Làng Hạ quê tôi!
Con đường về quê vẫn thân quen như ngày nào. Đến ngã ba bờ nam sông Gianh, nhìn biển báo giao thông, chỉ vào con đường Ba Trải huyền thoải, đây là con đường vào làng Hạ quê tôi.
Đẹp như trong cổ tích, làng tôi từ bao đời nay, với hai mươi lối xóm song song, những ngôi nhà đều quay về hướng Tây Nam, hiếm miền quê nào có được. Phong cảnh làng quê, hài hòa nên thơ, với cánh đồng trải dài một màu xanh của lúa. Thấp thoáng những trang trại của thanh niên quê mình lập nghiệp, xen giữa đồng lúa mênh mông, tạo nên điểm nhấn, những mảnh ghép, vẽ nên bức tranh làng Hạ yên bình.
Cuối cánh đồng là xóm Rậy, cái tên gọi thân quen ngày nào mới lâp, vậy mà cũng đã trải qua trên năm mươi năm rồi. Xóm nhỏ dựa lưng vào dãy núi Lệ Đệ với bao địa danh, đồi mái Hung, dốc Oằn, đồi Chấp Cờ, xa xa là các ngọn núi với tên gọi thân thương: Thầy Bó, mái Chùa, cổ Ngựa…
Con đường Ba Trại duyên dáng, uốn lượn men theo triền núi, vẽ nên đường cong dáng hình người con gái tuổi đôi mươi, năm xưa phơi phới đi mở đường cứu nước, với những năm tháng hào hùng đánh Mỹ. Con đường vẫn còn vang vọng tiếng hát át tiếng bom xao động cánh rừng.
Làng tôi một dải đất hình rồng, vươn mình bên dòng Gianh trong xanh, ngày ngày lững lờ trôi, con sông mang trong mình những hạt phù sa, với cá, tôm…về cho làng quê. Vắt ngang dòng sông là chín nhịp cầu soi bóng nối đôi bờ. Hói Hạ quê tôi vẫn con nước vào ra khi thủy trều lên xuống, nó gói trong mình di tích lịch sử một cung đường mang tên Ngầm Hói Hạ đi vào huyền thoại, không thể nào quên.
Cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay, làng tôi những con đường được bê tông hóa khang trang, không gập ghềnh, bụi, bùn níu bước chân như những năm xưa. Giờ đây những con đường bụi, bùn đã đi vào cổ tích của bà kể với đàn cháu nhỏ, dưới mái hiên nhà. Mảnh đất con người vẫn chan hòa, lưu luyến, nhớ nhớ, thương thương, hồn quê vẫn đọng mãi trong lòng mỗi chúng ta.
Phiên chợ sáng quê tôi vẫn cứ đều đều mang đặc trưng của bao làng quê Việt. Những tiếng nói thân thương, những nụ cười rảng rỡ. Mọi lo toan hàng ngày tất cả quên hết khi đến phiên chợ, tất cả bỏ lại đằng sau để đón nhận ngày mới tốt lành.
Chợ quê là vậy, vội đến lại vội đi, cứ thế lại rộn ràng cho phiên chợ tới, rồi lại hân hoan chào đón vui vui. Chợ quê chẳng có mấy khi, một ai đó phật lòng, to tiếng với nhau. Họa chăng chỉ chốc lát, rồi hòa giải, nói cười, người quê chẳng để bụng chi cho nhọc lòng. Bà con xóm chòm trở về với sinh hoạt đời thường, cùng ý ới gọi nhau giúp sửa lại mái nhà, giúp tập cày cho con bò mới lớn, và cùng nhau ra đồng dặm lại ruộng lúa cho đều …
Đô thị ư, chỉ hào nhoáng với ánh đèn, quán sá, siêu thị, những con người lại về sau cánh cổng đóng kín. “Người sang cả” họ lo sợ gì vậy nhỉ… Tình làng nghĩa xóm nơi phố phường, chỉ là câu xã giao cửa miệng, đâu có mở lòng, mở dạ như người quê. Cơ chế thị trường biết bao cái được, cái mất chen lấn, xô đẩy nơi chốn phồn hoa.
Nói sao hết cái chân chất của làng quê Việt thân thương. Tôi chỉ khắc họa đôi nét quê hương, nó là hành trang kỷ niệm của cuộc đời. Những dòng ký ức nhỏ nhoi về quê hương này, chỉ mong sao truyền cho thế hệ trẻ một tình cảm sâu lắng. Chắc rằng thế hệ trẻ sẽ hiểu được quê hương là cội nguồn giọt máu đang chảy đều khắp cơ thể lớn lên từng ngày, ở trong ta.
Lũy tre xanh nét đặc trưng làng quê Việt sau mái nhà tranh giờ cũng thưa thớt, nhường chỗ cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Những con bò, con trâu giờ cũng bớt nhọc nhằn hơn, không phải quần quật kéo cày mà vẫn thếu đói như chính người chủ của nó năm xưa.
Nhớ một thời đã qua mà vui buồn lẫn lộn, lam lũ một thời, lũ học trò vẫn đáng yêu vắt vẹo lưng trâu học bài. Tuổi thơ êm đềm, quên sao được những lúc ngủ gật trên lưng trâu đang gặm cỏ, khi mới bừa xong thửa ruộng cho cha buổi ban trưa. Mừng vô kể khi mẹ đưa cơm tới, cha con cùng ngồi bên bờ ruộng “đánh chén”.
Quê tôi đồng chua nước mặn đã bao đời nay, mảnh đất cũng đã gồng lên qua bao trận mạc, nhưng vẫn hiền hòa, bình dị. Đất với người gắn bó, đất nuôi người, người gìn giữ đất, xây đắp nên lũy, nên làng. Những con khe, con suối cùng chia sẻ đưa nước về tưới mát cho đồng quê. Người quê và những con vật nuôi thân thương không phải khát khô vào những trưa hè cháy bỏng, khi dòng nước ngot lành, đều đều chảy về xóm thôn.
Những cái giếng khơi bên góc sân, chum nước bên hiên nhà giờ đây đã đi vào kỹ niệm của tuổi thơ. Dòng nước sạch trong lành đã đi vào từng căn bếp nhỏ, mẹ già mừng, tay run run mở vòi nước vo gạo, rửa mớ rau, bàn tay vẫn bờ lên, sợ những hạt nước quý bắn ra ngoài. Người quê luôn quý từng hạt nước ngọt như những hạt ngọc là vây đó. Hạt nước giờ đây nó đã đánh thức một cuộc sống mới, mùa màng bội thu, công việc đồng áng nhàn hạ hơn.
Cuộc sống yên bình sẽ ra sao, khi lợi ích nhóm đã và đang chà đạp lên đạo đức và lẽ sống. Bất chấp cuộc sống môi sinh, họ ngang nhiên cho xây dựng một nhà máy chế biến gỗ đầu nguồn sinh thủy Vực Sanh quê tôi. Rồi đây hệ lụy ô nhiễm nguồn nước hồ Vực Sanh, sẽ gieo rắc lên cuộc sống mưu sinh của hàng ngàn hộ dân bao thế hệ.
Người dân quê tôi cũng bình dị, hiền hậu qua bao đời nay, chỉ mong có cuộc sống ấm êm, nuôi dạy thế hệ trẻ tương lai nối nghiệp cha ông xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ có tội gì đâu mà rắp tâm hãm hại. Hãy thức tỉnh lương tri và đạo đức giống nòi, để tích thiện cho muôn đời sau.
Con đường Ba Trại huyền thoại ngày nào, nay là con đường du lịch đến với Phong Nha, về thăm nơi an nghỉ của Đại Tướng, con đường nơi tìm về chiến trường xưa, của nhưng con người cùng sống chết. Họ sẽ lại bị đầu độc khói bụi của nhà máy, và những đoàn xe chở gỗ băm nát con đường.
Rừng họ chia nhau chiếm đoạt, trục lợi, nguồn nước sinh hoạt họ âm thầm đầu độc. Ngăn nước thải ư? Bao nhiêu chất độc hại thẩm thấu vào lòng đất theo mạch nước ngầm làm sao chạy ngược. Những con người kia có biết không, khi rừng là nguồn tích thủy, rồi khói bụi tích tụ bám vào cành cây, ngọn cỏ của rừng, mưa xuống nó sẽ về đâu.
Không riêng gì người dân quê mà những hương hồn liêt sỹ đang an nghỉ ở nghĩa trang Thọ Lộc trên cung đường Ba Trại, họ cũng sẽ trút căm dận lên đầu những con người với nhóm lợi ích, như trút căm hờn lên đầu giặc Mỹ năm xưa.
Một mùa xuân nữa lại về với bao cảm xúc dâng trào, quê Hạ ơi vẫn là niềm kiêu hạnh trong tôi…
Những ngày xuân về!
Phan Văn Hà