Làng của Cửu khúc Long khê

20:59 - 01/10/2013

Bài viết của Phan Viết Dũng, nguyên Thường Vụ, Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, nguyên Giám đốc sở Văn Hóa Thông tin Quảng Bình

 

Lời giới thiệu của Lê Chiêu Phùng: Tác giả Phan Viết Dũng, nguyên Thường Vụ, Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, nguyên Giám đốc sở Văn Hóa Thông tin Quảng Bình…nay nghĩ hưu tại thành phố Đồng Hới. Ông đã có nhiều bài viết xuất sắc đặc biệt về mảnh đất và con người Quảng Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng được đọc giả trong và ngoài nước đón nhận. Ngày 27 tháng 9 năm 2013, tác giả Phan Viết Dũng có bài: “Làng của Cửu khúc Long khê” đăng trên Báo Quảng Bình. Xin cám ơn tác giả Phan Viết Dũng và trân trọng giới thiệu với bạn đọc caolaoha.com nội dung bài báo này.

 

Làng của Cửu khúc Long khê

 

Cao Lao Hạ, xưa có tên là Kẻ Hạ thuộc châu Bố Chính nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Nằm bên bờ nam sông Gianh, xung quanh có nhiều đồi núi chập chùng, Kẻ Hạ hội đủ các yếu tố "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ" của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Đặc biệt, ở giữa làng, khe suối uốn quanh tựa rồng chín khúc được gọi là Cửu khúc Long khê tưới mát cánh đồng xanh tươi

 

Theo các cụ đồ nho, Cao Lao được ghép từ Cao có nghĩa là cao cả, cao đẹp, Lao có nghĩa là bền vững.  Cao Lao là vùng đất cao đẹp, bền vững muôn đời.

 

Theo truyền tụng, lịch sử khai canh lập làng vùng đất Cao Lao có từ khi vùng đất Bố Chính nhập vào Đại Việt dưới thời Lý Thánh Tông, tiếp tục qua thời nhà Trần và  dưới thời Lê Thánh Tông với chiếu chiêu mộ khẩn hoang năm 1467: "Bố Chính đất rộng người thưa, liền với châu Hoan, vậy ai đến khẩn hoang sẽ được lợi lớn".

 

Cư dân phương Bắc đổ vào Bố Chính, bờ nam sông Gianh, dưới chân núi Lệ Đệ mau chóng thành làng, thành xóm với những danh xưng Kẻ Thạng (Cao Lao Thượng), Kẻ Chuông (Cao Lao Trung) và Kẻ Hạ (Cao Lao Hạ). Theo sách Địa chí làng Cao Lao Hạ của tác giả Lê Văn Sơn thì ở Cao Lao Hạ có đến 24 dòng họ cùng chung lưng đấu cật, khai sơn phá thạch tạo nên một vùng đất văn vật, trù phú cho đến ngày nay. Trong đó họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lê là những họ đầu tiên khơi nguồn cho mạch đất Cửu khúc Long khê - Kẻ Hạ.

 

Định cư ở một vùng  địa linh nhưng ngày xưa ruộng đồng của Kẻ Hạ nằm ở phía hữu ngạn, hạ lưu sông Gianh là một vùng vốn sinh lầy, nước đọng, quanh năm chua mặn. Không cam chịu sự thua thiệt bởi đất trời người Kẻ Hạ cần cù chịu khó chung sức khai phá, đắp đê ngăn mặn, dẫn nước ngọt vào ruộng tạo nên những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cùng với việc làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi người, từ xưa người Kẻ Hạ còn biết trồng bông dệt vải, làm nón, đan lát, đánh bắt tôm cá, buôn bán ngược xuôi  tạo nên một vùng đất "cơm côi, cá dưới".

 

Nằm kề sông Gianh bốn mùa nước mặn, để có nước uống dân làng Kẻ Hạ phải đào nhiều giếng xa làng dưới chân núi Lệ Đệ. Những giếng nước của làng nằm giữa thung xanh nước ngọt và trong, mát rượi. Truyền thuyết kể rằng, giếng Hung gần vực Sanh là nơi phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc nên thường vào đêm 30 nhiều tốp tiên nữ từ thượng giới về tắm gội để ngày mai, mồng một Tết vào chầu Ngọc Hoàng. Vì thế, giếng Hung còn gọi là Giếng Tiên. Con gái Kẻ Hạ cũng nhờ tắm gội giếng Tiên mà da trắng, tóc đen làm mê mẩn con trai trong vùng.

 

Cánh đồng Kẻ Hạ ngày nay.
Cánh đồng Kẻ Hạ ngày nay.

 

Lam lũ với ruộng đồng hai sương một nắng, ấy vậy mà người Kẻ Hạ vẫn coi trọng chữ nghĩa, văn chương. Học trò, sinh đồ ngày càng đông, làng lập Hội Văn, chăm lo việc giáo hóa, xây đền Văn Thánh (còn gọi là Điện tập hiền) quy tụ nhân tài. Không chỉ có thế, vùng đất địa linh muốn sinh nhân kiệt phải có văn vỏ song toàn. Cùng với Văn Thánh, làng xây thêm Võ Thánh, lập võ đài mời các quan võ, võ sư về dạy cho con em trong làng.

 

Dương Văn An trong sách Ô Châu cận lục từng viết:" Thế đất Cao Lao nhiều kẻ sĩ vững vàng tiết khí" và muôn đời "nối nghiệp văn nho".

 

Đất của những kẻ sĩ vững vàng khí tiết là đất của những người biết xả thân vì nghĩa lớn. Khi triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Mô Khải (còn có tên là Lê Ngọc Thành, Lê Tuấn) từng đậu cử nhân năm 1861, giữ chức Án sát, Bố Chính tỉnh Hải Dương trở về làng chiêu tập nghĩa binh, lập căn cứ Trại Nái ngay tại quê hương, đứng lên chống bọn thực dân, giúp vua, cứu nước. Đội quân của Lê Mô Khải phối hợp với nghĩa quân Lê Trực tổ chức nhiều trận đánh làm cho quân giặc thất điên bát đảo. Khi Trại Nái thất thủ, ông dẫn quân phối hợp với nghĩa  quân của Phan Đình Phùng chiến đấu chống Pháp ở phía tây Quảng Bình, Hà Tĩnh.  Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, Lê Mô Khải rút vào rừng sâu tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

 

Cùng với Lê Mô Khải có nhiều người con của làng cũng là kẻ sĩ vững vàng khí tiết. Đó là Lưu Quang Chánh nguyên cử nhân võ, làm quan Đề đốc theo  Lê Mô Khải lập căn cứ Trại Nái được cử làm Phó tướng. Khi Trại Nái thất thủ, Lưu Quang Chánh không chịu hàng giặc, ra Hương Sơn theo cụ Phan Đình Phùng tiếp tục cuộc kháng chiến cho đến khi mất. Đó là Lưu Điệt, con cụ Phó bảng Lưu Văn Bình, anh của cụ Thượng thư Lưu Đức Xưng.

 

Tuy muốn theo nghiệp văn nho nhưng khi đất nước lâm nguy cũng theo  nghiệp võ, theo Lê Mô Khải chiến đấu anh dũng cho đến phút cuối cùng trong rừng sâu. Đó là Lưu Đức Xưng, em của Lưu Điệt làm quan triều Nguyễn đến chức Thượng thư Bộ Lễ, được phong tước hầu (Trang Lượng hầu) cũng từ quan nhập vào đội quân của Lê Mô Khải chiến đấu kiên cường trong phong trào Cần Vương. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Luyến, phu nhân của Lê Mô Khải một nữ sĩ văn nho không cam chịu phận nữ nhi thường tình theo chồng tổ chức cuộc kháng chiến. Khi Trại Nái thất thủ, bà và các con bị giặc Pháp bắt giam ở lao Thừa Phủ vẫn một lòng sắt son, cắn răng chịu đòn tra, không một lời khai báo. Không khuất phục  được bà, giặc Pháp thả, về quê, bà lại vào rừng theo chồng tiếp tục cuộc chiến đấu.

 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con của làng Kẻ Hạ đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công hiển hách, nổi bật có anh hùng Nguyễn Văn Trương, trung tướng Lê Văn Tri. Cao Lao Hạ không những là đất của những kẻ sĩ vững vàng khí tiết mà sự nghiệp văn nho của người làng cũng rạng rỡ nhiều đời. Dưới triều Nguyễn nhiều người đỗ đại khoa, ngày nay nhiều người được phong hàm giáo sư, phó giáo sư, hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân.

 

Đặc biệt trong lĩnh vực văn học  nghệ thuật, Cao Lao Hạ đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Cụ cử nhân Lưu Trọng Kiến (1864-1927) bút hiệu là Kỳ Sơn làm nhiều thơ Đường có ba con là nhà thơ: Lưu Trọng Tuần  bút hiệu là Túy Không nổi tiếng với tác phẩm Cao Lao hương sử; Thái hòa bình đẳng luận phú; Chinh phụ thu hoài ngâm; Lưu Trọng Lai (em Lưu Trọng Tuần) bút danh là Lưu Kỳ Linh, một nhà thơ trong phong trào thơ mới, với bút pháp "nhẹ nhàng diệu vợi" nổi tiếng với những tập thơ Tiếng nhạc sông Hương, Những bông hoa quý...; Lưu Trọng Lư (em Lưu Trọng Tuần, Lưu Trọng Lai) người tiên phong, được coi là Chủ soái trong phong trào Thơ Mới với Tiếng Thu lay động lòng người. Thế hệ tiếp sau, con của Lưu Trọng Lư có Lưu Trọng Hồng, Lưu Trọng Ninh nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh.

 

Con của Lưu Trọng Lai có Lưu Trọng Lân, trung tá quân chủng Phòng không Không quân, tác giả của nhiều tác phẩm: Điện Biên Phủ trên không- Chiến thắng của ý chí trí tuệ Việt Nam; Ký ức đường Trường Sơn; Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ...

 

Kẻ Hạ - Cao Lao Hạ, làng của Cửu khúc Long khê nhiều đời là đất văn - đất võ, ngày nay Hạ Trạch tiếp tục giữ gìn long mạch, xây dựng quê hương giàu đẹp cho muôn đời con cháu mai sau.

Tác giả : Phan Viết Dũng

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip