Ký ức lại về từ một bài thơ

22:20 - 24/10/2015

Tuỳ bút của anh Lưu Văn Quỳnh nhân kỷ niệm 5 năm thành lập trang caolaoha.com

 

Văn chương kị nhất là sự lặp lại, dù lặp lại mình.

 

Biết vậy nhưng càng gần ngày kỉ niệm năm năm khai trương trang web caolaoha.com và ba năm đến với trang báo làng, trong tôi lại dâng trào bao cảm xúc thôi thúc tôi cầm bút để ghi lại những tình cảm chân thành, sâu lắng với quê hương, bè bạn, với trang báo làng ta.

 

Thời gian trôi qua nhanh thật. Mới đó dã ba năm. Ba năm rồi tôi vẫn như nghe rõ mồn một những lời chân tình, nồng ấm đầy sức thuyết phục của anh Lê Quang Quý và Lưu Đức Hải trên chuyến xe hôm đó:

 

     - Làng ta có trang báo khai trương đã hai năm. Anh là dân văn chương, nghỉ hưu rồi, tham gia với chúng tôi đi. Vui lắm!

    - Lưu Đức Hải thì bảo: Tham gia với chúng em, anh được giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Được gần gụi quê hương. Mà mới ngoài sáu mươi, anh sẽ làm gì với bốn chục năm còn lại. Tham gia với chúng em, cũng là được góp phần công sức trí tuệ giúp quê đó anh. Anh không muồn sao?

     - À… ừ  muốn thì muốn lắm, nhưng đến mở máy vi tính anh còn chả biết, nói chi đến viết bài mà kết nói giao lưu.

 

Nói vậy nhưng tối đó tôi không sao ngủ được. Lòng dạ cứ bồn chồn, thao thức, trăn trở mãi không thôi. Lời của Lưu Đức Hải cứ văng vẳng bên tai như giục giã tôi chẳng thể đừng được“….  Nhớ từ ngày cha mẹ lau nước mắt tiễn con qua bến đò ngang trong tiếng gầm rú của máy bay Mỹ đến nay đã gần nửa thế kỉ  xa quê.

 

Không biết rồi còn được mấy phần của bốn chục năm còn lại như Lưu Đức Hải nói, nhưng mình sẽ đến với caolaoha.com để được giao lưu, gặp gỡ bạn bè, để được góp phần công sức, trí tuệ cho quê. Cũng là được đền đáp công ơn to lớn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ nuôi mình khôn lớn. Lòng tự dặn lòng như vậy 

 

Thế rồi tôi đến với caolaoha.com bằng việc nhờ anh Lê Quang Quý viết đôi dòng giới thiệu trình làng bài thơ CHÍN NHỊP CẦU GIANH. (xem tại đây )

 

Thật không ngờ! Vừa đăng tải trên trang báo làng lúc 6:10 ngày 3-5-2012, chỉ hơn tiếng sau bác TruongLuu CaoLao và nhiều anh em, bè bạn đã có lời bình động viên, khích lệ rất xúc động.

 

Như nắng hạn gặp mưa rào, lòng xốn xang, rạo rực. Tôi mong có dịp để lại được về quê. Để những kỉ niệm của thời thả trâu Cồn Cui, Bàu Mật, lên đỉnh Thầy Bói hái sim, kỉ niệm một thời đạn bom, dưới hầm sâu với ngọn đèn dầu le lói ôn bài, đọc sách…Để rồi lớn lên. Để rồi đi xa. Để rồi mỗi dịp trở về bao kí ức lại ùa về trên từng trang viết. Thật chẳng khác chi tâm trạng của nhà  thơ Chế Lan Viên trong bài Tiếng hát con tàu:

 

 “Được về với QUÊ HƯƠNG như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa,

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.”

 

Và hôm nay, khi Ban biên tập và Lãnh đạo xã đang rậm rịch chuẩn bị chương trình kỉ niệm 5 năm trang web ra đời, tôi không sao quên được buổi gặp mặt hai năm trước ở khách sạn Hà Nội bên cầu Nhật Lệ.

Hai năm rồi chẳng biết có ai đã nghe, có ai còn nhớ lời khai mạc của anh Lê Chiêu Phùng hôm ấy:

 

“Kính thưa các vị đại biểu. Thưa anh chi em cộng tác viên và tất cả bà con: Chương trình của chúng ta hôm nay, như thường lệ: Có khai mạc, báo cáo tổng kết, có phương hướng hoạt động. Có văn nghệ và có cả liên hoan tiệc tùng ở phòng bên. Nhưng mong bà con thông cảm: Hát khẽ thôi. Tiệc tùng cũng đơn giản thôi. Ở ngoài kia, bà con quê mình và có anh chị em ở đây cũng vừa bị bão lụt tàn phá nặng nề. Cửa nhà, vườn tược tan hoang”. Cả  hội trường lặng lại như nghe rõ tiếng thình thịch trong mỗi con tim. Nghe rõ cả tiếng rì rào của sóng biển ngoài kia vọng lại.

 

Riêng tôi, ngoài niềm vui, nỗi buồn chung đó còn có cả sự lo âu đang kìm nén trong lòng. Ở ngoài kia, quê vợ: Đứa cháu bị tai nạn giao thông, vừa qua cơn nguy kịch, không biết hôm nay có điều chi nguy biến bất thường mà lòng dạ cồn cào, nóng rát không yên. Ngồi bên tôi, người vợ đang vịn chặt mép bàn kìm cơn rét run người mỗi khi gió biển thổi vào.

 

Gượng nói, gượng cười, …cũng là để góp chút vui cho trang báo làng ta vừa qua cái thời sài đẻn.

 

Cơm nước xong. Chưa kịp tan cuộc tiệc tùng, tôi vội cáo từ lên xe ra bắc vì lo vợ ốm…

 

Vừa qua Đèo Ngang, bác Lưu Quang Vinh điện hỏi: Anh Quỳnh ơi chị răng rồi?

 

Đến Vinh, hết Hòa Liễu lại Phùng Hà chuông reo liên tục: Anh ơi, chị hết sốt chưa?

 

Thanh hóa, Lưu Đức Hải từ Hà Nội gọi vào: Eng ơi, eng phải chăm sóc ả du iêm cẩn thận nghe. Eng mần chi được cho quê miềng 75 phần trăm công của ả du đó. Từ nay cho iêm gọi tên ả du là ả 75 nghe!

 

Tôi cố vui đùa lại: Không phải ả 75 mô, mà ả 99 mới xứng iêm nờ!

 

Một giờ sáng ngày…. về đến nhà. Vừa bước vào cửa phòng ả 99 đã đổ ập xuống giường, sốt run cầm cập. Tôi hốt hoảng  lôi vội chiếc võng xếp Duy Lợi ngồi xuống bên giường. Vừa xoa mặt, bấm huyệt cho vợ vừa suy nghĩ miên man…

 

   - Thế là mấy tuần rồi. Hết theo cháu viện này viện nọ, nay lại theo chồng về quê. Bao đêm mất ngủ, bao ngày lo toan mới ra nông nỗi này. Ngộ nhỡ có việc gì…thì thật ân hận vô cùng. May thay mấy chục phút sau nhịp thở đã đều, giấc ngủ yên lành đã đến và tứ bài thơ LỜI RU BÊN CÁNH VÕNG cũng đã hình thành. (Xem tại đây ). Sáng ra tôi vội vàng chép lại với tâm niệm chỉ viết cho riêng mình.

 

Nghĩ thế nhưng đến ngày 8-3 năm sau trang báo làng chưa có bài để tôn vinh hình tượng cao đẹp của người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, hết lòng vì chồng con…tôi đành thất hứa với mình gửi bài LỜI RU BÊN CÁNH VÕNG đến Ban biên tập. Bài thơ được bạn bè yêu thích. Đặc biệt bác TruongLuu CaoLao có lời bình tâm đắc:  “ Nhưng có lẽ cái trân quý, cái thổn thức trong bài thơ là cái khác. Nó sâu đậm hơn. Nó ân nghĩa hơn. Nó làm cho anh như người mắc nợ”.

 

     -Vâng, tôi là người mắc nợ. Không chỉ mắc nợ người vợ thân yêu, mắc nợ quê hương, mắc nợ bạn bè, mà còn mắc nợ caolaoha.com nhiều lắm

 

Thật không ngờ ba năm đến với trang báo làng, tôi đã “nậy lên” nhiều thế.

 

Không chỉ được giao lưu, gặp gỡ, ba năm đến với caolao.com - dù chỉ là trang báo làng, nhưng với trách nhiệm của người cầm bút - phải viết sao cho hay, cho đúng đã thôi thúc tôi tự học tự rèn để lớn lên, tiến bộ trong từng comment, trong từng bài viết. Cả trong ứng xử của cuộc sống hàng ngày.

 

Ba năm đến với caolaoha.com, biết bao nhiêu bận đi về. Mỗi lần gặp nhau được anh, bạn bè bạn vui mừng, chia sẻ. Thật chẳng có niềm vui nào bằng. Chỉ riêng với một bài thơ Lời ru bên cánh võng mà biết bao tình cảm trìu mến, thân thương .

 

Vui tính,hài hước như Lê Chiêu Lĩnh thì bảo: “Anh Quỳnh ơi, đọc thơ anh con trai làng Hạ rất thích nhưng cũng giận anh nhiều lắm. Từ ngày biết bài thơ của anh, các bà vợ chúng em thường hay so sánh: Đấy anh Quỳnh đi ra ngoài ru vợ hay và cảm động như rứa, các anh ở nhà thì chỉ giỏi ru vợ người.”

 

Dễ xúc động, mủi lòng như các chị em Lưu Hoa, Thu Hà thì thật thà chia sẻ: Anh ơi, trong thơ anh viết:                     

 

Thương quê chồng bão giông, lũ giât

Nén nỗi đau ngoài này, em bươn bả vào thăm.

Nỗi đau ngoài này là nỗi đau chi, có thiệt không?

 

Chi chút, cẩn trọng trong từng câu văn, trong từng khuôn hình như Đặng Văn Quang thì hoài nghi căn vặn: Anh ơi, chắc đây là chuyện hư cấu văn chương, thơ phú, chứ mỗi năm mấy ngày đi phép mà chị hết “theo cha leo dốc hòn Am, rồi “nắng chang chang theo mẹ ra đồng” lại “Nước giếng Mây nón vục lên quá nửa”…

 

Chao ôi, đã gần ba năm. Từ khi  “Lời ru bên cánh võng” đăng tải trên caolao.com, mỗi bận về quê được bạn bè nhắc lại, tôi càng thêm bồi hồi thao thức về những sự việc và cảm xúc rất thật trong bài thơ. Thật từ tên bài. Mới đọc qua  nghe tưởng chừng mơ mộng như thơ, như  mô phỏng cả tên ca khúc BÀI CA BÊN CÁNH VÕNG của nhạc sỹ Nguyên Nhung. Nhưng đó là những sự thật, rất thật như tôi đã viết. Có những sự thật còn ngồn ngộn, tươi nguyên như mới hôm qua, nay lại có dịp ùa về mà tôi không sao ngăn được.

 

Ví như chuyện nhà bác tôi có vệc. Nàng dâu tỉnh Đông được tín nhiệm lo bếp núc, cỗ bàn. Nói cỗ bàn cho oai, thực tình chỉ một con gà, quả mít xanh, cùng vài quả đu đủ và ít tôm. Thế là có ba mâm thịnh soạn được dọn ra. Các ông, các chú đã phủi chân, vào chiếu. Các mệ, các dì cứ luẩn quẩn vào ra. Thấy lạ nàng cháu dâu lên tiếng :

 

    -Mời các mệ, các dì vào thôi ạ

 

Các mệ vẫn nhìn nhau…Tưởng như các mệ không nghe, cô cháu dâu giục thêm lần nữa :

 

    - Nào con mời các mệ, các dì vào thôi. Để lâu nhiều ruồi quá. Mệ Chánh cao tuổi nhất, cười ngặt nghẽo, bảo:

    - Ôi tề! Rứa thằng Quỳnh không nói cho mi biết tục lệ làng miềng ư con. Đợi đàn ông ăn xong, khi mô cất dọn thì đàn bà, con cấy mới được ăn sau con nờ..!

 

Cô gái tỉnh Đông tròn xoe đôi mắt, hỏi lại :

 

    - Có thiệt thế không mệ?

- Thiệt rứa đó con.

    - Nếu thế thì từ nay về làm dâu làng mình, cháu sẽ phá tục lệ bất bình đẳng này để các mệ, các dì được vào ngồi chung với tất cả các ông, các chú. Hôm nay là lần đầu tiên cháu đã dọn đủ cả mâm các mệ, các dì rồi đó.

 

Thương cô cháu dâu táo tợn, cả gan dám phá lệ làng. Các mệ, các dì vào mâm, cầm đũa mà nghe chừng vẫn có điều chi e ngại.

 

 Mấy chục năm rồi, giờ đây mỗi bận về quê, thấy các mệ, các dì xúng xính trong những bộ đồ muôn màu sặc sỡ. Nón quai to rảo bước trên những con đường bê tông mới thảm. Nét mặt tươi rói, nói cười hỉ hả, nâng li, cụng chén vui cùng các ông, các chú trong những cuộc tiệc tùng, cưới hỏi, việc họ, việc làng. Lòng  lại thấy vui, nhớ về  kí ức từ thuở xa xưa, liền mượn tùy bút góp nhặt dông dài, ước chi “mua vui cũng được một vài trông canh” - ND.

      

Chỉ còn mấy ngày nữa, trang báo làng ta sang tuổi lên năm. Tuổi cắp sách đến trường.  KÍ ỨC LẠI VỀ TỪ MỘT BÀI THƠ  xin được như món quà quê mừng ngày đầu cháu tôi đến lớp. Mong rằng trang báo làng ta cũng  như đứa trẻ: “Mỗi ngày đến trường, náo nức một ngày vui”.  

 

Ngày 24 tháng 10 năm 2015

Tác giả : Lưu Văn Quỳnh

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Ký ức Vực Sanh

Video clip