Làng cổ Cao Lao Hạ

19:04 - 06/12/2011

Bài viết của anh Cảnh Giang gửi đăng trên tập san Di sản huyện Bố Trạch

 

Theo địa chí Làng Cao Lao Hạ của tác giả Lê Văn Sơn, và lịch sử Làng Cao Lao Hạ của tác giả Cảnh Giang;  Làng Cao Lao Hạ theo lịch sử Quảng Bình cũng như các truyền tụng dân gian thì Làng hình thành ban đầu từ những người di cư lập ấp từ thời Lý. Nhưng theo gia phả của các họ tộc lâu đời nhất, có văn bản bút tích ghi chép, thì đến thời hậu Lê, đặc biệt sau khi vua Lê Thánh Tông (1470) xuống chiếu mộ dân vào lập ấp ở châu Bố Chính: “Bố Chính đất rộng người thưa, liền với châu Hoan, vậy quân và dân đến đó khẩn hoang sẽ có  lợi lớn  …” thì Cao Lao Hạ- Hạ Trạch mới chính thức hình thành. Đây là đợt di dân lớn của triều Lê; người 4 trấn phía Bắc, hưởng ứng chiếu di dân vào Bố Chính rất nhiều. Phần đất vùng phía Nam sông Gianh thuộc sơn hệ Lệ Đệ được vinh dự đón tiếp người Thanh Nghệ đến lập làng xóm, khai hóa thành 3 làng Cao Lao liền, xưa gọi là Cao Lao Thượng (còn gọi là Kẻ Thạng), Cao Lao Trung (còn gọi là Kẻ Chuông), Cao Lao Hạ (còn gọi là Kẻ Hạ). Căn cứ vào tên làng, tên xã, ta có thể khẳng định được tổ tiên người Cao Lao Hạ từ ngoài Bắc di cư vào chủ yếu là người Thanh - Nghệ - Tĩnh, bởi có tiếng nói giống miền Hoan Ái (Ô châu Cận Lục, 1553). Họ đến vào thời Hậu Lê (1460 – 1497). Tính đến nay cũng đã được khoảng  hơn 500 năm. Theo gia phả một số dòng họ, khi hưởng ứng chiếu di dân của vua Lê Thánh Tông, các quan, quân đến đây lập ấp đều mang theo gia quyến, dòng họ vì thế công cuộc khẩn hoang vùng đất mới diễn ra nhanh chóng hơn. Họ thường tập trung các vùng có đất đai canh tác, bãi bồi ven sông. Trên mảnh đất yêu quý,  tổ tiên và các bậc tiền bối của làng, nối tiếp nhau nhiều thế hệ, dày công khai canh khai khẩn, xây dựng cuộc sống, nuôi dưỡng giáo dục, đào tạo các thế hệ. Gây dựng duy trì, phát huy và gìn giữ truyền thống yêu nước, yêu quê hương; Bảo vệ ranh giới, lãnh thổ của làng đã khai phá với bao công sức, mồ hôi, nước mắt và máu;  xây dựng và duy trì nền văn hóa, thuần phong mỹ tục, “ tình làng nghĩa xóm,” “ hiếu đạo,” “ ham học,” “ tôn sư trọng đạo.”

 


Trải qua hàng trăm năm, miền đất xa lạ phía Nam Hoành Sơn đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của họ. Có thể nói đó là những dân cư đầu tiên ở miền ngoài vào khai sơn lập ấp, tạo dựng xóm làng làm ăn sinh sống. Đó cũng là lực lượng chủ yếu bảo vệ biên thùy phía Nam của nhà nước Đại Việt thời Lý…



Theo truyền miệng cũng như các bài văn tế, gia phả của các dòng họ, nay vẫn còn lưu giữ tại các nhà  thờ họ, cùng với các bài văn thơ của các nhà thơ tiền bối còn lưu truyền trong dân gian, thì các ông tổ đầu tiên tiền hiền khai khẩn là ba vị: Lưu Văn Tiên, Nguyễn Văn Khai, và Lê Quang Lữ; tiếp đến hai vị là Lưu Văn Hành, Lê Văn Lam cùng các vị hậu hiền khai canh là Lê Quang Diệu và Lê Chiêu Phúc

                                                                                                                                                       

Họ Lưu Làng khai canh vùng Hói Cổ; Họ Nguyễn khai canh vùng Bàu Hóc, Bàu Hào; Họ Lê Quang khai canh vùng Bàu Mật, Bàu Gát; Họ Nguyễn Đăng khai canh vùng Bàu Dầu; Họ Lê Chiêu khai canh vùng Hói Đá…

Theo Văn tế Đình Trung tại đình Làng Cao Lao, có đoạn viết:

 

“Tâu mời: …Hai mươi mốt: Ngài thành hoàng làng chuyên lo giữ vững trật tự, an toàn trong thôn xóm, chăm giúp đỡ người hiền làm việc thiện, đôn đốc kẻ chưa tốt rèn luyện ý chí, từ bỏ thói hư, cần cù lao động để trở nên dân lành, được phong tước Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Chi Thần;…Nguyên khai canh, ngài Lưu Văn Tiên, hàm Đại tướng quân, được phong tước Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần (tương đương Thành hoàng làng - ND) Đại tướng quân ngài họ Lưu;                                                                                                                                                                                       Nguyên khai canh, ngài Đại tướng quân Nguyễn Văn Khai Đại tướng quân ngài họ Nguyễn; Nguyên khai canh, ngài Triệu phong Lê Quang Lữ Triệu phong ngài họ Lê;Ngài Lưu Văn Hành là vị khai khẩn của họ Lưu;Ngài Lê Văn Giám là vị hậu khai khẩn của họ Lê Văn;Ngài Lê Quang Diệu là vị hậu khai khẩn của họ Lê Quang;Ngài Lê Chiêu Phúc là vị hậu khai khẩn của họ Lê Chiêu;…”   



Làng Cao Lao Hạ- Hạ Trạch,  trước núi sau sông, hình làng dáng tựa thuyền rồng, cột buồm cao là đỉnh Kỳ Phong, Lều Cù, tổ tiên khai lối định cư dựng làng lập nghiệp. Cụ Lưu Trọng Tuần đã có thơ ca ngợi về tên làng Cao Lao, trong Cao Lao hương sử: 

 

“Cao không giới hạn tầm cao/ Lao, bền chí hướng, gian lao vững chèo…”

Hay: :“ Cao Lao tiền thế đặt tên /  Cao: trông vời vợi, Lao: bền không xiêu …”

 

Tên làng có ý nghĩa sâu sắc, vừa là phương châm, vừa là phương hướng chỉ đạo tư tưởng và hành động cho từng người và toàn thể cộng đồng. Phấn đấu nâng cao kiến thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân từng người, từng gia đình, hết lòng yêu quê hương, luôn  luôn ước ao mong muốn làm giàu, làm đẹp cho quê hương. Cao lao là từ hán: Cao là Cao, Cao không giới hạn tầm cao, Lao là bền vững, không ngại gian lao, vững vàng trong khó khăn gian khổ:“ Tên làng sáng chói ngàn đời, Trong tim trong óc của người Cao Lao.” 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            Tên làng Cao Lao Hạ - Hạ Trạch đã có trong bản đồ từ trước năm 1553. Theo Ô Châu Cận Lục thì “  Trước 1553 đã có tên làng Cao Lao Hạ.”( Trang 33 Ô Châu Cận Lục ).



  Ngay từ khi chọn đất định cư lập làng, ông cha xưa đã có ý thức chọn một địa hình khá lý tưởng: Đó là lưng dựa vào dãy núi Lệ Đệ,  mặt trước là ngã ba sông của dòng sông Đại Linh Giang, ôm lấy mảnh đất mảnh đất làng mát mẽ, phì nhiêu phù sa màu mỡ.



Thường thì dân cư định cư từ trước tới nay, làng nào cũng vậy, cứ mạnh ai nấy làm , muốn dựng nhà,hướng nhà, tùy theo sở thích, chẳng theo một quy hoạch nào cả. Kể cả bây giờ cũng vậy, do đó khi xây dựng giao thông nông thôn, một số làng xã, thị trấn, phải giải phóng mặt bằng, phải đo đạc nấn đường cho thẳng, mở rộng đường đi lối lại, khá phức tạp và tốn kém. Nhưng ở làng cổ Cao Lao Hạ thời xưa các cố đã quy hoạch rất rõ ràng. Nhờ vậy mà ngày nay trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các đường  đất ngày xưa nay được bê tông hóa khá thuận lợi. Mới hiểu thêm tầm nhìn xa trông rộng của các bậc tiền bối  chúng ta.



Từ xa xưa các bậc tiền bối đã dựa vào địa hình tự nhiên, với sự sáng tạo thẩm mĩ, đã bố trí làng ngoài có 2 con đường chạy song song là Đường Bạn và đường Quan, tạo dáng một con thuyền rồng: “ Hình làng dáng tựa thuyền rồng Cột buồm cao tận Kỳ Phong, Lều Cù…”.  Đường bản cong lên  về phía nam ở  xóm 17 và xóm 3; đường Quan cũng cong lên phía Nam ở 2 đầu, song song với Đường Bạn tạo thành dáng một con thuyền rồng. 

 

Đến năm 1967 làng đắp thêm một trục đường ở giữa làng gọi là Đường Giữa. Ba trục đường chạy song song  từ  Đông sang Tây, xuyên qua 20 con đường ngang gọi là đường xóm, nối từ Đường Quan đến Đường Bạn theo hướng Bắc Nam và song song tương đối  cách đều nhau. Hai bên đường Xóm là các hộ gia đình, đường xóm rộng trên 4 m, hai bên đường có mương thoát nước.



Cả 20 xóm đều được quy hoạch theo ô bàn cờ, đường đi lối lại rộng rãi thẳng tắp cân đối.  Việc xây dựng khu dân cư đều theo hương ước của làng, cũng theo quy cách khá chặt chẽ. Khu dân cư làng Ngoài mọi gia đình,  nhà lớn đều quay mặt vào hướng Nam, trông thẳng vào dãy núi Lệ Đệ. Tuy nhà  chính của các gia đình quay về một hướng, nhưng có một nét đặc biệt, thuộc vào ý thức của mọi người là nhà làm sau không che khuất “ gian bàn thờ ”( Gian bảy) của nhà  làm trước. Đây là hướng nhà lý tưởng vừa khoa học, vừa phù hợp với phong thuỷ, được thiên nhiên ưu đãi, gió mát, không khí trong lành, tránh được gió Bắc, gió đông bắc. Khu dân cư làng Ngoài cùng hướng với hệ thống nhà thờ Họ, nhìn về cánh đồng có Cửu Khúc Long Khê  bốn mùa xanh mát.



Mỗi hộ thường có công trình chính gồm nhà lớn ( nhà nậy), và một nhà ngang. Nhà lớn bố trí chính giữa khuôn viên quay mặt ra cánh đồng, nhà ngang ( nhà Bếp) nằm phía hồi tay trái, ( ta hiểu theo hướng người  đứng trong nhà nhìn ra ngoài đường ) quay mặt về nhà chính.  Công trình phụ gồm chuồng trâu bò, công trình vệ sinh, tuỳ cách sắp xếp theo địa hình của gia đình mình cho phù hợp, thuận lợi. Thông thường chuồng trại nằm về  đầu hồi phía phải của nhà ngang. Cửa Đàng ( Cửa chính ra vào nhà)  thường mở phía trước bên phải, đi thẳng vào gian xông ( gian đầu hồi) phía phải của nhà lớn. Cách bố trí các gian của nhà Lớn, không ai bảo ai nhưng hầu như đều giống nhau về cách bố trí. Mỗi nhà lớn có 3 gian 2 xông ( chái), gian chái thường hẹp khoảng  một phần tư gian chính, thường để chum vò đựng lúa gạo hoa màu. Ba gian chính, gồm gian chính giữa để tiếp khách, gian phía tay phải gọi là gian trên hay(  gian bảy) thiết lập bàn thờ ông bà tổ tiên. Gian này cửa thường đóng chỉ mở khi hành lễ. ( Cách sắp xếp này khác với một số nơi, gian thờ ở chính gian giữa). Gian phía tay trái là gian đặt gường ngủ, nghỉ ngơi. Phía trước mặt nhà làm sân phơi.

 

Nhà ngang thường để phục vụ nấu ăn hàng ngày, phục vụ ngày kỵ giỗ. Phía tay trái nhà ngang thường đặt cối xay, chày đạp. Phía ngoài bên trái nhà ngang, ngày nay dân làng thường xây giếng và bể chứa nước mưa bằng xi măng.



Làng Cao Lao Hạ ở vùng có khí hậu khắc nghiệt, hàng năm thường có lũ, bão lớn xẩy ra; nên các bậc tiền bối đã chọn kiểu nhà: “ Kèo xóc ”, “ Rường cụt ”, có sức chịu được bão lớn, lũ to. Khi bị bão hoặc lũ lụt , do kết cấu của nhà chắc chắn, liên kết, mộng ngậm khít khao, nên “ Rường, xuyên,” “ cột kèo ”, không bị bẻ gãy, nếu có bị xê dịch thì kết cấu nhà vẫn giữ nguyên. Hiện nay còn nhiều nhà tuổi thọ trên 100 năm vẫn còn chắc chắn, bộ giàn trò nhóm gỗ 1, 2,3 vẫn không bị mối mọt hư hỏng. Người xưa lợp nhà bằng cây “ vọt,” “ tranh, ” “tóoc,” mái xuôi, thấp, dốc mái. Hướng nhà và kiểu nhà người xưa tạo dáng ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, chống chọi được gió bão, lũ lụt.


Ngày nay đời sống ngày càng cao,  nông thôn được đô thị hoá, nhà cao tầng, bê tông cốt thép, nhưng hướng nhà vẫn được giữ, nếp sống và cốt cách, cách bố trí khuôn viên, kiến trúc nhà ở vẫn là một di sản quý mãi mãi cho đời sau.

 



Hiếm có một nơi nào như nơi này, hệ thống nhà thờ Họ, đều được xây dọc theo đường Bạn, quy hoạch theo một trật tự, đây cũng là một đặc điểm hiếm có  còn tồn tại trong hệ thống làng xã Việt Nam ngày nay. Cho đến nay hệ thống nhà thờ Họ gồm 24 nhà thờ của 24 dòng Họ đều xây dựng trước mặt làng, mặt nhìn về hướng nam, có cánh đồng ruộng bao la, có núi đồi hùng vĩ. Lưng các nhà thờ Họ đều dựa vào làng tạo thế vững chắc. Các nhà thờ họ xây dựng với một công trình kiến trúc giống như đình làng thu nhỏ, chỉ có 3 gian, với phong cảnh linh thiêng tĩnh mịch tăng thêm lòng sùng bái ngưỡng mộ.Từ xa xưa ông cha đã biết dựa vào địa lý tự nhiên, đất đai , khí hậu để xây dựng đời sống dân sinh, các cố già làng, trưởng làng đã dựa vào sức mạnh của dân để xây nên các công trình phúc lợi, tạo nên các ngành nghề truyền thống để nâng cao đời sống muôn dân, có trách nhiệm với quê hương hôm nay và hậu thế mai sau những công trình lịch sử - Văn hóa, xây dựng nên những lễ hội dân gian, phong tục tập quán cho một làng quê có bề dày lịch sử , văn hóa.  Các công trình phúc lợi, thủy lợi như sông đào Cửu Khúc Long Khê, công trình Hói Hạ, thành cỗ, công trình xây dựng đình làng, chùa chiền, nghè, đền, miếu đã được các bậc tiền bối tiền hiền khai khẩn để lại một di sản quý giá cho chúng ta hôm nay. Như một trong 4 câu đối còn lưu lại trên trụ biểu cổng đình làng Cao Lao Hạ hơn 200 năm trước là:


“Hương tích vạn thiên niên quan yên dân lạc.

Lý Thành nhị thập ấp Mỹ tục thuần phong.

Tạm dịch là:

Ngàn năm Cao Hạ thơm hương,

Quan yên dân lạc quê hương vững bền.

 

Hai mươi xóm của làng ta, Thuần phong mỹ tục tiếng đà lừng danh.Việc quy hoạch  Mạng đường sá, bố trí khu dân cư ở làng Cao Lao Hạ xưa là bài học tham khảo cho chúng ta  quy hoạch, trong phong trào xây dựng nông thôn mới ngày nay.

Tác giả : Cảnh Giang

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip