Lễ hội rước thuyền Long Châu

06:54 - 01/01/2011

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Tăng quê ở Tâm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình; Ông có khá nhiều bài nghiên cứu về văn hóa Cao Lao Hạ. "Lễ hội Rước thuyền Long Châu" của Ông mang màu sắc tâm linh nhưng lại giàu tính nhân văn .

 

Thường thường, những vùng dân sống với nghề sông nước, hàng năm mới tổ chức lễ hội như tế đền Dương, rước thuyền rồng, múa bông, chèo cạn, thả hoa đăng … để cầu may, cầu yên ổn cuộc sống đến các thủy thần. Thế mà dân làng Cao Lao Hạ ở huyện Bố Trạch thuộc xứ miệt đồng hàng năm vẫn có lễ làng rước hết sức long trọng, mà dân ở đây thường gọi lễ hội rước thuyền Long Châu. Một lễ hội từ lâu được xem là kính cẩn nhất của làng trong một năm. Lễ hội rước thuyền Long Châu thường được tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch. Qua tìm hiểu vì sao làng lại có một lễ trọng và nghiêm cẩn như thế, các cụ cao tuổi đã dẫn tích xưa cho hay: Ngày trước lâu, lâu lắm, từ sau khi khai canh, lập làng, bổng một đêm, vị thành Hoàng Làng nằm ngủ trong giấc mơ thấy xuất hiện một vị tiên trời phái xuống bay lơ lửng, vòng quanh làng mấy vòng rồi đậu lại bên giường đánh thức vị thành Hoàng làng dậy, trao cho một đôi cánh trắng muốt dắt lên người rồi cùng bay theo vị thiên thần đến nơi một hòn núi cao mới dừng lại. Đứng nhìn về phí làng, vị thiên thần chỉ  tay ra phía trước nói:

 

- Nhà ngươi hãy nhìn theo tay ta chỉ đây, nhìn kỷ mà xem. Làng nhà ngươi đang cư ngụ không phải là mảnh đất bình thường. Làng đang ở trên thế của một con rồng nhà trời tọa xuống, hình rồng được gắn đầy châu báu. Nếu biết gìn giữ nó, thì đời đời con cháu được phú quý, giàu sàng, vinh hoa tột bậc.

 

Vị thành Hoàng đưa mắt nhìn theo tay tiên trời chỉ dẫn. Quả là dãi đất ấy kéo dài hình thế như một con rồng đang sáng rực lên dưới bầu trời ngàn vì tinh tú trong đêm tỏa ra. Hình thế dãi đất như một con rồng uốn mình hiện rõ dáng một con thuyền, có đầu mũi, có đầu lái uốn cao với vị trí tiền sơn, có núi Lệ Dệ án ngữ, hậu thủy, dòng Đại Linh giang uốn mình ôm lấy chở che cả mấy bề vô cùng thuận lợi. Bên trái có núi Hòn Vắp làm tiêu, bên phải có hòn Thầy bói làm biểu. Với địa thế ấy tạo nên cho Cao Lao Hạ một cảnh quan thật độc đáo. Theo nghĩa tự mà các lão làng chiết ra thì Cao là cao đẹp, cao cả, cao cường; còn Lao tức là sự bền bỉ, vững chãi đời đời.

 

Vị tiên trời nói:

 

- Thuyền đi giữa trùng khơi không thể không có bánh lái. Nơi cao kia chính là nơi người cầm lái đang ngày đêm lái con thuyền đi đúng hướng tạo nên cảnh trời yên biển lặng, dân tình đặng yên vui.

 

Nghe xong vị Thành Hoàng cứ đứng dõi mắt ngắm mãi quê làng mà mê đắm. Hồi lâu quay lại thì vị tiên trời đã cất cánh bay đi tự lức nào không biết. Nhớ đến lời tiên trời dạy nên vị Thành Hoàng làng càng thấy dáng hình làng là một chiếc thuyền Long Châu mà vị trí cồn Bính Dinh nằm cuối như bánh lái của con thuyền.

 

Ngủ dậy, vị thành Hoàng Làng đem giấc mơ thiêng ấy nói lại cho các Lão làng hay. Thế là cuộc họp mặt tất cả đinh tráng trong làng được triệu tập, cùng bàn bạc xây ngôi miếu thờ vị thần cầm lái. Con thuyền ngay ở cồn Dinh. Kể từ đó, hàng năm cứ đến tháng 8 âm lịch là làng tổ chức Lễ hội rước Thuyền Long Châu, rước một vị thiên thần linh nghiệm.

 

Để làm lễ tế được trang nghiêm, làng cho tráp đòi những người thợ khéo tay trong làng bàn ghép một chiếc thuyền cho khoảng 10 người khiêng. Tre được chọn ở những vườn nhà giàu có, cho đẵn về hui qua lửa uốn ghép một cái khung thuyền thật chắc chắn, có uốn đầu Rồng và cho tô điểm màu ngũ sắc xanh, đỏ, tím, vàng lên thân thuyền thật công phu.  Thuyền làm xong được các thợ khuân vào cất trong kho kín không để cho bát cứ ai ngoài thợ đặng nhìn thấy để giữ được vẻ kín cẩn, thiêng liêng.

 

Để có người cử lễ tốt, các bô lão trong làng lại họp nhau cùng chọn ra chủ lễ. Tiêu chuẩn để chọn chủ lễ: Đó là người cao tuổi nhất của làng, người khỏe mạnh, có ba đời con đàn cháu đống, làm ăn phát đạt, học hành tấn tới đỗ đạt cao.

 

Lễ năm nào cũng được cữ hàng nơi đình làng. Đình làng Cao Lao Hạ là nơi thờ Thành hoàng Làng “Bảo an cành trực hữu thiên đôn trẫm”; Tước vua phong: “Dực bảo trung hưng thành hoàng chi thần”; Thờ những người có công khai canh, khai khẩn xây dựng quê hương. Đình còn thờ các bậc hiền tài được tước phong: Hỗu tước, Bá tước, Tử tước, Nam tước và các vị có công cứu nước dựng làng. Khi có lễ trọng thì Thần các miếu cũng được rước về đình để dự lễ. Lễ xong lại rước trở lại trong miếu. Họ là thần nhưng cũng xem như người đang sóng thấu được buồn vui của làng để cùng chia sẻ và bồi bổ cho bao lẽ tốt lành.

 

Nghi thức tế đình làng rất trang trọng theo như lễ thiết triều của các vua chúa. Đình làng là một trung tâm văn hóa nên được chăm sóc quét dọn chu đáo, thường xuyên ngày rằm hoặc 30 của tháng.

 

Khi ra đình, chủ lễ phải ăn mặc theo kiểu pháp sư, đầu đội mủ bát quái, tay cầm quyền trượng sơn đỏ, một đầu tay cầm có gắn chuổi đục đạc, mặc áo thùng rộng nhiều tầng có gắn kim tuyến lóng la lóng lánh, chân mang hia cao, một bước đi rung lên một âm thanh thật thần bí, siêu quái. Cả buổi lễ, chủ lễ chỉ huy các hoạt động một cách linh hoạt mà nhất nhất. Sau khi lễ, làng tổ chức đám rước thật trang trọng. Đoàn rước bắt đầu từ trung tâm đình đình làng đi ra. Tốp trai đinh khỏe mạnh vác cờ đại, cờ xéo đi trước, tiếp theo là chức sắc làng, sau chức sắc là một tốp trai đinh khác mang biểu sắc, gươm giáo, tay cú, tay đấm bieur trưng các loại binh khí để dẹp yên con đường rước thần đi qua, tiếp sau là 5 cặp trai đinh ăm mặc gọn gàng như lính thú, chung sắc phục, đầu đội nonsdaaus kết từng cặp vắc đòn khiêng, khiêng thuyền Long Châu thận trọng đi. Trên thuyền là một chiếc ngai sơn son thếp vàng, vải điều phủ lên phong sắc. Chủ lễ đi sau đội khiêng thuyền, miệng luôn đọc thần chú, bước đi từng bước dài khi ngang, khi dọc cùng 2 người sắm vai phương tướng cầm ngọn giáo sáng quắc, đầu đội mặt nạ làm tướng hộ giá để con thuyền đi trên đường luôn được bình yên dù có gặp phong ba bão táp. Người người trông thấy cúi đầu trịnh trọng, kinh khiếp.

 

Tiếp sau chủ lễ, phương tường là đội nhạc công. Đội nhạc công ăn mặc theo kiểu quan tự văn, quần áo một màu có chút tha thướt, vừa đi vừa tấu lên những khúc nhạc lễ khi thì lâm ly, khi thì hoành tráng.

 

Con đường rước thuyền Long Châu đi bao giờ cũng được vạch ra trước. Từ đình ra đường quan, bẻ hướng đông, hướng nam rồi hướng tây, hướng bắc, lại tiếp quay trở lại đường quan và quay về  nơi xuất phát để đem ngai thần trở lại đình làng.

 

Sau khi hoàn thành xong lễ thì rước trả thần trở lại đình rồi toàn ban lễ lại ra miếu Bà thủy, Bà hỏa ở đồng Phố bên bờ sông Gianh để bái yết. Chiếc thuyền rước đưa đến đây thì được hỏa táng rối cho rắc toàn bộ tro xuống sông. Lễ rước chấm dứt.

 

Lễ tế xong, heo, xôi được hạ xuống, những người trai đinh phục dịch có nhiệm vụ chia ra hàng trăm phần cho tất cả đinh tráng trong làng cũng hưỡng lộc thần. Phần chia theo thứ tự thứ bậc từ cao xuống thấp. Riêng đầu heo thi dành lại cho chủ lễ và các người phục dịch lễ bái rượu.

 

Việc hàng năm có tục tổ chức  lễ hội Rước thuyền Lông Châu là người cao Lao nhớ từ sự tích xưa. Họ muốn mời thần đi xem cảnh dân tình để biết được mổi năm làng quê có gì thay đổi, có gì còn vướng mắc để xin Thàn Trời tiếp tục ban phước cho dân làng, làm ăn tấn tới an khang, thịnh vượng. Dù là lễ hội mang màu sắc tâm linh nhưng lại giàu tính nhân văn nên nó được gữi lâu đời ở làng quê này. Mỗi dịp lễ trọng là con cháu dù đi làm ăn xa đâu cũng tìm về để xin thần ban phước lành.

Tác giả : Nguyễn Văn Tăng

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip