Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Ký ức rơm vàng

Rơm quê mình có sẵn, người quê ta cần cù, khoa học kỹ thuật không thiếu, hỡi ai đó hãy giúp quê mình viết tiếp ước vọng của Rơm…

Quê tôi, Cao lao hạ, nằm bên bờ Linh giang, dưới chân dãy núi Lệ đệ, một vùng quê nông nghiệp trồng lúa, từ bao đời nay người dân một nắng hai sương bám đồng bám ruộng để làm nên những mùa lúa vàng. Quê tôi có cánh đồng thẳng cánh cò bay, dập dờn sóng lúa, mùa gặt về cùng với những hạt thóc vàng thấm đẫm mồ hôi của bao người, phần còn lại đó là rơm rạ. Rơm gắn bó với người, với tuổi thơ tôi, với sự thăng trầm đói no, rách lành của cuộc sống, cùng chịu đựng chiến tranh, chia sẻ  với người trong mất mát đau thương…

Quên sao được những mùa gặt, rơm vàng được trải rộng khắp đường thôn, đường xóm, rơm chất đầy sân kho Hợp tác xã. Lũ trẻ chúng tôi chơi đùa thỏa thích, chơi trốn tìm, chơi nhào lộn, chơi đuổi bắt nhau…với niềm vui bất tận.

Rơm được phơi khô đủ nắng vàng ươm, thơm, sau đó được xây thành những cây cao ngất trong vườn nhà, gọi là cồn rơm. Dưới những cây rơm là gia đình lũ gà cần mẫn nhặt tìm những hạt thóc còn sót lại và cũng là nơi trú ẩn an toàn của chúng, để tránh những cặp  mắt tinh quái của bọn  cú vọ diều hâu. Hình ảnh cây rơm ngả bóng ấp đàn gà đã đi vào thơ ca, nhạc họa khắc họa nên bức tranh làng quê thanh bình mà chắc chắn trong đó có làng quê tôi.

Tuổi thơ đi qua, lớn lên, cây rơm cũng là điểm hẹn hò của tình yêu đôi lứa. Nhặt cọng rơm vàng trên mái tóc ai xưa, để đến bây giờ nhớ lại lòng cảm thấy nao nao thổn thức, cứ nuối tiếc một thời khờ dại, đã trôi vào miền ký ức xa xăm…

Xưa, quê tôi nghèo, nghèo lắm, mái tranh vách đất. Tường nhà không phải như bây giờ, tường được làm bằng đất, xương của tường được làm bằng những thanh tre hoặc những cây nhỏ chặt ở trong rừng Ba trại về thường gọi là Róng. Cột vào những cọc đứng gọi là Mầm, chất liệu để trát lên đó là rơm trộn lẫn với bùn, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng cũng bền bỉ chắn gió, ngăn sương cho con người qua nhiều năm tháng.

    

Những đêm đông giá lạnh, khi ngọn heo may về rét cắt da, cắt thịt, ổ rơm là nơi ngủ lý tưởng, ấm áp nhanh chóng đưa chúng tôi vào giấc ngủ để quên đi cái đói, cái rét của mùa đông.

Rơm còn là thức ăn của trâu bò vào những ngày nông nhàn hay mùa đông rét mướt, nhờ vậy mà nông dân quê tôi bảo tồn được sức kéo, để  rồi lại có những mùa vàng tiếp theo. Rơm còn là chất đốt, mọi nhà dùng rơm để đun nấu, cơm vừa chín tới đem ủ rơm lên đốt, cơm sẽ chín đều, ngon nhất là cơm lúa Mành tháng mười được om bằng lửa rơm. Tối lửa tắt đèn có rơm, dùng nùm rơm xin lửa, một nét văn hóa chỉ có ở làng quê tôi. Tôi còn nhớ một kỷ niệm sang nhà hàng xóm xin lửa bằng  nùm rơm khi về gặp ngọn gó nam thổi bùng làm cháy mất cái chuồng bò của nhà hàng xóm. Không bắt đền, không to tiếng cải vã, bởi trách chi ngọn gió vô tình, mà rơm thì lại mau bén lửa, chỉ còn lại sự cảm thông và tình làng nghĩa xóm.

Và rồi chiến tranh…Những sợi rơm bé nhỏ có thể tết thành mũ rơm, đan thành những tấm đệm che cửa hầm nhằm tránh mảnh bom, mảnh đạn. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quê tôi bị tàn phá nặng nề, bom tấn, bom tạ, bom bi, bom phát quang có đủ cả. Nhưng đặc biệt hơn là bom cháy Na pan, khi ném xuống nó thiêu cháy bất cứ thứ gì. Dân làng tôi có sáng kiến xây những cái bục, giống như lô cốt, vật liệu là rơm trộn bùn, như làm vách nhà vậy, nhưng có điều là gia cố dày hơn chắc hơn, nhờ vậy, lương thực, quần áo, vật dụng gia đình được bảo quản tránh được cái tàn ác của Na pan.

Rơm chia sẻ với sự mất mát đau thương của con người, mũ rơm, gậy tre biểu thị lòng thành, hiếu nghĩa của con cái khi đưa tiễn các đấng sinh thành về nơi yên nghỉ ngàn thu.

Đời sống phát triển, rơm dần dần thoát khỏi sinh hoạt của con người. Trâu bò không còn là sức kéo chính, thay vào đó là máy móc hiện đại, rơm không còn được dự trữ. Người dân quê tôi đun bếp bằng than tổ ong, bếp ga, tường nhà được xây bằng gạch, bờ lô, bằng các loại vật liệu mới, mái ngói tường xây…và rồi rơm vắng bóng dần trong thôn xóm. Sau mỗi mùa gặt, rơm được đốt tại chỗ, tro rơm được bón tiếp cho ruộng đồng.

Rơm đã chung sống với người nông dân cả ngàn đời, thủy chung son sắt chở che cho con người, bây giờ mỗi ngày qua đi dần dần vắng bóng rơm. Rơm vàng biểu tượng của làng quê, mộc mạc rất đỗi thân quen rồi sẽ mất dần theo năm tháng. Chúng ta sẽ không tìm đâu ra cái linh hồn mộc mạc của làng quê, cây rơm vàng chỉ còn lại trong ký ức, neo lại những kỷ niệm của một thời chưa xa.

Tôi cứ thẫn thờ, nghĩ mãi, rơm đã cùng ta…vậy tại sao ta không cùng rơm hành trình tiếp trên con đường no ấm. Có những dự án trồng nấm rơm rất hiệu quả mang lại sự giàu có cho người nông dân. Chất lượng cuộc sống được nâng cao, người ta tìm đến những sản vật dân dã, tốt cho sức khỏe con người. Món ăn yêu thích trong các nhà hàng, khách sạn là nấm, trong đó có sự hiện diện của nấm rơm. Từ khoa học kỹ thuật hiện đại, người ta đã kết hợp với hồn quê tạo nên của cải vật chất có giá trị nâng cao đời sống của con người.

Rơm quê mình có sẵn, người quê ta cần cù, khoa học kỹ thuật không thiếu, hỡi ai đó hãy giúp quê mình viết tiếp ước vọng của Rơm…

Tác giả: Đặng Văn Quang

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Nủ ơi, Nủ à

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 4951

    Trong tuần: 4951

    Trong tháng: 9960

    Tổng số: 11650337

    Đang online: 38