Giao tiếp ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội

19:04 - 27/09/2019

Bài viết về quan hệ giao tiếp, ứng xử trước kia của làng Cao Lao Hạ trong cuốn “Địa chí làng Cao Lao Hạ” của tác giả Lê Văn Sơn

 

Giao tiếp ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội

 

Người làng Cao Lao Hạ rất chân tình, trọng khách, mến bạn. Tục lệ ở đây đã mời khách ăn uống là mời thật, chứ không mời xã giao. Trong cuộc sống, ăn ở chân tình, đặc biệt là bà con lối xóm, một cụm dân cư với nhau thì xem nhau như người thân, ruột thịt. Khách bạn trong xóm làng lui tới hàng ngày thì mời nước, mời trầu, mời rượu.

Người Cao Lao xem trọng miếng trầu hơn rượu với trà. Cho nên khách bạn đến nhà, việc đầu tiên là mời trầu trước rồi mới dần dần pha trà, mời rượu. Và, khi đã mời trầu thì không những là têm cau mà còn có võ, có thuốc. Đặc biệt, đối với thanh niêm nam nữ thì miếng trầu không những là đầu câu chuyện mà tên trầu cũng tỏ rõ sự khéo tay của cố gái, cách mời trầu thể hiện nết hạnh của người thanh nữ. Trầu cau đã đi vào thơ ca và duyên tình:

Trầu vàng nhá lẫn cau xanh

Duyên em sánh với tình anh tuyệt trần

Đối với những vị khách quí hoặc người thân ở xa về thì mời cơm rượu. Khi ăn thì ố mẹ hoặc ông bà nội ngồi ăn với khách, con cái ăn riêng, không như ngày thường cả nhà ăn chung.

Gặp câu chuyện khó khăn hàng ngày, bà con cùng nhau bàn bạc chân tình. Có chuyện vui, thì mừng nhau, có hoạn nan, giúp nhau thể hiện tình làng nghĩa xóm.

Khi gia đình có ky giỗ, luôn luôn phải nhường cho người lớn ngồi trên. Trong gia đình hàng ngày khi ngồi ăn, con gái lớn hoặc người mẹ lúc nào cũng phải ngồi cạnh nồi cơm hoặc rá cơm để phục vụ cho người ngồi xa. Trong mâm, những món ăn trọng, phải do bố mẹ hoặc người lớn nhất khai vị trước, người nhỏ mới được ăn. Ai làm không đúng nề nếp được bố mẹ nhắc.

Những gia đình gia giáo có nề nếp, con cái không bao giờ cãi lại bố mẹ, ông bà. Em út không được coi thường anh chị. Nguyên tắc anh thay bố, chị thay mẹ luôn được đề cao.

Trong cách xưng hô có phân biệt tôn ti trật tự rõ ràng. Trong quan hệ họ nội, họ ngoài thì gọi theo quan hệ thân thuộc, gắn bó tình thân thiết. Mặc dầu ít tuổi hơn mình nhưng ngang hàng với cha mẹ thì gọi bằng chú, bác, cô, dì theo đúng vai vế trong họ. Ngược lại, với những người lớn tuổi hơn mình, mặc dầu là bậc cháu, cũng gọi bằng ông, chú, bác…coi như gọi thay cho con cháu mình. Cách xưng hô trong nội bộ gia đình của người làng Cao Lao Hạ là gọi cậu (em hoặc anh mẹ) bằng cụ. Các cụ phụ lão thường được gọi bằng ông, già lắm gọi bằng cố. Danh từ cụ ngày xưa chỉ dành gọi các vị quan lớn của triều đình. Sau Cách mạng tháng 8/1945 các vị bô lão được gọi là cụ.

Các cụ lão làng thường dạy bảo con cháu. Trước khi nói với người trên là phải thưa, với quan gia là bẩm. Nói thưa với ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì hoặc người lớn tuổi hơn phải vòng tay cúi đầu. Chẳng hạn khi ra đường gặp cụ già, nên khúm núm, kính cẩn chào Xin bẩm cụ, cụ có cảm tình ngay. Theo tục lệ hương thôn, các cụ già trong làng xã cũng được tôn trọng như quan viên chức sắc trong làng.

Người làng Cao Lao hạ có tục hễ gặp nhau, dù ở đâu cũng đều chào hỏi: Cháu xin chào ông…Cháu xin chào bác…Lời chào như một thể lệ, có khi không được chào đáp lại, cũng vẫn phải chào. Người nhỏ chào người lớn trước, không chào sẽ bị coi là vô lễ.

Ngày nay theo Âu hoá, người ta lấy sự bắt tay nhau làm đậm đà tình thân ái. Nếu bề trên không chào lại tức là không đáp lễ, cũng là bất lịch sự, chẳng khác gì từ chối bắt tay người khác làm cho người đưa tay trước phải ngượng ngùng. Phép lịch sự trong giao tiếp là một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt nhân cách con người ở Cao Lao Hạ.

Ra đường gặp người lạ không phải thân thuộc mà ngang với độ tuổi của bố mình thì thưa bác, thấp hơn thì thưa chú hoặc chào chú, chào bác. Người lớn ngang tuổi nhau, chào bác coi như thay con. Các bà, các cô gọi nhau là dì, là o thay con. Khi gặp đối tượng là nhi đồng, thanh thiếu niên, gọi là cháu.

Thanh niên nam nữ ra đường không đùa cợt nhau, đặc biệt là ở những nơi gần đình, chùa, miếu, điện đều cúi đầu bước đi thong thả, từ tốn.

Khi tiễn khách trọng, khách thân, tiễn ra tận đường; khi khách ra về thì vái chào lần cuối. Khi đến nhà người lớn, trọng hơn mình phải đừng mà thư chuyện.

Trong quan hệ xã giao, những người cao tuổi thường tránh gọi nhau bằng tên thật (tên huý). Tên quý là tên thật nhưng lại không nói đến; chỉ khi giận nhau, người ta chửi nhau mới gọi đến tên huý. Ông bà, cha mẹ đôi khi gọi con, cháu bằng thằng nọ, thằng kia theo tên huý, còn kẻ dưới không được gọi bề trên bằng tên huý, kể cả người lớn tuổi, đối với nhau cũng không gọi nhau bằng tên huý. Trong ngôn ngữ thường trùng âm cũng phải nói tránh đi, nếu không sẽ coi là vô lễ. Thông thường người lớn đã có con thì dân làng không tọi tên tục mà dùng tên con, ví dụ: ông Kính có con đầu lòng là Đức thì gọi là ông Đức mà thôi không gọi ông Kính nữa.

Thời nay giao thiệp rộng rãi, trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương gọi tên nhau là chuyện thường.

 

 

Tác giả : Lê Văn Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip