Lê Quang Nhân, Tình yêu và Nỗi nhớ

07:02 - 12/06/2017

Giới thiệu tập 2, tập thơ Tình yêu và Nỗi nhớ của anh Lê Quang Nhân do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành

LÊ QUANG NHÂN- TÌNH YÊU VÀ NỔI NHỚ

  Lê Chiêu Phùng

Tôi cứ hoài niệm mãi lời bình của nhà báo Hoàng Mạnh Đức nói về tập thơ NỔI NHỚ của Lê Quang Nhân:“Việc làm thơ không hẳn dành cho người học văn chương. Văn học là nhân học; vì thế, ngoài chuyện học, người sáng tác, phải là người trải nghiệm, có một tâm hồn thơ và vốn sống cần thiết. Lê Quang Nhân nằm trong trường hợp này”…Quả đúng như vậy.

 

“Thai nghén” từ năm 2010, bảy năm sau, gần 50 bài trong tập thơ NỔI NHỚ thứ 2 của Lê Quang Nhân do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành mới được ra đời.Trong tập thơ này, anh đã khắc họa in đậm dấu ấn cuộc đời của mình đi cùng năm tháng, từ thuở ấu thơ cắp sách đến trường cho đến tuổi xế chiều với những câu thơ da diết lay động lòng người: Quê mình nghèo, khoai sắn, cổng cơm/ Buổi tới lớp, buổi lên rừng hái củi/ Thuộc Cửa Truông, Hòn Chùa, Ba Trại/ Đôi chân trần, củi nặng oằn lưng (kỷ niệm tuổi thơ). Rồi thời gian cứ thế trôi đi một chặng đường phấn đấu miệt mài chưa một chút nghĩ ngơi để hôm nay ngoái đầu nhìn lại:Mới ngày nào mà đã 60 năm/ Đứa trẻ thơ nay thành người cao tuổi/ Quy luật muôn đời, không mong cũng tới… Đinh Dậu ơi! Có ai tuổi cùng tôi/ Đếm ngược thời gian bao nổi buồn trăn trở/ Những kỷ niệm đan thành nổi nhớ/ Cứ òa về như cổ tích dân gian.  Và, 60 năm không một chút thảnh thơi/ Bao thăng trầm làm sao kể xiết/ Tuổi thanh xuân lòng đầy nhiệt huyết/ Mang mùa xuân ra Bắc vào Nam (Viết tặng tuổi 60).

 

Nhớ lại những năm tháng chập chững trong bộ quân phục Cảnh sát nhân dân với những gian khổ khó khăn trong cuộc đời binh nghiệp: Chưa một lần ngủ ngon/ Ca gác tuần tra đêm nào cũng đợi (Khúc hát tuần tra), Cho đến tận bây giờ, tuổi 60 anh vẫn trẻ trung cháy bỏngyêu đời với những bài thơ tình lãng mạn đậm chất liêu trai : Gửi em một tách caphe/ Dịu dàng buổi sáng/ Đam mê buổi chiều/ Gửi em một chút tình yêu/ Hương nồng buổi tối/ Mơ nhiều về em (Tách caphe)…Ở nơi xa có bao ngày bâng khuâng/ Đêm trằn trọc vì tin em chậm đến/ Giấc mơ chập chờn, giáng em ẩn hiện/ Nào có ghen đâu mà nhớ quá đấy thôi (Tin nhắn). Thơ của Lê Quang Nhân đã nói hộ lòng người, đọc thơ anh ai soi vào cũng thấy bóng hình mình trong đó. Lê Quang Nhân là thế, anh không chỉ đề cao tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi mà ở anh luôn đầy ắp tình cảm anh em, bạn bè, đồng đội: Lâu ngày nay đến bạn chơi/ Lại ôn kỷ niệm một thời khó quên…Nhà bạn mặt phố tường cao/ Vườn sau tỏa ngát, hương cau gió ngàn/ Chim ca ríu rít rộn ràng/ Cây xanh nước biếc, cá vàng lội bơi (Vườn sau nhà bạn)

 

Thơ với đời trong tâm hồn Lê Quang Nhân luôn song hành và tồn tại , thơ không chỉ dành để yêu quê hương, đôi lứa mà còn vẹn nguyên phẩm chất người lính bởi anh luôn khắc ghi những điều Bác Hồ dạy: Lắng từng lời Bác dạy/ Con được lớn nên người/ Khắc sâu vào trí nhớ/ Không phút giờ nào nguôi…Bác dạy con sách lược/ Mưu trí trước kẻ thù/ Suốt đời trung với nước/ Thấm tựa lời mẹ ru (Khắc sâu lời Bác dạy). Đứng trước mộ Đại tướng trong bộ quân phục Thượng tá Công an nhân dân, anh viết: Mũi rồng hay tháp chuông nghiêng/ Vũng Chùa- Đảo Yến gắn liền núi song/ Ơn Người gạn đục khơi trong/ Đánh tan Pháp- Mỹ cho lòng dân yên…Chiều nay con đến bên Người/ Mà như thấy Bác mĩm cười với con (Viếng mộ Đại tướng)

 

Vốn là người lính nhưng anh không mang sự cứng cáp vào thơ, mà nó mềm mại uyển chuyển làm cho người đọc cứ say sưa như  thực như mơ: Nhớ cơn mưa nơi ấy hôm nào/ Đường phố dài/ Không kịp đến sợ em buồn lỡ hẹn/ Và nổi nhớ trãi dài vô tận/ Khi rất xa, lúc lại rất gần…(Nhật ký ngày xưa). Thơ anh đã đi vào đời sống thực tế là người thật, việc thật, không ồn ào , không khoa trương mà chân tình mà gợi nhớ . Bởi thế mặcdù là nhà thơ nghiệp dư nhưng thơ của Lê Quang Nhânkhông những đón nhận được nhiều tình cảm của người đọc mà còn được đăng tải trên các tạp chí, các tờ báo lớn... và nhất là bạn bè anh em cứ vui, cứ trẻ như thuở nào mười tám đôi mươi.: Ngày vui đã hẹn từ lâu/ Hôm nay gặp mặt đầu cầu song thơ…Những cây bút, những vần thơ cháy lòng/ Trang báo Làng Hạ thêm nòng…Tổng biên tập, cộng tác viên/ Tưng bừng hội ngộ dâu hiền, rễ sang/ Phan Hà, Văn Lộc, Đặng Quang, Chiêu Phùng, Quý Thái, Tuấn Vàng, Lưu Vinh/ Lưu Phước, Lê Mận, Thu Hà/ Những cây bút trẻ đẩm đà hồn thơ (Mừng ngày hội ngộ báo điện tử làng Cao Lao Hạ).

 

Cũng là người lính nên anh đã thấu hiểu những đồng đội của mình đang cầm súng trấn giữ biên cương, những câu thơ tâm tình động viên nhắn nhủnơi hậu phương của những người mẹ người vợ gữi ra nơi ấy sao ngọt ngào yêu thương đến nao lòng: Mùa xuân về, én gọi trăng lên/Em khỏe vui như mùa xuân bừng dậy/Súng chắc tay, anh say sưa nơi ấy/Canh giữ biển trời Tổ quốc yêu thương…(Gửi người giữ đảo). Thơ của anh đã đi vào thực tế, đi vào lòng người dù bất cứ ở đâu, cương vị nào cũng đều như thế. Dưới ngòi bút của anh, những người mẹ, người chị, người vợ hậu phươngkhông chỉ đảm đang mà còn là những nữ Doanh nhân thành đạt trong thời kỳ đổi mới: Chúc mừng em cô gái Quảng Bình/Nữ doanh nhân của thời kỳ đổi mới/ Vững lòng tin trên đường đi tới/ Xây nước nhà, kiến thiết tương lai (Cúp bông hồng). Trong gia đình anh là một người con hiếu thảo với cha mẹ, và khi người chị gái không may đã mất của mình,anh đã đau đớn với những câu thơ thấm đẫm ngẹn ngào:Mấy chục năm chị đi đâu, về đâu/ Để trần gian chìm trong cách biệt/ Người chị mẫu mực em yêu quý nhất/ Cô giáo dạy văn hướng nghiệp cho đời…Chị ra đi ở tuổi 30/ Khi chưa kịp chồng con, không một lời an ủi/ Lặng lẽ đi không một lời nhắn gửi/ Để em tìm trong cách biệt hư vô (Chị tôi)

 

Thơ của anh là bản “sao chép lịch sử”, ghi lại những bước thăng trầm cuộc sống, tuy nhiên hình ảnh người chiến sỹ cảnh sát luôn được khắc họa một cách đậm nét: Ai đếm được bước chân anh đi/ Giữ bình yên cho ngàn giấc ngủ/ Nơi đường biên, miền quê, đô thị/ Hình bóng anh cao đẹp hiện về (Khúc hát tuần tra)… Trong bài thơ Trường tôi (tập 1)anh viết: Chúng tôi cùng mơ ước thiêng liêng/ Muốn cỏ dại thành bông hoa đồng nội/ Muốn kẻ ác giã từ tội lỗi/ Muốn bất công hóa tro bụi phai tàn.

 

Nơi miền quê đầy nắng và gió của quê hương. Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng  Bình những kỳ quan kỳ vĩ cùng với bàn tay và khối óc dám nghĩ, dám làm của những con người nơi đây : Trên bãi biển cát vàng ai đã dựng xây/ Thêu dệt nên bức tranh thủy mạc/ Cho người luyến lưu Sun Spa ReSort/ Đến với Phong Nha- Đá Nhảy, Vũng Chùa (Nơi anh đến). Quê hương không chỉ là chùm khế ngọt, là nơi tình yêu đôi lứa mà cònlà những đề tài chắp cánh cho những vần thơ: Anh lại đưa em về quê Nội/ Sao cứ mưa hoài như níu bước người đi/ Cơn mưa rừng lách tách, li ti/ Đường đất đỏ, dính quanh vành xe đẹp/ Qua đồi sim, dừng chân em hát/ Anh ngước nhìn, ngây ngất tình quê/ Sim cuối mùa, sao em nỡ chê/ Để đồi sim, tím chiều biền biệt/ Em vô tình, đâu em có biết/ Chỉ có anh, là nhớ đến nao lòng (Nhớ). Để rồi, sau giấc ngủ say, Lê Quang Nhân giật mình tỉnh giấc: Thấy trên giường sợi tóc/ Ngỡ tóc em ngày nào/ Run tay cầm chiếc cốc/ Nhớ cốc trà em trao (Một mình tự ngẫm).Nhớ ngày ấy tặng em/ Chùm hoa rừng mộc mạc/ Khi đang giữa mùa thi/ Tiếng ve sầu xao xác…Và, Lần này không có hoa/ Tặng em vần thơ nhỏ/ Để nhớ mãi ngày xa/ Tặng em chùm hoa đỏ (Chùm hoa đỏ)…Lỗi ai tuổi chú, xưng anh/ Lỗi ai mắt ướt, long lanh lạc đường/ Lỗi ai trộm nhớ, thầm thương/ Lỗi ai đa cảm, vấn vương tơ tình (Lỗi)

 

Lê Quang Nhân lúc nào cũng tự hào là mình được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của cố Nhà thơ Lưu Trọng Lư, của vị Tướng tài Lê Văn Tri lừng danh thời đánh Mỹ: Mời em về Hạ Trạch quê anh/ Thăm cánh đồng xanh mềm như dãi lụa…Em sẽ thấy Hòn Chùa, Đá Bạc/ Rừng bạt ngàn gió hát, thông reo…Trước cửa làng cảnh đẹp như mơ/ Rợp cờ bay 24 nhà thờ Họ…Hạ Trạch ơi, sao mà yêu đến thế/ Em hãy về, về với quê anh (Mời em về quê anh).Bên rừng thông đẹp quá Cửa Nghè ơi/ Sánh bước cùng Sa Pa, Đà Lạt/ Sớm bình minh chim rộn ràng ca hát/ Chiều hoàng hôn mặt trời lặn Tây Hồ/ Tôi thả hồn gieo những vần thơ/ Cùng đàn cò bay về trú ngụ/ Cả không gian như chìm vào nổi nhớ/ Yêu Cửa Nghè, yêu Làng Hạ mình hơn (Hồ Cửa Nghè).Để có những cánh đồng màu xanh thảm lụa, cùng với một nắng hai sương của bà con nông dân còn có sự góp sức không nhỏ của: Lân Vi sinh như dòng sữa quý/ Cho mùa màng thắm đượm lòng dân/ Lân Vi sinh cây cối trĩu cành/ Năng suất tăng bản làng đổi mới (Về với Quế Lâm)

 

Thương cho quê mình sau những trận cuồng phong, bão lụt bổng chốc trở nên xác xơ, ngỗn ngang gạch đá… anh xót xa: Ngổn ngang cây đổ, tường xiêu/ Nhà nhà tốc mái, tiêu điều xóm thôn….Xót thương cơ nghiệp vợ chồng/ Nay thành tay trắng mắt ròng lệ chan/ Thương em, đầu đội khăn tang/ Bố đi chống bão, chết oan chẳng về…Và, anh nguyện cầu: Mong sao bè bạn 4 phương/ Chung tay góp sức tình thương cứu người (Thương quê).

 

Sau chiến tranh và thiên tai, bão lụt bà conquê nhà lại gồng mình xây dựng lại quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, Đình làng Cao Lao Hạ là một minh chứng: Nghe mẹ kể ngày xưa/ Đình làng mình thiêng lắm…Rồi một thời bắn phá/ Bom Mỹ xới cày tung/ San phẳng cả Đình Làng/ Chịu đau thương mất mát…Toàn dân chung góp sức/ Những tấm lòng công đức/ Không phân biệt giàu sang/ Dù xa cách ngàn trùng/ Vẫn hướng về đất mẹ/ Góp phần mình nhỏ bé/ Xây Đình Làng khang trang (Đình làng Hạ)

 

Năm 2008, Lê Quang Nhân vinh dự được nhận giải thưởng viết về lực lượng Cảnh sát nhân dân do Bộ Công an trao tặng, nhiều bài thơ được các nhạc sỹ phổ nhạc như ANH VỀ VỚI QUÊ LÂM nhạc Hoàng Sông Hương, NGỢI CA NGƯỜI CẢNH SÁT NHÂN DÂN nhạc Hoàng Thọ…và nhiều phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình…Thơ của anhthực sự đã có chổ đứng trong làng thơ, trong lòng bạn đọc nhờ cấu tứ chặt chẽ, trau chuốt và chú trọngđiều chỉnh khi mạch cảm xúc tuôn trào. Thơ của Lê Quang Nhân là thơ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng và có cảm giác như ta đang đọc bút ký tình yêu: Thiếu em như thiếu nắng/ Như xuân về thiếu hoa/ Rượi ngon thành rượi đắng/ Có nhà như không nhà (Đừng bắt anh đợi nữa) …

 

Bước vào đầu Hạ, những tia nắng vàng như những lưỡi dao “xé toang” bầu trời; nắng nóng hầm hập bao trùm khắp phố phường, làng mạc. Dưới bóng tre làng, tôi mải mê đọc tập tình ca NỔI NHỚ như một làn gió mát xua tan cơn nóng ngột ngạt giữa trưa hè. Cám ơn Lê Quang Nhân,dù tuổi đã lục tuần vẫn tràn đầy nhựa sống…anh đã gieo vào lòng bạn đọc một niềm tin và hy vọng sẽđược đónnhận những bài thơ hay trong những tập thơ mới; bởi ở anhtình yêu và hồn thơ không bao giờ cạn.

Tác giả : Lê Chiêu Phùng

Bình luận

Bài viết liên quan

Thơ tình của riêng tôi
Những ý niệm về thơ qua Thế giới các vì sao của Lê Minh Thắng
Hồi chuông Thánh Đường
Nắng chiều
Nỗi nhớ mùa xa

Video clip