Hệ thống nước sinh hoạt xã tại Hạ Trạch

08:30 - 19/05/2021

Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện hệ thống cấp nước hiện nay ở xã Hạ Trạch của anh Nguyễn Chung Quý

Hệ thống nước sinh hoạt xã tại Hạ Trạch

 

Lời Ban biên tập: Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống con người. Nó có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển an sinh xã hội.

Hiện nay, người dân ở khu vực nông thôn ở nhiều nơi không còn lo lắng về việc thiếu nước sinh hoạt, nước không đảm bảo vệ sinh, bởi nhiều dự án nước sạch đã được Đảng và Chính quyền các cấp quan tâm đầu tư và đi vào hoạt động.

Dự án cấp nước sạch ở Hạ Trạch đã được đầu tư từ hơn 20 năm nay, nhưng đến nay hiệu quả hoạt động còn có nhiều hạn chế, vẫn còn nhiều hộ dân trong xã chưa được dùng nước từ hệ thống cấp nước sạch của dự án.

Bài viết dưới đây của anh Nguyễn Chung Quý đăng trên Facebook cá nhân đã đánh giá khá toàn diện và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện hệ thống cấp nước hiện nay của xã Hạ Trạch.

Kính mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn để sơm đạt tới 100% số dân xã Hạ Trạch được cấp nước sạch.

 

 

HỆ THỐNG NƯỚC NGỌT SINH HOẠT TẠI XÃ HẠ TRẠCH

 

Làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch ngày nay) nằm phía Nam sông Gianh, với địa thế cảnh quan có tiền sơn, hậu thủy, giữa là đồng bằng trù phú tốt tươi. Tuy nhiên do địa thế làng nằm trên vùng bãi bồi, nên nguồn nước ngầm ở đây bị nhiễm phèn, mặn.

Để có nước dùng ăn uống, sinh hoạt, từ bao đời nay người dân nơi đây phải hứng nước mưa hoặc lấy từ các giếng làng trước mặt làng, nơi có dòng “Cửu Khúc Long Khê” từ Vực Sanh chảy về, hoặc đi gánh từ các giếng trong rẫy, trong rú, như: giếng Hóc, giếng Kiệt, giếng Hung, giếng Bẩy, giếng Mây, giếng Khe Liêu, giếng Mới. Nước lấy về được chứa trong các lu, vò, chum... Ngày nay điều kiện kinh tế phát triển, xi măng, sắt, thép thịnh hành, hầu hết mỗi gia đình đều có một bể chứa nước được xây bằng xi măng, nhỏ thì 5-7 khối, gia đình nào làm to thì vài ba chục khối, nếu chứa đầy có thể dùng được vài tháng.

Từ những khó khăn của địa phương, được sự quan tâm của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, năm 1995, hệ thống nước ngọt lần đầu tiên tại xã Hạ Trạch được đầu tư xây dựng, ống dẫn bằng nhựa, cách 02 xóm có một bể chứa xây bằng gạch, trát xi măng. Đáng tiếc, vì nhiều lí do, công trình này hầu như chưa được sử dụng ngày nào và dần trở thành hoang phế. Năm 2005, hệ thống nước ngọt về Hạ Trạch tiếp tục được nhà nước đầu tư, kinh phí 1,7 tỷ đồng. Lần này các ống dẫn về chảy dọc theo các xóm, người dân tự mua đồng hồ nước và ống dẫn từ ngoài xóm vào bể chứa của gia đình. Hệ thống mới này, thời gian đầu phát huy tác dụng tương đối tốt, nước chảy lên được đến xóm 5, xóm 6. Tuy nhiên sau một thời gian đưa vào sử dụng, một phần do quản lí thiếu chặt chẽ cộng với ý thức của một số người dân kém, đục phá ống dẫn, trộm nước, bẻ phá van khóa đầu các xóm, nên công trình xuống cấp nhanh chóng. Sau đó công trình thêm 01 lần được đầu tư sửa chữa với kinh phí gần 01 tỷ đồng.

Trong điều kiện thời tiết cực đoan, hạn hán thường xuyên xãy ra, thiếu nước ngọt ngày càng trầm trọng, hệ thống cũ xuống cấp, năm 2012, nhà nước tiếp tục đầu tư hơn 7 tỷ đồng nâng cấp hệ thống nước ngọt tại xã Hạ Trạch, gồm 03 tuyến: giữa làng, hậu làng và ra bến phà cũ. Sau khi công trình hoàn thành, thời gian này HTX điện nước đã giải thể (trước đó hệ thống nước ngọt do HTX điện nước quản lí, điều hành), UBND xã có chủ trương cho đấu thầu quản lí, (được thông báo rộng rãi, nhiều lần trên hệ thống truyền thanh của xã cũng như gửi thông báo trực tiếp về các thôn), tuy nhiên không có tổ chức, cá nhân nào tham gia thầu, vì vậy UBND xã giao Ban Công an xã quản lí tạm thời. Để tập trung cho chuyên môn, sau 02 năm, công trình này đã được Ban Công an xã bàn giao lại, các anh Ngọc, Thoái, Xá nhận quản lí, điều hành. Mỗi năm bên quản lí nước có trách nhiệm nộp vào ngân sách xã 5.000.000 đồng để có nguồn bảo dưỡng công trình. Về giá nước, trước đây là 6.000đồng/1m³ sau này tăng lên 7.000đ/1m³.

Từ khi được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, vấn đề thiếu nước ngọt sinh hoạt của người dân Hạ Trạch đã được phần nào giải quyết, cũng từ đó các giếng trong rú, trong rẫy dần bị lãng quên. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà công trình mang lại thì vẫn còn một số bất cập, hạn chế mà như một số bà con đã phản ánh và cũng đã nghe nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc họp của HĐND xã. Hiện tại, 02 tuyến: phà cũ và hậu làng đang phát huy tương đối hiệu quả, tuyến hậu làng nước chảy đến xóm 2. Riêng tuyến giữa làng là khó khăn và nhận được nhiều phản ánh của bà con nhân dân.

Tìm hiểu từ nhiều phía và qua các anh quản lí nước được biết, nước không lên được khu vực thôn 1, thôn 2 theo tuyến giữa làng có thể nêu ra một số nguyên nhân sau:

+ Nguyên nhân khách quan: Đó là quy hoạch thiếu đồng bộ, chắp vá, ống trục chính từ bể chứa về là hệ thống cũ từ thời làm cầu Gianh để lại, nhiều chỗ đã xuống cấp, hư hỏng. Quy mô dự án nhỏ, máy bơm công suất thấp, trong khi khối lượng bể chứa lớn (50m³), dẫn đến áp lực thấp, không đủ lực đẩy đi xa.

+ Hệ thống nước hoàn thành và đưa vào sử dụng trước khi bê tông hóa các đường xóm, trục đường giữa làng, vì vậy có nhiều đoạn ống, van khóa hiện tại đã nằm sâu dưới đường bê tông, một số vị trí bị bê tông, đất đá chèn ép làm dẹp, gấp khúc đường ống dẫn nhưng rất khó khăn trong việc khắc phục, sửa chữa.

+ Một lí do nữa: đó là ý thức của một số bà con quá kém, trộm, đục phá đường ống, bẻ phá van khóa... Ban quản lí nước đã phát hiện, bắt được một số trường hợp trộm nước, thậm chí xả nước chảy ra hồ nuôi cá, hố bom gần nhà để trữ nước tưới, hoặc cho chảy tràn ra vườn trồng rau màu, tuy nhiên mức xử lí chưa đủ sức răn đe.

+ Hệ thống ống dẫn vào các gia đình do làm đã lâu, một số chôn lấp dưới nền bê tông, theo các anh trong ban quản lí nước, vấn đề kiểm tra, giám sát thất thoát nước ở những gia này hết sức khó khăn.

+ Nguyên nhân chủ quan: Đó là vấn đề quản lí, vận hành còn một số bất cập, hạn chế. Các trường hợp phá hoại, UBND và Ban quản lí nước xử lí chưa nghiêm, chưa đủ sức giáo dục, răn đe. (Riêng vấn đề bán, ưu ái cho các cá nhân, tập thể thì chỉ nghe, chưa được kiểm chứng nên không đưa vào phần nguyên nhân, nếu có rất mong các anh trong ban quản lí nước rút kinh nghiệm).

Từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên, xin đưa ra một số giải pháp:

+ Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban quản lí nước, coi việc phục vụ, cung cấp nước đến bà con là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nhất là trong thời gian nắng nóng, khan hiếm nước non.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của UBND xã trong việc quản lí, vận hành của Ban quản lí nước.

+ Có phương án khắc phục, sửa chữa những vị trí hư hỏng, tắc nghẹn, đảm bảo mạch nước thông suốt. Trước mắt, Ban quản lí nước nêu cao vai trò phục vụ nhân dân, chia sẻ khó khăn với bà con, đặt máy bơm tại các xóm, đẩy nước từ ống dẫn chính vào các xóm để bà con có nước dùng. (biết rằng công việc này các anh đã làm, nhưng trong mùa hè nóng bức này, mong các anh tăng thêm thời gian bơm)

+ Ban quản lí nước tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời cùng UBND xã xử lí nghiêm những trường hợp phá hoại, đục đường ống, trộm nước.

+ Về lâu dài, cần có phương án trùng tu, nâng cấp, thay thế những đoạn đã bị hư hỏng, quan tâm trục dẫn giữa làng đoạn từ xóm 8 đi lên.

Trên đây là một số giải pháp, hy vọng công tác vận hành, cung cấp nước ngọt sinh hoạt đến với bà con được tốt hơn, để cuộc sống của người dân thực sự ấm no và không còn đói, khát.

Tác giả : Nguyễn Chung Quý

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip