Ký ức Vực Sanh

16:15 - 19/08/2023

Bút ký của anh Lê Chiêu Phùng viết về công trình Vực Sanh và tấm lòng của Trung tướng Lê Văn Tri đối với quê nhà.

Ký ức Vực Sanh

KÝ ỨC VỰC SANH

Lê Chiêu Phùng

Sau hồi trống kéo dài, hàng trăm người dân đứng dậy và lễ cúng tế Đình làng Cao Lao Hạ bắt đầu. Có bàn tay vỗ nhẹ tôi ngoái lại, chào anh. Anh Lê Văn Xàn nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hạ Trạch năm nay tuổi đã ngoài 75 nhưng trong rất khỏe mạnh. Lâu ngày hè? cho anh hỏi thăm thế bác Hữu, giám đốc Thủy lợi hồi đó còn khỏe không? Anh Xàn hỏi, tôi chưa kịp trả lời, ông Xàn nói luôn ông Hữu là người có công với quê mình nhiều lắm. Nhớ lại những năm trước thập niên 80, cánh đồng xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch khô cằn nứt nẻ. Cứ chiều về từng đoàn trai gáí vượt đường xa hàng km từ giếng Hóc, giếng Kiệt mãi chân núi Lệ Đệ gánh nước về làng...

Là một Sỹ quan vận tải được đào tạo trong quân đội, chẳng hiểu lý do gì mà năm 1980 cứ xin bằng được chuyển ngành, thế rồi tôi chuyển sang sở Thủy lợi Bình Trị Thiên và được phân công trực tiếp phục vụ Giám đốc sở. Từ đó, mỗi lần đi công tác phía Bắc tỉnh Bình Trị Thiên hay đi Hà Nội lại được ghé qua nhà thăm bố và các em. Thế rồi một ngày đầu tuần, Giám đốc gọi và bảo tôi chuẩn bị xe mai đi Hà Nội sớm. Trưa quá rồi mời bác ghé nhà em ăn cơm?, lại làm phiền bố cậu à? Dạ không sao, mẹ tôi mất sớm nên mọi việc cơm nước trong nhà bố tôi lo hết. Như đã hẹn trước, mâm cơm khách tại nhà ngoài Giám đốc sở còn có ông Lê Chiêu Nhi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hạ Trạch. Không để mất thời gian, vừa ăn cơm ông Nhi vừa tâm sự: “Báo cáo anh Hữu, biết anh đã lâu hôm nay mới gặp em mừng lắm, nhân dịp anh đi công tác có nghé địa phương xin anh giúp cho một việc quan trọng nếu anh được thì bà con mừng lắm. Anh biết đó, hàng trăm năm nay Hạ Trạch luôn đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, đời sống cơ cực quanh năm do thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Anh giúp cho bà con tạo được nguồn nước từ suối Vực Sanh được không anh”... Hiện tại Bộ đang phát động phong trào nhân dân và nhà nước cùng làm thủy lợi. Qua khảo sát ban đầu, phía bắc Tỉnh đưa ra nhiều công trình như Vực Nồi, đồng Suôn, đồng Ran, Mù U…và có cả Vực Sanh của huyện Bố Trach; Vực Tròn, Tiên Lang huyện Quảng Trạch, Đồng Sơn của Đồng Hới…Sau khi lập dự toán, thiết kế, các công trình đều đạt chuẩn tỷ suất đầu tư trên 1ha, riêng Vực Sanh là cao hơn nên Bộ chưa duyệt, tuy nhiên sớm muộn rồi cũng duyệt chỉ có phải chờ hơi lâu. Ông Hữu nói.

Chiếc xe con nhẩn nại trườn qua những ổ gà chưa kịp “vá” trên Quốc lộ 1A, bất chợt ông Hữu hỏi, thế Hạ Trạch mình có ai làm to ở Hà Nội không hè? dạ nhiều bác à. Thế rồi tôi kể luyên thuyện nào là nhà thơ Lưu Trọng Lư, Trung tướng Lê Văn Tri, Thiếu tướng Lưu Bá Xảo…Thế ông Tri làm gì? dạ trong chiến tranh phá hoại ông Tri làm Tư lệnh Phòng không- Không quân sau đó làm Chủ nhiệm Tổng cục Kỷ thuật Quân đội. Thế à, quê cậu nhiều người làm to hè, ông Hữu nói vui. Xong việc với Bộ Thủy lợi ông hỏi thế chú biết nhà ông Tri ở mô không? Dạ có cạnh bờ hồ Tây. Chiều hôm đó 2 thầy trò quyết định đến thăm nhà ông Lê Văn Tri. Con đường len lỏi qua những dãy nhà cao tầng, những ngôi biệt thử ẩn hiện trong những khu vườn xanh biếc, trên đường đi tôi hỏi ông đến nhà ông Tri có việc gì không? Ông Hữu nói đến xin dầu, mà nhớ gặp ông Tri chú giới thiệu và đặt vấn đề nghe. Cánh cửa sắt nửa khép nửa mở, thoáng nhìn phía ngoài cửa có 2-3 chiến sỹ, phía trong cũng thế. Một sỹ quan đeo quân hàm Trung úy chặn hỏi, tôi trả lời: Chúng tôi ở quê ra thăm bác Lê Văn Tri, sau khi trình bày bác bảo mời vào, mời vào ngay. Ông Tri ra tận cửa đón chúng tôi vào nhà. Vừa đi ông vừa hỏi, rứa mới ở quê ra à? Dạ bác,vừa uống nước tôi giới thiệu luôn: Báo cáo bác đây là bác Lê Quý Hữu Giám đốc sở Thủy lợi Bình Trị Thiên ra làm việc với bộ Thủy lợi, hôm trước bác Hữu có ghé quê mình. Thế à! Rứa cháu con ai ở xóm mấy? Dạ cháu con ông Lê Chiêu Sâm, cháu nội ông Làng…Ôi thế à, bọ mi đi lính một ngày với bác nhưng do mắt kém nên họ cho ra quân sớm. Đang trò chuyện vui vẻ ông Hữu thưa luôn, báo cáo anh hôm nay xong việc tại Bộ Thủy Lợi, thầy trò tôi đánh liều đến thăm anh, may mắn được gặp anh, xin anh giúp cho một việc nếu được. Nhiều năm qua bà con nhân dân xã Hạ Trạch gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, chúng tôi dự kiến xây dựng công trình thủy lợi Vực Sanh nhưng giá thành cao quá nên Bộ chưa duyệt được. Nghe tin anh làm ở Tổng cục Kỷ thuật, nhờ anh giúp cho phần nào để giảm tỷ suất đầu tư xuống, có như vậy Bộ mới duyệt. Thế mình giúp được cái gì nào? Ông Tri nói. Dạ anh, anh giúp cho ít dầu deizen để hỗ trợ Công ty xây dựng Thủy lợi đắp đập, một ít xi măng và sắt thép xây tràn và làm cống dẫn nước. Nếu được chắc chắn Bộ sẽ duyệt và công trình sẽ được thi công sớm. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, ông vào mở cặp lấy ra một tờ giấy có đóng dấu treo và viết luôn, thân mến gửi đồng chí Suyên, Giám đốc Z171, Đồng Hới. Công trình Thủy lợi Vực Sanh nằm trên địa bàn xã Hạ Trạch, đây là một trong những công trình quan trọng không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nước phục vụ đời sống nhân dân mà còn có vị trí rất quan trọng đảm bảo quốc phòng phía bắc huyện Bố Trạch. Về lâu dài, hồ chứa nước Vực Sanh còn cung cấp nươc sinh hoạt cho các đơn vị quân đội chốt trên các trọng điểm Ba Trại, Thầy Bói, Chop Cờ, Đá Bạc. Đề nghị anh xuất cấp…Ông Tri dừng bút hỏi: Thế yêu cầu bao nhiêu? Dạ anh, xin anh X tấn dầu Y tấn xi măng Z tấn thép, ông Hữu đề nghị. Ông Tri viết tiếp: Anh xuất cấp cho sở Thủy Lợi Bình Trị Thiên…tấn dầu, …tấn xi măng và …tấn thép hỗ trợ ngành Thủy lợi sớm thi công hồ chứa Vực Sanh. số vật tư này sẽ quyết toán vào năm sau. Kính thư: Trung tướng Chủ nhiệm Tổng cục Kỷ thuật Lê Văn Tri. Ông cầm thư đưa cho ông Lê Quý Hữu và nói, tôi hỗ trợ thêm một ít lỡ thiếu thì khổ, vừa nói ông vừa cười…

Trung tướng Lê Văn Tri (1920 -2006)

Gần 2 tháng sau, hàng trăm xe máy của Công ty xây dựng Thủy lợi 6 thuộc Bộ Thủy Lợi do Tổng Giám đốc Văn Hòe chỉ huy từ Huế kéo ra trong sự vui mừng của bà con nhân dân xã Hạ Trạch. Hơn một năm thi công, công trình Thủy lợi Vực Sanh giai đoạn một cơ bản hoàn thành, cũng vào mùa mưa năm đó, hồ Vực Sanh đã tích nước được gần 1 triệu m3. Tuy hệ thống kênh chưa hoàn thành nhưng bước đầu đã tưới cho trên 120 ha lúa 2 vụ của xã Hạ Trạch, gần 60ha lúa của xã Mỹ Trạch. Theo thiết kế, sau khi hoàn thành công trinh giai đoạn 2 sẽ tưới cho gần 200ha luá 2 vụ của xã Hạ Trạch và gần 100 ha lúa xã Mỹ Trạch. Hiện tại, ngoài việc sản xuất nông nghiệp, công trình Thủy lợi Vực Sanh còn phục vụ nước sinh hoạt cho hangf trăm hộ gia đình, nhờ đó đời sống của người dân 2 xã Hạ, Mỹ từng bước được cải thiện. Bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới; tuyến đường Bản, đường Làng và gần 30 trục đường xóm được tôn cao mở rộng. Cùng với hệ thống điện, đường, trường, trạm, di tích lịch sử đình Làng Cao Lao Hạ và hàng chục nhà thờ họ được tôn tạo, xây mới khang trang. Hệ thống kênh tưới kéo dài bao quanh thôn xóm đã đươcj bê tông hóa. Giếng Kiệt, giếng Hóc ngày nào chen nhau gồng gánh nước về làng nay đã vắng bóng người qua lại.

Nắng chiều vàng len lỏi qua những rặng tre làng chiếu xuống dòng kênh trong vắt, đàn cò trắng chao liệng trên trời rồi sà xuống cánh đồng lấp lánh như những bông tuyết trãi dài đến chân núi; bên kia là rừng thông bao quanh soi xuống mặt hồ…Bất chợt hình bóng ông Lê Quý Hữu, ông Lê Chiêu Nhi, Trung tướng Lê Văn Tri một người con ưu tú của làng Hạ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người chỉ huy tài ba làm nên một Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội và những con người đã góp công, góp sức xây hồ, khơi đập giúp người dân làng Hạ ngày nào cứ hiện về….Dù đã đi xa, rất xa nhưng hình bóng các Ông những người đã đặt nền móng xây dựng hồ chứa nước Vực Sanh, một công trình thế kỷ không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân mà còn mang ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh luôn được người dân làng Hạ mãi mãi khắc ghi. Và hôm nay, tại Lễ cúng thường niên Đình Làng Cao Lao Hạ, ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hạ Trạch xúc động xướng tên các vị tiền nhân, tiền bối đã có công mở mang, xây dựng nên một làng Cao Lao Hạ giàu đẹp như hôm nay.

Tác giả Lê Chiêu Phùng

 

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Ở quê gã…
Đâu rồi khói tết ngày xưa
Nhẩn nha ngồi nhớ tết xưa
Tản mạn về chuyện cây rơm
Nghi lễ cúng Cồn Cui quê tôi

Video clip