Khe suối ao hồ làng Cao Lao Hạ rất nhiều nhưng giếng nước rất ít. Cả vùng “Ngoài Làng” chỉ được bốn cái giếng nước công cộng, giếng nước có độ mặn, chát nên dân làng không uống được chỉ dùng để tắm giặt, nấu nướng. Trong 4 cái giếng có 3 cái giếng nằm trên tuyến “Đường Bản” trước mặt làng đó là: 1 giếng ở xóm 3; 1 giếng ở xóm 9; 1 giếng ở xóm 14. Riêng ở xóm Chùa, phía tây làng, một giếng. Các giếng nằm trên Đường Bản sâu, rộng, ngày xưa xây bằng đá hộc nhưng lâu ngày giếng đã xuống cấp. Ngày nay giếng ở xóm 9 được nhân dân tu bổ lại rất đẹp. Tuy vậy những giếng này chưa phải để uống.
Để có nước uống, làng phái đào nhiều giếng dưới chân núi Lệ Đệ, trước mặt làng Cao Lao Hạ, cách xa cư dân vùng “Ngoài Làng” trên dưới 2km. Giếng có nhiều cái: Giếng Rú (Cửa Nghè), Giếng Hóc, Giếng Kiệt, Giếng Mây, Giếng Mới, Giếng Hung, Giếng Khe v.v..Nói chung giếng nào cũng ngọt.
- Giếng Rú (Cửa Nghè) hình vuông làm bằng gỗ lim.
- Giếng Hóc cách Khe Hậu khoảng trên 100m về hướng bắc, giếng tròn, to và sâu, giếng xây bằng đá kiểu (đá lèn). Nước mạch chảy mạnh, tuy vậy về mùa hè nhân dân đến gánh nước nhiều, có lần hàng chục người, với hàng chục gày nước múc liên tục nên nước giếng cũng có khi bị khô cạn, phải đứng chờ mạch nước chảy ra mới múc được. Nước giếng Hóc ngọt lịm, dùng pha trà rất ngon, được các cụ rành trà ca ngợi. Mọi người khi đế giếng Hóc, bất kỳ ai, đi làm đồng, đi kiếm củi, cắt cỏ, các em bé chăn trâu, chăn bò cũng như người gánh nước v.v… việc đầu tiên là lấy gàu múc nước lên, úp đầu vào gàu uống một hơi cho đã, cho mát ruột, đến no mới thôi, sau đó mới múc nước vào thùng gánh về, thế mà chẳng ai đau bụng.
- Giếng Kiệt hình vuông, làm bằng gỗ lim, nằm dưới chân núi, bên đường lên dốc oằn, nước ngọt, nhân dân “giáp dưới” thường đến gánh nước.
-Đặc biệt, có giếng Hung. Giếng Hung cách Vực Sanh khoảng 150m về phía tây. Giếng Hung là một vũng nước tự nhiên, lớn bằng cái giếng, nước quanh năm không cạn. Nước ở đây không chảy đi nơi khác, cũng không do khe suối khác chảy về tạo nên, khi nắng không khô hạn, khi mưa lũ không tràn đầy, nước rất trong sạch, mát lạnh ít nơi sánh kịp. Thuở xưa khu rừng này thâm u, nhiều muông thú trú ngụ, beo sói hung dữ nên người địa phương gọi vùng này là Cồn Hung, vũng nước này gọi là giếng Hung. Bạn gái trong làng thường đến tắm gội nên mái tóc óng mượt, da dẻ hồng hào trắng mịn. Huyền thoại kể rằng, giếng Hùng là một nơi non xanh nước biếc, giếng nước trong lành nên cứ đêm 30 tết, những đoàn tiên nga trên Thượng giới xuống tắm nước giếng Hung để ngày mai mồng 1 tết vào chầu Ngọc Hoàng được trong sạch. Do đó giếng Hung còn gọi là giếng Tiên. Cũng vì vậy, mặc dù giếng Hung cách xa dân cư trêm 2km, nhưng cứ đến tết Nguyên Đán hay Đoan ngọ người làng thường vào lấy nước về cúng tổ tiên, ông bà.
Ngày nay với điều kiện kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, gia đình nào cũng có giếng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, và nước uống thì hầu hết gia đình nào cũng dùng nước sạch từ hồ chứa nước Vực Sanh. Nhiều gia đình có bể cạn bằng xi măng với trữ lượng nước từ 5 đến 15m3 dùng chứa nước mưa để ăn uống.