Gió heo may

17:46 - 02/01/2018

Bút ký của anh Phan Văn Hà về những ngày gió heo may năm xưa ở quê hương Cao Lao Hạ

 

Từng cơn gió se se lạnh luồn qua liếp rèm, đi vào căn nhà. Cha bảo, đêm nay gió heo may về trời lạnh lắm đó. Cha cùng ông nội buộc lại chuồng chống rét cho trâu. Cha thương con trâu, nó là tài sản hợp tác đã cùng ông qua bao năm tháng, kéo cày, gieo trồng ra hạt lúa củ khoai cho mọi nhà no đủ, dành hạt gạo gửi ra tiền tuyến đánh giặc.

Buộc kín chuồng, cha ôm vào mấy gốc củi khô đặt giữa nhà. Lũ trẻ vội vào góc học tập, thắp ngọn đèn dầu, lật từng trang sách, tranh thủ ôn lại bài để ngày mai đến trường. Mẹ nhóm bếp lửa giữa nhà để sưởi ấm trong cái lạnh gió heo may. Ôn bài xong, chúng tôi chạy ùa đến bên bếp lửa, mọi người quây quần bên nhau tìm hơi ấm. Mẹ cúi xuống gầm giường, lấy ra mấy củ sắn, sáng qua mẹ đi chợ Hạ mua về. Chúng tôi mừng ran, Cha bảo để cha nướng cho, ông vùi những cũ sắn dưới lớp tro nóng của đống than hồng. Những tiếng nổ lách tách của những gốc củi khô, thỉnh thoảng bắn ra những hạt than hồng nhỏ xíu, dính vào áo, quần, làm giật cả mình. Đứa nào đứa nấy vội vàng giơ tay phủi thật nhanh, khỏi bị cháy tóc, cháy áo, quần đang mặc.

Mùi sắn nướng đang chín dần dưới lớp tro bốc lên thơm thơm, chúng tôi chỉ chực chờ Cha moi chúng ra để ăn. Bếp lửa cũng vui thay tỏa hơi ấm cho căn nhà. Gió heo may cũng muốn chen vào tìm hơi ấm trong ngôi nhà nhỏ, gió lách qua liếp rèm, se se lạnh quanh lưng bầy trẻ nhỏ. Bên bếp lửa ông nội ngồi vân vê điếu thuốc lá, thỉnh thoảng ông đưa lên miệng rít một hơi dài. Ông lấy điếu thuốc ra khỏi miệng, từ từ nhả ra một làn khói trắng mờ, thơm thơm, cứ vương vấn xung quanh đàn cháu nhỏ. Thích quá tôi hít mạnh làn khói nên bị sặc, nước mắt cay cay. Ông xoa đầu tôi, đừng giận nghe, đó là hạnh phúc của đời ông khi được quây quần cả gia đình như hôm nay đó cháu. Ông kéo tôi vào lòng, chòm râu bạc chạm vào má, tôi ngước nhìn lên khuôn mặt ông hằn lên bao nếp nhăn đã từng dải gió dầm sương của lão nông. Ánh mắt ông sáng lên, nhìn đàn cháu nhỏ, bên bếp than hồng thấy ông đẹp vô cùng. Ông bảo chỉ mong các cháu giữ cho gia đình ta mãi mãi ấm áp như bếp than hồng hôm nay. Nếu mai sau một ngày nào đó, ông bà sẽ đi xa, cũng rất hạnh phúc khi các cháu làm được điều ông mong. Rồi ông nhìn lên bàn thờ gia tiên, có lẽ ông cầu mong cho điều ước. Mẹ bảo, các con phải nghe lời ông dặn đó.

Sắn đã chín, bố lấy que củi khều chúng ra, gõ nhẹ xuống nền nhà cho bay lớp tro còn dính ngoài vỏ. Mẹ cầm lên thổi sạch tro còn sót, đưa cho ông bà nội mỗi người một củ. Còn lại mẹ chia cho mỗi người nửa củ. Thằng em không chịu, đòi được cả củ sắn. Ông nội rất thương nó, có cái gì ngon ông vẫn dành cho nó thôi, nó như muốn đến đổi cho ông nhưng vẫn liếc nhìn Mẹ, sợ bị mắng. Ông hiểu ý liền bảo, đưa ông đổi cho, Mẹ đồng ý rồi, ông ăn một ít cho vui thôi. Không thấy mẹ nói gì, nó vui mừng, chạy tới đổi củ sắn cho ông. Bà nội cầm củ sắn Mẹ đưa, mân mê, bà bảo đang nóng tí nữa ăn, bà bắt vạt áo lên đặt củ sắn vào trước bụng, để đây cho ấm đã. Biết tính bà hay nhường cho con, cho cháu, mẹ bảo bà đừng tập hư cho các cháu, bà ăn đi cho cả nhà vui. Bà cười, cầm củ sắn bẻ đôi, đưa cho cha một nửa. Thôi thì cha mày vất vả nhiều rồi, hôm nay ăn thêm một tí cho vui nghe con. Một lời nói đã toát lên, biết bao tình thương của cả cuộc đời bà dành cho cha tôi. Cả nhà vừa bóc sắn ăn say sưa, đêm nay sắn nướng ngon đến lạ lùng.

Tiếng gió bấc vẫn rít qua rặng tre sau vườn nhà nghe xào xạc, thỉnh thoảng gió luồn vào rèm cửa, lành lạnh. Ông nội bảo, heo may về, mấy gốc mía vườn nhà càng ngọt lắm đó. Tôi hỏi ông sao heo may về, mía lại ngọt, ông bảo chuyện dài lắm. Nhưng đại ý thế này, trong gian khổ các cháu cố gắng học sẽ đạt điểm tốt, cũng như cây mía qua gió heo may sẽ càng ngọt. Hôm nào ông sẽ giải thích thêm, bây giờ để mẹ kể chuyện ngày xưa nhé. Được ông nội khuyến khích chúng tôi reo lên, mẹ kể đi. Câu chuyện Lưu Binh - Dương Lễ như rót vào lòng con trẻ về đức độ, nhân hậu của tình người. Dừng kể mẹ nói, các con hãy suy ngẫm để thương yêu nhau và giúp đỡ mọi người. Hôm nay tạm dừng để đi ngủ, hôm nào mẹ kể tiếp chuyện, mai phải đi học rồi, đứa mô học chiều thì sáng mai dắt trâu đi bừa với cha, để kịp mùa vụ cùng bà con lối xóm.

Đêm đã về khuya ngoài sân gió heo may vẫn thổi, ngồi bên bếp lửa hồng giữa nhà, được hít hà khói thuốc lá của ông, được ăn sắn nướng của cha, được nghe mẹ kể chuyện ngày xưa, ấy vậy mà đêm đã bước sang canh ba từ lúc nào. Mẹ dục cả nhà đi ngủ, mẹ lấy mảnh nhôm cha nhặt từ xác máy bay Mỹ rơi trong núi mang về, mẹ xúc những cục than hồng bỏ vào cái nồi đất, phủ lên một lớp tro mỏng đặt dưới chõng tre cho ông nội nằm. Cả nhà chỉ có một cái ruột bông năm trước các chú bộ đội tặng, mẹ dành riêng cho ông đắp. Còn mấy cái chăn chiên, đã dùng qua bao mùa đông giá và mấy cái bao gai mới, hôm cha đi nhập lúa cho hợp tác, ở kho lương thực huyện các cô chú cho, cha mang về, mẹ cất. Hôm nay mẹ lấy ra phủ thêm cùng chăn chiên đắp chống rét cho mọi người. Nhân thể cha lấy một cái bao gai ra quấn chống rét cho trâu, ông thương, quý nó như người bạn tri kỷ.

Từ hồi hôm, cha đem mấy cái tranh đánh bằng gốc rả, xếp ra giữa nhà, mẹ trải lên những tấm chiếu cói, để cả nhà cùng ngồi và ngủ quanh bếp lửa đêm nay khi gió heo may về. Ngoài hiên từng hạt sương đọng trên mái nhà thỉnh thoảng rơi lộp bộp xuống rèm cửa, xen lẫn tiếng côn trùng rả rích xuyên vào màn đêm trăng no mờ ảo. Mẹ xếp gọn lại bếp than hồng, phủ tro lên, để hơi ấm vẫn tỏa đều, lâu hơn, rồi mẹ cũng ngã lưng ngủ bên bà nội. Cả nhà nằm quây quần trên những tấm chiếu cũ, dưới lót bằng mấy cái tranh gốc rả, được đắp kín bằng mấy cái chăn chiên cùng bao gai, hơi ấm đọng lại, đưa mọi người chìm sâu vào giấc ngủ.

Tôi giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng rèm cửa kêu. Nhìn vào bếp, ngọn lửa sáng hồng, nồi cám lợn đang sôi bốc hơi, mẹ gói áo quần, giấy bút, gạo, muối…xếp vào ba lô để sáng nay anh tôi đi học xa. Trong ánh sáng lờ mờ, thấy rèm cửa chống hờ lên, bóng cha bước về phía chuồng trâu xem, ông quay ra tiến đến cột rơm rút ra một ôm mang lại cho trâu. Con trâu tiến lại bên cha, ve vẩy đôi tai, hít hít mõm vào tay ông thay cho lời biết ơn, nó ngoan ngoãn nhai rơm ngon lành, hơi thở của trâu tỏa ra một làn sương trắng, ngoài trời vẫn lạnh. Anh tôi khoác ba lô, chào ông bà, cha tiễn anh ra đầu ngõ nhìn theo.

Tôi vùng dậy cùng bước ra, tiến về giếng múc mấy mo đổ vào thùng pháo sáng, xách lại bên nồi nước nóng mẹ chuẩn bị cạnh bếp than từ hồi hôm. Tôi lấy gáo dừa, múc nước pha vào thùng mang đến cho trâu uống. Ăn xong bó rơm, con trâu thò mõm vào thùng làm một hơi gần hết nước trong thùng và hếch miệng lên cười, hàm trên không có răng, nhìn nó như có chút hài hước vui vui.

Tôi học buổi chiều nên cha bảo con đi bừa với cha, để cha cào đất cho xong, trưa mẹ gánh thóc giống ra gieo cho kịp mùa vụ. Tôi vác bừa, dắt trâu theo cha gánh phân ra đồng, ông cột theo hai đầu gánh, nào cuốc, nào trang. Đến ruộng, ông đặt gánh, tháo cuốc, trang, gác lên bờ, ông rải phân, rồi tiếp tục quay về gánh tiếp mấy gánh ra rải kín thửa ruộng. Cha cứ liền tay không ngừng nghỉ, cuốc góc, nhặt cỏ cào đất cho phẳng. Ấy vậy khi mặt trời lên quá ngọn tre, hai cha con đã làm đất xong. Tôi mở bừa dắt trâu lên bờ gặm cỏ, cha tranh thủ ngồi nghỉ một lát, xa xa mẹ gánh thóc giống tới. Ông nở nụ cười, tiến đến bưng thóc giống rắc đều, những hạt mầm từ từ rơi xuống bám vào lớp bùn mặt ruộng lấp xấp nước. Vượt qua gió heo may, cây lúa sẽ vươn lên xanh tốt, trổ bông, hạt lúa căng tròn, mùa thêm bội thu.

Gió heo may vẫn thổi đều đều, cha khoác chiếc áo tơi, cứ mãi làm mà quên hết cái lạnh. Chú trâu gặm cỏ, thỉnh thoảng ngước lên nhìn, gọi bạn phía xa xa. Vừa làm cha vừa trao đổi kinh nghiệm nhà nông với mọi người đang làm đất thửa bên. Trong cái rét heo may, không khí ngày mùa làng quê cứ tất bật, vội vã mà vẫn vui vui. Cha nhìn sang bảo, con về nghỉ, ăn cơm trước, đi học kẻo muộn, để trâu đó cha trông, tí nữa em về sẽ ra chăn. Kéo cái bừa đến bên mương nước, tôi rửa sạch bùn, xếp gọn vác lên vai ra về. Mẹ bảo, cơm, canh, mắm tép mẹ nấu xong ở bên bếp, con về dọn ra ăn cùng ông bà nội, để mẹ ở lại cùng cha gieo xong sẽ về sau nghe. Vác bừa lên vai chân bước đi, thỉnh thoảng, ngoảnh đầu nhìn hai bóng người vẫn lom khom trên thửa ruộng cứ xa dần. Trong ngọn gió heo may, tôi vẫn nghe rõ tiếng mẹ dặn theo, nếu các em đi học về thì cho em ăn luôn nhé.

Đã bao mùa lúa đi qua, bao ngày đông giá, mùa gió heo may ngày xưa ấy cứ vương vấn, theo từng bước chân đường đời. Nhớ những ngày buồn thương khi phải tiễn ông bà nội về với Tổ tiên, rồi tiễn cha mẹ về với ông bà, ngôi nhà với bao kỷ niệm trở nên trống vắng. Ai rồi cùng vậy, thôi cũng tự an ủi cõi lòng, âu cũng là quy luật tạo hóa, để vượt qua nỗi mất mát lớn của đời người. Ngôi nhà nhỏ ngày ngày vẫn là điểm hội ngộ, của các thế hệ tiếp bước nơi làng quê yên bình, trong nổi nhớ thương vô hạn.

Dưới những mái tranh nghèo, từng con xóm nhỏ những ký ức về làng quê, người thân đã từng gắn bó bên nhau, trong hạnh phúc ngập tràn. Khóm mía gốc vườn đã qua bao mùa, nay vẫn còn đó, chồi lá vẫn lên xanh, thân vàng óng khi gió heo may về. Tôi bước đến góc vườn, ngắm nhìn từng gốc mía, thân quen. Ngồi trước mái hiên nhà, mọi người cùng cắt mía ăn, cái ngọt ngào trong gió heo may đi vào lòng, cùng nỗi nhớ mênh mang. Ngước nhìn lên khoảng trời trong xanh, gió bấc thổi qua se se lạnh. Heo may lại về, bao lão nông đã đi xa, những gốc mía vườn nhà vẫn đâm chồi, ngọt ngào như thuở ấy…  

Làng Hạ yên bình của tôi!

Tác giả : Phan Văn Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip