Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình

07:55 - 11/04/2019

Chị Nguyễn Thị Song Trà, người Cao Lao Hạ nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia cho dự án giáo dục giới tính S Project.

Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình

(Ảnh: Nguyễn Thị Song Trà nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia

cho dự án giáo dục giới tính S Project. Ảnh: S Project)

 

Lời Ban biên tập: Chị Nguyễn Thị Song Trà là con gái anh Nguyễn Xuân Trường hiện là người chủ trì cho dự án giáo dục giới tính S Project. Đây là một dự án được Song Trà nung nấu từ khi đang còn là sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đến nay, sau 5 năm hoạt động, dự án đã có đóng góp lớn cho cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục giới tính và trở thành dự án chính thức được sự bảo trợ pháp lý từ Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số.

Năm 2018, với những đóng góp tích cực của mình cho cộng đồng xã hội, dự án giáo dục giới tính của Song Trà đã vinh dự nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia.

Chúc dự án giáo dục giới tính S Project sẽ có những thành công mới; chúc Nguyễn Thị Song Trà, người con gái làng Cao Lao Hạ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, xã hội trong thời gian tới.

Dưới đây xin giới thiệu bài viết về dự án giáo dục giới tính S Projec đăng trên báo Lao động ngày 8 tháng 4 năm 2019

 

Hành trình giáo dục giới tính cho 10.000 trẻ em của nữ 9X Quảng Bình

Nguyễn Thị Song Trà (22 tuổi) đến từ Quảng Bình là người chủ trì cho dự án giáo dục giới tính S Project với phương châm "Cùng em học cách trưởng thành". Sau gần 5 năm đã mang kiến thức về giới tính đến cho 10.000 trẻ của 13 tỉnh, thành phố và hành trình ấy đã và đang tiếp tục được nối dài.

"Chị ơi, em được sinh ra từ đâu?"

Nhen nhóm ý tưởng từ năm 2014 khi vừa bước sang tuổi 18, Nguyễn Thị Song Trà khi ấy đang là sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. “Dự án giáo dục giới tính S Project xuất hiện trong tâm thức tôi từ khi tôi bắt đầu bước sang tuổi 18 khi nhận được một câu hỏi ngô nghê của một bạn nhỏ: “Chị ơi, em được sinh ra từ đâu?”. Đến năm 2015, theo dõi báo chí, truyền thông tôi nhận thấy có rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, trong tôi bắt đầu có động lực, thôi thúc tôi lập nên dự án giáo dục giới tính cho trẻ em” – Song Trà cho biết.

Thời gian đầu, dự án gặp nhiều khó khăn về cả nhân lực, vật lực, mọi thứ bắt đầu chỉ với 4 người độ tuổi 18 cùng với sự quyết tâm, liên tục họp đưa ra những kế hoạch chi tiết nhất. Thời gian đầu dự án không có nguồn bảo trợ truyền thông, nhiều lần đến các trường học để đặt vấn đề giảng dạy kiến thức giới tính cho học sinh thì bị từ chối. Sau nhiều lần bị trả hồ sơ, dự án S Project đã nhận  được cái gật đầu đồng ý bảo trợ pháp lý từ Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số, từ đó như một dấu mốc cho sự phát triển sau này của dự án.

Dự án S Project bắt nguồn từ câu hỏi:  “Chị ơi, em được sinh ra từ đâu“. Ảnh: S Project.

Không dừng lại ở những bài giảng lý thuyết đơn thuần, mau trôi, dự án áp dụng phương pháp dạy thông qua các hoạt động vui chơi để các bạn nhỏ tự tìm hiểu. Các bài giảng hướng đến những kiến thức về giới, cho học sinh hiểu về quá trình phát triển của bản thân, các kiến thức bảo vệ bản thân trước nguy cơ xâm hại tình dục.

Chẳng hạn bài học về việc bảo vệ bản thân trước nguy cơ xâm hại tình dục, chúng tôi cho các bạn nhỏ đóng kịch, tự nghĩ ra các tình huống, phân tích các tình huống có nguy cơ bị xâm hại, qua đó các bạn nhỏ tự diễn một vở kịch có thông điệp. Hoặc tình huống có người bế choàng mình lên thì nên xử lý như thế nào để thoát khỏi sự nguy hiểm.

Cùng em học cách trưởng thành

Để mang đến nhận thức đúng đắn về giới cho các em học sinh, Song Trà cùng các thành viên của dự án còn tổ chức các cuộc thi vẽ tranh với chủ đề: “Vẽ đi, đừng ngại”, hay tạo những buổi talk show thẳng thắn về giới tính”. Mới đây, S Project vừa cho ra mắt Bộ quy tắc ứng xử an toàn dành cho trẻ em giúp phòng chống xâm hại tình dục.

Bộ quy tắc ứng xử cho trẻ được đưa ra với những minh họa và kiến thức thiết thực. Ảnh: S Project.

Không những thế, để dự án được lan tỏa và có sức tác động mạnh đến cộng đồng, các thành viên trong nhóm còn cho ra mắt những video ghi lại câu chuyện của những người trong cuộc, những người đã từng là nạn nhân của xâm hại tình dục, nói lên câu chuyện của mình như một thông điệp mạnh mẽ, đáp trả lại hành vi không chuẩn mực, kêu gọi mọi người hành động.

Không chỉ mang kiến thức thông qua những buổi dạy tại các trường học, Song Trà còn trở thành người chị, người cô đáng tin cậy để các em nhỏ tìm lời tư vấn. Song Trà cho biết, nhiều em nhỏ bị chính người thân, người quen xâm hại nhưng lại không dám nói ra, không dám lên tiếng vì xấu hổ hay sợ bị đe dọa, hay thậm chí nhiều em không nhận thức được đó có phải hành vi xâm hại tình dục hay không. Trước mỗi tình huống, Song Trà lại đưa ra lời khuyên cho các em, làm chỗ dựa cho các em khi đang rơi vào tâm lý hoảng loạn.

Các em nhỏ hào hứng trong một tiết học. Ảnh: S Project

Đến nay, dự án đã đi được chặng đường gần 5 năm, mang kiến thức đến cho khoảng 10.000 bạn nhỏ từ 13 tỉnh thành từ Bắc và Nam như Hà Nội, Hà Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Bến Tre… Năm 2018, với những đóng góp tích cực của mình cho cộng đồng xã hội, dự án giáo dục giới tính của Song Trà đã vinh dự nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia.

Nguồn bài viết: https://laodong.vn/giao-duc/hanh-trinh-giao-duc-gioi-tinh-cho-10000-tre-em-cua-nu-9x-quang-binh-726671.ldo?fbclid=IwAR34GUc0eaXCsuDOkOuQ5csr6BTJExId53mR86f9xufHOJhSYBg_1R2_r7k
Tác giả : Nguyễn Hà

Bình luận

Bài viết liên quan

Gương mặt doanh nhân trẻ Lưu Anh Tiến.
Ba Đồn có thầy Thông Dư
Thành công với mô hình trồng nấm
Đưa em về thăm làng Hạ quê anh
Thư của Câu lạc bộ thơ Hương Sắc Cao Lao

Video clip