Hương rừng

14:34 - 20/10/2015

Bút ký của Lê Chiêu Phùng đạt giải ba liên hoan Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình năm 2015

 

Lời Ban Biên tập: Liên hoan Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình năm 2015 đã thành công. Liên hoan Phát và Truyền hình hàng năm là dịp để các phóng viên, biên tập viên báo hình, báo nói có dịp giao lưu học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Tại Liên hoan lần này có gần 70 tác phẩm dự thi. Bút ký HƯƠNG RỪNG của tác giả Lê Chiêu Phùng đạt giải Ba. Xin giới thiệu Bút ký của tác giả Lê Chiêu Phùng  

 

HƯƠNG RỪNG

                                                                          

Chúng tôi đến Phúc Trạch, một xã miền tây nghèo của huyện Bố Trạch vào một sáng đầu thu. Những tia nắng của mặt trời như cái nan quạt khổng lồ đang dần xé tan những mãng sương phủ dày trên sườn núi. Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Phúc trạch, chúng tôi về thăm điểm trường thôn Chày Lập một trong 4 điểm trường vùng sâu, vùng xa của trường Tiểu học số 2 Phúc Trạch, huyện Bố trạch.

 

  

 

Trên con đường ngoằn ngèo xuyên qua thôn 3 thôn 4 với những vườn cây xanh vắt qua núi đồi, lời phân trần của Bí thư Nguyển văn Hiền về những khó khăn vất vã của điểm trường này nhưng lại được bà con giáo dân gọi với cái tên trìu mến “Ngôi trường tình thương” đôi lúc bị ngắt quảng bởi những tiếng chuông nhà thờ và tiếng trống trường dội vào lèn đá báo hiệu một năm học mới đã đến của con em nghèo nơi xóm đạo.

 

  

 

Với giọng nói ấm nhưng đầy tính thuyết phục, ông Hiền chậm rải “khái quát” đôi nét tình hình địa phương: “Phúc Trạch chúng tôi có hơn 9.000 giáo dân của 5 họ đạo thuộc 2 xứ, là địa phương có giáo dân sinh sống đông nhất huyện. Với vị thế không mấy thuận lợi về sản xuất nông nghiệp, giao thông đi lại trắc trở…nên đời sống của bà con giáo dân xã Phúc Trạch nói chung, Chày Lập nói riêng gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là công tác giảng dạy và học tập. Trước đây, nhiều sinh viên sư phạm mới ra trường được điều động về địa phương công tác, chúng tôi tổ chức gặp gở, động viên, thuyết phục…rồi cũng chỉ được vài năm là tìm cách về xuôi. Còn việc vận động con em đến trường thì cả một vấn đề hết sức nan giải”. Dừng một lát, ông Hiền tâm sự: “Khi chưa có điểm trường tại thôn Chày Lập con em muốn đến trường học phải băng qua khe suối, men qua cây “cầu khỉ”, vượt qua con đường dài 5-7 km mới đến được trường Trung tâm”. Ông Hiền nói vui: “Những năm đó mấy chú lên đây công tác vài hôm chắc cũng tìm cách về thôi”. Rồi ông say sưa kể cho chúng tôi nghe không chỉ về phương pháp giữ chân giáo viên mà còn kể về một số kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo: “Chúng tôi xác định, muốn đầu tư giáo dục tốt, nhất thiết phải phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống cho bà con. Đảng bộ đã có Nghị quyết chuyên đề này, muốn xây dựng nông thôn mới phải đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo h­ướng sản xuất hàng hoá, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm; chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế trang trại, ngành nghề truyền thống... Nhờ các chương trình đó nên đời sống của đồng bào giáo dân đã có bước chuyển biến đáng kể. Rồi phong trào “Sống tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện tốt đường hướng, mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”…Ông Hiền khẳng định, trong các phong trào thi đua, chúng tôi cho rằng phong trào dạy tốt, học tốt, phổ cập giáo dục tại địa phương có sự chuyển biến mạnh và đem lại hiệu quả hơn cả. Về đội ngũ giáo viên, toàn xã có tới hàng trăm thầy cô giáo làm công tác giảng dạy qua các thời kỳ, lãnh đạo xã đánh giá cao thành tích đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học số 2 trong đó cô giáo Lê Na là một trong những giáo viên miền xuôi tình nguyện lên xây dựng điểm trường khó khăn này”…

 

Lần theo câu chuyện của Bí thư Đảng ủy, chúng tôi có mặt tại trường Tiểu học số 2 Phúc Trạch. Cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây không xa, ngôi trường 2 tầng khang trang tọa lạc trên một vùng đất bằng phẳng bên con sông Chày và một bên là những dãy lèn đá vôi cao ngất. Sân trường rộng thoáng mát với 2 hàng cây phượng với những bông đỏ rực sót lại đến mùa thu như chở che ôm trọn vườn hoa được thiết kế công phu. Thầy giáo Nguyễn Hồng Sơn- Hiệu trưởng tươi cười mời khách với món đặc sản chè xanh tươi mát như xua tan cái nóng nực ở miền núi này: “Thật quý hóa, các anh lên tận đây thăm trường, thăm thầy trò, chúng tôi cảm động lắm. Các anh thấy đó, thời tiết ở đây quá khắc nghiệt, chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập lụt. Vài hôm nữa mùa mưa về nước ngập gần đến tầng 2, dãy nhà công vụ giành cho giáo viên năm nào nước cũng lên đến nóc. Nhưng ít khi bị trôi đồ dùng vì thầy trò chúng tôi rất “giàu” kinh nghiệm chạy lũ. Có lúc trời đang nắng, thấy chớm mưa đầu nguồn, chúng tôi nhanh chóng dọn đồ lên các phòng học gác 2 bởi nước đầu nguồn về nhanh lắm, cũng lắm lúc trở tay không kịp”. Nhâm nhi ly chè xanh, liếc qua bảng phân công công tác rồi những bức ảnh trong phòng truyền thống của các thế hệ thầy cô giảng dạy qua các thời kỳ…bất chợt tôi thấy ảnh và dòng chữ nắn nót: “Cô giáo Lê Na” mà tôi được nghe Bí thư Đảng ủy giới thiệu nhiều lần nhưng chưa có dịp gặp. Thế rồi chuyện về cô giáo Lê Na, “Na bánh quy” được thầy giáo Hiệu trưởng và đồng nghiệp tâm sự nhiều.

 

  

 

“Tôi nhớ ngày Lê Na mới lên nhận công tác và được phân công giảng dạy tại điểm trường này. Ngày khai trường thì các em tham gia đầy đủ nhưng càng về sau số học sinh lớp cô làm chủ nhiệm cứ vơi dần, vơi dần. Thế là cứ sau buổi học, Lê Na lại về tận từng gia đình, gặp các em tìm hiểu lý do. Trong nhiều nguyên nhân khác nhau thì nguyên nhân chính vẫn là do bà con gặp khó khăn về đời sống, phần lớn các em bỏ học thuộc các hộ đói, nghèo…Cùng với việc vận động các em đến trường, cô tranh thủ đến từng nhà bổ túc thêm kiến thức cho những em vắng học. Cũng những lần đó cô không quên mua cho các em gói quà, tấm bánh tạo sự thân thiện, gần gũi với phụ huynh, học sinh. Mỗi khi thấy các em nhịn đói đi học, lòng cô bứt rứt không yên và từ đó với đồng lương ít ỏi của mình, mỗi lần lên lớp, trong túi xách của cô đều có những gói bánh quy chia cho các em lót dạ trước khi vào lớp. Chính vì thế mà cô giáo Lê Na với biệt danh “Na bánh quy” cũng trở thành “thương hiệu”. Từ tình cảm yêu thương và sự quan tâm đó mà lớp cô Lê Na làm chủ nhiệm không chỉ duy trì được sỷ số học tập mà số học sinh đạt tiên tiến, học sinh đạt giỏi ngày càng tăng. Ông Cao Văn Đạt thôn 4 Chày Lập là phụ huynh em Cao Thị Huê và nhiều phụ huynh khác trong những lần ghé thăm trường không giấu sự vui mừng: “Năm đó nếu cô Lê Na không chịu khó đến nhà vận động và giúp con tui thì con Huê nhà tui thất học lâu rồi. Mừng nhất là học xong Cao đẳng hắn còn được làm ở một cơ quan chi dưới huyện nữa đó. Không riêng chi con Huê tui mà nhiều đứa trong thôn ni cũng rứa, bà con ở đây cám ơn Nhà trường, cám ơn cô Lê Na nhiều lắm”. Kinh nghiệm vận động con em đến trường, vận động phổ cập giáo dục ở địa phương nghèo của cô giáo Lê Na được nhà trường phổ biến rộng rãi”… Ngoài tấm gương cô giáo “Na bánh quy”, Hằng Nga, Thúy Hường… mà thầy giáo Hiệu trưởng kể cho chúng tôi nghe có thể chuyện Y Trinh học sinh dân tộc Arem là một trong những kỷ niệm đẹp và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất…

 

Khó khăn lắm, chúng tôi mới gặp được cô giáo Lê Na bởi mấy hôm nay cô luôn dạy thay cho một đồng nghiệp bị ốm. Trong căn phòng nội trú bề bộn sách, vở, giáo án…Với nụ cười tươi trên khuôn mặt cân đối, cô giáo Na rụt rè mời khách ngồi rồi chậm rải kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm vui, buồn của nghề dạy học vùng cao: “Tốt nghiệp đại học tại Trường đại học Sư phạm Vinh (Khoa Sư phạm Tiểu học), em được phân công về làm công tác giảng dạy tại huyện Bố Trạch. Thời gian công tác chưa dài nhưng em đã trải qua 5 trường tiểu học đóng trên nhiều địa bàn khác nhau. Những năm đó, em đã đi qua rất nhiều cung bậc của cảm xúc, trải nghiệm và những kỷ niệm khó quên, cũng lắm lúc như vỡ òa trong hạnh phúc khi chứng kiến học sinh của mình đạt các giải cao trong các cuộc thi, cũng có lúc phiền lòng vì học sinh chưa ngoan và rất nhiều lần xúc động nghẹn ngào trước những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của học sinh”...

 

Cô giáo Lê Na nhớ lại: “Cách đây hơn 14 năm, thực hiện cuộc vận động của phòng Giáo dục huyện; em viết đơn tình nguyện và tạm xa ngôi trường Tiểu học thị trấn Hoàn Lão nơi em đã gắn bó 3 năm lên dạy học tại trường tiểu học số 2 Phúc Trạch; một trường miền núi đặc biệt khó khăn mà các anh, chị phòng Giáo dục huyện đã cho em biết trước. Năm đó em được phân công làm chủ nhiệm lớp 5 điểm trường thôn Chày Lập (một trong 4 khu vực lẻ của trường) với 16 học sinh trong đó 15 học sinh là con em đồng bào công giáo và 1 em là dân tộc thiểu số Arem ở Tân Trạch chuyển về, đó là Y Trinh. Trong 16 học sinh thì Y Trinh lớn tuổi hơn các bạn, em bước sang tuổi 14, bốn năm trước mẹ mất nên Y Trinh được bố cho về ở với người họ hàng tại bản Chày Lập và được dì (theo cách gọi của bé) cho đi học. Y Trinh có nước da ngăm đen, mái tóc xoắn tít ngả sang màu vàng cháy vì nắng, đôi mắt tròn lúc nào cũng phảng phất u buồn. Nhưng bù lại Y Trinh rất ngoan và chăm học, mọi sinh hoạt em như người chị cả của lớp”…

 

Trong cái nhìn xa xăm, phảng phất nét buồn, cô Lê Na nhớ lại: “Một buổi sáng tháng 12 tiết trời lạnh buốt, cái rét của miền núi như cắt  thịt cắt da, em vội thức dậy chuẩn bị nhanh công việc cho kịp đến trường. Mở cửa phòng em thấy một tờ giấy học sinh được gấp bốn cẩn thận nhét vào phên cửa phòng, em thầm nghĩ: “chắc đồng nghiệp nào đó muốn nhắn điều gì nhưng không tiện đánh thức nên đã viết vào giấy”. Cầm tờ giấy, quay vào phòng thì ra đây là một bức thư học sinh viết cho cô giáo và đó chính là lá thư của Y Trinh. Cho đến tận bây giờ những dòng  mà Y Trinh viết cho em, em thuộc đến từng chữ vì nó chỉ vỏn vẹn có mấy dòng nhưng lại chứa biết bao cảm xúc của một cô bé lớp 5”.

 

Cô Lê Na kính mến! Cô ơi…có lẽ từ ngày mai em không được đi học nữa. Em sẽ xa cô, xa các bạn mất rồi. Bốn hôm nữa bố em xuống đón em về để gả chồng cho em. Em buồn lắm cô ạ! Em không muốn xa cô, xa bạn, em không muốn bỏ học, em không muốn lấy chồng.  Kí tên: Y Trinh

 

“Những hàng chữ nhòe dần, nhoè dần trước mắt em, trời lạnh nhưng người em nóng bừng như lửa đốt. Những câu hỏi của em cứ xoay quanh trong đầu Lớp 5? lấy chồng ư? Có lẽ nào nạn tảo hôn mình hay xem trên phim ảnh nay lại hiển hửu với học sinh của chính mình. Đầu óc quay cuồng bối rối vì em chưa bao giờ gặp tình huống như thế này. Cầm lá thư trên tay, em chạy vội đến lớp mong được gặp Y Trinh để hỏi cho rõ ngọn ngành, và trống đã báo hiệu vào học mà Y Trinh vẫn chưa đến lớp. Các anh biết không, tâm trạng của em lúc đó rối bời, chẳng tập trung vào dạy được, cứ nhìn xuống chỗ trống nơi Y Trinh ngồi. Cuối buổi học, em chạy một mạch mong tìm được về nhà Y Trinh. Bên kia ngọn rào của thượng nguồn sông Gianh là nhà của dì Y Trinh, con sông không rộng nhưng khá sâu. Cầu được bắc qua sông bởi hàng chục cây tre cắm xuống và buộc chéo bằng những giây mây xoắn lại (bà con gọi là cây cầu khỉ), nếu sơ ý một chút thì không chỉ các em mà thầy cô cũng dễ rớt tỏm xuống sông. Dù hiểm nguy nhưng vì nghĩ đến trách nhiệm của mình với Y Trinh nên em cũng chẵng một chút đắn đo. Vừa men qua cầu, em nhớ lại câu chuyện thầy Hiệu trưởng kể: “Cách đây không lâu, vào mùa lũ lớn thầy giáo Bình quê ở huyện Quảng Trạch qua cầu cỏng học sinh đến trường không may trượt chân rớt xuống sông. Do nước thượng nguồn đổ về quá lớn nên mặc dù thầy là dân sông nước, bơi lội rất giỏi nhưng cũng không thể vượt qua được dòng nước lũ và thầy đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của bà con, học sinh và đồng nghiệp”…Căn nhà dì Y Trinh ở tuềnh toàng với những dây áo quần vắt ngang, vắt dọc, một bàn gỗ với cái ấm nước cũ kỹ, méo mó. Vợ chồng dì đi rẫy, chỉ có Y Trinh ở nhà với 2 đứa em nhỏ. Thoáng thấy cô, Y Trinh vội chạy đến ôm chầm và khóc nức nở…Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời lòng em trào dâng một nổi niềm cảm xúc của một người mẹ, người chị đối với người con ruột thịt của mình chứ không phải là cô giáo nó trổi dậy mạnh mẽ để bảo vệ và chở che cô học trò bé nhỏ của mình. Ôm Y Trinh vào lòng và nghe Y Trinh tâm sự với hai hai dòng nước mắt tuôn chảy: “Cô ơi…ở bản em, quê em (xã Tân Trạch) con gái 13,14 tuổi là bị gả chồng rồi, nhà em bên đó nghèo lắm. Mẹ em mất sớm, nhà không ai lo, cảnh gà trống nuôi con nên bố em buồn chán sinh ra uống rượu, nhà được cái gì ông cũng đem bán, đổi rượu hết. Tuần trước anh trai em vào rừng bị gỗ đè gãy chân…không có tiền chữa bệnh cho anh nên  bố em bắt em về lấy chồng để có đồ thách cưới... Giọng Y Trinh thổn thức ngắt quảng càng làm tăng thêm sự yêu thương và lòng quyết tâm để cứu em thoát khỏi nạn tảo hôn mà một em gái nhỏ phải gánh chịu bởi hủ tục và sự đói nghèo đang đeo đẵng nơi miền quê nghèo khó này. “Em đừng lo, khi nào bố em xuống cô sẽ đến để thuyết phục bố, em yên tâm”. Em ra về mà lòng trỉu nặng bao nổi niềm cảm thương khó tả.

 

Tại phòng nội trú, cô giáo Lê Na đem chuyện tâm sự trăn trở giãi bày và được các anh chị đồng nghiệp lâu năm, giáo viên người địa phương nói ra  mới biết đây là một trong những tập tục của dân tộc Arem; con gái 13,14 tuổi đã được gả chồng để nhận đồ “bỏ của” nhà trai. Chuyện Y Trinh học sinh lớp 5 về để gả chồng được Ban Giám hiệu nhà trường bàn bạc khá chu đáo và đề ra nhiều phương án nhằm thuyết phục bố Y Trinh thay đổi quyết định giúp em Y Trinh tiếp tục theo học.

 

“Ngày bố Y Trinh đến cũng là lúc lãnh đạo nhà trường có mặt tại nhà dì Y Trinh. Vừa mới nghe em trình bày, bố Y Trinh đã nổi nóng, chửi bới om sòm, em cùng Ban Giám hiệu lựa lời, nhẹ nhàng phân tích rằng không nên cho Y Trinh lấy chồng sớm, như vậy không chỉ thất học mà không học thì cái đói nghèo sẽ đeo bám suốt đời và còn “vi phạm pháp luật vì tảo hôn”. Lúc đầu bố Y Trinh không nghe, ông còn gặng nói: “Cả bản tui có đứa mô lấy “giôông” (chồng) mà bị phạt, bị Giàng bắt, có ai bị chết mô? Lấy “giôông” nhà tui mới có tiền “bỏ của” để chữa cẳng cho thằng “eng” (anh) hắn, nếu để vài năm nữa thì có ma rước hắn”?

 

Đợi ông nguôi giận, em nói với bố Y Trinh về nguyện vọng tha thiết của em, cũng như đưa ông xem một số bức ảnh thương tâm nguy hiểm  khi phải lấy chồng sớm, sinh nở sớm mà em đã sưu tầm được trên báo chí cùng với cuốn vở học hằng ngày của Y Trinh với những điểm 9 điểm 10. Mặc dù không biết chữ nhưng có lẽ với cuốn vở sạch sẽ, những dòng chữ nắn nót, đều đặn…khuôn mặt ông như giãn ra chững lại lộ chút băn khoăn, ông  không còn giữ thái đội hung hăng như lúc đầu mà ngồi trầm ngâm hút thuốc. Biết gia đình bố Y Trinh quá nghèo, chúng tôi hứa với ông sẽ vận động giáo viên, phụ huynh, học sinh quyên góp giúp đỡ gia đình, giúp đỡ cho anh trai Y Trinh chữa bệnh. Nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền xã Tân Trạch tìm mọi giải pháp giúp gia đình vượt qua khó khăn hiện tại, tạo điều kiện cho con em tiếp tục học tập trong đó có em Y Trinh. Hiện tại, Y Trinh là một trong rất ít con em của xã Tân Trạch được theo học đến lớp 5, và ước mơ của em là muốn tiếp tục học, học cao hơn nữa…

 

Như thấu hiệu những tình cảm tin yêu của các thầy cô giáo và lòng nhiệt tình của cô giáo Lê Na đối với học sinh, ông quay sang hỏi Y Trinh: Rứa ý mi răng? Y Trinh vừa khóc vừa nói: Con muốn đi học, con chưa muốn lấy chồng, rồi Y Trinh chạy đến ôm chầm lấy bố: Trong tiếng nức nghẹn ngào: “Bố ơi, bố cho con trở lại trường với các thầy cô và bạn bè con nghe bố con sẽ học và sau này con sẽ giúp bố và anh thoát khỏi bệnh tật, đói nghèo con cám ơn bố nhiều nhiều lắm”?. Ông vội kéo khăn mặt lau những giọt nước mắt của mình và trên má Y Trinh… Rồi 10 năm sau, Y Trinh được học trung cấp mầm non (hệ cử tuyển), sau đó không lâu đã trở thành đồng nghiệp của em. Hiện tại cô giáo Y Trinh đang đứng trên bục giảng tại quê hương Tân Trạch của mình như lời đã hứa với bố năm nào.

 

Những năm làm công tác giảng dạy tại một điểm trường đặc biệt khó khăn, phần thưởng cao quý đã dành cho cô giáo Lê Na đó là các em học sinh đồng bào công giáo, đồng bào dân tộc đều đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, trong số đó hàng chục em thi đỗ vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề. Không chỉ thế, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu “giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện” và điều vinh dự hơn là cô giáo Na được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

 

Cô giáo Lê Na bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó, đứng dưới lá cờ Đảng quang vinh, em không khỏi bùi ngùi, xúc động bởi bao kỷ niệm, vất vả, khó khăn mà em cùng các anh chị đồng nghiệp đã trải nghiệm vượt qua để vận động con em đến trường, đến lớp xây dựng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở một địa phương nghèo. Và càng xúc động hơn, phía ngoài sân trường hàng chục phụ huynh, học sinh với những bó hoa rừng chờ tặng cô giáo, trong số đó có cô học trò “cưng” Y Trinh với nắm hoa sim màu tím trên tay. Vừa kết thúc lể kết nạp Đảng viên mới, Y Trinh cùng các bậc phụ huynh, các bạn chạy ùa vào phòng ôm chầm lấy cô với những lời chúc mừng mộc mạc đơn sơ mà thấm đượm tình người nơi điểm trường yêu thương này. Với riêng em có lẽ suốt cuộc đời này mãi mãi không bao giờ quên được. 

 

Hôm nay, những tuyến đường ngoằn ngèo, đất đá lởm chởm đã được bê tông hóa, các em học sinh với những bộ đồng phục đẹp đến trường, cây “cầu khỉ” ngày nào đã được thay bằng cầu dây văng kiên cố; đời sống bà con giáo dân cũng như bộ mặt thôn Chày Lập đã từng bước khởi sắc. Thế nhưng, những hình ảnh cỏng học sinh qua cầu khỉ, những bát cháo, bát cơm, gói mỳ, gói bánh…từ các thầy, cô mang đến tận nhà giúp các em đỡ đói trong những buổi tới trường , những khuôn mặt ngây thơ còn lấm lem đầy đất bụi lúc nào cũng có nắm hoa rừng cắm trên bục giảng trước khi vào lớp…là những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng sâu sắc của những người làm nghề “gieo chữ, trồng người”.

 

Và, không riêng gì cô giáo Lê Na, Hằng Nga, Thúy Hường…của Trường Tiểu học số 2 Phúc Trạch mà còn nhiều, rất nhiều tấm gương khác đang giảng dạy tại các địa phương vùng sâu, vùng xa mà tôi đã từng gặp đó là: Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Thắm ở Trường tiểu học Lâm Thủy; Nguyễn Thị Vui xã Kim Thủy; cô giáo Lê Thị Hòa, Đinh Thị Quy, Nguyễn Hải Yến ở Trường tiểu học Trường Sơn; cô Đinh Thị Vẽ, Lê Thị Thủy ở xã vùng cao Kim Hóa…đã vượt qua mọi khó khăn vì học sinh thân yêu. Các cô thực sự là những bông hoa thơm ngát giữa núi rừng Trường Sơn, vùng cao, biên giới…

 

Tạm biệt tập thể sư phạm Trường Tiểu học số 2 Phúc Trạch, tạm biệt cô giáo Lê Na, các thầy, cô và những học trò thân yêu với mùi hương rừng thơm ngát. Chiếc xe từ từ lăn bánh ra khỏi cổng, tôi ngoái đầu nhìn lại, ngôi trường rợp bóng màu xanh khuất dần, khuất dần…Và đâu đó văng vẵng lời bài hát “Em chọn lối này” của nhạc sỹ An Thuyên. Đúng vậy, con đường em đi, con đường các cô đã chọn là đến với các em nhỏ vùng cao. Dẫu biết rằng nơi đó vẫn còn lắm gian nan, vất vã nhưng các cô đã chọn rồi?. “Chân em đi rừng nhiều đường, lắm lối nhưng em chọn lối này, em đã chọn lối này…thôi, lối ấy con chim rừng hót vang…con nai rừng lắng nghe…tiếng chày vang vang…đường của Đảng xóa nghèo và tăm tối… lối em đi…chân em đi…em đã chọn …rồi”.

Bình luận

Bài viết liên quan

Miền cao su thương nhớ...
Những ngày tháng xa nhà
Đuổi bắt bong bóng
Đuổi bắt bong bóng
Vì sao chúng ta viết

Video clip