Hãy trả lại thảm thực vật rừng đầu nguồn cho hồ Vực Sanh!

12:25 - 19/05/2014

Những ký ức xưa và thực trạng hiện nay về rừng đầu nguồn hồ Vực Sanh của một người con làng Cao Lao Hạ

 

Rừng Hạ Trạch quê tôi, đồi núi điệp trùng, biết bao gỗ quý, chim muông, hoa trái. Đi dưới tán lá rừng xào xạc, nghe tiếng thông reo vui trong gió đại ngàn tựa như đang thưởng thức dàn nhạc giao hưởng du dương.

 

Rừng quê tôi cũng có hồ, có suối, có thung lũng Cánh Diều, có những đồi thông râm mát những trưa hè. Hình ảnh nên thơ đó như một Đà Lạt nhỏ xinh.

 

Những ngày đánh Mỹ, bộ đội Đoàn 559 đã xây dựng tổng kho hậu cần ẩn dưới tán lá rừng. Rừng quê tôi thực sự đi vào huyền thoại: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

 

Hôm nay người dân quê tôi hết sức đau lòng trước việc một diện tích lớn rừng nguyên sinh đầu nguồn hồ Vực Sanh bị đốn hạ, đốt sạch. Họ đưa những chiếc máy xúc, máy ủy cày ngang cày dọc núi đồi để trồng cây keo, cao su, làm đường tậm thu lâm sản vắt kiệt sức sống của rừng.

 

Họ “Giao rừng” cho những “Ông chủ” để trục lợi dẫn đến phá nát thảm thực vật. Mưa lũ xói lở lấp hết sông suối, mất ngồn sinh thủy mà thiên nhiên đã ban tặng cho hồ vực Sanh.

 

Quê tôi đồng chua nước mặn, đã bao đời nay chịu cảnh nắng hạn, ruộng đồng nứt nẻ đút lọt bàn chân. Cây lúa không trồng được vụ đông xuân, chỉ trồng được vụ mùa. Sau tết Đoan Ngọ, bà con ra đồng làm đất, gieo hạt giống chờ đón hạt mưa để nảy mầm. Nếu gặp thời tiết thuận thì cây lúa được đâm chồi, nếu không có hạt mưa thì mùa màng thất bát còn trông chờ gì nữa.

 

Bà con, người khỏe thì vào đến tận “Hai huyện” làm thuê trên đồng đất sình lầy để kiếm kế sinh nhai. Người không đi được thì ra sông, ra hói bắt con cá con tôm đổi lấy củ sắn củ khoai. Người thì lên rừng tìm hái quả mít nài, hột sót, đào củ mài… về chế biến giữ trữ cho mùa đông giáp hạt. Người già ốm yếu thì tìm cọng rau má, rau đắng, rau rừng sống qua ngày, để dành long gạo, mớ khoai cho ngày giáp hạt.

 

Trong cái khắc nghiệt đó, sản vật rừng quê tôi cũng đã nuôi sống biết bao thế hệ cha ông. Nhờ rừng mà có cụ sắn, cụ mài, có quả sim, quả móc, có trái đỏ, trái hồng leo, quả mít nài, hột sót… Rừng là ân nhân đối với người dân quê tôi. Giặc Mỹ thả bom đốt cháy rừng, bà con xông vào dập lửa để bảo vệ rừng, bảo vệ những con khe con suối để có nước ngọt sinh hoạt cho con người, cho gia súc cày kéo.

 

Rừng quê tôi có hàng ngàn heta, độ giốc cao, thảm thực vật phong phú là nguồn sinh thủy lớn cho các khe suối. Khe Ngang, khe Mọ, khe Trầu, khe Nước, Khe Trại … ngày đêm nước độ về Vực Sanh, như một bản nhạc giao hưởng của đại ngàn gửi về quê tôi thật nên thơ. Ngày xưa các bậc tiền bối của làng dựa theo thế đất tự nhiên, đã khơi thủy con hói từ Vực Sanh chảy về giữa cánh đồng, vừa để trị thủy, vừa để lấy nước về chống hạn, sinh hoạt của làng quê. Chính con hói đó là “Cửu khúc long khê” mang hình con rồng uốn lượn chín khúc tô đẹp cho làng quê Cao Lao Hạ.

 

Bà con quê tôi hân hoan khi nhà nước đầu tư xây dựng hồ Vực Sanh, đưa dòng nước mát từ khe, suối về tưới mát ruộng đồng, làng quê. Từ đó đồng đất quê tôi hai vụ lúa lên xanh tốt, năng suất cao, đời sống bà con no ấm từng ngày, môi trường sạch đẹp, làng xóm khang trang.

 

Đất rừng quê tôi nhà nước giao cho Lâm Trường quản lý. Người dân quê tôi rất buồn. Cha ông mình đã bao đời nay giữ rừng, giữ đất nay không còn được quyền. Người quá cố muốn về lại với đất cũng không được, đành phải ngâm mình giữa đồng chua nước mặn, bị dìm sâu khi mùa lũ lại về.

 

Bước vào rừng cũng chỉ đứng nhìn người ta: “Khai - Phá” làm giàu trên mảnh đất của ông cha. Họ ngang nhiên lấy đi tất cả, quê hương vẫn nghèo. Đã đành họ còn hủy hoại cả môi trường, đốt hết thảm thực vật rừng. Hoa trái không con, rừng im bặt tiếng chim, muông thú coi như bị xóa sổ trên nhưng cánh rừng quê tôi.

 

Đồi cao giốc đừng họ xẻ đường dọc, đường ngang, phá vỡ sự ổn định cùa núi đồi. Mùa mưa lũ về đất, đá sụt lỡ lấp hết khe suối, vì không còn thảm thực vật che phủ, nguồn sinh thủy sẽ không còn.

 

Hồ Vực Sanh đang cạn dần, ngày xưa khe Ngang, khe Mọ, khe trầu… nước đổ ào ào quanh năm, tạo những thác nước nhỏ xinh xinh, nhánh lan rừng đơm hoa, tỏa hương bên suối, đẹp say lòng người. Nay mới đầu mùa khô mà khe, suối im lìm, trơ ra những hòn đã cuội to nhỏ ngổn ngang, còn lại đôi vũng nước nhỏ xíu, rỉ rích bồn bã trong nỗi cô đơn.

 

Một ngày không xa có lẽ đồng đất quê tôi lại khô cằn nứt nẻ như ngày xưa. Con đường Ba trải huyền thoại hiên ngang trong đạn lửa, trong mưa lũ của rừng. Chính nhờ thảm thực vật hai bên đường nên dốc đứng không bị sạt lỡ. Nay chỉ có trận mưa rào thôi, đất đá sạt lỡ ngổn ngang.

 

Thật đau xót và có tội với bao anh chị em thanh niên xung phong, bộ đội đã ngã xuống, cống hiến tuổi thanh xuân để mở đường. Nay con đường Ba Trại huyền thoại năm xưa, là một tuyến đường du lịch. Ai về thăm mộ Đại Tướng, xin lên đỉnh giốc Oằn dừng chân ngắm cảnh quê tôi bên dòng Gianh lịch sử, đến với Phong Nha - Kẻ Bàng, hang động kỳ quan.

 

Hãy cảm thông với nổi buồn và lời thịnh cầu này của bà con quê tôi. Hãy ngăn ngay việc hủy hoại thảm thực vật rừng đầu nguồn hồ Vực Sanh. Trả lại những đồi hoa sim tím, gỏi hè về rổn tiếng chim ca.

 

Chính quyền địa phương, các nhà khoa học, cần điều tra khảo sát để có kiến nghị và biện pháp ngăn chặn, tuy có muộn còn hơn không …!

Tác giả : Tre xanh làng Hạ

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip