Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 11)

17:54 - 05/09/2020

Giới thiệu phần 11, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 11)

Tiếp theo...

Công tác giáo dục chăm sóc sức khỏe cán bộ nhân dân, học sinh luôn được cải thiện phù hợp với điều kiện hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Trường học không tổ chức cho học sinh học tập trung cùng một lúc mà phân bổ ra nhiều thời gian học khác nhau, một số lớp sơ tán về học tại các nhà kho HTX, đội sản xuất, nhà thờ họ; lúc học ban ngày, lúc học ban đêm để học sinh theo học đúng chương trình học tập tránh được rủi ro nguy hiểm khi máy bay ném bom đánh phá vào làng mạc, khu dân cư. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh và học sinh luôn quan tâm duy trì phong trào thi đua “Thầy cô thi đua dạy tốt, học sinh thi đua học tốt”, những lúc khó khăn thiếu giấy viết nhà trường, học sinh đã khắc phục bằng cách dùng giấy viết cũ ngâm nước vôi tẩy mực đem phơi khô thành giấy trắng (trắng đục) để sử dụng lại và bài hát “quyển vở giấy nấu” ra đời được lưu truyền mãi trong các thế hệ học sinh.

          Phong trào thi đua dạy tốt học tốt ở Hạ Trạch góp phần xây dựng trường cấp I thành đơn vị tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền, trường cấp II là đơn vị 8 năm liền được công nhận là tổ lao động XHCN là lá cờ đầu của ngành giáo dục phổ thông trung học cơ sở tỉnh Quảng Bình và toàn miền bắc (1964 – 1972). Năm 1971, nhà trường vinh dự được Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên và Thứ trưởng Bộ giáo dục Hồ Trúc về thăm, khen thưởng tặng quà cho trường gồm: 1 phòng thí nghiệm các môn Lý – Hóa, một máy khâu của nước Cộng hào dân chủ Đức sản xuất. Hè năm 1971, em Nguyễn Thị Liên học sinh giỏi cấp tỉnh (cấp II) vinh dự được tham gia đoàn Đại biểu Thiếu Niên Tiền phong Hồ Chí Minh dự trại hè quốc tế tại Bungari 3 tháng (tháng 7 đến tháng 10).

          Trên lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân đân, cán bộ, bộ đội hoạt động trên địa bàn, sau khi thành lập Trạm y tế xã cùng với việc bố trí cử cán bộ nhân viên đi học tập, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ y tế ở tỉnh và ở huyện bổ sung tăng cường cho trạm y tế xã. Trạm y tế mở các đợt bồi dưỡng cho chị em phụ nữ trong các HTX, đội sản xuất nắm bắt được các thao tác kỹ thuật y tế điều trị các bệnh nhẹ không hiểm nguy như kỷ thuật băng bó điều trị vết thương, tiêm phòng, hộ sinh, điều trị cảm cúm…hầu hết mỗi đội sản xuất, mỗi xóm đều có nhân viên làm được nghiệp vụ y tế đơn giản phục vụ kịp thời việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong cuộc chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt diễn ra trên địa bàn xã đội ngũ cán bộ nhân viên y tế là lực lượng xung kích tiếp ứng mọi lúc, mọi nơi kịp thời cứu chữa người bị thương, điều trị người bị ốm đau, hộ sinh…được cán bộ nhân dân trong xã và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tin tưởng cảm phục.

          Ngày 31 tháng 3 năm 1968 Tổng thống Mỹ Johnson thông báo quyết định hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, thực chất đế quốc Mỹ điều chỉnh lại lực lượng để tập trung hỏa lực không quân, hải quân quyết tâm đánh gãy địa bàn chiến lược Quảng Bình – Vĩnh Linh là vùng “cán xoong”, chặt đứt “cuống họng” tuyến chi viện chiến lược của cuộc kháng chiến. Từ tháng 4 năm 1968 đến tháng 10 năm 1968 đế quốc Mỹ đã huy động 79.000 lần máy bay tiêm kích và pháo đài bay B52; 4.596 lần tàu chiến tuần dương hạm, khu trục hạm đánh vào Quảng Bình với cường độ đánh phá tăng 2,6 lần, mật độ bom dội xuống tăng 20 lần. Mục tiêu chúng tập trung đánh phá là hệ thống giao thông vận tải chiến lược chi viện, kho xăng dầu, vũ khí quân sự, các phương tiện vận tải, kho tàng bến bãi, các dòng sông, cửa biển, âm mưu ngăn chặn các phương tiện vận tải ô tô, tàu thuyền của ta hoạt động. Chúng ném bom rải thảm tọa độ, đánh chỏm, đánh xăm, vào bất kể chỗ nào chúng nghi có bộ đội ta hành quân trú quân có kho tàng hàng hóa ta cất giấu, có tuyến đường giao thông vận tải chiến lược chi viện miền nam, chúng còn đánh cả vào các khu dân cư, chợ búa, trường học… gây cho ta một số tổn thất về người và của cải vật chất.

          Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng với khẩu hiệu “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” quân và dân Quảng Bình đã chủ động tổ chức chiến đấu ngoan cường dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc, hàng trăm máy bay, hàng chục tàu chiến Mỹ ngụy bị bắn cháy chìm, nhiều phi công địch bị tiêu diệt và bắt sống. Những chiến công xuất sắc đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhì, Bác Hồ gửi thư khen.

          Nhân dịp này Bác nhắc nhở đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình luôn luôn cảnh giác, ra sức thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, làm tốt công tác giao thông vận tải và phòng không nhân dân cho thật tốt để giành nhiều thắng lợi hơn nữa cùng với đồng bào cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

          Phấn khởi trước sự quan tâm của Trung ương Đảng, chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Quảng Bình phát động đợt sinh hoạt chính trị: “Vinh dự to lớn, trách nhiệm nặng nề biến tinh thần thành hành động cách mạng cụ thể tiến lên giành những thắng lợi mới trong chiến đấu và sản xuất”. Xã Hạ Trạch là một địa bàn có các đầu mối giao thông vận tải chiến lược quan trọng nên nơi đây trở thành 1 trong những trọng điểm đánh phá của máy bay tàu chiến địch rất ác liệt. Song cán bộ, nhân dân xã Hạ Trạch vẫn kiên cường dũng cảm bám làng, bám trận địa, bám đường, bám bến, bám đồng ruộng vững vàng tay súng, tay cày, vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất thực hiện xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng không, phòng không nhân dân, đảm bảo giao thông vận tải; bảo vệ hành quân trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong; bảo vệ tài sản hàng hóa chi viện miền Nam đi qua địa bàn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Công tác giao thông, thủy lợi, sản xuất chăn nuôi, kinh tế xã hội luôn được duy trì phát triển đạt nhiều thành quả tiến bộ, các HTX, đội sản xuất và xã viên thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch và nghĩa vụ đối với nhà nước, với địa phương được cấp trên ghi nhận biểu dương khen ngợi.

          Thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và cuộc tấn công nổi dậy mùa xuân năm 1968 của quân và dân miền Nam đã đẩy đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vào thế bị động lúng túng buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Ngày 1 tháng 11 năm 1968 đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam.

          Tranh thủ lúc kẻ địch ngừng ném bom miền Bắc, Trung ương quyết định mở chiến dịch vận tải tổng lực mang mật danh VT5 chi viện chiến trường miền Nam, Quảng Bình là địa bàn thực hiện có ý nghĩa quyết định thành công của chiến dịch. Trước nhiệm vụ vinh quang và nặng nề mà Trung ương giao, Tỉnh Quảng Bình đã triển khai kế hoạch huy động các tầng lớp nhân dân địa phương tham gia chiến dịch vận tải, lực lượng vũ trang các địa phương thành lập các tổ xung kích rà phá bom mìn trên các tuyến đường giao thông, các dòng sông, các bến phà, bến cảng để mở đường thông tuyến vận tải. Xã Hạ Trạch thành lập tổ xung kích rà phá bom mìn của xã đội giao cho tổ chèo đò và 1 số dân quân tổ chức thực hiện rà phá thủy lôi từ trường, bom nổ chậm trên dòng sông Gianh và tuyến đường giao thông Ba Trại. Tổ rà phá bom mìn xã Hạ Trạch đã rà phá cho nổ hàng chục quả bom thủy lôi trên sông Gianh và bom nổ chậm dọc tuyến đường Ba Trại…góp phần khai thông các tuyến đường giao thông thủy, bộ đi qua địa bàn. Thực hiện kế hoạch vận tải VT5 xã Hạ Trạch đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, dân quân du kích và nhân dân cùng tổ đò 8 chiếc tham gia vận chuyển, bóc dỡ hàng chục ngàn tấn hàng từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Gianh hoàn thành nhiệm vụ giao thông vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

          Tuy buộc phải ngừng bắn phá miền Bắc nhưng đế quốc Mỹ vẫn không ngừng tăng cường các thủ đoạn phá hoại miền Bắc và đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam với chiến lược chiến tranh “Việt nam hóa chiến tranh” nhằm sử dụng sức mạnh tối đa về quân sự, kinh tế kết hợp với các thủ đoạn chính trị ngoại giao rất xảo quyệt hòng giành lại thế chủ động đưa Mỹ thoát ra khỏi sự sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

          Nhận rõ âm mưu thâm độc xảo quyệt của đế quốc Mỹ, ngày 3/8/1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước: “Chúng ta đã đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, song đó mới chỉ là thắng lợi bước đầu, đế quốc Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt, chúng nói về hòa bình thương lượng nhưng vẫn chưa từ bỏ giã tâm xâm lược của chúng”(49).

 (49) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật 1989, trang 10 : 132.

 

 

 

 

 

 

 

 

          Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sau 1 ngày Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá miền bắc, đế quốc Mỹ đã có những hành động khiêu khích xâm phạm vùng trời vùng biển miền bắc. Từ ngày mồng 2 đến ngày 30/11/1968 chúng cho 160 lượt máy bay thực hiện trinh sát trên đất Quảng Bình. Trên tuyến biển chúng cho tàu khu trục, tàu biệt kích xâm phạm lãnh hải ta, chúng vừa trinh sát vừa khiêu khích bắn đuổi tàu vận tải và thuyền đánh cá của ngư dân ta. Càng về sau cường độ hoạt động của máy bay tàu chiến trinh sát ngày càng tăng, trong 2 năm 1970 – 1971 trừ những ngày mưa bão lớn, ngày nào cũng có các loại máy bay trinh sát hiện đại của Mỹ… quần lượn trinh sát trên đất Quảng Bình. Trắng trợn hơn, chúng vừa trinh sát vừa khiêu khích ném bom bắn phá vào các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông vận tải…của ta gây ra một số thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ngày 26 và 27/11/1968 chúng cho máy bay ra trinh sát và ném bom bắn phá vào các khu vực Thị xã Đồng Hới, Quảng Ninh, ngầm Cờ Đỏ trên tuyến đường 20 Phong Nha huyện Bố Trạch…

          Ngày 1/5/1970 chúng cho nhiều tốp máy bay liên tục dội bom đánh phá khu vực Bang Rợn (Lệ Thủy) nơi tập trung nhiều kho hàng quân sự, dân sự của nhà nước. Ngày 21 và 22/12/1970 máy bay Mỹ ném bom đánh phá trúng vùng kho NP Binh Trạm 26 ở Khương Hà làm một số lớn hàng hóa bị cháy hư hỏng, ngày 27/12/1970 máy bay Mỹ chia làm nhiều tốp tập kích đánh phá xuống các khu vực Cảng Gianh, bến phà Gianh (phà II – Hạ Trạch), đường Ba Trại, khu vực phà Xuân Sơn gây cho ta nhiều thiệt hại về người và tài sản.

          Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13/11/1968 tỉnh ủy Quảng Bình đề ra nhiệm vụ: “Lãnh đạo nhân dân tranh thủ mọi điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng cường cảnh giác bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội và chi viện miền Nam trọng tâm là:

- Không lơ là cảnh giác, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt khả năng để đánh thắng âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng.

          - Tranh thủ cao nhất điều kiện tạm thời hòa bình để tăng cường chỉ đạo công tác sản xuất đảm bảo đời sống, khôi phục mọi hoạt động sản xuất theo hướng tăng cường tiềm lực sẵn sàng đánh thắng đế quốc Mỹ và đảm bảo chi viện miền Nam.

          Đầu năm 1969, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ VIII nhiệm kỳ 1969 – 1972 được tổ chức. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành  Đảng ủy gồm 11 ủy viên, trong đó ông Lưu Văn Lân được bầu làm Bí thư Đảng ủy, ông Lê Văn Thường Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UB hành chính xã, ông Nguyễn Văn Tránh ủy viên Thường vụ thường trực Đảng ủy, ông Nguyễn Văn Hiệp, Đảng ủy viên  Phó chủ tịch UB hành chính xã. Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ chính trị của địa phương sát đúng phù hợp với tinh thần nhiệm vụ của Nghị quyết tỉnh ủy đã đề ra.

          Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng lực lượng dân quân xã Hạ Trạch đã phối hợp với các đơn vị bộ đội, dân quân các xã Mỹ Trạch, Bắc Trạch, Thanh Trạch, Quảng Thuận, Quảng Phúc ngoan cường chiến đấu chống trả các đợt oanh kích của các loại máy bay địch xuống khu vực cảng Gianh, bến phà Gianh, khu vực Ba Trại, Khương Hà, Ngân Sơn… Đồng thời huy động lực lượng củng cố, ngụy trang các hầm hào công sự chiến đấu, ngụy trang các công trình xây dựng kinh tế, quốc phòng, giao thông vận tải, các kho hàng hóa đề phòng máy bay địch trinh sát phát hiện  đánh phá.

          Tranh thủ thời gian tạm ngừng bắn Đảng ủy, Chính quyền xã Hạ Trạch đã chỉ đạo huy động các lực lượng dân quân, thanh niên, phụ nữ, các HTX đồng loạt ra quân tham gia san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường quốc lộ 1A, tỉnh lộ 2A (đường Ba Trại) đi qua địa bàn xã và các bến bãi phục vụ các chiến dịch bốc xếp vận chuyển hàng hóa chi viện. Hướng dẫn nhân dân thu lượm bom bi, bom nổ chậm chưa nổ, các mảnh bom, san lấp hố bom, khai hoang  phục hóa những vùng đất bị hoang hóa do chiến tranh, mở rộng và phát triển sản xuất trồng lúa, hoa màu. Nạo vét các kênh mương bị bom đạn Mỹ cày xới, vùi lấp lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Khí thế thi đua lao động sản xuất giữa các đội, các HTX rất sôi động, nhất là những ngày hè, đêm trăng thanh gió mát, những hoạt động văn hóa văn nghệ, câu ca hò vè vang lên động viên nhân dân hăng say lao động sản xuât. Năng suất lao động, sản lượng cây trồng, chăn nuôi thu hoạch không ngừng nâng cao góp phần cải thiện đời sống của nhân dân và tích lũy phục vụ ủng hộ chi viện.

          Thực hiện chủ trương của Nghị quyết của Đảng bộ xã về khai hoang phục vụ hóa đẩy mạnh sản xuất, các HTX Thống Nhất, Trường Lưu tiếp tục vận động bà con xã viên vào khai hoang lập nghiệp mở rộng sản xuất ở các khu vực Rẫy trên, Rẫy giữa và khu vực của Vực Sanh. UB hành chính xã tổ chức 1 tổ thanh niên xung kích do ông Lê Chiêu Tri phục trách lên đường khai hoang 10 héc ta ở vùng Lím thuộc khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng để trồng cây lương thực. Đồng thời xã đã huy động lực lượng đoàn thanh niên luân phiên nhau tham gia đi xây dựng các công trình thủy lợi đắp đập Đá Mài, công trình Sông Đào ở khu vực Ba Trại – Thọ Lộc do huyện Bố Trạch tổ chức để dẫn nước tưới tiêu.

          Trên lĩnh vực, văn hóa xã hội ngay sau khi có lệnh ngừng bắn, cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo các lực lượng dân quân, thanh niên, phụ nữ và nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng sửa chữa nhà ở của nhân dân, nhà kho của HTX, các đội sản xuất, trường học, các chuồng trại bị bom đạn Mỹ tàn phá hư hỏng. Các HTX, đội sản xuất sắp xếp lại lực lựng lao động cho thích hợp và hỗ trợ giúp đỡ nhau lao động sản xuất nhất là đối với các gia đình chính sách có con em đi chiến đấu ở các chiến trường, gia đình neo đơn. Trường học được tập trung về 1 chỗ, trường cấp 1 được xây dựng tập trung về khu Đình làng cũ, trường cấp 2 tập trung về ở xóm 9, hệ thống đường sá đi lại trong các thôn xóm được sửa chữa , cải tạo cho nhân dân, học sinh đi lại, sinh hoạt, học tập thuận lợi.

          Cũng trong giai đoạn này, xã Hạ Trạch có nhiệm vụ quan trọng nặng nề là nơi trung chuyển đón tiếp, tiễn đưa cán bộ, bộ đội chi viện miền Nam, đồng thời là nơi đón tiếp bảo vệ nhiều đơn vị bộ đội, cán bộ miền Nam ra Bắc học tập, công tác, an dưỡng. Với tình cảm sâu sắc, “tình quân dân như cá với nước”, cán bộ nhân dân xã Hạ trạch dành trọn tình cảm yêu thương của mình để sẻ chia, giúp đỡ, bảo vệ cán bộ bộ đội trú quân, hành quân đi qua địa bàn như người thân, người con, người anh em trong gia đình. Những lúc có cán bộ, bộ đội mệt, ốm đau, nhân dân nhường giường, nhường chăn cho bộ đội, hái lá thuốc, nấu cháo cho bộ đội ăn uống nghỉ ngơi trị bệnh bồi dưỡng sức khỏe…đã để lại tình cảm thân thương lắng động trong tâm trí những người đã từng ăn ở, đi qua mảnh đất Hạ Trạch này. Đặc biệt, nhân dân Hạ Trạch vui mừng được đón nhận những đứa con đứa cháu, người anh người chị, người em đi sơ tán ra miền bắc theo kế hoạch K8, K9, K10… sau bao năm chiến tranh trở về an toàn đoàn tụ gia đình, niềm vui đó càng được nhân lên khi người dân Hạ Trạch thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, bảo vệ ,trung chuyển an toàn hàng ngàn các cháu học sinh, đồng bào các huyện Nam Sông Gianh, khu vực Vĩnh Linh sơ tán ra phía Bắc về quê hương qua địa bàn xã Hạ Trạch an toàn.

          Giữa lúc cả nước ta đang tranh thủ điều kiện ngừng bắn để khôi phục, xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ngày 2/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từ trần. Đây là một tổn thất lớn lao đối với nhân dân Việt Nam và củng là tổn thất lớn đối với nhân dân tiến bộ trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, các cơ quan xí nghiệp, nhà máy công xưởng, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội đều lập bàn thờ tổ chức lễ truy điệu để quốc tang Người một tuần.

          Ở xã Hạ Trạch Đảng ủy, UB hành chính, Ủy ban MTTQ Việt Nam lập bàn thờ, tổ chức lễ truy điệu để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở UB hành chính xã (xóm 7) để nhân dân đến dự, dâng hương. Đứng dưới bàn thờ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ cụ già đến các cháu thiếu niên học sinh ai ai cũng xúc động òa khóc. Trong các gia đình bên cạnh bàn thờ tổ tiên, nhân dân treo di ảnh, lập thêm bàn thờ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Biến đau thương thành hành động cách mạng, sau lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đồng tâm đoàn kết ra sức thi đua thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung mọi khả năng đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai giỏi”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, phục vụ thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trên quê  hương.

          Trước sự tấn công và nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân miền Nam mùa xuân năm 1972, để cứu vớt thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đế quốc Mỹ phát động mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ II, ngày 5/4/1972 đế quốc Mỹ cho tàu tuần dương hạm, tàu khu trục bắn hàng trăm quả đạn pháo vào dọc tuyến biển Quảng Bình mở đầu giai đoạn chiến tranh phá hoại miền bắc lần thứ II với quy mô và cường độ, quyết liệt hơn. Chỉ trong tháng 4/1972, máy bay tàu chiến Mỹ đã đánh 500 trận vào 360 mục tiêu trên đất Quảng Bình với hàng trăm loạt bom các loại, hàng ngàn quả đạn pháo cỡ lớn, từ tháng 5/1972 đế quốc Mỹ đánh phá phong tỏa toàn diện đối với Quảng Bình.

          Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc lần thứ II, đế quốc Mỹ đã huy động máy bay chiến lược pháo đài bay B52 đánh phá vào khu dân cư, các khu kinh tế, quốc phòng, giao thông quan trọng trên địa bàn Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh hòng chặn đứng các tuyến chi viện từ miền bắc vào miền nam. Cường độ xuất kích của máy bay chiến lược B52 và các loại máy bay cường kích ngày càng cao có ngày hơn 700 lượt chiếc, trong đó có 12 lần/chiếc máy bay chiến lược B52 ném xuống Quảng Bình hàng ngàn tấn bom các loại.

          Từ tháng 10/1972 cường độ đánh phá của máy bay tàu chiến Mỹ đối với mảnh đất Quảng Bình tăng lên gấp bội, chúng đánh phá đồng loạt trên tất cả các tuyến giao thông chiến lược đường bộ, đường sông, đường biển, các mục tiêu quân sự kinh tế, vào khu vực bệnh viện trường học, khu dân cư để uy hiếp tinh thần của nhân dân ta.

          Để chủ động đối phó với tình hình mới, tháng 5/1972 Bộ chính trị Trung ương đảng họp đề ra Nghị quyết về nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc là:

  1. Phát động cuộc chiến tranh nhân dân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN.
  2. Chuyển hướng về mọi mặt hoạt động của miền bắc phù hợp với tình hình thời chiến.
  3. Tiếp tục tăng cường chi viện cho miền Nam trong mọi tình huống.
  4. Chuẩn bị điều kiện để đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế xã hội.

