Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 10)

08:40 - 12/08/2020

Giới thiệu phần 9, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 10)

...Tiếp theo...

II. Nhân dân xã Hạ Trạch chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1965 – 1975)

          Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ công khai đưa quân đội Mỹ và các nước chư hầu cùng với khối lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh tinh nhuệ hiện đại nhất thế giới ồ ạt vào miền Nam, đồng thời chúng ráo riết đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

          Đêm mồng 6 rạng sáng ngày mồng 7 tháng 2 năm 1965 Tổng thống Mỹ JonSon ra lệnh huy động không quân và hải quân Mỹ mở chiến dịch mang mật danh “mũi lao lữa I” ném bom bắn phá vào một số vùng đông dân cư, bệnh viện, trường học và một số cơ sở kinh tế quốc phòng ở tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Ngày 11 tháng 2 năm 1965 đế quốc Mỹ mở chiến dịch “mũi lao lửa II” huy động nhiều lượt máy bay các loại tập trung ném bom bắn phá vào các mục tiêu quân sự kinh tế quan trọng của ta ở Bố trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy….quân và dân Quảng bình đã dũng cảm chiến đấu bắn rơi hàng chục chiếc máy bay Mỹ gây cho chúng nhiều thiệt hại về của cải vật chất và tinh thần.

          Sau thất bại của chiến dịch “mũi lao lửa”, ngày 13 tháng 2 năm 1965 Tổng thống Mỹ Jonhson ra lệnh mở chiến dịch mới mang mật danh “Sấm rền” huy động tổng lực không quân và hải quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tổng tham mưu trưởng không lực Hoa Kỳ ngạo mạn tuyên bố: “bằng không quân chúng ta có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào trên thế giới. Bắc Việt Nam hãy sờ lên gáy, nếu không chúng ta sẽ ném bom bắn phá tan hoang đẩy lùi về thời kỳ đồ đá. Dưới bom đạn Mỹ, Bắc Việt không chịu nổi vài tuần”(47).

Ngày 2 tháng 3 năm 1965 Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân thực hiện chiến dịch “Sấm rền” tấn công nhiều mục tiêu trên toàn lãnh thổ miền Bắc. Tại Quảng Bình chúng huy động 160 chiếc máy bay ném bom các loại chia làm 90 tốp liên tục tập kích đánh phá vào các căn cứ Hải quân của ta ở Cảng Gianh, ngư trường Sông Gianh, bến phà Gianh…và 1 số cơ sở kinh tế, quốc phòng ở Lệ Thủy. Từ đây mảnh đất Quảng Bình nói chung xã Hạ Trạch nói riêng không ngày nào ngớt tiếng máy bay, tiếng bom gầm đạn rít…

          Thấy rõ âm mưu điên cuồng mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 khóa III tháng 4 năm 1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh lính và cố vấn, lôi kéo thêm quân sỹ các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này thì quân và dân ta cũng quyết tâm đánh thắng chúng”.

 (47)Dẫn theo “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Hà Nội, năm 1998, trang 121.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          Ngày 12 tháng 3 năm 1965 Tỉnh ủy Quảng Bình mở Hội nghị cán bộ chủ chốt các ban ngành, địa phương toàn tỉnh đề ra nhiệm vụ cấp bách là: Gấp rút triển khai nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, phát triển sản xuất trong điều kiện chiến tranh; triển khai lực lượng thường trực chiến đấu để đánh trả máy bay tàu chiến của Mỹ; kịp thời phát hiện và tiêu diệt các toán gián điệp biệt kích trong bất cứ điều kiện nào.

          Ngay sau Hội nghị cốt cán toàn tỉnh các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân và chiến tranh gián điệp biệt kích, chiến tranh tâm lý của Mỹ - ngụy. Chuẩn bị nguồn lực kinh tế, quốc phòng, triển khai thế trận chiến tranh nhân dân sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ.

          Xã Hạ Trạch là một xã phía bắc huyện Bố Trạch nơi có nhiều mục tiêu kinh tế quân sự, giao thông vận tải rất quan trọng (gần căn cứ của Bộ đội Hải quân ở Cảng Gianh, ngư trường Sông Gianh, bến phà Gianh, bến đò Hạ Trạch, có tuyến quốc lộ 1A, đường tỉnh lộ chậy qua…) nên nơi đây được xác định là một trong những địa bàn địch sẽ đánh phá ác liệt.

          Để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân dân chủ động đối phó có hiệu quả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tháng 3 năm 1965 Đảng bộ xã Hạ Trạch tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VI nhiệm kỳ 1965 – 1967. Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ  cách mạng của xã nhà sát đúng với chủ trương nhiệm vụ chỉ đạo của Hội nghị Tỉnh ủy ngày 12 tháng 3 năm  1965 và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đại hội đã bầu Ông Lưu Đức Hỹ giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. (Ông Lưu Bá Giáo nguyên Bí thư Đảng ủy được điều động lên huyện nhận nhiệm vụ mới), ông Nguyễn Văn Thúy được bầu Phó bí thư – Chủ tịch UB hành chính xã. Ông Lưu Văn Lân, Đảng ủy viên, Phó chủ tịch UB hành chính xã.  

          Xác định được vị trí chiến lược của địa phương, Đảng ủy chính quyền  đã tập trung chỉ đạo kiện toàn củng cố lực lượng dân quân tự vệ, lựa chọn bổ sung những thanh niên, phụ nữ trẻ khỏe có phẩm chất tốt vào lực lượng; chất lượng vũ khí được nâng cao, các đại đội dân quân được trang bị súng 12 ly 7, súng CKC, súng AK; năng lực cơ động chiến đấu được nâng lên. Hệ thống hầm hào công sự chiến đấu bắn máy bay Mỹ được xây dựng khắp đầu làng ngõ xóm, trên các cánh đồng. Nhân dân trong xã được hướng dẫn đào đắp làm hầm trú ẩn tránh máy bay phi pháo địch. Nhà nhà làm hầm, mỗi gia đình có từ 1 đến 3 chiếc hầm, hầm chìm, hầm nổi, hầm chữ A, chữ L, chữ U được xây dựng khắp mọi nơi. Hầm trong nhà, hầm ngoài vườn, hầm ngoài đồng, hầm cho học sinh, hầm cho bệnh xá, hầm ở kho hợp tác xã, có những chiếc hầm lớn chứa vài chục người. Những gia đình chính sách, hộ neo đơn lực lượng dân quân, thanh niên trong xã đi chặt gỗ, xẽ ván đào đất chở về giúp đỡ làm hầm…

          Chiến tranh diễn ra ác liệt công tác phòng không, phòng không nhân dân ở xã Hạ Trạch càng được cải tiến, đổi mới nâng lên, xã đội đã bố trí một bộ phận dân quân thường xuyên ứng trực theo dõi máy bay địch kịp thời báo động cho dân quân sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay và báo động cho nhân dân sơ tán, vào hầm trú ẩn. Các đại đội dân quân, hợp tác xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ tổ chức các tổ chữa cháy, cứu sập hầm, cứu thương sẵn sàng ứng cứu người, cứu tài sản, chữa cháy khi có máy bay, pháo kích của địch bắn phá vào trận địa, vào khu dân cư. Trong mỗi đội sản xuất, mỗi xóm hình thành các tổ lân gia liên bảo năm, ba nhà liền kề nhau sẵn sàng ứng cứu giúp nhau lúc hoạn nạn. Các qui ước phòng không được cán bộ nhân dân trong xã thường xuyên tuyên truyền nhắc nhau thực hiện nghiêm túc. Ban đêm các gia đình, trường học, trạm xá chỉ được sáng đèn đúng thời gian quy định khi dùng không được để ánh sáng phản ra ngoài. Cán bộ, nhân dân ra đường không được đội nón, mũ, mặc áo quần màu trắng hoặc màu sặc sỡ. Những câu hò vè được sáng tác để nhắc nhở nhau trong công tác phòng không như: Ra đường áo trắng không mang, mà đeo vành lá ngụy trang che mình hoặc: Ngày xưa áo trắng em yêu, ngày nay áo trắng mục tiêu quân thù; Đò ngang đừng có chở đầy, lỡ khi báo động máy bay khó chèo…đã trở thành những câu khẩu hiệu hành động thiết thực của nhân dân xã Hạ Trạch.

          Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động sẵn sàng chiến đấu các trận địa súng 12 ly 7 và các tổ súng trường của dân quân xã Hạ Trạch bố trí dọc tuyến đê Sông Gianh, đã phối hợp với lực lượng phòng không các xã Bắc Trạch, Thanh Trạch, Quảng Thuận, Quảng Phúc và các đơn vị Bộ đội bảo vệ Cảng Gianh, phà Gianh ngoan cường dũng cảm chiến đấu giáng trả hàng trăm đợt máy bay địch tập kích đánh phá vào khu vực Cảng Gianh, bến phà Gianh gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề, góp phần quan trọng khích lệ tinh thần chiến đấu chống Mỹ cứu nước của quân và dân trên địa bàn.

          Thực hiện chủ trương của huyện Bố Trạch về việc giãn mật độ dân cư trong thời chiến, tháng 5 năm 1965 cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã Hạ Trạch đã vận động, hỗ trợ người và phương tiện vận chuyển đưa 70 hộ dân do anh Lưu Văn Hồ thường vụ Đảng ủy làm trưởng đoàn vào định cư xây dựng vùng kinh tế mới ở Sen Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch.

          Trên mặt trận bảo vệ giao thông vận tải, đến tháng 5 năm 1965 hầu hết các cầu, ngầm trên tuyến quốc lộ 1A, tuyến đường 15, các điểm vượt khẩu các bến phà trên địa bàn tỉnh bị địch đánh phá hết sức ác liệt, nhiều lúc bị tắc nghẽn. Ngày 7 tháng 5 năm 1965 Trung ương Đảng ra Nghị quyết về công tác đảm bảo giao thông vận tải chi viện ở các tỉnh liên khu 4 đồng chí Lê Hiến Mai chính ủy quân khu 4 được cử làm chủ tịch Hội đồng Quốc phòng quân khu 4, Bí thư tỉnh ủy các tỉnh liên khu 4 làm ủy viên. Hội đồng quốc phòng quân khu 4 đã ra Nghị quyết chỉ rõ: Dù bất cứ tình huống nào Quảng Bình và Vĩnh Linh phải bảo vệ, giữ vững mạch máu giao thông vận tải chi viện.

          Giữa tháng 5 năm 1965 Tỉnh ủy Quảng Bình mở Hội nghị về công tác đảm bảo giao thông vận tải và quyết định thành lập Ban chỉ đạo đảm bảo giao thông vận tải tỉnh do ông Nguyễn Hữu Duật - ủy viên thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch UB hành chính tỉnh làm trưởng ban; ông Lại Văn Ly trưởng ty giao thông vận tải làm phó ban. Hội nghị đã quyết định thành lập các công trường xây dựng giao thông đường 12A, công trường 157 xây dựng từ phà Xuân Sơn qua đèo Đá Đẻo đến Khe Ve (đường 15A); công trường 152 xây dựng tuyến đường từ phà Xuân Sơn vào Bến Quan Vĩnh Linh; công trường 600 xây dựng cung đường từ Đèo Ngang đến Ròon. Tiếp sau đó khởi công xây dựng đường 20 quyết thắng nối từ Phong Nha vào Cam Lộ - Quảng Trị. Năm 1966, Bộ giao thông vận tải quyết định mở thêm các tuyến đường 22A từ Kỳ Anh – Hà Tĩnh vượt Đèo Ngang qua xã Quảng Hợp – Quảng Trạch, đường Ba Trại từ Phà Gianh vào Thọ Lộc…tại thời điểm này trên các công trình giao thông ở Quảng Bình duy trì thường xuyên hơn 3 vạn người tham gia xây dựng đường giao thông vận tải, trong đó có hàng trăm người là con em Hạ Trạch tình nguyện tham gia các đoàn dân công hỏa tuyến xây dựng trên các công trường giao thông.

          Trên tuyến đường Ba Trại chạy qua địa bàn xã, nhân dân Hạ Trạch không những bảo vệ, vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ các đơn vị thanh niên xung phong các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Hà Tây; thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong tỉnh tham gia mở đường ăn, nghỉ, sinh hoạt. Nhân dân Hạ Trạch còn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để đào đắp đất đá xẻ núi mở đường.

          Để nâng cao năng lực vận tải chi viện, phá thế độc tuyến Ban chỉ đạo đảm bảo giao thông vận tải tỉnh chỉ đạo các bến phà được tổ chức theo mô hình phi quân sự hóa, các bến đò ngang được bố trí lại đảm bảo an toàn cho người đi lại và vận chuyển hàng hóa kịp thời phục vụ chi viện. Bến Phà Gianh đi qua địa bàn hai xã Quảng Thuận và Hạ Trạch được mở rộng xây dựng thêm hai bến chính và bến phụ đảm bảo điều vận hoạt động phà 24/24 giờ kịp thời giải quyết thông bến không để ùn tắc. Ở bờ nam bến phà Gianh, nhân dân xã Hạ Trạch phối hợp với lực lượng công nhân giao thông khẩn trương huy động nguồn lực tranh thủ thời gian mọi khi mọi lúc đào đắp, vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ xây dựng mở rộng bến chính, bến phụ đảm bảo đúng quy trình, kế hoạch tránh những giờ cao điểm hoạt động của máy bay tàu chiến địch hoạt động, hạn chế được những thiệt hại cho cán bộ và nhân dân.

          Cùng với việc mở đường Ba Trại, mở rộng, bến phà Gianh, xã Hạ Trạch được Tỉnh, huyện Bố Trạch giao nhiệm vụ mở bến đò ngang từ Hạ Trạch qua Quảng Thuận phục vụ công tác đảm bảo giao thông vận tải. Ông Trần Sự tỉnh đội trưởng và ông Lưu Văn Đăng bí thư huyện ủy Bố Trạch đã trực tiếp làm việc, giao nhiệm vụ:

  1. Hạ Trạch phải đảm bảo giao thông: Thông đường, thông xe, thông tuyến, thông đò, thông sông liên tục 24/24 giờ.
  2. Đảm bảo trung chuyển người và hàng hóa, cứu người, hàng hóa trên sông khi có chiến sự xảy ra.
  3. Bám làng, bám bến, bám trận địa sẵn sàng bắn máy bay địch, bao vây truy bắt gián điệp biệt kích xâm nhập.

          Thực hiện chủ trương chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, chính quyền xã Hạ Trạch đã huy động lực lượng dân quân, thanh niên và nhân dân xây dựng bến đò ngang tại Bến lầu ông Dư; lựa chọn những thanh niên khỏe mạnh, gan dạ, thông thạo sông nước giỏi bơi lội trong xã thành lập tổ chèo đò của xã; đồng thời huy động nguồn lực của địa phương để mua sắm, đóng đò (thuyền) để tổ đò hoạt động chèo đò đưa người và hàng hóa qua sông.

          Bến đò ngang Hạ Trạch ở sát bến phà Gianh, gần đường quốc lộ 1A và tuyến đường giao thông chiến lược độc đạo (đường Ba Trại), gần căn cứ quân sự Cảng Gianh nên nơi đây trở thành mục tiêu trọng điểm bắn phá vô cùng ác liệt của máy bay tàu chiến địch. Là nơi chúng thả thủy lôi từ trường dày đặc phong tỏa khắp dòng sông Gianh để ngăn chặn và phá hoại tàu thuyền của ta hoạt động đi lại trên sông. Song sự tàn khốc, hủy diệt của cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ không làm nao núng tinh thần của các chiến sỹ tổ chèo đò mà càng mài sắc thêm ý chí chiến đấu quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

          Trong chiến dịch Quang Trung vận chuyển hàng từ bờ bắc sông Gianh qua bờ nam để chi viện vào miền Nam, tranh thủ lệnh tạm ngừng bắn của đế quốc Mỹ từ ngày 25 tháng 12 năm 1965 đến 31 tháng 1 năm 1966 để nhân dân đón Lễ giáng sinh (lễ Noel), tết dương lịch và tết nguyên đán Bính Ngọ, tổ chèo đò xã Hạ Trạch đã huy động cả tổ 10 người(48) với 8 chiếc đò ngày đêm bám bến, bám đò liên tục ở mọi lúc mọi nơi, bóc dỡ vận chuyển hàng ngàn tấn hàng từ bờ bắc sang bờ nam sông Gianh kịp thời chi viện vào miền nam.

 (48)10 người trong tổ đò ngang xã Hạ Trạch gồm có các ông: Nguyễn Văn Tương, Trần Dao, Nguyễn Văn Chường, Nguyễn Hoán, Trần Chống, Nguyễn Văn Trị, Lê Văn Minh, Trần Thỉu, Nguyễn Thới, Lê Văn Xoán.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ năm 1966 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt, vùng hạ lưu sông Gianh không ngày nào ngớt tiếng máy bay tàu chiến địch gầm rít trinh thám, ném bom bắn phá. Hàng ngàn tấn bom đạn các loại bom tấn, bom tạ, từ trường, bom napan, bom bi, thủy lôi Mỹ ném xuống dày đặc vào các mục tiêu bến đò Hạ Trạch, bến phà, cảng Gianh, đường Ba Trại gây cho ta gặp rất nhiều khó khăn.

          Biến căm thù thành hành động cách mạng, các chiến sỹ lái đò xã Hạ Trạch vẫn kiên cường dũng cảm bám bến, bám đò, luồn lách dưới làn bom đạn máy bay tàu chiến địch đang bắn phá giữa lòng sông Gianh, đưa hàng ngàn chuyến đò vận chuyển người, hàng hóa qua sông an toàn. Tổ chèo đò còn bố trí người thường xuyên theo dõi, đánh giấu các vị trí có bom, thủy lôi chưa nổ để thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền đi lại trên sông phòng tránh; đồng thời thông báo, phối hợp với đội công binh và tổ rà phá bom mìn của xã, tổ chức rà phá hàng chục quả bom mìn, thủy lôi kịp thời thông sông, thông bến. Riêng ông Nguyễn Văn Tương tổ trưởng chèo đò đã dũng cảm rà phá thành công 4 quả thủy lôi.

          Tổ đò Hạ Trạch đã chèo đò xuất bến hàng trăm lần đi cứu người, cứu tài sản trên các tàu thuyền bị trúng bom, vướng thủy lôi nổ. Điển hình là: tổ đò đã kịp thời phát hiện ứng cứu chiếc đò chở đầy lưỡi cày cải tiến vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vướng thủy lôi nổ chìm xuống đáy sông ở Cồn Soi cứu được 5 người bị thương, cả tổ đò thay nhau ngụp lặn liên tục ba ngày vớt được hơn 1000 lưỡi cày; cứu 5 thủy thủ của đoàn vận tải Thanh Khê chở than bị thủy lôi nổ làm cho đò chìm ở khu vực miếu “ông ngư” bị thương đang trôi dạt trên sông; cứu vớt hơn 220 thùng phi đựng dầu (mỗi thùng 200 lít) trôi nổi trên sông khi xe ô tô chở đi qua phà Gianh bị máy bay Mỹ ném bom làm phà chìm…

          Trong lúc khó khăn, tổ đò đã có sáng kiến liên kết hai đò lại với nhau dùng hàng chục tấm ván dày chịu trọng để bắc cầu chở những chiếc xe con phục vụ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, quân đội qua sông an toàn. Nhiều chuyến đò bị máy bay bắn phá người bị thương, đò bị thủng, tay chèo gãy, các chiến sỹ lái đò đã xé áo băng bó tạm thời vết thương cho người bị thương chặn lỗ thủng đò và buộc tháp lại mái chèo tiếp tục đưa đò vào bờ tránh sự oanh tạc của máy bay địch.

          Bến đò Hạ Trạch đã trở thành huyền thoại lịch sử của xã Hạ Trạch gắn liền với lịch sử của huyện, của tỉnh Quảng Bình trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tổ chèo đò Hạ Trạch đã thực hiện hàng chục ngàn chuyến đò vượt sông Gianh dưới làn bom đạn máy bay địch và bãi bom thủy lôi từ trường địch phong tỏa dày đặc giữa dòng sông để chuyên chở hàng chục vận tấn hàng, hàng vạn cán bộ, bộ đội chi viện vào miền Nam cùng hàng vạn đồng bào, trẻ em, học sinh đi sơ tán qua sông Gianh ra miền Bắc an toàn. Trong đó, có nhiều ông bà là cán bộ Lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước, các tướng lĩnh quân đội đi qua bến đò như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Bộ công an Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ giáo dục  Nguyễn Văn Huyên, Tư lệnh quân khu 4 Nam Long; Tướng Hoàng Đan; bà Hà Thị Quế, nhà thơ Tố Hữu (nhà thơ Tố Hữu sau này là phó chủ tịch hội đồng Bộ trưởng) cùng nhiều quan chức tướng lĩnh cấp cao khác… Chính nơi đây đã chứng minh đậm nét chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả của quân và dân Hạ Trạch trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Nguyễn Văn Tương tổ trưởng tổ chèo đò vinh dự được Đảng, nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

          Càng thất bại nặng nề đế quốc Mỹ càng điên cuồng mở rộng phạm vi đánh phá miền bắc, âm mưu phá hủy tiềm lực quân sự, kinh tế, triệt phá làm tê liệt hệ thống giao thông vận tải chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Quảng Bình là tỉnh nằm trong vùng “cán xoong” hậu phương  trực tiếp của miền Nam, vì vậy đế quốc Mỹ đã huy động một khối lượng lớn bom đạn các loại và hàng ngàn chiếc máy bay tàu chiến hiện đại nhất liên tục ném bom bắn phá dữ dội xuống các tuyến đường giao thông vận tải chiến lược, các bến phà, cầu cống quan trọng chà đi xát lại hàng trăm hàng chục lần có tính chất hủy diệt, không cho ta có thời gian khắc phục sữa chữa trong thời gian ngắn… Bến phà Gianh, bến đò Hạ Trạch, ngầm  Hói Hạ, cầu Kiệt, đường Ba Trại là những trọng điểm máy bay tàu chiến địch thường xuyên ném bom, bắn phá rất ác liệt.

          Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Quảng Bình họp ra lời kêu gọi quân và dân cả tỉnh: “Dù phải ăn cháo ăn rau, Quảng Bình vẫn quyết tâm chi viện miền nam; dù chiến tranh có ác liệt đến mấy Quảng Bình vẫn giữ vững mạch máu giao thông vận tải nối liền 2 miền Nam - Bắc.

          Với khẩu hiệu hành động thiết thực: “Giặc phá, ta sửa ta đi; xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương; tất cả vì nhân dân miền Nam thân yêu, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhân dân xã Hạ Trạch đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu sẵn sàng hi sinh cống hiến công sức xương máu, của cải vật chất phục vụ, bảo vệ đảm bảo mạch máu giao thông vận tải chi viện trên địa bàn thông suốt trong mọi tình huống. Mỗi khi máy bay tàu chiến địch ném bom bắn phá đường hỏng, cầu cống bị sập, giao thông bị ngưng trệ nhân dân xã Hạ Trạch nhanh chống tập trung cứu người, cứu xe, cứu hàng, san lấp hố bom, cầu cống, sửa chữa cầu đường kịp thời hướng dẫn cho xe thông tuyến chở hàng ra mặt trận.

          Trong cuộc chiến tranh phá hoại hết sức ác liệt, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã huy động hàng vạn ngày công để vận chuyển hàng ngàn m3 gỗ, tre các loại, hàng chục ngàn mét khối đất đá, hàng ngàn gánh bội và trực tiếp tham gia khắc phục sửa chữa đường, cầu cống cho xe qua. Nhiều gia đình dòng họ trong xã đã hạ cả nhà ở, nhà thờ họ để lấy gỗ, đất đá ra lát đường san lấp hố bom như: Gia đình ông Lê Văn Tri; nhà thờ họ Lưu làng, họ Lê Văn, Họ Phan, họ Nguyễn, họ Lưu Công…Toàn bộ vườn cây phụ lão trồng và rừng thông trồng quanh đỉnh núi Cù Sơn được nhân dân trong xã chặt hạ xuống cưa xẻ vận chuyển về sửa chữa, lấp ngầm Hói Hạ, ngầm Cầu Kiệt, lát đường Ba Trại cho xe qua.

          Đặc biệt trong chiến dịch “tên lửa vượt sông Gianh” suốt 3 ngày đêm liên tục từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 8 năm 1966 các đơn vị thanh niên xung phong, dân quân và nhân dân các xã Hạ Trạch, Bắc Trạch tập trung về địa bàn xã Hạ Trạch phục vụ chiến dịch. Ban ngày, các đơn vị vào rừng Ba Trại chặt gỗ, bó bỗi, đào đất đá chuyển về dốc Oằn, đêm đến chuyển số vật liệu đó ra mặt đường san lấp hố bom, lấp ngầm, lấp cống thông đường từ phà Gianh vào dốc Oằn cho xe kéo tên lửa đi qua. Các trận địa pháo phòng không của bộ đội, súng 12 ly 7, súng máy, súng trường của dân quân địa phương luôn thường trực chiến đấu sẵn sàng đánh máy bay Mỹ bảo vệ chiến dịch. Đêm 26 tháng 8 năm 1966 ba chiếc phà cảm tử chở tên lửa vượt sông Gianh qua bờ Nam, đoàn xe kéo tên lửa vượt qua ngầm Cầu Kiệt thì máy bay địch ập đến ném bom bắn phá dự dội xuống mặt đường và ngầm Hói Hạ, ngầm Cầu Kiệt làm hàng trăm người tham gia chiến dịch bị thương vong. Nhân dân xã Hạ Trạch đã kịp thời phối hợp với những người phục vụ chiến dịch sống sót khiêng vác, vận chuyển người bị thương vong về nhà kho hợp tác xã Trường Lưu băng bó cấp cứu, đồng thời làm các thủ tục mai táng người đã hi sinh. Ngay sau đó lực lượng dân quân, thanh niên xung phong, xã viên xã Hạ Trạch đã huy động hơn 9 ngàn ngày công giúp các đơn vị bộ đội đào đắp công sự, vận chuyển 1.500 tấn khí tài tên lửa lên Hòn Bung xây dựng trận địa tên lửa bắn máy bay Mỹ.

          Đêm 20 tháng 8 năm 1967 trong khi các đơn vị thanh niên xung phong  cùng lực lượng dân quân, thanh niên xã Hạ Trạch đang tập trung san lấp ngầm và đường đi qua Hói Hạ thì máy bay địch lao đến bắn pháo sáng và dội bom khu vực ta đang hoạt động làm 88 người hi sinh, nhiều người khác bị thương. Không sợ nguy hiểm cán bộ, nhân dân xã Hạ Trạch đã băng mình qua lửa đạn kịp thời đến tiếp cứu, đưa những người bị thương về trạm xá, nhà kho hợp tác xã băng bó cấp cứu và khâm lượm tổ chức mai táng những người hi sinh; đồng thời bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị tiếp tục san lấp hố bom, sửa chữa đường, ngầm kịp thời thông xe chở hàng vào Nam. Ở những vị trí giao thông chiến lược quan trọng trên địa bàn địch thường xuyên ném bom bắn phá ác liệt, xã đội bố trí các đại đội dân quân, thanh niên tổ chức các đội lộ tiêu, đội cứu xe bám bến, bám đường, làm tiêu chỉ dẫn đường cho xe ô tô tránh máy bay địch ném bom bắn phá, tránh hố bom, tránh lầy lún, tránh bom nổ chậm…và hướng dẫn người, xe về nơi trú ẩn an toàn.

          Không chỉ đánh phá các mục tiêu quân sự, kinh tế, cầu phà giao thông quan trọng, đế quốc Mỹ còn cho máy bay, tàu chiến, ném bom, pháo kích vào làng mạc khu dân cư, trường học gây nhiều tổn thất cho nhân dân. Ngày 10/10 năm Đinh Mùi (1967) giặc Mỹ cho máy bay ném bom vào khu dân cư từ xóm 6 đến xóm 10 và làng Rẫy Giữa làm chết 10 người và hàng chục người bị thương (có gia đình 2 người chết), hàng chục ngôi nhà bị sập, hư hỏng nặng.

          Để đề phòng đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại có tính chất hủy diệt, năm 1967, Đảng, nhà nước ta chủ trương đưa dân sơ tán ra khỏi vùng trọng điểm địch đánh phá ác liệt, theo kế hoạch K8, K9, tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh đã bố trí sắp xếp đưa hơn 3 vạn các cháu thiếu niên nhi đồng lần lượt sơ tán ra các tỉnh phía bắc như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Bắc.. Tiếp sau đó là kế hoạch K10 chuyển hơn 1 vạn người già phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi sơ tán ra Nghệ An để bảo toàn tính mạng nguồn lực cách mạng nối tiếp về sau. Xã Hạ Trạch là nơi đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ cho các cháu K8, K9 và K10 trước khi vượt sông Gianh ra Bắc nên Đảng ủy, chính quyền xã đã thành lập ban chỉ đạo và các bộ phận đón tiếp bố trí nơi ăn chốn ở chăm sóc sức khỏe cho các cháu, các cụ già, phụ nữ có con nhỏ. Ban chỉ đạo gồm ông Lưu Văn Lân bí thư Đảng bộ, ông Lê Văn Thường chủ tịch UBND, ông Lê Chiêu Hòa Phó Chủ tịch UBND kiêm trưởng ban công an xã. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt cuộc sống đang thiếu thốn nhưng cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch với tinh thần tương thân tương ái nhường cơm sẻ áo, nhường hầm cho bà con và các cháu ăn nghỉ, trú ẩn và bố trí hàng ngàn chuyến đò, đưa các cháu và bà con qua sông Gianh sơ tán ra Bắc. Riêng tại địa bàn xã, Đảng ủy chính quyền địa phương đã bố trí sắp xếp đưa gần 100 cháu là con em cán bộ, bộ đội và nhân dân địa phương di sơ tán ra miền bắc, hầu hết các cháu sau này đều trưởng thành  là những cán bộ Đảng viên, cán bộ công chức nhà nước, cán bộ sỹ quan lực lượng vũ trang nhân dân…Nhiều cháu trưởng thành đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội các cấp, là sỹ quan cao cấp trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân….

          Trước yêu cầu chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam, đầu tháng 7 năm 1966 Hội đồng quốc phòng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Lệnh động viên cục bộ để điều động nhân tài vật lực cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

          Thực hiện Lệnh động viên của Hội đồng quốc phòng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống quê hương, hàng trăm thanh niên trai tráng xã Hạ Trạch hăng hái làm đơn tình nguyện xung phong lên đường đánh Mỹ. Trong mỗi gia đình, vợ động viên chồng, anh chị động viên em, ông bà, cha mẹ động viên con cháu mạnh khỏe lên đường đi chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao cho. Nhiều gia đình có 1 con trai duy nhất hoặc có 1 đến 2 liệt sỹ vẫn động viên cho người con thứ, con út lên đường vào miền nam chiến đấu. Mẹ Lê Thị Thuyền có 2 người con là liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn động viên người con thứ 3 đi đánh Mỹ; mẹ Nguyễn Thị Thuyệt có người con trai đầu là liệt sỹ hi sinh ở chiến trường Tây Ninh đã động viên người con trai còn lại tiếp tục lên đường vào miền nam chiến đấu, mẹ Nguyễn Thị Con có 2 người con trai là liệt sỹ, mẹ Nguyễn Thị Tiển có 1 người con là liệt sỹ chống Pháp tiếp tục động viên người con thứ 2 vào bộ đội đi đánh Mỹ. Các mẹ Lưu Thị Thuyến, Lê Thị Tâm, Nguyễn Thị Rúi…có 1 con trai độc nhất vẫn động viên cho con đi bộ đội đánh giặc Mỹ cứu nước.

          Cùng với lực lượng thanh niên tòng quân lên đường đi đánh Mỹ, cấp ủy Đảng chính quyền, đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã Hạ Trạch tuyển chọn, động viên hàng chục lượt cán bộ, thanh niên, phụ nữ lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến dịch mở đường, xây dựng kho trạm quân sự, chiến dịch bốc vác vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược chi viện chiến trường miền Nam.

          Song song với mặt trận quân sự chiến đấu, phục vụ chiến đấu, mặt trận lao động sản xuất xây dựng kinh tế xã hội ở địa phương thường xuyên được quan tâm, đẩy mạnh liên tục phát triển. Với phương châm “bám đồng, bám ruộng, bám hố bom mà sản xuất thâm canh”, “không vì địch bắn phá mà ngưng trệ sản xuất xây dựng”, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch luôn vững vàng tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay chèo tay súng; vừa lao động sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ. Khi máy bay Mỹ đến bắn phá thì cầm súng chiến đấu, máy bay đi thì nhân dân tiếp tục lao động sản xuất. Máy bay đánh phá ban ngày thì nhân dân chuyển hướng lao động sản xuất vào ban đêm. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mặc dù nguồn nhân lực giảm do lực lượng thanh niên trong xã đã tình nguyện và được điều động lên đường làm nghĩa vụ quân sự, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và hàng ngàn lượt dân quân du kích tham gia trực chiến. Nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền, ban chủ nhiệm các hợp tác xã đã khéo léo tổ chức sắp xếp lại nguồn lực lao động giữa các đội sản xuất hợp lý. Phát huy vai trò người phụ nữ đảm đang để đảm bảo sản xuất, hầu hết chị em phụ nữ trong xã đều thông thạo việc cày bừa và những công việc nặng trong gia đình thay đàn ông. Các hợp tác xã đã đẩy mạnh thực hiện cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động… Do đó, hàng năm vẫn đảm bảo tiến độ sản xuất, năng suất thu hoạch các vụ lúa, hoa màu càng nâng cao, thực hiện và hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với nhà nước.

          Quý II năm 1967, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ VII nhiệm kỳ 1967 – 1969 được tổ chức tại Hội trường UB hành chính xã. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng ủy gồm Ông Lưu Đức Hỹ, giữ chức Bí thư Đảng ủy; ông Lê Văn Thường - Phó Bí thư, Chủ tịch UB hành chính, ông Lê Chiêu Hòa - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UB hành chính, ông Nguyễn Văn Hiệp - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UB hành chính xã.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII nhiệm kỳ 1967 – 1969 là: “Dành đất màu mỡ để mở rộng sản xuất, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông, thủy lợi…đảm bảo sản xuất lương thực cho dân được ăn no và đóng thuế cho nhà nước phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các hợp tác xã đã vận động tổ chức cho hàng chục hộ gia đình di dời vào vùng đồi xây dựng nơi cư trú và lao động sản xuất. Gương mẫu đi đầu phong trào di dân là gia đình các ông Lưu Đức Hỹ, ông Nguyễn Khơn, ông Nguyễn Dánh…hợp tác xã Thống Nhất vào ở từ Cửa Nghè đến miếu Ông Già; ông Lê Chiêu Trị, hợp tác xã Trường Lưu ông Nguyễn Công Thiều ở Cao Đình vào ở xóm rẫy giữa từ phía dưới hồ Cửa Nghè đến Trạm lâm nghiệp, gia đình ông Lê Quang Loan, ông Uýnh, ông Biều…vào ở khu vực từ Hói Đá đến dưới Dốc Oằn. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã các hợp tác xã đã huy động nhân dân xây dựng nâng cấp mở rộng mới các tuyến đường Lò Ngói, đường Biền, đường Eo, đường Cồn vườn, Cồn Xạ, đường Hói Hai, đào mương phóng úng từ Hói Đun đến Hói Hạ. Thành lập hợp tác xã Lò Ngói do ông Lê Đình Lý làm chủ nhiệm, Lò Ngói được xây dựng ở phía tây bắc của xã gần thành Cao Lao. Đất làm ngói khai thác tại chỗ, chất đốt nung ngói chủ yếu bằng nguyên liệu củi thông, bổi do nhân dân trong xã vào rừng lấy về. Hàng năm, lò ngói sản xuất được 9 lò, mỗi lò từ 9.000 đến 10.000 viên với thương hiệu “Ngói Hạ Trạch”. Từ đây, các nhà kho hợp tác xã, trường học, nhà ở của nhân dân trong xã từng bước được ngói hóa, thay thế dần những ngôi nhà lợp tranh, lợp tóoc, trước đây… Các hợp tác xã cũng cho thành lập các trại chăn nuôi lợn ở đầu xóm 9 (HTX Trường Lưu) và xóm 3 (HTX Thống Nhất) đưa các giống lợn mới có trọng lượng lớn hơn nuôi chóng lớn, thời gian xuất chuồng ngắn thay thế dần giống lợn cỏ trước đây. Nhờ phát triển chăn nuôi các HTX có thêm nguồn thực phẩm để cải thiện đời sống cho xã viên, tăng nguồn thu nhập cho HTX, có thêm nguồn phân chuồng bón ruộng cho cây lúa, cây khoai và

....Còn nữa...

Tác giả : Ban biên tập

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip