Hè về lại nhớ

20:42 - 15/07/2019

Tùy bút của anh Lưu Văn Quỳnh tặng anh Truongluu Caolao nhân ngày cúng Thành Hoàng Làng 18 tháng 7 năm 2019 (16/6/Kỷ Hợi) và chuẩn bị triển khai hạng mục kè lại ao Đình

Hè về lại nhớ

 

HÈ VỀ LẠI NHỚ

Kính tặng thầy TLCL

 

          Đêm mùa hạ sau trận mưa rào tiết trời thật êm đềm, mát mẻ. Đèn tắt đã lâu mà tôi không sao ngủ được. Dư âm bài giảng Vịnh cây thông (Văn bản chữ Nôm của Nguyễn Công Trứ) do bác Nguyễn Sửu trình bày, cứ hiển hiện mãi trong tôi.

          Vốn là sĩ quan công an nghỉ hưu, hậu duệ đích thực của các cụ đồ nho xứ Nghệ. Tham gia Câu lạc Hán Nôm Thư Pháp Trung Kính Hà Nội, bác được phân công phụ trách phần chữ Nôm, cùng các bác Cảnh Kỳ, Tuấn Khanh chữ Hán, thầy Hoàng Chính Thư Pháp. Các bậc lão làng trên tám, chín mươi như thầy Nguyễn Vãn Thuận, Phạm Kỳ Nam, Phan Đăng Toản là những cố vấn của chương trình.

          Chép xong bốn câu thơ lên bảng, dừng lại, quay xuống bác hỏi:

          - Lớp chép xong chưa, mời anh Mai đọc bài.

          - Xong rồi thầy ạ!

          - Vậy mời anh đọc:

Ngồi buồn lại trách ông xanh

Khi vui thì khóc, buồn tênh lại cười.

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

          Nào tiếp tục, mời bác Bảo.

          - Tôi thấy có lẽ cũng hết rồi, nhưng mắt mờ, bảng lại xa xin cho tôi được miễn đọc.

          - Thế thì mời thầy giáo Quỳnh. Bài này có lẽ thầy đã giảng cho học trò cấp 3 nhiều lần. Chắc thầy có ý kiến khác.

          - Dạ em cũng rứa ạ!

          Vâng, cám ơn các anh. Vậy là lớp ta hầu như chưa ai thuộc hết bài thơ và cũng có thể nói chưa hiểu được cái hay, cái đẹp của nó. Nếu chỉ dừng lại bốn câu như thế thì chả có gì đáng nói. Chỉ là một bài tự sự chung chung, ai cũng nghĩ và làm được. Cái hay, cái đẹp của bài thơ, cái làm nên phong cách độc đáo của cụ Nguyễn Công Trứ chính là ở hai câu kết các anh ạ. Hai câu đó là:

Giữa trời vách đá cheo leo

Ai chịu được rét thì trèo cây thông.

          Đấy, Nguyễn Công Trứ là thế. Một kiểu nhà Nho tài tử, có phong cách sống hơn đời, khác đời. An nhiên, thị tài. Luôn ý thức được tài năng, phẩm hạnh của mình để sống cuộc đời phóng túng, tự do, tự tại giữa một xã hội đầy loạn ly, biến động. Tâm hồn ấy, bản lĩnh ấy đã kết tinh được nhiều áng văn thơ bất hủ mà Bài ca ngất ngưởng là một ví dụ:

Vũ trụ nội mạc nhiên phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.

Khi thủ khoa, khi tham tán, khi Tổng Đốc Đông…

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Được mất dương dương người tái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.

Không phật, không tiên, không vướng tục.

Chẳng Trái, Nhạc, cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!?

          Đấy, Nguyễn Công Trứ là thế: Phóng túng, ngạo nghễ, an nhiên, đầy bản lĩnh… Có đúng không các anh.

          Cả lớp im phăng phắc. Ngoài kia dàn hợp xướng của bao chú ve sầu cũng im ắng tự bao giờ. Thế rồi chỉ trong chốc lát, khán phòng như vỡ ào ra bởi bao tiếng trầm trồ, tấm tắc: Đúng quá, tuyệt quá, tâm đắc quá…

          Cảm ơn bác Sửu nhiều nhiều. Bài giảng sáng nay của bác không chỉ giúp em hiểu thêm cái hay, cái đẹp của bài thơ từ văn bản chữ Nôm, có những điều tưởng chứng như xưa nay mình đã biết. Hơn thế còn giúp em ngộ ra để hiểu được ý nghĩa đôi vế đối bấy lâu em chưa được tỏ tường:

Luyện thành cực vụng mới là khéo

Học đến như ngu ấy mới tài.

Chao ôi biển học quả là vô cùng. Sự học đúng như thuyền vượt thác, không tiến ắt lùi. Thảo nào thầy tôi – Phó Giáo sư Văn học - NGUT Lưu Đức Trung trước khi từ giã cõi đời ở tuổi 85 vẫn không quên tặng lại tôi cuốn sách Tìm về cội nguồn chữ Hán, (tác giả Lý Lạc Nghi, Giáo sư – Tiến sĩ – Chủ nhiệm bộ môn Nghiên cứu ứng dụng môn Ngữ Văn Tự - Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) với lời đề tặng Bàn giao lại cuốn sách quý này để Quỳnh nâng cao trình độ Hán Văn – Ngày 12 tháng 4 năm 2016.

Biển học đúng là vô bờ, học đến như ngu ấy mới tài. Càng học càng thấy mình kém cỏi… Thật chí lý, chí lý…

Thế rồi theo dòng suy tưởng miên man, ký ức đưa tôi nhớ về thầy Truongluu Caolao tự lúc nào không hay. Người thầy tôi chưa một lần biết mặt, biết tên nhưng chẳng thế nào quên, cho dù tôi vẫn đinh ninh lời thầy commenst ngay sau khi Phó Giáo sư Lưu Đức Trung vừa mất:

Anh Quỳnh thân mến! Bây giờ thì mọi sự đã rõ ràng. Tôi không phải  thầy giáo của anh, cũng chưa từng dạy anh một chữ nào trên lớp. Anh đừng xưng hô như thế e không tiện”.

Thầy ơi, hãy cho em làm một người học trò đặc biệt. Em cũng biết rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tuy thầy chưa hề dạy em một chữ nào trên lớp, nhưng lời commenst của thầy trong cuộc trao đổi về câu đối ở bức bình phong đình làng Cao Lao Hạ vào lúc 10h16’ ngày 08/8/2013 đã khai mở trong em biết bao điều lớn lao còn hơn cả ngàn vạn lần chữ nghĩa em từng được học:

Anh Quỳnh thân mến! Những vấn đề trong lĩnh vực này rất cần ý kiến của anh. Đây là vấn đề rất nghiêm túc, không thể để nó đi vào quên lãng. Không thấy anh lên tiếng, không biết anh có được thường sự không? Cái tinh hoa là ở chỗ này đây. Mã Lương không dùng cây bút thần điểm vào mắt con cò trong bức tranh thì nó không thể bay lên được”.

Chao ôi, TLCL là ai? Sao lại biết tôi ? Hơn thế lại kỳ vọng, tin tưởng, ký thác ở tôi một vấn đề lớn lao, hệ trọng đến thế. Mà tôi thì …

TLCL là ai ! Thực tình lúc đầu không chỉ tôi mà nhiều người dân Cao Lao, cả anh Lê Nghĩa Diêm chuyên gia Hán Nôm của tỉnh Hải Dương, học trò xuất sắc của thầy Trung đọc commenst đó cũng phải thốt lên :

Trí tuệ ấy, văn phong ấy, nhân cách ấy không cụ Trung thì còn là ai! Mà giá như có còn một ai nào khác thì quê bạn thật là đại phúc khi có những người con như thế!”

Thầy ơi, không có lời commenst đó của thầy, em làm sao có được sự dấn thân tìm tòi, học hỏi. Làm sao có cơ duyên để đến được Câu lạc bộ Hán Nôm Thư Pháp Trung Kính. Nơi có những người thầy, người bạn đồng môn vừa giỏi giang về văn chương chữ nghĩa, lại vừa chăm chỉ luyện rèn để mà học hỏi, để mà noi gương, để có được những kiến thức như ngày hôm nay.

Mỗi khi thuộc thêm vài từ Hán mới, hiểu thêm ý một đoạn văn hay thấy lòng vui vui em lại nghĩ về thầy. Em lại nhớ về trang báo làng ta thuở còn tràn trề bút lực. Một bài thơ, bài văn vừa mới ra có cả chục, cả trăm lời commenst bàn luận. Cho dù có cả những lời đắng đót, xót xa bởi những điều tâm huyết, trăn trở, suy tư “Muốn làm một cái gì đó mảnh đất đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn mà phải đấu tranh cho ra lẽ phải, để hòng mang lại cái hay, cái đẹp cho quê” lại bị cho là sự “cường điệu văn hay chữ tốt, tâng bốc nhau thể hiện cái tôi ở chốn linh thiêng”.

Thầy ơi, một mùa hè nữa lại về. Đình làng ta cũng đang chuẩn bị ngày lễ hội thường niên. Trang báo làng cũng đã đăng tải chương trình tu bổ đình làng đợt 3 – xây hồ sen trước cửa.

Về với quê hương thầy nhé. Sự hiện diện của thầy trên trang báo làng sẽ khơi nguồn cảm hứng cho chúng em, sẽ là nguồn động viên cổ vũ lớn lao cho mọi chương trình có thêm khí thế và sức lực để đi đến thắng lợi cuối cùng. Bởi Trí tuệ ấy, văn phong ấy, nhân cách ấy dù không phải xưng danh TLCL là ai, khi quê hương có những người con như thế :

Nghìn thu vẫn nét thanh cao

Vẫn Trường Lưu, vẫn Cao Lao ngời ngời.

          Nhớ mãi người thầy chưa bao giờ biết mặt, biết tên.

 

Hải Dương, ngày 10 tháng 7 năm 2019

Trò: Lưu Văn Quỳnh

 

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip