Hoa sim, sắc đẹp của núi đồi

07:44 - 11/12/2022

Suy cảm của anh Lê Anh Tuấn về hoa sim, một loài hoa chỉ muốn yêu và sống mãi với núi đồi, đẹp lung linh khi gắn với núi đồi

Hoa sim, sắc đẹp của núi đồi

Bà tôi kể, bà tôi được nghe các cụ kể truyền lại, không rõ từ thời nào xưa lắm rồi, nước Việt Nam mình khi ấy dân khổ lắm, vì hay bị quân phương Bắc kéo xuống xâm lăng, cướp phá, tàn hại xóm làng... Khi quân xâm lăng phương Bắc kéo xuống, chúng đông và ác lắm, để chống lại chúng, giữ đất nước, xóm làng và gia đình thoát họa mất nước, tan nhà, làng quê bị đốt phá, dân tình bị tàn sát dã man theo kiểu diệt giống nòi người Việt mình: Giết đàn ông, hiếp đàn bà, con gái cướp về làm tì thiếp...

Trước hoạ xâm lăng diệt chủng đó, tất cả đàn ông trong các " kẻ quê" (tức làng thời cổ) của người Việt đều tự nguyện tổ chức thành đội ngũ, tự trang bị lấy vũ khí, từ biệt người thân, quê hương lên đường đi bảo vệ đất nước của tổ tiên để lại...

Làng quê khi ấy chỉ trừ người già cả quá không còn đủ sức cầm vũ khí ra trận là ở lại tổ chức chỉ huy phụ nữ và trẻ em trông nom làng mạc.

Sau nghi lễ xuất quân, đoàn quân hướng về biên cương phía Bắc, từ biệt người thân, làng quê lên đường đi đánh giặc. Những cô thôn nữ tiễn người thân, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con, bà tiễn cháu...lòng trĩu nặng lo buồn, da diết nhớ thương. Khắp làng quê, đâu đâu cũng diễn ra cảnh đưa tiễn, rung cảm cả đất trời ấy!

Đoàn người ra đi, vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn những người thân yêu đang đứng tiễn dưa mình, lòng quặn thắt, không dám hẹn ngày về.

Đoàn người ra trận, cứ khuất dần, khuất dần...Những người ở lại cứ đưa tiễn, cố sức chạy theo...Ai khoẻ chạy lên phía trước, ai yếu cứ rớt dần lại phía sau, họ tự nhiên kéo thành hàng dài, và... chạy theo mãi cũng phải dừng lại, khi nhìn theo bóng hình của những người thân yêu ra trận cứ xa dần xa dần, khuất dần, khuất dần trong sương sớm. Hy vọng và khao khát nhìn thấy người thân trở về, không biết bao giờ trở về, và có còn trở về nữa hay không. Lúc đầu, các chị em phụ nữ còn cố kiễng chân, nghểnh cổ ngóng trông theo để cố nhìn thấy bóng dáng người thân, dù chỉ là chút bóng dáng mờ ảo đang chìm dần trong sương. Họ cố gắng nhìn theo nhưng chẳng thể nào thấy nữa, họ chỉ nhìn thấy ngàn dâu xanh ảo mờ sương khói...

Những chị em phụ nữ đã nén tiếng khóc nghẹn ngào lúc chia ly, họ cố để yên lòng người ra trận. Họ đã cho tiếng khóc và nước mắt chảy ngược vào trong tim, làm tim quặn đau, thổn thức. Nỗi niềm thương nhớ, đau quặn của họ đã làm đất trời cảm động, xót thương. Trời bỗng nổi sấm chớp truyền linh khí cho đất. Đất dưới chân họ bỗng nhiên rùng mình chuyển động. Chân họ cứ cao dần, cao dần lên...đất đã nâng họ cao dần lên, tầm nhìn của họ đã vượt qua sự che khuất của những ngàn dâu xanh, mắt họ nhìn xa mãi về phía chân trời, vượt qua cả tầm chắn của luỹ tre quê hương. Họ lại nhìn thấy bóng dáng của những người thân yêu đang trên đường ra trận...Nhưng rồi đất thấp cũng có hạn, tình yêu thương của đất mẹ với người dẫu có thiết tha sâu nặng nhưng luật trời cũng chỉ cho giới hạn đến thế. Thương người, đất mẹ hoá thân thành những đồi gò dưới chân họ, mang vào trong mình những rung động nhớ thương người ra đi giữ nước của những người đàn bà vũng đất trũng này...

Khi trái tim yêu thương đau đớn của những người tiễn chồng, cha, con, cháu, anh em ra trận ngập tràn nỗi đau và nước mắt chảy ngược vào tim, họ không còn cầm được nước mắt. Khi đất dưới chân đã cao thành đồi, gò cao ngất, vươt trên tầm cao cảu luỹ tre làng, vẫn không giúp họ nhìn thấy bóng dáng của những người thân yêu. Không còn cầm lòng được, những giọt nước mắt của họ đã rơi vào đất mẹ dưới chân, họ cứ khóc và nước mắt cứ rơi... Bỗng họ kinh ngạc nhận ra, từ trong lòng đất mẹ, nơi những giọt nước mắt nhớ thương của họ vừa rơi xuống đã trồi lên những cây mầm xanh. Những mầm xanh ấy đã hút tinh khí của đất trời trong khoảnh khắc linh thiêng ấy mà vụt lớn thành cây, thành buị và trổ hoa tím lịm, tím ngắt... Màu tím của nhớ thương, thuỷ chung. Nơi nước mắt của những thiếu nữ, những người vợ, rơi về đất đều mọc lên loại cây, sau này người ta đặt tên là cây Sim. Còn nơi nước mắt của những người mẹ, người bà rơi về đất mọc lên một loại cây khác mà người đời sau này đặt tên là cây mua. Cả hai loại cây này đều có hoa màu tím thuỷ chung, thương nhớ...trông ngóng...đợi chờ...dường như vô vọng của những vọng phu. Và có một điều kì lạ nữa, khi hoa sim kết quả, trái chín thì mọng tím một màu thương nhớ. Sim thì là mướt xanh, quả tím mọng mượt mà, ngọt lịm. Mua thì lá nhám giáp, thô và nâu vàng, quả cũng nhám giáp như lá nhưng khi ăn thì làm tím làn môi...

Và từ đấy, khi mỗi mùa hoa sim, hoa mua mở tím rực một vùng đồi, bao cô gái lại lên đồi hái sim. Họ thưởng thức vị ngọt lịm của trái sim mồi tím mọng, nhuộm tím làn môi xinh. Họ cùng nhau nhớ lại huyền tích tình yêu diệu kì của trái tim những người đàn bà yêu đất Việt, thương nhà, thuỷ chung son sắt. Huyền tích yêu thương này đã tạo nên vùng đồi trung du và những bông hoa mua, hoa sim tím lịm thuỷ chung mong nhớ...Và những quả sim mồi tím mọng màu tình yêu... Và họ luôn suy niệm về tích xưa để sống...

Còn bây giờ thì sao? Hoa sim đã đi vào rất nhiều thơ ca, kỷ niệm tuổi thơ, tình yêu trai gái, có khi là cả nỗi đau vô bờ của tình yêu của người lính,

“...Tím đồi hoa sim

... Ôi tím cả đồi hoang

...Tím chiều xưa biền biệt …”

Chỗ nào thì hoa sim cũng thể hiện một tình yêu không thể thay thế trong trái tim một ai đó.

Bản thân hoa sim cũng vậy, hình như nó chỉ muốn yêu và sống mãi với núi đồi mà thôi, nên ta không thể đem trồng trong vườn nhà đuợc, cũng không thể cắm vào bình như những loài hoa khác đuợc.

Sắc đẹp ấy mãi mãi là của núi đồi…

 

 Tác giả Lê Anh Tuấn, con trai bác Lê Hồng Tâm, hiện làm việc tại Sở GTVT Quảng Bình

Tác giả : Lê Anh Tuấn

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip