Hạ Trạch trong trái tim tôi

07:19 - 11/05/2022

Bài viết của em Lưu Thanh Nhàn, đạt giải nhất cuộc thi Viết về làng quê của em” do trường THCS Lưu Trọng Lư phát động, trang tin caolaoha.com tài trợ kinh phí.

Hạ Trạch trong trái tim tôi

Học sinh Lưu Thanh Nhàn (Ảnh: Trường THCS Lưu Trọng Lư)

“Về Hạ Trạch quê em

Phà sông Gianh ngút một trời lửa đạn

Cầu mới xây nối tình yêu đôi lứa

Anh đến quê em đã rất gần”.

Đó là những câu thơ thắm thiết tình quê hương của nhà thơ Tạ Nghi Lễ trong tập thơ “ Quê mình”. Mỗi lần nghe đến lời bài thơ, bao nhiêu cảm xúc về tình quê hương, tự hào là người Hạ Trạch lại ùa về trong tôi. Hạ Trạch-hai tiếng ngắn gọn mà thiêng liêng vô cùng. Quê hương Hạ Trạch chính là nơi tôi sinh ra, nuôi lớn tôi và tắm mát tâm hồn tôi.

Hạ Trạch hay còn được gọi với cái tên thân thương – Cao Lao Hạ, là một xã thuần nông nằm ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm ở một dải đất duyên hải miền Trung quanh năm phải hứng chịu nhiều thiên tai, lũ lụt. Mặc dù phải hứng chịu nhiều sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng mảnh đất này vẫn mang một vẻ đẹp đầy sức sống, sự tươi tốt, trù phú và đằm thắm... Nhắc đến quê hương là nhắc đến tuổi thơ, nhắc đến những kỉ niệm tươi đẹp, nhắc đến một thời hồn nhiên và thơ ngây. Là một người con Hạ Trạch, tôi đã lớn lên với bao kỉ niệm đẹp cùng gắn bó với các bạn bè, người thân và trong đó tôi luôn có một phần tình cảm dành cho quê hương mình. Quê hương, nơi đó có ánh nắng của buổi ban mai với bầu không khí trong lành và mát dịu, có những đồng ruộng thẳng cánh cò bay, đâu đó là những chú trâu giữa cánh đồng đang say sưa gặm cỏ, hoặc có thể là đang cày cấy phụ giúp bác nông dân làm đồng. Trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay ấy, tôi cùng các bạn thi nhau chơi thả diều trong những ngày hè lộng gió. Lâu lâu tôi lại thấy mấy cậu nhóc chăn trâu rồi vừa chăn trâu vừa thả diều, có những hôm là buổi chiều tà mới về. Quê hương Hạ Trạch là nơi mà tôi với bạn bè mặc kệ gái trai cùng nhau đi hái sim trên những triền đê để vừa hái sim vừa chơi với nhau. Quê tôi có hai hồ lớn mang cái tên Vực Sanh, Cửa Nghè. Tôi cũng không biết nó hình thành từ bao giờ nhưng từ lúc tôi sinh ra rồi lớn lên, tôi đã được ngắm nhìn nó. Đây là hai hồ nước sạch mang đến nước ngọt cho người dân, cũng như là để tưới tắm cho những đồng ruộng quanh năm tươi tốt. Nhắc đến Hạ Trạch là phải nhắc đến dòng sông Gianh trôi lững lờ, xanh mát. Làng tôi nằm ngay dòng sông Gianh với bao chứng tích lịch sử của bom đạn. Dòng sông là ranh giới phân chia từ thời Trịnh-Nguyễn. Sau bao thăng trầm lịch sử, dòng sông ấy vẫn đẹp, vẫn như một dải lụa đào mềm mại uốn lượn. Nắng lên nhè nhẹ, mặt sông lại lấp lánh sắc vàng với những gợn sóng lăn tăn mới đẹp làm sao. Vậy mà mùa mưa lũ, phù sa từ đâu về khiến dòng sông đỏ ngầu như một người bầm đi vì rượu bia. Dòng sông cứ chảy hiền hòa quanh năm suốt tháng bất kể nắng mưa như một người mẹ phù sa của một vùng quê vốn thanh bình, yên ả. Cảnh sắc hai bên bờ sông rất đẹp, rất Việt Nam. Hai hàng tre tỏa bóng xuống lòng sông như những nàng thiếu nữ yêu kiều xõa mái tóc mà làm duyên. Cơn gió ghé thăm, từng bụi tre lại lao xao, rì rào. Dòng sông còn mang phù sa màu mỡ bồi đắp hai bên. Nhìn từ xa cảnh sắc ấy chẳng khác gì một bức tranh thủy mặc làm mê lòng biết bao người. Dòng sông quê tôi không chỉ đẹp mà nó còn cung cấp nguồn hải sản phong phú như người mẹ hiền từ, bao dung với dân làng. Với người dân nơi đây, dòng sông quê đã trở thành một nỗi nhớ, niềm thương gửi vào trong tim.

Hạ Trạch – vùng đất phong thủy hữu tình, nằm dựa lưng vào núi, hướng mặt ra sông lớn, khung cảnh tựa như một bức tranh. Nơi đây không chỉ có nét đẹp của phong cảnh, thiên nhiên mà còn có cả nét đẹp về truyền thống lịch sử, về văn hóa và con người. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, với những tên tuổi như Phó bảng Tri huyện Lưu Đức Bình, Cử nhân Thượng thư Lưu Đức Xưng hay vị tướng hào kiệt Lê Mô Khải đã góp phần làm rạng danh làng Cao Lao Hạ trong giai đoạn cuối thế kỉ 19- đầu thế kỉ 20. Ở xã ta, ngoài những vị tướng hào kiệt ta vẫn tự hào về nhà thơ Lưu Trọng Lư. Lưu Trọng Lư là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới và được nhiều người biết đến. Trường THCS trong làng đã mang cái tên của nhà thơ. Đến hôm nay, khuyến học và nhân tài vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân Hạ Trạch. Thật hiếm có ngôi làng nào ở Quảng Bình mà mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại trong tâm linh lại khăng khít như ở Cao Lao Hạ. Len lỏi giữa miền quê Hạ Trạch thay da đổi thịt hôm nay phảng phất nét truyền thống của ngôi lang cổ Cao Lao Hạ từ những ngày mới khai canh lập làng,từ lễ hội rước thuyền Long Châu đến Thanh minh ở Cồn Cui, từ phong tục thờ cúng cộng đồng đến hệ thống 24 nhà thờ họ được xây dựng bề thế trước mặt làng. Đặc biệt, hệ thống di sản có ở đình làng, nhà thờ họ rải rác trong dân là minh chứng đậm nét cho bề dày lịch sử cũng như chiều sâu nội tại của văn hóa truyền thống nơi đây. Trong đó, nổi trội hơn cả là bài văn tế Đình Trung, một di sản Hán Nôm nói về cội nguồn, về từng cá thể và quá trình khai sáng làng nước ở Cao Lao Hạ. Được tìm hiểu và hiểu biết về truyền thống con người quê hương, tôi lại càng tự hào hơn nữa về những truyền thống quê mình.

Ngày nay, khi xã hội đã dần phát triển, làng ta cũng càng ngày càng khang trang hơn,giàu mạnh hơn. Đường lang ngõ xóm dần được mở rộng, nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, đời sống nhân dân đỡ vất vả hơn nhờ có công nghệ máy móc tiên tiến,hiện đại hơn.Người dân quê hương vẫn giữ những nét phong tục tập quán tốt đẹp của làng. Họ còn là những con người siêng năng, cần cù,hiền hòa,đoàn kết, niềm nở. Trong xã có 9 thôn và thôn nào cũng có nhà văn hóa, cũng có những phong trào rất chi là sôi nổi. Các trường học trên địa bàn xã đều rất rộng lớn và khang trang để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất. Có được những kết quả như vậy cũng là nhờ sự quan tâm của tất cả người dân trang xã.Các bạn học sinh hầu hết đều có tinh thần hiếu học, nối tiếp truyền thống tốt đẹp của quê hươngđể từ đó làm rạng danh vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp, hoành hành trong suốt những năm qua đã làm đời sống nhân dân có nhiều đảo lộn và nhiều sự thay đổi rõ rệt nhằm thích ứng với Covid-19. Nhân dân trong làng đều có ý thức chấp hành luật lệ mà nhà nước đề ra, số lượng F0, F1 trong xã vì thế mà cũng không nhiều. Người dân đều ý thức được trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là đối với tính mạng của mình. Đó cũng là một điều đáng mừng. Bác Lê Chiêu Huân-người con xã Hạ Trạch đã viết nên mấy câu thơ hay khi làng mình và cũng như những ngôi làng khác trên mọi miền đất nước ra sức chống dịch như chống giặc:

“Siêu vi chủng mới Delta

Cổng làng khoá chặt chốt lề niêm phong

Xóm thôn phố xá rộng không

Nhà nhà giãn cách trong phòng cách ly.”

Là một học sinh - một người trẻ - một người con được sinh ra từ mảnh đất Hạ Trạch, tôi tự ý thức được rằng mình cần phải cố gắng học tập thật giỏi hơn nữa để không chỉ gặt hái thành công cho bản thân mà còn góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ quê hương mình. Tôi tự hào và vừa hãnh diện, hạnh phúc khi được sinh ra trên mảnh đất này. Cảm ơn vì quê hương đã nâng đỡ tôi trong hành trình cuộc sống. Cảm ơn vì quê hương đã cho tôi một tuổi thơ tươi đẹp. Cảm ơn những người thân, bạn bè, những cán bộ thôn xã đã cùng tôi xây dựng và phất triển quê hương Hạ Trạch. Làng Cao Lao Hạ vẫn sẽ luôn là một phần kỉ niệm trong trái tim tôi dù cho sau này tôi có đi đâu xa, tìm kiếm những chân trời mới để định cư lập nghiệp. Nếu như bạn đang là một người con của quê hương thì hãy dành cho quê hương của mình một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, hãy tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và phát triển những truyền thống tốt đẹp của quê hương.Bên cạnh đó hãy xem quê hương như một phần máu thịt thân thương, tình yêu quê hương cũng sẽ là động lực, là nguồn cội của tình yêu đất nước.

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người’’

Quê hương là một người chở che, bao dung, luôn dang rộng vòng tay chào đón chúng ta. Chính vì vậy mà mỗi chúng ta phải luôn luôn hướng về nguồn cội, hướng về quê hương, đừng làm một kẻ vong ân bội nghĩa với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên.

Cuộc thi Viết về làng quê của em là một cuộc thi rất ý nghĩa đối với con em trong xã. Với em, cuộc thi vừa giúp em có thể bày tỏ những hiểu biết và bày tỏ tình cảm, những suy nghĩ của mình với nơi chôn rau cắt rốn, đồng thời cuộc thi còn giúp cho những bạn trẻ thêm nhớ về nguồn cội của mình. Vì thế nên em hy vọng rằng cuộc thi này sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa.

Xin chân thành cảm ơn ban tổ chức cuộc thi!

 

Học sinh: Lưu Thanh Nhàn

Lớp 9/2

Tác giả : Lưu Thanh Nhàn

Bình luận

Bài viết liên quan

Giao lưu cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa
Lễ vinh danh học sinh giỏi cấp tỉnh
Học sinh trường THCS Lưu Trọng Lư đạt gải cấp tỉnh
Nguyễn Thị Minh Ánh đạt giải nhất cấp tỉnh môn sinh học
Cảm nhận từ một cuộc thi

Video clip