Ký sự sông Gianh

21:07 - 11/08/2011

Sông Gianh chảy qua Cao Lao Hạ. Để hiểu thêm về con sông quê hương, xin giới thiệu bút ký "Ký sự Sông Gianh" của Nguyễn Minh Sơn đã được đăng trên langleson.com.

 

Bắt nguồn từ phía dãy núi Cô Pi cao 2.017m, sông Gianh có bốn chi lưu gồm Rào Nậy, Rào Nan, Rào Trổ và Rào Son chảy qua quãng đường dài 160km đổ ra cửa Gianh. Bạn chỉ có thể đi thuyền một nửa chiều dài đến đoạn trung lưu bởi phía thượng lưu hơn 200 thác ghềnh hiểm trở kéo dài tới đầu nguồn nước. Đó là nơi cư trú của những bộ tộc ít người nhất Việt Nam như người Sách, người Mày, Khùa, Mã Liềng, Rục...

 

Kỳ 1 - Làng bè Thanh Châu sống nhờ tông dưới đáy sông

Con đường tráng lệ

 

 

Từ cầu Quảng Hải ở huyện Quảng Trạch ngược dòng lên đến Đồng Lào, Đồng Lê huyện Tuyên Hoá, sông Gianh trải qua một quãng đường dài giữa những lèn núi đá vôi hùng vĩ soi mình bóng nước. Thiên nhiên trác tuyệt của vùng đất này được hình thành do hiện tượng karst của núi đá vôi chủ yếu thời kỳ Đại tân sinh (cách đây 65 triệu năm). Huyền thoại sinh ra từ những lèn núi dọc sông. Tương truyền xưa kia 100 con chim phượng bay đi tìm đất lập kinh đô nước Việt. Đàn chim bay tới sông Gianh, nhìn thấy 99 ngọn núi đá vôi ở làng Lệ Sơn bèn đáp xuống. Vì thiếu mất một chỗ đậu cuối cùng cho chim phượng đầu đàn nên đàn chim bay đi.

 

Làng Lệ Sơn thuộc xã Văn Hoá huyện Tuyên Hoá ngày nay đã không trở thành kinh đô nước Việt nhưng trở thành làng học nổi tiếng của đất Quảng Bình. Mỗi lèn núi đá vôi là một huyền thoại kéo dài suốt từ Lệ Sơn lên đến tận Đồng Lê như lèn Bảng có hình quan võ quan văn, hang Minh Cầm gắn với người tiền sử... Sông Gianh ở đoạn trung lưu này, có những đặc điểm không con sông nào của Việt Nam có được.

 

Theo tài liệu thuỷ văn, diện tích lưu vực sông Gianh rộng 4.680km2. Nguồn nước xuất phát từ núi đá vôi mang lại màu sắc xanh ngọc lạ lùng cho sông Gianh. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết dưới làn nước xanh bí ẩn này là cả một "thảo nguyên" lộng lẫy kéo dài suốt từ trung lưu lên đến thượng lưu. Mùa hè, đi thuyền trên sông, bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn cảnh sắc lạ kỳ dưới đáy dòng sông. Anh Phạm Ngọc Liên, quê ở xã Tiến Hoá, một người lái thuyền dọc sông Gianh phàn nàn việc đi lại khó khăn trên con sông này vào mùa cỏ mọc. Cỏ mọc kín lòng sông mấy chục cây số từ bờ bên này sang bờ bên kia làm vướng chân vịt. Tiếng địa phương ở đây gọi cỏ dưới lòng sông là tông, phân biệt với cỏ mọc trên bờ. Sông Gianh có hai loại tông chính là tông mây và tông lá. Tông mây một thân, dài như tóc xoã từ đáy lên ngang mặt nước. Khi cơn lũ đầu mùa đổ về, tất cả các loại tông đều biến mất. Sau thời điểm tết Nguyên đán hàng năm, tông trở lại chu kỳ sinh sôi nảy nở cho tới cuối mùa hè. Thảo nguyên dưới đáy sông Gianh là chốn thuỷ cung tuyệt vời của các loài cá vượt, cá xanh, cá xao, cá mát...

 

Làng tông Thanh Châu

 

Làng Thanh Châu thuộc xã Châu Hoá huyện Tuyên Hoá là trung tâm của thảo nguyên dưới đáy sông Gianh. Tông mây, tông lá ngoài việc đem lại môi trường ấm cho cá nước ngọt còn là món "ẩm thực" ưa thích cho những loài cá này. Thanh Châu trước đây không nhà không đất. Người dân nhiều đời sống trên thuyền mà tiếng địa phương gọi là nôốc. Thỉnh thoảng, người ta che lều tạm làm nơi nấu ăn hay nuôi gà, nuôi heo trên những hốc núi nhỏ ven bờ.

 

Trước chiến tranh, vạn chài Thanh Châu chỉ được trở về đất khi họ đã chết. Thanh Châu nay chỉ còn lại gần 40 hộ dân "trụ bám" trên nôốc, dựa vào "thảo nguyên" với nghề nuôi cá lồng kiếm sống. Trong chiếc lồng chật hẹp, dưới nuôi cá, trên làm nơi sinh hoạt của cả gia đình, bà Nguyễn Thị Lý (49 tuổi) than vãn: "Cả mấy đời chúng tôi chỉ trông có lỗ đất mà ở!". Nghèo đói, đẻ nhiều, thất học và rủi ro là bức tranh ảm đạm của ngôi làng heo hút giữa trùng trùng non xanh nước biếc này. Theo thống kê của dân làng, trong vòng mười lăm năm trở lại đây, có ít nhất gần 40 trẻ em trong làng chết đuối. Khi chúng tôi vào "nhà" của anh Hoàng Văn Long, cái chết tang thương của em Hoàng Văn Trọng (sáu tuổi) vẫn còn dư âm buồn bã nhưng vợ anh đã "kịp" sinh thêm một đứa con nhỏ nữa. "Tháng giêng vừa rồi tôi lên bờ đi chẻ đá kiếm ăn, ở nhà cháu rớt xuống nước chết. Khi nó chết, thằng em của nó bỏ ăn và khóc đi tìm anh mấy ngày liền!", anh Long kể.

 

Nghề nuôi cá lồng ở làng Thanh Châu thực tế chỉ đem lại nguồn lợi vô cùng ít ỏi cho người dân. Một cái lồng tre, vừa nuôi cá vừa làm chỗ ở cho gia đình giá thành hiện nay thấp nhất là 5 triệu đồng. Một lồng cá ba năm mới thu hoạch. Tính trung bình thu nhập cho một gia đình khoảng bốn, năm nhân khẩu một năm là 10 triệu đồng với điều kiện không dịch bệnh hay lũ lụt. Có người còn tính chi li hơn, bình quân nuôi một lồng cá một ngày chỉ lãi 5 ngàn đồng. Cả làng không ai học quá lớp 9. Những người trên tuổi 30 thường mù chữ. Trẻ em Thanh Châu học tới lớp 5 là "cao học" rồi! Hỏi, vì sao không đi học? Em Mai Văn Lập trả lời không có tiền học tiếp, với lại không biết học để làm gì. Năm nay 16 tuổi, Lập là con thứ 9 của ông Mai Hiệp. Học đến lớp 6 em nghỉ ngang, phụ bố nuôi cá lồng, ngày ngày ngụp lặn dưới đáy sông bứt tông mây, tông lá về cho cá ăn, đêm đêm chèo nôốc đi đơm cá đơm tôm. Giữa trời giá rét lạnh căm, Lập vẫn thản nhiên chèo nôốc lên đầu ghềnh, lặn xuống sông vớt cỏ. Lập nói, em rành đáy sông ở khúc ni lắm. Chỗ mô có tông mây nhiều, chỗ mô có hang đá hay luồn lạch em cũng "nhìn" thấy y trên bờ. Quả nhiên, đang giữa mùa tông mây tàn rụi nhưng chỉ sau mười phút ngụp lặn, Lập đã chất một góc khoang tông mây rồi nhanh nhẹn trèo lên nôốc trở về lồng cá.

 

Con thuyền đưa chúng tôi ngược dòng sông Gianh nước xanh màu ngọc. Nhìn xuống đáy sông, lơ thơ những đám tông mây cuối mùa uốn lượn theo dòng chảy. Những đứa trẻ con làng Thanh Châu trèo ra lồng cá đứng vẫy tay theo í ới. Chúng tôi tự hỏi, không biết bao giờ những đứa trẻ này sẽ rời xa cái thảo nguyên xanh dưới đáy dòng sông tuyệt đẹp nhưng buồn bã này...

Kỳ 2 - Tộc người sợ ma ở bản Hà Vi

SGTT - Hà Vi thuộc xã Dân Hoá huyện Minh Hoá. Đứng ở Tây Trường Sơn nhìn xuống, thượng nguồn sông Gianh như một con rắn trườn mình hun hút dưới khe sâu. Hà Vi lúp xúp những mái nhà sàn tựa lưng vào núi ngó xuống sông. Đó là quê hương của người Khùa, một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam.

 

Một góc bản Hà Vi, quê hương của người Khùa

Chúng tôi xuống Hà Vi vào ban đêm. Ông Hồ Thoong lục đục rang cốm, nướng sắn, nấu món a ching – a boong bằng cá nguồn và cột rượu cần đãi khách. Nhiều người trong bản xúm lại bên bếp lửa, uống rượu nói chuyện râm ran. Men ngà ngà say, chuyện trên rừng dưới suối, chuyện bẫy chim bẫy chuột… hào hứng. Không khí bừng bừng.

Ma quỷ ở quanh ta

Thấy thời điểm chín muồi, chúng tôi mới hỏi chủ nhà: Bố à! Bố sợ ma không? Đột nhiên gương mặt ông Hồ Thoong khựng lại. “Ồ! Ma à? Sợ lắm! Hồi nhỏ sợ hơn. Giờ bớt sợ nhưng đi đêm hay đi rừng một mình cũng không dám. Bố gặp đã một lần. Kinh lắm! Bữa đó đi làm chà kép (bẫy chuột rừng – NMS) một mình. Tự nhiên nghe cái gì đó lành lạnh, to to, nặng nặng đè lên cổ. Cái đầu hắn phình to ra, hai chân hắn nặng trịch không nhấc nổi. Muốn mở miệng ra kêu nhưng mở không ra. Người cứ khuỵu xuống lần lần. Tai vẫn nghe hắn hú, hắn khóc y con nít… Sợ ngất luôn. Tưởng chết!” Kể xong, ông Hồ Thoong cười ngây ngô như trẻ con. Những người Khùa ngồi nghe, thất thần há hốc miệng. Không khí đang vui tươi chợt đặc quánh, lặng người. Ma, chính là câu chuyện nhạy cảm nhất của tộc người này.


 

Người Khùa chỉ có gần 3.000 người, sống chủ yếu ở bản Hà Vi và bản Lòm, thượng nguồn sông Gianh. Thế giới quan của người Khùa bao phủ bởi ma. Trên rừng có ma cây, ma chồn, ma cọp, ma heo rừng, ma mang, ma nai… Dưới sông có ma đá, ma cá, ma cua, ma da, ma ốc… Quanh nhà có ma chết cây đè, ma bệnh, ma lai, ma trâu, ma bò…

 

“Lai vô ảnh, khứ vô hình” nhưng ma thống trị toàn bộ thế giới tâm linh người Khùa. Dân tộc này không bao giờ thờ phụng người chết. Người qua đời, lập tức được “quy” thành ma. Họ rất sợ hãi người chết. Trong bản, trong nhà có người chết, họ sẽ đưa ra rừng ma chôn nhanh chóng, không bao giờ dám để lâu. Khu rừng ma của bản Hà Vi nằm ở Y Leng. Nài nỉ mãi, ông Hồ Thoong mới dám đưa chúng tôi tới rừng ma. Mộ người Khùa không đắp nấm, chỉ có một mảnh đất bằng, xung quanh trồng chuối, trồng cau, cam quýt y vườn nhà. Người ta gọi đó là vườn của ma, cây trái trĩu quả nhưng không ai dám hái ăn. Nghi thức tìm huyệt mộ của người Khùa đơn giản. Một ông thầy cúng đi theo thi hài người chết, cầm mấy quả trứng gà. Hễ thả quả trứng xuống chỗ nào không bị vỡ, họ sẽ đào huyệt ngay địa điểm đó bởi đó “con ma muốn nằm chỗ đấy”. Chôn xong, tất cả mọi người sợ hãi la khóc om sòm, cắm đầu cắm cổ la chạy về nhà một mạch không bao giờ quay đầu lại. Lễ cúng ma mới diễn ra trong ba ngày đầu. Người ta mang thức ăn đặt góc nhà cho ma mới. Sang ngày thứ ba, chủ nhà vái xin ma cũ cho ma mới được vào rừng ma để ở, sau đó không còn thờ cúng gì nữa.

 

Theeng theeng bên cây cột ma xó ở nhà cụ Hồ Khôn

Đám cưới ma


Trong tất cả các loại ma, người Khùa tôn trọng nhất con ma xó. Cụ Hồ Khôn năm nay 99 tuổi, tộc trưởng ở Hà Vi. Tộc trưởng của người Khùa đồng nghĩa với việc phải thờ ma xó trong nhà. Nhà sàn người Khùa chia làm nhiều ngăn. Cây cột góc nhà, ngăn xa bếp lửa nhất chính là cây cột ma xó, dành cho chủ nhà, tộc trưởng ngủ. Người Khùa quan niệm những người thân quen, ông bà cha mẹ, con cái họ hàng, khi chết đi sẽ trở thành ma xó, lẩn quất quanh nhà, quanh bản. Đàn bà con gái tuyệt đối không được bước vào ngăn ma xó. Cột ma xó còn gọi là tanul sen, là nơi cầu nguyện ma xó mỗi khi có điều chẳng lành đến với cuộc sống họ. Tuỳ theo suy nghĩ của từng người, tanul sen sẽ khác nhau. Chỉ giống nhau một điểm là trên tanul sen đều phải có một cái theeng theeng. Theeng theeng đan bằng tre, trên có một mảnh lá môn, một túm củ kiệu, một củ gừng. Buồn, vui, cay đắng trong đời, chủ nhà đều có thể một mình ngồi trong đêm “thổ lộ” tâm tình với tanul sen và theeng theeng. Khách lạ đến nhà người Khùa, vô ý đá chân vào tanul sen, hay có hành vi xúc phạm, sẽ bị phạt nặng. Mỗi năm, vào mùa lúa mới, theeng theeng sẽ được thay một lần.



Khi chúng tôi hỏi đã cưới vợ chưa, ông 99 tuổi cười rất vui, bảo vừa cưới! Trong đời một người đàn ông Khùa, nhất thiết phải tổ chức lễ cưới vợ đúng ba lần. Lần đầu tiên chàng trai đi cướp vợ vào lúc 3 – 4 giờ sáng. Cướp được vợ rồi, làm một cái lễ giản đơn gồm gà, rượu tới nhà bố mẹ vợ “tạ tội”, coi như lễ cưới đầu. Lễ cưới thứ ba mới là lễ cưới quan trọng nhất trong đời. Chú rể lúc đó đôi khi đã có tám, chín đứa con, chân bước không còn vững nữa. Họ sẽ chính thức thành vợ chồng sau lễ cưới này khi cả làng được ăn heo, uống rượu cần. Nhiều người, tới khi chết vẫn chưa tổ chức được lễ cưới chính thức này vì điều kiện kinh tế. Trách nhiệm cưới vợ cho “ma” thuộc về con cháu. Đám cưới cho “ma” còn vui và long trọng hơn đám cưới người sống bởi lúc đó “ma” đã có con đàn cháu đống!

Dù tiếp xúc với nền văn minh đã lâu rồi, nhưng người Khùa vẫn tin ma hiện diện khắp nơi trong đời sống của họ như vậy. Đó là một dân tộc thông minh, mơ mộng, hồn nhiên và hiếu khách. Đàn bà rất giỏi câu cá, đàn ông đan lát rất khéo tay. Họ sống trong những ngôi nhà sàn bên cạnh đầu nguồn nước sông Gianh…


Kỳ 3 - Những người lá vàng

SGTT - Những đứa trẻ tóc cháy nắng, da đen nhẻm, chân đất, trần truồng, thấy người lạ hoảng sợ bỏ chạy biến. Đôi mắt hai phần ba tròng trắng thập thò bên cửa sổ nhà sàn. Con đường vào bản Cà Ai hun hút trong hẻm núi dưới chân mây. Đứng từ bản nhìn lên, dãy Giăng Màn như bức tường thành vĩ đại trước mặt làm biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào.

Bản Cà Ai của người lá vàng

Cà Ai là bản cuối cùng ở thượng nguồn sông Gianh, xứ sở của người Mày hay còn gọi là dân tộc lá vàng với dân số ít ỏi 290 người. Trước đây, người Mày sống lang thang trong những cánh rừng dưới chân dãy Giăng Màn. Ði tới đâu, họ phát rẫy tới đó. Rẫy chỉ làm một vụ rồi bỏ đi.

Lẽ sống giản đơn

Người Mày trong quá khứ không nhà không cửa, chỉ có túp lều trên nương. Những chiếc lều nhỏ ban đêm làm nơi trú ẩn chỉ vừa hai ba người chui vào, lợp bằng lá chuối rừng hoặc lá tro. Khi lá xanh trên mái lều ngã sang màu vàng, người Mày lập tức bỏ đi nơi khác. Trong vòng đời của một người Mày không thể tính hết những chiếc lều lá vàng như vậy. Người ta “kỵ” lá vàng vì liên quan đến sự chết. Lá xanh ở, lá vàng đi kéo dài trong suốt cuộc đời của họ và cho tới tận bây giờ. Cuộc sống du cư như vậy đã hình thành một triết lý giản đơn trong đời sống của họ. “Lá tro, mo chẹo, chân chụm bếp, miệng nhai trầu chệch choạc. Thế thôi cũng qua một đời”. Gặp bất cứ người Mày lớn tuổi nào bạn cũng có thể nghe họ nói về câu thành ngữ này. Lá tro là thuộc họ cọ dùng để lợp lều, vỏ cây chẹo đóng khố mặc… Hạnh phúc nhất của người Mày là ăn trầu, uống nước chè, hút thuốc lá và uống rượu đoát. Ðã là người Mày phải nghiện nước chè, thuốc lá. Trẻ con sinh ra, lớn lên chừng bốn, năm tuổi đã biết hút thuốc lá, bất kể là con trai hay con gái.

 


Ðại uý Ðặng Văn Lê thuộc đồn biên phòng Cha Lo dẫn đường cho chúng tôi vào bản Cà Ai. “Mười mấy năm trước, người Mày sống du canh du cư trong những thung lũng đầu nguồn suối Cà Ai. Họ đóng khố vỏ cây, làm lều lá vàng, rẫy ở đâu người ở đó. Mình phải vận động dữ lắm, cấp gạo cho họ ăn, làm đường đi, nhà ở họ mới chịu xuống đây định cư”, anh Lê nói. Thế nhưng, thói quen canh tác của người Mày vẫn không thay đổi. Họ thích vào rừng hàng tháng trời, sống quen trong những chiếc lều lá xanh cho tới lá vàng, đào củ môn, bẻ măng, bắt cá để ăn, làm rượu đoát để uống. Buổi trưa trong bản Cà Ai vắng tanh. Người lớn đi rừng hết. Những người đàn bà địu con lên rẫy muộn thập thững trên đường, sau búi tóc kẹp một bịch thuốc lá to tướng. Thấy chúng tôi giương máy ảnh, họ thét lên kinh hãi bỏ chạy. Cộng đồng người Mày sống thu mình khép kín nên thường  hốt hoảng khi gặp người lạ. Phần lớn họ không nói được tiếng Kinh. Ðồn biên phòng Cha Lo cử hẳn một tổ công tác cắm ở bản Cà Ai để giúp đỡ dân làng về mọi mặt.
Hồn nhiên như cây cỏ

Đàn ông, và cả đàn bà người Khùa nghiện thuốc lá từ lúc lên 4, lên 5


Trong quá trình du cư, tổ tiên người Mày đã để lại cho đời sau kinh nghiệm về những cây lương thực tự nhiên giữa những cánh rừng bát ngát. Cây đoát ngoài việc đem lại chất men nồng cho người Mày còn sản sinh ra một loại thực phẩm đặc biệt đó là con nhộng nhúc. Ðàn ông Mày buổi tối thường không cần ăn cơm hay ăn củ. Họ chỉ cần uống rượu đoát nhắm với nhúc để xua đi mệt nhọc và cái đói. Dưới chân dãy Giăng Màn, dọc theo những con suối đầu nguồn vách núi đá vôi là xứ sở của rừng đoát. Người ta đục vào thân cây một cái máng nhỏ, dùng ống tre bắt vào cho nước từ thân chảy ra, lên men bằng vỏ cây chuồn qua một ngày hay một đêm có thể mang ra uống như một thứ rượu tự nhiên. Sau một tháng cho rượu từ thân cây, trong máng sẽ tự sinh một loài sâu lớn hơn con tằm gọi là nhúc.



Thiên nhiên còn ban tặng cho bộ tộc nhỏ bé giữa đại ngàn này một loại cây thân gỗ vĩ đại khác dùng để làm lương thực. Mùa hè, người Mày đi vô rừng tìm cây nghèn để lấy bột đông như hội. Tất nhiên không phải cây nghèn nào cũng cho được lương thực. Người ta phải dùng rìu, chặt thử vào từng thân cây nghèn. Cây nghèn đúng độ tuổi, chặt sâu vào khoảng mười phân, từ thân cây đổ ra một loại bột màu ngà. Bột nghèn được gói vào trong một cái túi làm bằng vỏ lụa của cây rừng. Bột nghèn được chế biến bằng cách nấu một nồi nước nóng trên có gác thanh củi. Họ dùng cái túi bột đập liên tục lên thanh củi. Bột mịn từ túi bay ra gặp nước nóng đông lại thành bột, ăn rất ngon.



Già làng Cao Xuân Xiêm của bản Cà Ai cho biết, phụ nữ người Mày khi mang thai được chồng dựng riêng một túp lều ngoài rừng để làm nơi sinh nở. Họ rất kiêng kỵ việc trẻ con được sinh ra trong nhà và trên sàn. Ðứa trẻ phải lọt lòng ở dưới mặt đất. Trước đây, thai sản phải ở trong lều ngoài rừng một tháng, nay phong tục đã “giảm” còn nửa tháng. Trẻ con sinh ra đúng ba ngày, bất kể mùa đông giá rét hay mùa hè nắng nôi đều được đưa xuống suối tắm mỗi ngày một lần cho tới khi nó lớn lên. Những đứa trẻ ở đầu nguồn nước sông Gianh này ba, bốn tuổi đã biết bơi, bắn cung và bẫy chuột. Khi người Mày ốm đau, họ mời thầy cúng về đuổi con ma và cầu xin thần linh phù hộ cho người ốm. Trường hợp bệnh quá nặng, sau lễ cúng toàn bộ con cháu phải nằm ngoài trời phơi sương ba đêm với quan niệm thần linh sẽ “thấy” và cảm động giúp cho người bệnh.
 


Khi chúng tôi vào nhà anh Cao Xuân Ðức, vợ anh vừa sinh được 20 ngày, anh đang ốm nhưng tự sắc một loại rễ cây để uống và anh nói “thuốc của trạm xá sao bằng rễ cây này”. Trong ý thức của người Mày, họ vẫn luôn tách mình ra khỏi thế giới văn minh để sống tự nhiên giữa thiên nhiên hoang dã bằng những kinh nghiệm truyền đời của mình.

 

Kỳ cuối - Cây cỏ máu bí truyền của người Rục

 

SGTT - Cao nguyên Quy Đạt phía Tây Quảng Bình làm đường phân thuỷ giữa Rào Nậy và Rào Son trước khi đổ về sông Gianh. Hệ thống núi đá vôi thượng nguồn Son do hiện tượng karst nên hình thành nhiều hang động. Rục có nghĩa là hang, còn dùng để chỉ một nhóm nhỏ của tộc người Chứt sống ở vùng đất này.

Thần dược rệt cun tang được người Rục bản Mò O Ồ Ồ lấy về bán sang Trung Quốc

Ngày 12.8.1959, công an biên phòng Quảng Bình bất ngờ nhìn thấy những người tóc dài, đóng khố vỏ cây hoặc loã lồ sống đơn lẻ ở vùng núi đá vôi thuộc huyện Minh Hoá y người tiền sử. Đầu năm 1960, họ tìm thấy một cửa hang động. Thông qua một vị “thuyết khách” người Sách, công an biên phòng thòng dây trèo vào hang, bắt gặp 11 gia đình tổng cộng 34 người, thuyết phục họ rời hang xuống thung lũng làm nhà ở.

Quá khứ trong hang

Trong quá khứ, lương thực chính của họ là bột cây nhúc và món bồi làm bằng sắn giã nhuyễn trộn với ngô. Việc tìm thấy người Rục không phải là một phát hiện về xã hội học. Thực ra người Rục là một nhóm thuộc dân tộc Chứt, đã từng được hai nhà nghiên cứu người Pháp là A. Cheon và Th. Guignard miêu tả hồi đầu thế kỷ trước: “Họ hết sức nhút nhát, hễ thấy người lạ thì lập tức lẩn trốn. Họ không có áo quần, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây sui, ngủ chung lẫn lộn trong hang. Họ ăn bột cây nhúc và săn bắt tôm cá, thú nhỏ trong rừng”. Thức ăn truyền thống của người Rục ngày xưa còn có cả thịt khỉ, vốn là động vật có rất nhiều ở vùng núi đá vôi này.



Đúng 50 năm kể từ ngày phát hiện ra người Rục, mùa hè vừa qua, tại bản Yên Hợp mới có vụ lúa mùa đầu tiên, thu hoạch được bốn tấn nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng. Cuộc trường chinh rời hang đá của người Rục kéo dài bởi tập quán cũng như thói quen định cư và canh tác. Từ đường Hồ Chí Minh vào bản Mò O Ồ Ồ dài 14km đã được làm bằng bêtông. Mò O tiếng Rục nghĩa là nguồn nước, có 57 hộ dân, 250 khẩu chính là bản Rục đầu tiên được định cư từ năm 1971. Tuy nhiên, chỉ cách đây 15 năm khi Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng nhà kiên cố thì người Rục mới về ở hẳn làng này trong thời gian không có vụ mùa trên rẫy.



Thói quen đi rừng, ngủ hang đã ăn sâu vào máu của người Rục đến mức hiện nay khi làm rẫy, ban đêm ở lại rừng họ vẫn chui vào hang ở như thường. Trung uý Trương Công Lương, chiến sĩ đồn biên phòng Mò O Ồ Ồ cho biết, hiện nay, người Rục có khoảng 600 người sống tập trung tại các bản Ón, Yên Hợp, và Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hoá huyện Minh Hoá.

Rệt cun tang

Cao Khương năm nay 34 tuổi, người Rục ở bản Ón đưa chúng tôi đi tìm hang Ca Rung, hang đá mà phần lớn người Rục ở bản này ra đời, lớn lên tại đó. Hang Ca Rung nằm ngay trên đường vô rẫy của bản, chỉ cách một con suối, lội bộ chừng nửa tiếng đồng hồ. Chúng tôi vào một cửa thấp trong ba cửa ra vào của hang. Lòng hang rộng rãi, nhiều đoạn có nắng rọi từ lỗ thông lên đỉnh núi xuống sáng trưng. Cao Khương hào hứng nói: “Em sinh ra ở đây, lớn lên ở đây. Hồi đó cả bản ở hang này”. Hồi đó, thực ra chỉ cách đây mười mấy năm, trong hang vẫn như còn ấm hơi người. Trên vách, nhiều chỗ trẻ con dùng than vẽ những hình thù của thú rừng, nét vẽ ngây ngô. Cao Khương mang theo một cây cung và sáu mũi tên, nhanh nhẹn trèo lên một ngách nhỏ tối om của hang. “Phựt!” một phát. Tiếng đàn dơi túa ra bay vù qua mặt. Dơi cũng là một món ăn ưa thích của người Rục trong mùa đông. Họ sấy thịt dơi, cất trên những ngách đá trong hang để ăn dần. Khi chúng tôi hỏi, ở trong hang đá, không khí lạnh lẽo ẩm thấp như thế này làm sao chống chọi được bệnh tật, Cao Khương tỏ ra vẻ hoài nghi ngay. Điều đó liên quan đến hai bí mật lớn nhất của người Rục: rệt cun tang và già ràng ông ống.

Hang Ca Rung, nơi ở cũ của người Rục bản Ón

Người Rục sinh ra trong hang, uống nước suối, ăn thịt chuột thịt dơi, gặp bệnh tật hoàn toàn dựa vào già ràng ông ống. Già ràng ông ống tương tự thầy mo, biết gọi hồn người, ru ngủ ma quỷ bằng các hai ống nứa lớn nhỏ ràng vào nhau và lời chú bí hiểm “ớ mút cà tét, mút cà cà tui, mút cà chen, mút phen, cù cu, bản thổ…” Già ràng ông ống được coi là người có năng lực siêu phàm, chế ngự thần linh ma quỷ. Vai trò của con người này giờ đã giảm bớt khi người Rục rời hang định cư và có sự trợ giúp của chính quyền về mặt y tế. Tuy nhiên, người ta vẫn tin tưởng hoàn toàn vào một thứ thần dược bí truyền của họ đó chính là rệt cun tang. Cun tang hay còn gọi là cây cỏ máu, mọc ở rừng sâu. Từ các bản người Rục hiện nay, muốn đi đào rệt (rễ) cun tang phải mất một ngày đường.



Gọi là cây cỏ tuy nhiên cây tang là một loại thân mộc to lớn, rễ cây nằm sâu dưới đất to bằng bắp chân. Người Rục đào rễ cây này lên, phủi sạch đất, nướng trên bếp lửa rồi chặt ra nấu nước uống hàng ngày thay cho nước chè. Nước rệt cun tang hơi có vị chát, đắng, hậu ngọt và có màu đỏ như máu nên người Rục tin tưởng nước rễ cây này sẽ thay máu trong cơ thể, chống lại mọi bệnh tật. Khi chúng tôi vào bản Mò O Ồ Ồ, từng đoàn người dân đổ xô vào rừng đi đào rệt cun tang. Trên con đường làng, một đống rễ tang chất ngất đợi sẵn chờ xe của lái rễ cây vào để chở đi bán sang… Trung Quốc!



Anh Hồ Văn Bốn (44 tuổi), chân nam đá chân chiêu trên đường, vai vác bó rệt đi bỏ mối nói: “Ồ! Rễ cây này tốt lắm. Nhờ nó mà mình sinh được năm đứa con mạnh khoẻ. Trước đây người Rục mình không bao giờ cho ai biết loại cây này nhưng nay túng quá, phải đi đào rệt cun tang về bán, kiếm ít tiền mua thêm thức ăn và uống rượu!”. Nói xong anh cười ngơ ngác. Đôi bàn chân quen ngồi hang đá còn lại dấu tích một thời với ngón chân cái xoè ra. Buổi trưa, bóng người đổ thẳng xuống đường. Từ dưới bản Mò O Ồ Ồ nhìn lên những ngọn núi đá vôi cao vút, có cảm giác như đang đứng dưới đáy một cái hang khổng lồ, miệng hang tiếp giáp với trời xanh…

Tác giả : Nguyễn Minh Sơn

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip