị hậu khai khẩn của họ Lê Văn; Ngài Lê Quang Diệu là vị hậu khai khẩn của họ Lê Quang; Ngài Lê Chiêu Phúc là vị hậu khai khẩn của họ Lê Chiêu;… ”

 

Qua Văn tế Đình Trung chúng ta hiểu được Các bậc tiền hiền khai canh của làng Cao Lao Hạ là các ngài Đại Tướng Quân Họ Lưu, Đại tướng quân  họ Nguyễn, Ngài Triệu Phong Họ Lê. Các ngài Hậu hiền Khai khẩn, họ Lưu, họ Lê Văn, họ Lê Quang, họ Lê Chiêu. Tiếp đến ngài Chủ tế  mời các vị thần linh coi giữ sự sống 4 phương, 5 hướng, các ngài bộ hạ sai phái các thần coi giữ các chức trên ở 5 phương. Ngài chủ lễ trịnh trọng mời các ngài nguyên là những người độ lượng trong thôn ta: “… Kính mời cùng ngồi cho dân làng chúng tôi tâu bày và dâng lễ vật Nguyên Cai cơ: các ngài Quảng Vũ hầu; Trung Lương hầu; Nguyên Cai đội: các ngài Nhâm Tài hầu; Chẩn Tài hầu; Nguyên Giảng dụ quan: ngài họ Nguyễn; Nguyên Đội trưởng: các ngài Tài Phú hầu; Minh Nghĩa hầu; Vưu Lược hầu; Tuân Lễ hầu; Trượng Lễ hầu; Chất Thắng hầu; Tín Trung hầu; Nguyên Câu kê: ngài Nguyên Huân bá;Nguyên nhưng Cai tam: các ngài Duyên Lộc hầu; Quang Vũ hầu; Thông Đạt hầu; Duyệt Hòa hầu; Dao Quang hầu; Bính Vũ hầu; Bá Tài hầu; Lập Mai hầu; Nguyên Trung úy: các ngài Hoài Tài hầu; Đạc Tài hầu;Nguyên Nhưng Cài: ngài Thân Tài hầu; Nguyên thứ Đội trưởng: các ngài Do Xuyên Bá; Trường An bá; Cử Long bá;… Nguyên Thủ hợp: các ngài Vưu Cung nam; Dung Thành nam; Thanh Vân nam; Uơng Kí nam; Khang Trực Nam; Dụ Trị nam; Tuyên Hòa nam; Lữ Tài nam; Thuyên Kí nam; Triển Tài nam; Trạc Tài nam; Tiệp Tài nam; Khuê Chương nam; Nguyên Xá sai tướng thần lại tư: các ngài Long Vân nam; Sam Chất nam; Thái Bá nam; Hải Yến nam; Điềm Tỉnh nam; Đằng Mông nam; Cẩm Văn nam; Thể Dụng nam; Mẫu Tài nam; Xiển Tài Nam; Quán Tài nam; Định Tài nam;... Nguyên Thư ký: các ngài Toàn Dụng nam; Duyên Hài nam; Nguyên Cai tổng: các ngài Trạch Phú bá; Tân Lộc bá; Nguyên Cai xã: ngài Giá Tài bá;…  ”,  “… Nguyên thứ Đội trưởng: các ngài Diễn Tài bá; Phàn Tài bá; Xuân Tài bá; Vệ Tài bá; Thập Tài bá; Đãn Tài bá; Dụng Tài bá; Nguyên Đồng trưởng: các ngài Tài Dụng nam; Tuy Đức nam; Kính mời quý vị đại biểu, đại diện chính thức hoặc thay mặt trải qua các đời trên, trước sau đều cùng đến, xin mời cùng ngồi;…

 

Sau khi Quan tiên chỉ đọc hết danh sách khách mời, từ các vị vua  qua các triều đại đến các thiên thần, nhân thần, các vị chức sắc trong thôn trong làng… Quan tiên chỉ đọc tiếp: “… Kính mời quý vị đại biểu, đại diện chính thức hoặc thay mặt trải qua các đời trên, trước sau đều cùng đến, xin mời cùng ngồi; Gồm đều Xin mời ngồi, vị đến trước mời ngồi trước, vị đến sau mời ngồi sau, theo thứ bậc, bậc trên mời ngồi trên, bậc trung, mời ngồi giữa, bậc thấp mời ngồi dưới. Quý ngài đã ai ngồi chỗ nấy, mở đầu, việc trước hết xin dâng hương;Gồm đều:Hương khói xông lên vạn dặm, hương thơm thấu chín tầng trời. Đốt nén hương trầm trước điện, thánh thần cùng cảm ứng phù trì mà chứng nhận cho tấm lòng thành kính của dân làng. ..”

 

Sau lễ dâng Hương là lê dâng cau trầu, sau lễ dâng Cau trầu, quan tiên chỉ dâng Trâu hoặc bò ( tùy theo tế lễ để dâng Trâu hoặc bò hoặc lợn). Theo bài văn tế này thì chúng ta suy đoán đây là Lễ Trọng hàng Năm, Lễ Xuân Thủ ): “… Dâng cau trầu rồi, kính dâng trâu (bò); Trâu ấy là tiếng tăm lớn khỏe, kính làm cỗ to, dưới thềm khiêng lên, hằng tưởng nhớ công đức vua Tề. Trâu bò trong làng đều đặn gia tăng, ấy là tài của các con trẻ;  Dâng trâu rồi, kính dâng lợn (heo); Lợn ấy là nuôi béo ở Liêu Đông (TQ), mở ra một điểm bụi đường, nước Nam dâng bò ăn ngon, dùng làm lễ tam sinh (bò, heo, dê) để cúng; Dâng lợn rồi, kính dâng gà; Gà ấy là mũ văn chỉnh chệ, nghiêm túc gáy vang, canh ba nửa đêm cứu Mạnh Thường Quân thoát nạn quân Tần; Dâng gà rồi, kính dâng cơm rau các món thức ăn đạm bạc; Thức ăn ấy là xuân cày, hạ gieo, thu gặt, đông dành, nhớ vua Thuấn cày bừa, chăm sóc, vốn Thần Nông gieo hạt giống trồng, cho nước nhà đặng giàu sang, để lễ lạc thêm tưng bừng;…”

 

Sau khi dâng hương,dâng trầu dâng các vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gà… Chủ lễ cùng ban tế lễ và mọi người trong thôn đến dự đều kính cẩn nghiêng mình đồng kính lạy, 4 lạy. Tất cả đêu tôn nghiêm, thành kính. Sau khi mọi người đồng kính lạy. Cuối cùng Quan Tiên chỉ đọc tiếp: “… Đồ ăn ấy là Hiên Viên gieo giống, Đại Thuấn công cày, khuyên cấy hái để lợi hộ dân, vui chung hưởng dành cho tế lễ;Dâng cúng đồ ăn rồi, xin mời nâng chén dâng rượu; Rượu ấy là Loan Ba ( vua nước Thục “Lưu Bị” thời Tam Quốc - ND) mới lắp đặt, năm ba cỗ nhận lễ ngàn năm, Đại Vũ (vua Thành Thang của nhà Hạ - ND ) tế cơm mới, một hai tuần, dễ dám khuyên dường; Thức ăn đã hai lần mời, rượu cũng đã hai tuần dâng hiến, toàn thôn xin nghiêng mình kính lạy;  Sơ tuần đã qua, tuần hai đã quá, đến tuần thứ ba lại kính mời Đại vương quý vị linh thần, mọi vị linh quan cùng thưởng thức các món thức ăn ngon vừa tiếp tục dâng lên; Đồ ăn ấy là gạo Tử Lộ xa đường khôn gánh, lối Tiêu Hà nẻo ấy khôn thông, giúp quốc gia dùng bình đặng sức, luận thêm lại nên công đệ nhất; Ăn đã xong, xin mời nâng chén rượu; Rượu ấy là mùi mẽ thánh hiền vui, lành, trong trắng, ung dung, chúc chén lưu ly hiểu hết, đầy màu hỗ phách, cạn ba tuần giải cơn khát ngàn năm, uống một chén tiêu sầu mọi mặt; Thức ăn đã dâng xong, rượu cũng đã ba tuần dâng đủ, chủ tế toàn thôn xin nghiêng mình cúi đầu kính chào lạy tạ...”

                                                                                            

 Đây là tục lệ Tế Lễ Đình Trung tại Đình làng, qua danh sách mới các chức sắc các quan và theo lời dịch của Câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình thì bài Văn tế này có từ thời Lê – Trịnh, mà thời Lê – Trịnh nằm trong khoảng 1592 – 1786. Chỉ tích riêng cuối thời Lê Trịnh đã ngót hơn 224 năm rồi. Còn Đình  Cao Lao Hạ, tôn tạo và xây dựng lần thứ 2 vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), cũng đã 188 năm rồi. Bởi qua danh sách khách mời tổng hợp lại có 10 vị Đức Vua, 8 vị tiền hiền khai khẩn, cùng các vị thần linh và 25 quan khách ở tại địa phương. Chúng ta suy đoán văn tế này không phải đọc trong thời gian triều Nguyễn, vì dưới triều Nguyễn các quan chức sắc trong triều đến phủ huyện đã có 125 vị quan lớn nhỏ, là người Làng Cao Lao Hạ. Do đó chúng ta nhận định Văn tế Đình Trung tại Đình làng Cao Lao Hạ cũng trên dưới 200 năm.

 

Thời gian dài hơn 2  thế kỷ đã đi qua, biết bao nhiêu công trình kiến trúc của một làng Văn vật, nổi tiếng Khoa Bảng, hiếu học thời bấy giờ, cho đến nay đã dần dần đi vào quên lãng. Nếu chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau, không  biết giữ gìn, bảo tồn và tôn tạo những di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, thì quả là chúng ta có tội với các bậc Thánh hiền.

 

Văn tế Đình Trung Làng Cao Lao Hạ, là một áng văn có tính nhân văn, Một văn tế có nội dung độc đáo,  đầy ắp những tư liệu  có giá trị văn hóa và giá  trị lịch sử của một làng quê, có bề dày thời gian hơn 5 thế kỷ.  

                 

Tác giả : Cảnh Giang

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip