Tập thơ về Thiếu nhi của Ngọc Khương

22:36 - 27/09/2017

Giới thiệu tập thơ về Thiếu nhi của Ngọc Khương, con rể làng Cao Lao Hạ, nguyên hiệu trưởng trường THCS Lưu Trọng Lư

 

Tháng 8 năm 2017, NXB Hội Nhà văn vừa XB và giới thiệu tập thơ thứ 3 dành cho Thiếu nhi của Thầy giáo Ngọc Khương- Hội viên Hội Văn học TP Hồ Chí Minh, nguyên Giáo viên Trường PTCS Lưu Trọng Lư, con rể làng Cao Lao Hạ- hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Xin trân trọng giới thiệu bài viết và (trích một số bài trong tập thơ (CÒ BAY GIỮA PHỐ) của Nhà văn Kao Sơn về tập thơ này. Đây là món quà Trung thu đầy ý nghĩa gửi đến các cháu Thiếu nhi nhân tết Trung thu 2017.

Lê Chiêu Phùng

 

MỘT MÓN QUÀ TRUNG THU NHIỀU Ý NGHĨA 


Vanvn.net – Như chúng tôi đã đưa tin, nhằm tạo hứng khởi sáng tác và tìm vùng đề tài mới cho các nhà văn, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đã ký kết văn bản hợp tác với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Tính đến nay Hội đã tổ chức được 3 trại sáng tác tại khu bảo tồn này. Sau khi tham gia trại, nhiều trại viên đã có sách được xuất bản. Nhà văn Kao Sơn giới thiệu dưới đây tập thơ Cò bay qua phố (NXB Hội Nhà văn tháng 8-2017) mà tác giả Ngọc Khương đã hoàn tất tại trại viết đặt ngay trên đất rừng Mã Đà bên hồ thủy điện Trị An…

 

Khi là học sinh lớp 10 (tức lớp 12 bây giờ) Ngọc Khươngđoạt giải nhất học sinh giỏi văn của tỉnh Quảng Bình và mơ được làm người thầy giáo để truyền đạt niềm đam mê văn học cho lớp trẻ.Ước mơ thành sự thật. Năm 1969, anh được về dạy tại một trường điểm của tỉnh Quảng Bình, trường trung học Hạ Trạch nay là trường phổ thông trung học Lưu Trọng Lư. Từ đấy thầy Ngọc Khương vừa dạy học vừa sáng tác văn học và đã có 11 đầu sách, trong đó có 3 tập thơ dành cho thiếu nhi.

Đọc thơ Ngọc Khương, trước hết thấy ông rất yêu trẻ con. Ông luôn nắm được tâm lí trẻ và đặc biệt hơn, ông đã khéo léo hóa thân thành một người bạn nhỏ để cùng chơi vớí các cháu.

Thơ của Ngọc Khương phần lớn được viết bằng lối văn giản dị nhưng giàu phát hiện và có không ít những liên tưởng thú vị. Đã lâu, gần như thành mặc định, người ta quen mô tả nông thôn với hình ảnh trên cánh đồng lúa xanh có con cò cánh trắng bay liệng đẹp như trong ca dao. Nhưng với Ngọc Khương ông lại có phát hiện mới. Từ việc xuất thân ở nông thôn, lòng luôn nặng nhớ quê, ông nhận ra rằng phố không chỉ có những dãy nhà bê tông cốt thép khô cứng. Ở phố vẫn có những mảng xanh của hồ nước, của công viên xanh. Và đó chính là... "nông thôn" của ông và của các bạn nhỏ!

Hóa ra giữa phố
Còn chút đồng quê
Đàn cò chấp chới
Cõng ca dao về

Từ thực tế có nhiều người trồng rau và cây trên sân thượng, ông phát hiện:

Sân thượng chú Huy
Xuân về náo nức
Hoa cúc hoa hồng
Bừng lên sáng rực
...Cây như cũng thích
Được gần trăng sao

Trong thơ Ngọc Khương, cây cối, những con vật không bao giờ chỉ là chính nó trong cái nhìn vô cảm của thông lệ mà luôn được nhân cách hóa: Có tâm hồn thơ trẻ, hồn nhiên, thích nghịch ngợm như các cháu, nhưng cũng biết bay bổng, biết yêu thương, nhường nhịn.

Đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường sống, đến bảo vệ Voi, loài động vật quý hiếm đang bị con người săn bắn, triệt hạ môi trường sống quen thuộc, ông lên án ành động săn bắn, vì lợi ích trước mắt mà quên mối hại lâu dài. Chủ định là thế, nhưng khi viết thành thơ cho các cháu, ông không cao giọng khuyên bảo. Trái lại, ông khéo léo nhắc đến những nghĩa tình vốn đã có từ lâu giữa voi và người. Hình ảnh con voi hiện lên như một người bạn thân thiết:

Ngà soi trăng ngàn
... cái vòi thi sỹ
Phun đầy trời sao

Đó là những hình ảnh đẹp, vừa đảm bảo sự chính xác vừa khơi dậy trong các cháu những liên tưởng thú vị. Từ bầu trời voi phun trăng sao, sông ngân như thấp xuống, để trẻ em cao lên, đủ tầm vóc đùa nghịch với chị Hằng:

Tưới nước, tưới nước
Em làm trời mưa
Trăng mang chiếc võng
Mắc lên cây dừa

Với những vầng trăng như thế tập thơ "Cò Bay giữa phố" là món quà trung thu Ngọc Khương gửi tới các bạn đọc nhỏ tuổi từ trại viết Mã Đà.

 

Nhà vănKao Sơn
Ban Văn học thiếu nhi,
Hội Nhà văn Thành Phố HCM.

 

CHÙM THƠ NGỌC KHƯƠNG

CÒ BAY GIỮA PHỐ

Sau lưng phố em
Có khoảnh ruộng vắng
Ngày ngày đàn cò
Tha hồ tắm nắng.

Cò săn ếch nhái
Cò tìm ốc biêu
Cò nghiêng cánh trắng
Rựng cả trời chiều.

Hóa ra giữa phố
Còn chút đồng quê
Đàn cò chấp chới
Cõng ca dao về...

 

VOI KHÓC

 

Rừng chiều Mã Đà
Rì rào ngọn suối
Chú voi lệch ngà
Rưng rưng mắt nói.

“Ta buồn quá đổi
Giữa rừng cô đơn
Trách chi đồng loại
Chưa vơi oán hờn!


Ngày xưa dòng họ
Từng đàn, từng đàn
Rợp trời cổ thụ
Ngà soi trắng ngàn...


Bây giờ nhìn lại
Anh em đâu rồi?
Thương cho đồng loại
Cháy trời mồ côi!


Trách ai đây nhỉ?
Tình ta với người
Bao đời gian khổ
Sống chết buồn vui...

Sao nay mũi súng
Lại ngắm vào ta
Dứt tình, dứt nghĩa
Phải chăng cặp ngà?”

Nín đi voi nhé!
Chôn nổi đau thầm,
Ngày mai mình lớn
Làm người kiểm lâm...

Voi như hiểu ý
Đầu ngúc, tai chào
Cái vòi thi sĩ
Phun đầy trời sao...


La Ngà, 3/12/2016

 

BÀI CA TƯỚI NƯỚC

 

Tưới nước cho cây
Cây đâm chồi tím
Lá xanh vươn dầy
Hoa cười chủm chỉm.

Tưới nước cho cây
Trái vàng lủng lẳng
Em gọi xuân về
Hương thơm mùi nắng

 

Tưới nước, tưới nước
Em làm trời mưa
Trăng mang chiếc võng
Mắc lên cây dừa...
Xuân 2017

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Tản mạn hạ về
Thơ tình của riêng tôi
Những ý niệm về thơ qua Thế giới các vì sao của Lê Minh Thắng
Hồi chuông Thánh Đường
Nắng chiều

Video clip