          Ngày 20/5/1972, tỉnh ủy Quảng Bình họp quán triệt Nghị quyết của Bộ chính trị và phát động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ.

          Thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị trung ương Đảng và chủ trương của tỉnh về chuyển mọi hoạt động từ thời bình qua thời chiến, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hạ Trạch đã tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp đó là: “Thực hiện sơ tán dân, sửa chữa đào đắp xây dựng hầm hào công sự, hầm hào trú ẩn, củng cố kiện toàn các tổ chức đoàn thể, lực lượng dân quân tự vệ, các tổ đội cứu thương, chữa cháy, cứu sập hầm…chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, với mọi tình huống chiến tranh xảy ra.

          Chỉ trong thời gian ngắn hệ thống hầm hào công sự, hầm hào trú ẩn được đào đắp xây dựng khắp mọi nơi trong toàn xã và được cải tiến phù hợp với từng địa hình. Hầm chìm, hầm nổi, hầm trong nhà, hầm ngoài đồng, hầm cho người, hầm cho gia súc, hầm cho xe pháo. Bất cứ chỗ nào có người lao động sản xuất, sinh hoạt, học tập, hội họp đều có hầm trú ẩn, mỗi gia đình đều có từ 2 đến 5 cái hầm trú ẩn các loại.

          Lực lượng dân quân tự vệ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, những người đã từng phục vụ trong quân đội phục viên có sức khỏe tốt đều được bổ sung vào các đại đội dân quân của xã. Các khẩu đội phòng không 12 ly 7 và 2 trận địa DKZ cùng dàn súng tiểu liên trang bị cho dân quân luôn luôn trong tư thế sẵn sàng nhả đạn khi có máy bay địch xâm phạm vùng trời, vùng biển quê hương.

Để tăng cường bảo vệ quân cảng, bến phà Gianh các kho hàng quân sự lớn đặt ở khu vực Khe nước, Ba Trại… Quân khu 4, tỉnh đội Quảng Bình đã bố trí một đơn vị tên lửa về đóng ở khu vực bắc Cù Sơn (núi Lều Cù) trên dốc Khe Hậu thuộc thôn 8 hiện nay và đại đội pháo cao xạ về đóng trận địa ở khu vực dưới xóm 20, cách bến phà Gianh gần 1km. Cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã tích cực phối hợp các đơn vị quân đội bốc vác, vận chuyển khí tài, xây dựng công sự , hầm trú ẩn, ngụy trang trận địa tên lửa, ngụy trang từng khẩu đội pháo, giúp bộ đội chỗ ăn, chỗ nghỉ, tải đạn phục vụ bộ đội chiến đấu(50).

(50)Trận địa pháo cao xạ và trận địa tên lửa triển khai chiến đấu trong một thời gian ngắn thì máy bay địch phát hiện tập trung hỏa lực nhiều tốp máy bay dội bom dồn dập (bom tạ, bom bi, bom tấn, bom laze) làm trận địa pháo bị lật hoàn toàn, trận địa tên lửa hư hỏng nặng gây tổn thất hy sinh cho bộ đội và nhân dân trong khu vực. Nhân dân Hạ Trạch kịp thời huy động lực lượng phối hợp với các chiến sỹ bộ đội còn sống sót cấp cứu những người bị thương, khâm lượm, chôn cất những người đã hy sinh, thu dọn trận địa…

 

 

 

 

 

 

 

 

Với tinh thần cảnh giác, chủ động linh hoạt trong chiến đấu bắn máy bay Mỹ, quân và dân Hạ Trạch đã hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 3 chiếc máy bay Mỹ (2 chiếc F8U, 1 chiêc F4H) trên địa bàn xã; 1 chiếc rơi ở Cửa Nghè phi công Mỹ tử trận, 1 chiếc rơi ở Khe Mõ, 1 chiếc rơi ở Hói Hạ bắt sống 1 tên giặc lái Mỹ giao cho huyện đội Bố Trạch.

          Các chiến sỹ chèo đò Hạ Trạch luôn bám bến, bám đò đưa cán bộ, bộ đội và vận chuyển hàng hóa qua sông Gianh, đồng thời bố trí người ứng trực theo dõi máy bay địch kịp thời chèo đò đi ứng cứu người, cứu tài sản hàng hóa khi phà

Gianh và các phương tiện vận tải trên sông bị máy bay ném bom, vướng mìn thủy lôi nổ. Mặc dù trên dòng sông Gianh không có ngày nào vắng máy bay tàu chiến địch ném bom bắn phá và phong tỏa thủy lôi dày đặc nhưng các chiến sỹ lái đò xã Hạ Trạch vẫn kiên cường dũng cảm vững vàng tay chèo đưa hàng ngàn chuyến đò chở cán bộ, bộ đội, hàng vận tải qua sông một cách an toàn trước sự cảm phục của những người qua đò và nhân dân quanh vùng. Trong các chiến dịch bốc vác vận chuyển hàng hóa chi viện từ Hòn La vào miền Nam, tổ đò và nhân dân Hạ Trạch đã tích cực tham gia vận chuyển, bốc dỡ bảo vệ hàng ngàn tấn hàng hóa  qua sông Gianh chuyển vào Nam.

          Sống trên địa bàn chiến tranh ác liệt có tính chất hủy diệt, song các hoạt động sản xuất, học tập, xây dựng kinh tế văn hóa xã hội luôn được duy trì phát triển thường xuyên cải tiến đổi mới. Mỗi người dân Hạ Trạch là một chiến sỹ trên mặt trận phòng không, khi có máy bay địch đánh phá là cầm súng bắn máy bay, tải đạn phục vụ các trận địa chiến đấu, khi hết máy bay là tiếp tục tay cày tay cuốc lao động sản xuất. Các cháu thiếu niên vừa hăng say học tập vừa tranh thủ thời gian giúp gia đình tăng gia sản xuất, khi có chiến sự xảy ra nhiều em cũng hăng hái tham gia tải đạn, cáng thương…Do đó dù chiến tranh ác liệt xã Hạ Trạch vẫn thực hiện đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, vận tải chi viện, các trường lớp duy trì học tập đảm bảo tiến độ chương trình. Các hoạt động văn hóa xã hội không bị ngưng trệ, gián đoạn.

          Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc lần thứ II của đế quốc Mỹ quân và dân Quảng Bình đã ngoan cường dũng cảm chiến đấu bắn rơi 92 máy bay các loại; bắn cháy bắn chìm 39 tàu chiến của Mỹ ngụy. Góp phần quan trọng cùng quân và dân thủ đô Hà Nội cùng các địa phương khác lập nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” đập tan hoàn toàn âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

          Bị thất bại nặng nề trong chiến lược chiến tranh phá hoại miền Bắc và âm mưu bình định trên các chiến trường miền Nam buộc đế quốc Mỹ phải cay đắng ngồi vào bàn đàm phán với ta và kí hiệp định Pari (ngày 27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.

          Sau 8 năm tiến hành cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Quảng Bình nói chung xã Hạ Trạch nói riêng đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận phòng không, phòng không nhân dân  vừa xây dựng bảo vệ vững chắc hậu phương vừa chi viện sức , sức của cho chiến các trường miền Nam, Lào.

          Tuy nhiên cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để lại hậu quả trên mảnh đất quê hương Hạ Trạch rất nặng nề, toàn xã hầu hết nhà dân, nhà thờ họ, nhà kho HTX, trường học bị bom đạn Mỹ đánh phá, cháy hư hỏng nặng: trong đó có 25 ngôi nhà, 2 kho của HTX mua bán bị thiêu hủy; 185 người dân bị bom đạn Mỹ giết hại, hơn 300 người bị thương, tàn phế; 7 gia đình mất tích, hàng trăm con trâu bò bị chết, hàng chục tấn lúa gạo bị cháy và tiêu hủy hoàn toàn; hàng chục héc ta đất bị hoang hóa, hàng trăm héc ta rừng dọc khu Ba Trại bị phá trụi. Hàng ngàn quả bom bi, bom cháy còn vương vãi khắp các cánh đồng, trong ruộng vườn, khu dân cư, hệ thống đường giao thông thủy lợi của xã bị bom đạn cày xới, vùi lấp… gây ảnh hưởng khó khăn đến cuộc sống lao động sản xuất đi lại sinh hoạt học tập của cán bộ nhân dân, học sinh.

          Ngày 28/1/1973, Ban chấp hành Trung ương đảng lao động Việt Nam ra lời kêu gọi nhân dân cả nước: Tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã giành được thực hiện hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.

          Trước chuyển biến mới của tình hình, đầu năm 1973 tỉnh ủy Quảng Bình triệu tập Hội nghị mở rộng. Hội nghị đã thống nhất đề ra một số nhiệm vụ cấp bách với khẩu hiệu “4 chuyển”: Chuyển nhiệm vụ chính trị từ chiến tranh sang hòa bình; Chuyển tổ chức bộ máy chỉ đạo thời chiến sang hòa bình; Chuyển sinh hoạt của nhân dân từ dưới mặt đất lên; Chuyển phong trào lãnh đạo, chỉ đạo  của các cấp, các ngành, các đoàn thể phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới(51).

          Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng và tinh thần chỉ đạo của Hội

(51)Lịch sử Quảng Bình, NXB Chính trị - hành chính, trang 692, xuất bản năm 2014.

 

 

 

 

 

 

 

 

nghị Tỉnh ủy mở rộng, đầu năm 1973, Đảng bộ xã Hạ Trạch đã triệu tập Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 1973 – 1975, Đại hội đã đánh giá sâu sắc tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 1969 – 1972 và đề ra phương hướng nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ 1973 – 1975. Ông Lưu Văn Lân được tái cử giữ chức Bí thư đảng ủy, ông Lê Văn Thường  Phó bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UB hành chính xã. Đảng ủy chính quyền đã chỉ đạo các chi bộ, các HTX, đội sản xuất tăng cường đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý, tăng cường đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, củng cố hậu phương vững chắc và chi viện có hiệu quả cho tiền tuyến.

          Với tinh thần “4 chuyển”  mà Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Bình mở rộng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch đề ra cán bộ, nhân dân xã Hạ Trạch nhanh chóng bắt tay vào việc đẩy mạnh khắc phục hậu quả chiến tranh, sửa sang lại nhà cửa, vườn tược, trường học, bệnh xá, các công trình phúc lợi, thu lượm bom đạn Mỹ nằm vương vãi khắp trên cánh đồng, ruộng vườn, ao hồ của nhân dân, đào đắp, nạo vét, tu sửa hệ thống giao thông, san lấp hố bom…Chỉ trong 1 thời gian ngắn, các lực lượng dân quân, thanh niên, các tổ mộc (thợ mộc) đã giúp đỡ nhân dân sửa sang làm lại các ngôi nhà bị bom đạn Mỹ phá hoại, hư hỏng của nhân dân của các HTX, đội sản xuất. Các lớp học được quy tụ về trung tâm vị trí trường cũ và được xây dựng từng bước ngói hóa khang trang sạch đẹp hơn; xã đội đã phối hợp với huyện đội Bố Trạch hướng dẫn và huy động các lực lượng dân quân, thanh niên và nhân dân thu lượm hàng ngàn quả bom bi, bom sát thương chưa nổ, hàng chục tấn các loại mảnh vỡ của bom đạn Mỹ còn vương vãi khắp trên các đồng ruộng, vườn, ao hồ, khu dân cư để tiêu hủy, san lấp hơn 100 hố bom các loại. Hệ thống giao thông đi lại trong thôn xóm, đi ra đồng được sửa sang, các tuyến mương thủy lợi Cửa nghè, Hói Hạ, đê ngăn mặn được đào đắp, nạo vét khơi thông kịp thời phục vụ sản xuất ổn định đời sống nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các HTX rà soát xây dựng chương trình, kế hoạch khôi phục, xây dựng phát triển sản xuất, chủ động bố trí sắp xếp lại lực lượng lao động phù hợp với điều kiện sản xuất mới trong thời bình. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán ở các HTX, đội sản xuất, các tổ chức đoàn thể. Nghiên cứu xây dựng, khôi phục lại các cơ sở sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, lưu thông phân phối, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Các chi bộ Đảng, Ban chủ nhiệm HTX đã chỉ đạo, hướng dẫn, vận động xã viên HTX tích cực tham gia khai hoang phục hóa mở rộng diện tích trồng lúa, trồng cây lương thực; áp dụng khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thay dần các giống lúa cũ đã thoái hóa năng suất thấp bằng các giống lúa mới có năng suất cao hơn. Các HTX đã chủ động kế hoạch đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi trâu bò, đưa đàn trâu, đàn bò về nuôi tập trung, mỗi đội sản xuất đều có 1 chuồng trâu, bò nuôi tập trung, 1 nhà kho chứa phân chuồng, phân xanh. Đồng thời vận động khuyến khích bà con xã viên làm chuồng chăn nuôi trâu, bò của gia đình vừa để tăng thêm sức kéo cày bừa, vừa để có phân chuồng phục vụ sản xuất (tính chung cả trâu, bò tập thể và cá nhân trung bình mỗi gia đình có 01 con trâu hoặc bò)…do đó năng suất sản lượng thu hoạch từng bước cải thiện nâng cao. Riêng trong năm 1973, vụ lúa xuân sau khi gieo cấy gặp rét đậm và vụ mùa (tháng 10) gieo cấy xong lại gặp hạn hán tiếp theo đó lại gặp bão lũ đã làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng phát triển của cây lúa và các loại cây lương thực khác, song nhờ chuyển đổi giống lúa mới và cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây trồng nên năng suất cây lúa thu hoạch vẫn đạt khá trung bình 21 tạ/héc ta/vụ.

          Vừa đẩy mạnh khai hoang phục hóa mở rộng sản xuất trên địa bàn vùng đất của xã. Thực hiện chủ trương của huyện Bố Trạch về xây dựng phát triển sản xuất ở những vùng đất mới, đất bị bỏ hoang hóa, Đảng ủy, Chính quyền xã Hạ Trạch đã thống nhất chủ trương vận động và tổ chức sắp xếp cho hơn 70 hộ dân của 2 HTX Thống Nhất và Trường Lưu do ông Lê Văn Thường - Phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UB hành chính xã phụ trách vào Phú Định khai hoang lập nghiệp xây dựng vùng kinh tế mới. Tiếp tục khai hoang phục hóa mở rộng diện tích sản xuất vùng Ba Trại để trồng sắn, trồng khoai, trồng mè, đậu các loại…

          Đi đôi với nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, cán bộ nhân dân tỉnh Quảng Bình nói chung xã Hạ Trạch nói riêng có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo giao thông vận tải, chi viện sức người sức của cho các chiến trường miền Nam – Lào – Campuchia. Đầu năm 1973, sau khi tiếp nhận được Chỉ thị của Trung ương: Quảng Bình chuẩn bị thực hiện chiến dịch vận tải lớn mang mật danh “ngày N” cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng, các loại phương tiện vận tải trên địa bàn nhanh chóng tập kết về các bến bãi trung chuyển, các bến phà, bến đò, cầu phao, các kho hàng sẵn sàng phục vụ chiến dịch. Nhân dân các địa phương dọc tuyến đường QL1A được huy động ra bám sát đường tham gia san lấp hố bom, sửa chữa ngầm, cầu, đường cho các phương tiện vận tải thông tuyến không bị ùn tắc.

          Trên địa bàn xã Hạ Trạch các lực lượng dân quân, thanh niên, nhân dân địa phương tham gia san lấp hố bom, ngầm Hói Hạ trên tuyến QL1A đi qua Hói Hạ; san lấp ngầm Cầu Kiệt, đường Ba Trại. Lực lượng dân quân, thanh niên xung kích, tổ chèo đò ngang xã Hạ Trạch đã phối hợp với các đơn vị quân đội, giao thông vận tải tổ chức rà phá bom mìn, thủy lôi chưa nổ trên dòng sông Gianh…thu dọn bến phà Gianh, phục vụ các đơn vị nghiệp vụ lắp ghép, kết nối tuyến cầu phao bắc qua dòng sông Gianh. Với tinh thần khẩn trương nhanh chóng kịp thời đưa hàng chi viện ra tiền tuyến, ngày 21/2/1973 cầu phao bắc qua dòng sông Gianh đã hoàn thành.

          Sau 1 tháng thực hiện chiến dịch vận tải “ngày N”, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã đóng góp một phần công sức cùng quân và dân cả tỉnh Quảng Bình tiếp nhận vận chuyển hơn 220.000 tấn hàng hóa, vũ khí đạn dược, các nhu yếu phẩm chi viện vào các chiến trường miền nam an toàn thuận lợi.

          Vừa chuyên cần xây dựng, củng cố, phát triển hậu phương quê hương vững mạnh. Nhân dân xã Hạ Trạch luôn nêu cao tinh thần cách mạng cao cả với tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. Trong 3 năm hòa bình (1973-1975), nhân dân xã Hạ Trạch  đã động viên, đưa tiễn hơn 100 thanh niên trai tráng là con em ruột thịt lên đường nhập ngũ chi viện vào chiến đấu ở các chiến trường miền Nam và hàng trăm lượt anh chị em trong gia đình đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ làm đường, vận chuyển hàng hóa chi viện miền Nam. Đặc biệt, trong chiến dịch Tổng tấn công giải phóng miền nam mùa xuân năm 1975 hàng chục thanh niên học sinh con em Hạ Trạch đang học cuối cấp II và học sinh cấp III và 1 số trường chuyên nghiệp đã tình nguyện xung phong tạm gác bút sách lên đường đi chiến đấu. Nhiều người sau khi giải ngũ, phục viên đã làm đơn xung phong tái ngũ để được trở lại quân ngũ chiến đấu, phục vụ chiến đấu giải phóng miền nam…

          Phát huy truyền thống Quảng Bình “hai giỏi” chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, trong gần 3 năm hòa bình khôi phục, xây dựng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo giao thông vận tải chi viện miền nam, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giỏi việc nước đảm việc nhà củng cố hậu phương vững mạnh. Hàng năm, xã Hạ Trạch đều phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức các kế hoạch chỉ tiêu quân sự, huy động lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, chi viện và các chỉ tiêu xây dựng phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện Bố Trạch, Đại hội đảng bộ xã đề ra. Cán bộ nhân dân trong xã luôn luôn động viên giúp đỡ nhau làm tròn trách nhiệm đạo hiếu, luân thường đạo lý với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trách nhiệm của người vợ, người chồng, người anh, người chị trong gia đình đối với việc giáo dục con cháu, góp phần rất quan trọng trong việc động viên con em yên tâm chiến đấu tham gia công tác xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính quyền và nhân dân giao phó.    

          Từ kinh nghiệm của việc tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại và kinh nghiệm thực tiễn phong trào chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã đoàn kết đồng sức đồng lòng thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng  hậu phương vững mạnh, tiếp tục đóng góp sức người, sức của chi viện miền nam, góp phần đáng kể cùng toàn đảng, toàn quân, toàn dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

          Qua gần 10 năm ngoan cường chống các cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân xã Hạ Trạch đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước, cả tỉnh nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần: “tất cả  cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam thân yêu, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã vững vàng tay cày tay súng, bám đồng ruộng bám đất mà đảy mạnh sản xuất thâm canh, bám trận địa chiến đấu bắn máy bay địch, xây dựng và bảo vệ đảm bảo mạch máu giao thông vận tải chi viện đi qua địa bàn xã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Thực hiện chi viện sức người sức của cho các chiến trường miền Nam - Lào.

          Trong 10 năm từ 1965 -1975, nhân dân Hạ Trạch đã đưa tiễn hơn 400 con em lên đường nhập ngũ đi chiến đấu chống Mỹ cứu nước trên các chiến trường, hàng ngàn lượt cán bộ nhân dân đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Trong số những người con quê hương Hạ Trạch đi chiến đấu chống Mỹ cứu nước giành hòa bình độc lập cho đất nước đã có gần 200 người đã anh dũng hy sinh nằm lại ở các chiến trường miền Nam và các địa phương khác. Điều đáng tự hào là dù cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh nguy hiểm song trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ không có trường hợp nào là con em quê hương Hạ Trạch giảm sút ý chí chiến đấu bỏ ngũ, đào ngũ hầu hết đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trưởng thành.

          Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và những cống hiến hi sinh lớn lao cảu cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng dân quân xã Hạ Trạch vinh dự được biểu dương 10 năm liên tục là đơn vị quyết thắng (1965-1975) được Hội đồng chính phủ tặng huân chương quân công hạng 2. Năm 1996, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch được nhà nước tuyên dương dơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 30 bà mẹ được tuyên dương bà mẹ Việt nam anh hùng, cá nhân ông Lê Văn Tri – Trung tướng, Tư Lệnh Binh chủng Phòng không Không quân và Nguyễn Văn Tương - công an xã, tổ trưởng tổ chèo đò được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

          Đóng góp vào thành tích chung của cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ các Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, Ban chỉ huy xã đội, công an là những người đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã lãnh đạo phong trào và trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, bảo vệ mạch máu giao thông chi viện, bảo vệ tính mạng, tài sản của cán bộ, bộ đội và nhân dân trên địa bàn, trong đó có vai trò nồng cốt tích cực, năng động của các ông Lưu Văn Đã – xã đội trưởng, ông Đặng Thí, ông Nguyễn Văn Tránh – Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Trường Lưu và Thống Nhất…

          Chiến tranh đã kết thúc nhưng những ký ức về cuộc chiến tranh tàn bạo ác liệt của đế quốc Mỹ còn in đậm sâu sắc trong tâm trí người dân Hạ Trạch không bao giờ quên. Biến đau thương trong chiến tranh thành hành động cách mạng xây dựng phát triển quê hương trong thời bình, Đảng bộ nhân dân xã Hạ Trạch đoàn kết một lòng, ra sức thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới cùng cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trên quê hương.

 Còn nữa ...          

Tác giả : Ban biên tập

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip