Lịch sử hình thành và phát triển làng Cao Lao Hạ

17:51 - 13/10/2010

Lịch sử hình thành và phát triển làng Cao Lao Hạ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Bình, một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam. Vùng đất Quảng Bình hôm nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới lãnh thổ và tên gọi.

 

Làng Cao Lao Hạ (Kẻ Hạ) nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cụ Lưu Trọng Tuần chép trong Cao lao hương sử về ý nghĩa của từ Cao Lao như sau:

 

“Cao Lao tiền thế đặt tên.

Cao: trông vời vợi, Lao: bền không xiêu”

 

Như vậy, chữ  Cao trong Cao Lao là cao đẹp, cao cả; chữ Lao trong Cao Lao là bền vững, vững chãi, không phải là lao nhọc, vất vả.

 

Lịch sử hình thành và phát triển làng Cao Lao Hạ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Bình, một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam. Vùng đất Quảng Bình hôm nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới lãnh thổ và tên gọi. Theo thư tịch cũ, thuở vua Hùng lập quốc, đất Quảng Bình, trong đó có Cao Lao Hạ thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 Bộ của nước Văn Lang.

 

Thời kỳ đất nước ta bị lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc, vùng đất Quảng Bình (trong đó có Cao Lao) khi thì nằm trong quận Tượng Lâm, khi thì nằm trong quận Nhật Nam. Năm 192 triều đại Đông Hán bị đánh bại phải rút quân về nước, Quảng Bình nằm trong lãnh thổ Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chiêm Thành, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý của Chiêm Thành.

 

Năm 1069, để phá tan âm mưu cấu kết chiếm đất Đại Việt từ hai mặt Bắc (nhà Tống) – Nam (Chiêm Thành), một đạo quân Đại Việt do Lý Thánh Tông cầm đầu và tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy, đã vượt dãy Hoành Sơn (đèo Ngang) tiến đánh vào tận kinh thành Chămpa, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Để chuộc mạng[1], vua Chiêm cắt dâng 3 châu phía Nam Hoành Sơn là: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý (Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay) cho nhà Lý. Để củng cố phên dậu phía Nam, tập trung sức chống nhà Tống ở phương Bắc, vua Lý đã đồng ý. Vùng đất Quảng Bình trở về với cội nguồn Đại Việt từ đó.

 

Năm 1075, Lý Thường Kiệt đổi tên Châu Bố Chinh thành Châu Bố Chính, Châu Địa Lý thành Châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành Châu Minh Linh[2]. Mảnh đất Quảng Bình từ đó chính thức được đưa vào bản đồ nước ta với tên gọi mới như trên. Chính Lý Thường Kiệt là người có công đầu xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình như ngày nay.

 

Cùng với việc đổi tên, Lý Thường Kiệt đã thực hiện chính sách chiêu mộ dân chúng, đưa quan quân ngoài Bắc vào lập nghiệp trên đất của 3 Châu mới; sắp đặt lại các tổ chức hành chính nhằm bảo vệ biên cương phía Nam của Tổ quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách ngụ Binh ư nông của Nhà Lý lúc bấy giờ. Họ tập hợp thành xóm làng, và mỗi làng không những là một đơn vị hành chính, đơn vị kinh tế mà với chính sách ngụ binh ư nông thì còn là một pháo đài chiến đấu khi có chiến tranh. Lịch sử hình thành làng xã ở 3 châu nói chung và làng Cao Lao Hạ nói riêng bắt đầu từ đây.

 

Đối với làng Cao Lao Hạ, theo lịch sử Quảng Bình cũng như các truyền tụng dân gian thì Làng hình thành ban đầu từ những người di cư lập ấp từ thời Lý. Nhưng theo gia phả của các họ tộc lâu đời nhất, có văn bản bút tích ghi chép, thì đến thời hậu Lê, đặc biệt sau khi vua Lê Thánh Tông (1470) xuống chiếu mộ dân vào lập ấp ở châu Bố Chính: “Bố Chính đất rộng người thưa, liền với châu Hoan, vậy quân và dân đến đó khẩn hoang sẽ có  lợi lớn”[3] thì Cao Lao Hạ mới chính thức hình thành. Đây là đợt di dân lớn của triều Lê; người 4 trấn phía Bắc, hưởng ứng chiếu di dân vào Bố Chính rất nhiều. Phần đất vùng phía Nam sông Gianh thuộc sơn hệ Lệ Đệ được vinh dự đón tiếp người Thanh Nghệ đến lập làng xóm, khai hóa thành 3 làng Cao Lao liền, xưa gọi là Cao Lao Thượng (còn gọi là Kẻ Thạng), Cao Lao Trung (còn gọi là Kẻ Chuông), Cao Lao Hạ (còn gọi là Kẻ Hạ)[4]. Căn cứ vào tên làng, tên xã, ta có thể khẳng định được tổ tiên người Cao Lao Hạ từ ngoài Bắc di cư vào chủ yếu là người Thanh – Nghệ - Tĩnh, bởi có tiếng nói giống miền Hoan Ái (Ô châu Cận Lục, 1553). Họ đến vào thời Hậu Lê (1460 – 1497). Tính đến nay cũng đã được khoảng 500 năm. Theo gia phả một số dòng họ, khi hưởng ứng chiếu di dân của vua Lê Thánh Tông, các quan, quân đến đây lập ấp đều mang theo gia quyến, dòng họ vì thế công cuộc khẩn hoang vùng đất mới diễn ra nhanh chóng hơn. Họ thường tập trung các vùng có đất đai canh tác, bãi bồi ven sông.

 

Đến thời Nguyễn Hoàng (1558 đến 1604) trấn thủ đất Thuận Hóa (1558) mới chia châu Bố Chính thành 2 châu là Nam Bố Chính và Bắc Bố Chính. Phía Nam sông Gianh là nam Bố Chính, phía bắc sông Gianh là Bắc Bố Chính. Vùng đất Bắc sông Gianh còn gọi là xứ Đàng Ngoài, vùng Nam sông Gianh còn gọi là xứ Đàng Trong. Năm 1605 Nguyễn Hoàng đổi Châu Bố Chính thành phủ Quảng Bình, cái tên Quảng Bình có từ đó.

 

Cho đến khi chúa Trịnh đuổi được chúa Nguyễn ra khỏi Thuận – Quảng (năm 1776), Lê Quý Đôn giữ chức hiệp trấn, tham tán quân sự Thuận Hóa đã chép trong sách Phủ Biên Tạp Lục rằng: Châu Nam Bố chính gồm 2 tổng: Tổng Trứ Lễ và tổng Lương Xá. Tổng Trứ Lễ gồm 17 xã, 7 phường, 6 trang, trong đó có Cao Lao[5] mà không phân biệt Cao Lao Thượng, Cao Lao Trung, Cao Lao Hạ.

 

Nguyễn Huệ là người có công chấm dứt nội chiến Nam Bắc phân tranh hơn 200 năm, lấy sông Gianh làm ranh giới, thống nhất đất nước xóa bỏ 2 châu Bắc, Nam Bố Chính thành lập Châu Thuận Chính (Thuận có nghĩa là hòa thuận chấm dứt chiến tranh).

 

Năm 1802, sau khi đàn áp phong trào Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, Gia Long trở lại tên gọi vùng đất Quảng Bình hiện nay là Bố Chính nội, Bố Chính ngoại, nhằm phân biệt giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài trong việc phong tước phẩm, định mức thuế đối với nhân dân hai bờ sông Gianh.

 

Theo gia phả dòng họ Lê Quang hiện còn lưu thì dưới thời Nguyễn (Gia Long) năm Tân dậu (1801) ông Lê Quang Hào người làng Cao Lao Hạ thuộc tổng Thị Lễ được bổ nhiệm giũ chức chỉ huy đội II của Vệ Chấn Võ (Vệ gồm 3600 lính) thuộc đạo Trung Quân[6]. Như vậy, là đến thời Nguyễn (Gia Long) tổng Trứ Lễ đổi thành tổng Thị Lễ. Việc đổi tên diễn ra thời điểm nào là chưa rõ. Cũng theo gia phả dòng họ Lê Quang, năm Quý Hơi (1803) ông Lê Quang Hào được vua gia Long ra chiếu nghị phong tước hầu”Mân Nhật Hầu”. Năm Giáp tuất (1814) nhờ có chính tích tốt, ông đã có những đóng góp đáng kể cho nước nhà. Do đó, tổng Thị Lễ của ngài được đổi thành tổng Cao Lao.

 

Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi châu Nam Bố Chánh làm huyện Bố Chính. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi là huyện Bố Trạch, gồm 5 tổng: Tổng Cao Lao, tổng Liên Phương, tổng Hoàn Lão, tổng Hoàn Phúc, tổng Hà Bạc. Tổng Cao Lao gồm 25 làng, trang, phường[7], trong đó có 3 làng mang tên Cao Lao được phân rõ từng địa giới là Cao Lao Hạ, Cao Lao Trung, Cao Lao Thương . Ba làng có tên chung là Cao Lao nhưng chưa rõ vì sao.

 

Năm 1832, đời vua Minh Mạng, Bố Chính trở về tên gọi là tỉnh Quảng Bình. Từ đây cho đến thời vua Thiệu Trị toàn tỉnh có 2 phủ, 6 huyện (phủ là đơn vị hành chính bao gồm nhiều huyện). Phủ Quảng Ninh có 3 huyện: Phong Lộc, Phong Đăng và Lệ Thủy (Đồng Hới thuộc phủ Quảng Ninh). Phủ Quảng Trạch gồm 3 huyện: Bố Trạch, Bình Chánh và Minh Chánh.

 

Sau phong trào Cần Vương cho đến trước 1945, Quảng Bình có 2 phủ và 3 huyện (phủ lúc này không bao gồm huyện) đó là: Quảng Ninh và Quảng Trạch, ba huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa (suốt thời kỳ thuộc địa Pháp dưới triều Nguyễn, Đồng Hới là tỉnh lị Quảng Bình).

 

Người làng Cao Lao Hạ cho rằng các dòng họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lê là những họ đầu tiên khai khẩn ra làng Cao Lao Hạ. Qua các tư liệu một số gia phả hiện có cũng như trong cuốn sách cúng tế thần tại đình trung, thì các vị thủy tổ của các dòng họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lê đến Cao Lao Hạ sớm nhất, đó là các Ngài: Lưu Văn Tiên – Đại tướng quân, tước hiệu vua phong là Dực bảo trung hưng linh phù chi thần; Nguyễn Văn Khai – Đại tướng quân Nguyễn Quý Công; Lê Quang Lữ - Triệu phong Lê Quý Công. Đây là các vị tiền khai canh, đầu tiên mà lập ra làng Cao Lao Hạ. Các vị thủy tổ của 3 họ Lưu, Nguyễn, Lê hiện được thờ tại nhà thờ của mỗi họ; ngoài ra làng còn rước các vị ra thờ tại đình trung (theo sách Văn tế thần tại đình).

 

Tiếp theo có 4 vị của 4 dòng họ có công hậu khai khẩn: Họ Lưu là ông Lưu Văn Hành. Chức: Tướng thần lai tư – Quý Phúc Công; Họ Lê Văn là ông Lê Văn Giám. Tước hiệu: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần; Họ Lê Quang là  ông Lê Quang Diệu; Họ Lê Chiêu là ông Lê Chiêu Phúc. Làng cũng rước 4 vị ra thờ tại đình trung. (theo sách Văn tế thần tại đình).

 

Đồng hành với các vị tiền khai khẩn, khai canh, đầu tiên còn có nhiều họ vào cùng một lúc hoặc sau một thời gian. Cho nên, Cao Lao Hạ lại có thêm nhiều họ đến cư trú nhưng vì gia phả gốc không còn, hoặc bị thất lạc nên chưa xác định được thời gian chính thức, nhưng các họ đều có thể đến cư trú trên mảnh đất Cao Lao Hạ khoảng trên 15 đời và đều là những họ tộc lớn trong cộng đồng 24 họ ở Cao Lao Hạ.

         

Các ngài khai khẩn của dòng họ nào khi khai phá vùng đất nào thì đặt tên cho nơi ấy. Ví dụ: Ông họ Nguyễn thì đặt tên xứ: Kim Qui, Đồng Giôn, Đồng Léc, Đồng Bẫy, Đồng Ông Già, Đồng Ran, Đồng Rú, Cửa Nam, Bàu Hóc, Bàu Hào...; Ông họ Lê Chiêu khai khẩn vùng Lòi Sắn, Khu Nại, Khu Vợt, Đồng Hưng...; Các ông họ Lê Quang và Lê Văn đã khai hoang và lập ra các xứ: Cù Sơn, Cựa Cương, Múi Đới, Múi Bần, Cù Neo, Hói Đá, Chú Thanh, Chú Quỉ, Cồn Cui, Nội Bạn Trân, Nội Bạn Dưới, Bàu Mật, Bàu Gát, Bàu Dầu, Lẹm Hẹm...; Ông họ Lưu khai khẩn và đặt tên các xứ: Bàu Vuông, Bàu Gát Su, Bàu Gát Dưới, Bàu Cửa, Ông Vườn, Hói Cỗ... Những tên đất kể trên, hiện nay ở làng Cao Lao Hạ nơi nào thuộc sự khai phá của dòng họ nào, đều rõ ràng không nhầm lẫn.

           

Ngoài các địa danh trên, Cao Lao Hạ còn có nhiều cồn, nhiều xứ, nhiều bàu có tên gọi mà không ai biết chủ nhân nào khai phá ra từ đời nào, tỏ rõ việc khẩn trị đất đai, xây dựng làng xóm còn có nhiều đời trước hoặc sau các vị khai khẩn ở trên. Nhưng vì thời đó một là không biên chép, hai là biên chép mà thất lạc vì chiến tranh hỏa hoạn, lụt bão,...nên chưa xác định được. Sau năm 1945 làng tiếp tục ghi nhận vào sổ bộ những vị khai khẩn mới có công mở rộng diện tích canh tác ở một số vùng trong xã. Ví dụ như: Rẫy ông Lưu Quí Ly hay rẫy ông Ly (gần Kim Qui). Đồng ông Tín (ở Hói Đá).

 

Sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quảng Bình có 5 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Đồng Hới (đến năm 1965 tách huyện Tuyên Hóa thành 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa cho đến tháng 9 - 1975). Tại Cao Lao Hạ, năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, Chính quyền nhân dân ra đời. Buổi đầu bộ máy hành chính được đặt tên là Ủy ban Nhân dân Cách mạng, sau đổi lại Ủy ban Hành chính làng Cao Lao Hạ (bỏ cấp tổng) dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

         

Năm 1947, quân Pháp xâm chiếm Quảng Bình. Tháng 6 – 1947, huyện chỉ đạo chính quyền các cấp kiện toàn lại bộ máy, sát nhập Ủy ban Kháng chiến và Ủy ban Hành chính thành Ủy ban Kháng chiến – Hành chính do ông Lưu Trọng Lạc (quê Cao Lao Hạ) làm Chủ tịch huyện. Đồng thời sát nhập 22 thôn trong toàn huyện thành lập 6 xã, trong đó vùng nam sông Gianh họp thành xã Bắc Trạch, gồm 8 làng cũ: Bồ Khê, Bồ Khê Phường, Thanh Bình, Thanh Bồ, Đặng Đề, Cao Lao Hạ, Cao Lao Trung, Cao Lao Thượng. Xã Bắc Trạch là một đơn vị hành chánh có Hội đồng nhân dân, có Chi bộ Đảng, có Ủy ban nhân dân xã... Tháng 6, năm 1955, xã Bắc Trạch lại tách ra làm 4 xã: Xã Mỹ Trạch gồm: Cao Lao Trung, Cao Lao Thượng;  Xã Hạ Trạch: Cao Lao Hạ; Xã Bắc Trạch: Đặng Đề, Thanh Ba; Xã Thanh Trạch gồm: Bồ Khê, Thanh Bồ.

         

Năm 1955, trong đợt giảm tô, làng Cao Lao Hạ được phân chia ra nhiều thôn mới, theo nguyên tắc chọn lấy địa hình của mỗi thôn làm gốc là chính, rồi ghép chữ Cao, làm từ đầu để đặt tên thôn như: thôn Cao Nam, thôn Cao Thành, Cao Biền, Cao Xạ, Cao Đình, Cao Trường, Cao Lưu, Cao Đông, Cao Tây, Cao Đài, Cao Đức, Cao Phúc, Cao Đồng.

 

Năm 1956, cải cách ruộng đất, đất đai thuộc quền sở hữu toàn dân. Lúc này tổ sản xuất, tổ đổi công được ra đời, rồi hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và giao đất để canh tác tập thể, làm ăn chung. Một số bờ ruộng được phá bỏ để mở rộng diện tích canh tác theo cách làm ăn lớn. Từ các tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã nhỏ, từ hợp tác xã nhỏ tiến lên hợp tác xã bậc cao có quy mô to lớn hơn. Toàn xã Hạ Trạch có hai hợp tác xã là: Hợp tác xã Thống Nhất và hợp tác xã Trường Lưu. Công việc điều hành chuyển vào Ban quản lý hợp tác xã, vai trò về mặt chính quyền tập trung vào UBND xã.

 

Năm 1964 xã Hạ Trạch đưa một số dân di cư vào Sen Bàng (xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch) để xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1967 với chủ trương của Đảng bộ, xã di dân vào ven chân núi Lệ Đệ. Từ động Mồ Côi (Hói Đá) ven theo chân đồi đến tiếp giáp thôn Mỹ Trung (xã Mỹ Trạch) lập thêm một khu dân mới gọi là Làng Rẫy. Làng Rẫy gồm có 4 thôn (thôn 3, thôn 4 và thôn 8, thôn 9). Tên thôn xóm này nguyên gốc từ hai hợp tác xã. Hợp tác xã Thống Nhất có 4 thôn, hai thôn ngoài làng là thôn 1 và thôn 2. Hai thôn Làng Rẫy là thôn 3 và thôn 4. Hợp tác xã Trường Lưu có 5 thôn. Ba thôn ngoài làng là thôn 5, thôn 6 và thôn 7. Hai thôn Làng Rẫy là thôn 8 và thôn 9. Như vậy là xã Hạ Trạch hiện nay gồm có hai khu vực: Khu vực ngoài làng 5 thôn. Khu vực Làng Rẫy 4 thôn, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

           

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Cao Lao Hạ vẫn được giữ vững, tồn tại và không ngừng phát triển, trở thành nơi chôn rau cắt rốn của rất nhiều thế hệ.

 


 

[1] “Đại việt sử ký toàn thư”. NXB Khoa học xã hội 1972, trang 233

[2] “Đại việt sử ký toàn thư”. NXB Khoa học xã hội 1972, trang 237

[3] Trích chiếu Nam Hạ.

[4] Dương Văn An, “Ô châu cận lục” ghi ở mục Đồ Bản, châu Bố chính có 69 xã, trong đó có 3 xã Cao Lao Thương, Cao Lao Trung, Cao Lao Hạ. Sách dịch NXB thuận Hóa năm 2001, trang 47.

[5] Lê Quý Đôn  “Phủ Biên Tạp Lục”. NXB KHXH, Hà Nội năm 1977, trang 83….

[6] Quân đội triều Nguyễn có 5 đạo quân để bảo vệ kinh thành Huế. Khi ra trận đạo trung quân đị giữa, có nhà vua ngự giá chỉ huy. Đạo hậu quân đi sau cùng có nhiệm vụ vận chuyển quân nhu, quân lương cùng giải quyết mọi việc hậu quả chiến trường

[7] Tổng Cao Lao: Bồ Khê xa, Bồ Khê phường, Thanh Bồ, Đặng Đề, Thanh Ba, Cao Lao Hạ, Cao Lao Trung, cao Lao thương, Phú Kinh, Phú Mỹ, Hà Môn, Thanh Lăng, gia Hưng, Gia tịnh, Xuận Sơn, Na, Trầm, Mé, Lim, Phong Nha, Hạ Lời, cù Lạc, Cù giang, phường xuân Hồi (Thanh xuân sống trên sông) Ngoại Hải (thanh Hải).

Tác giả : Lưu Đức Hải

Bình luận

Bài viết liên quan

Ao - Phôốc làng Cao Lao Hạ
Đôi câu đối có sự trùng lặp kỳ diệu
Địa chí làng Cao Lao Hạ - đôi điều góp ý bổ sung
Thơ ca, hò hát dân gian
Hò ru con

Video clip