Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 12)

11:22 - 10/10/2020

Giới thiệu phần 12, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 12)

 

CHƯƠNG VI

KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÙNG CẢ NƯỚC ĐI LÊN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

(1975-2015)

 

Chiến thắng lịch sử vĩ đại mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta đập tan âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, làm rạng danh nước Việt Nam trên trường quốc tế và thế giới. Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lấn thứ IV tháng 12 năm 1976 đã khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vẫn mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang sử hào hùng, chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn có tính chất thời đại sâu sắc.

Từ đây, nhân dân Hạ Trạch cùng cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên quê hương.

  1. Nhân dân Hạ Trạch tiếp tục đẩy mạnh hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa (1975 - 1986)

Đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc 20 năm kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, Tổ quốc thống nhất, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, uy tín, quan hệ thân thiện, hợp tác phát triển của Việt Nam trên trường quốc tế, khu vực ngày càng mở rộng. Nhân dân cả nước mừng vui, nhân dân tiến bộ trên thế giới cảm kích chào mừng. Ở xã Hạ Trạch, khắp các ngõ xóm, hợp tác xã, và nhiều hộ gia đình treo băng cờ, biểu ngữ chào mừng chiến thắng. Chính quyền, đoàn thể liên tục tổ chức các buổi lễ mít tinh chào mừng thắng lợi, động viên cổ vũ cán bộ, nhân dân phát huy truyền thống cách mạng và khí thế chiến thắng, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Đội văn nghệ hợp tác xã Trường Lưu, Thống nhất, trường cấp I, cấp II, Chi đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và giao lưu “Hát mừng Tổ quốc thống nhất”, tuyên truyền phát động phong trào toàn dân tập luyện thể dục thể thao...

Tháng 6 năm 1975, được sự chỉ đạo của huyện ủy Bố Trạch, Đảng bộ xã Hạ Trạch tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 1975 -1977. Báo cáo chính trị Đại hội đã đánh giá sâu sắc những thành tựu đã đạt được qua hơn 3 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế, đồng thời chỉ rõ tồn tại, thiếu sót, những việc chưa làm được hoặc làm nhưng chất lượng hiệu quả hạn chế, những biểu hiện tiêu cực giảm sút ý chí phấn đấu, năng lực lãnh đạo non kém của cán bộ Đảng viên cần phải chấn chỉnh, khắc phục sửa chữa. Đại hội đã thống nhất cao với phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 1975 - 1977 với mục tiêu là: Phấn đấu xây dựng địa phương giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, vững về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… Đại hội đã bầu Ông Lưu Văn Lân giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Văn Tránh - Phó Bí thư Đảng ủy, giữ chức vụ Chủ tịch ủy ban hành chính xã; ông Nguyễn Văn Hiệp ủy viên Thường vụ giữ chức vụ Phó Chủ tịch ủy ban hành chính xã.

Sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã ban hành, cấp ủy Đảng, chính quyền  chỉ đạo các hợp tác xã, các đoàn thể thanh niên, hội Phụ nữ, lực lượng dân quân, các trường học tiếp tục đẩy mạnh khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang phục hóa, cải tạo nâng cấp hệ thống đường xóm, đường giao thông liên thôn, kênh mương thủy lợi, đê ngăn mặn; xây dựng chỉnh trang, từng bước ngói hóa trường học, trạm y tế, trụ sở UB hành chính xã, văn phòng các hợp tác xã, nhà kho các đội sản xuất, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương trong giai đoạn mới.

Cùng với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, cấp ủy Đảng chính quyền đã có chủ trương khuyến khích các hợp tác xã, bà con xã viên khai thác tài nguyên rừng, sông ngòi, ao hồ sẵn có của địa phương nhưng do điều kiện chiến tranh nên chưa có điều kiện khai thác sử dụng để các đội sản xuất, bà con xã viên đầu tư mở rộng khai thác sản xuất góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần lao động sản xuất của nhân dân.

Lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh đã hăng hái tham gia phong trào, vệ sinh môi trường, tu sửa lại những ngôi mộ chiếm nhiều diện tích đất trên các cánh đồng trồng lúa, cây lương thực(52); đồng thời tham gia giúp các HTX, các hộ gia đình cất bốc, di dời, mồ mả lên các vùng địa phương quy hoạch ở Bắc Cù Sơn, rẫy Tranh, khe Nước để nhường đất phục vụ phát triển sản xuất.

 (52)Trước năm 1975 trên các cánh đồng sản xuất của Hạ Trạch có nhiều ngôi mộ củ được nhân dân đắp thêm đá rất lớn chiếm diện tích trên 10m2 đến 40m2 được phát quang đắp gọn lại sạch đẹp hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tuyến đường chính trong làng được nâng cấp mở rộng như đường Eo, đường Cồn Vườn, đường Kiệt (xóm 3) chạy từ trước cửa làng vào xóm rẫy; đường làng rẫy chạy dọc từ Giếng Kiệt lên giáp xã Mỹ trạch; đường Biền, đường Đình, đường xóm 9, xóm 12, xóm 14 nối từ trong làng chạy ra bờ sông Gianh, các đường ô bàn cờ nổi liền giữa các xóm với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, học sinh và các loại phưong tiện phục vụ sản xuất đi lại.

Sau ngày đất nước thống nhất nhu cầu học tập đào tạo, chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhân dân và học sinh ngày càng cao. Được sự chỉ đạo của phòng Giáo dục & đào tạo huyện Bố Trạch, xã Hạ Trạch đã thực hiện sát nhập trường cấp I và trường cấp II thành Trường Phổ thông cơ sở cấp I + II Hạ Trạch tập trung xây dựng tại khu vực Đình làng. Vị trí trường cấp II cũ (xóm 9) giao lại cho xã xây dựng trụ sở làm việc của Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã. Trạm y tế của xã được xây dựng nâng cấp thêm giường bệnh, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo bổ sung, có tủ thuốc cấp cứu, quầy bán thuốc và một nhà hộ sinh phục vụ công tác khám, chữa bệnh, hộ sinh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân dân trong xã.

Để có nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân, các hợp tác xã cho bà con xã viên đào vét sửa sang lại các giếng làng xóm 9, xóm 15, giếng Hóc, giếng Kiệt, đào mới thêm một số giếng nước ngọt dọc vùng cồn xóm Rẫy: Nhiều gia đình tự đào giếng đất xây đá trong khuôn viên nhà để lấy nước sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi…

Đất nước thống nhất, để thống nhất về mặt nhà nước, Trung ương Đảng, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân cho công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững mạnh, phát triển.

Ngày 24 tháng 5 năm 1976 trở thành ngày hội Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất cả nước. 100% cử tri xã Hạ Trạch phấn khởi, nô nức đi bầu cử Quốc hội.

Đồng thời với tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chủ trương sát nhập một số địa phương thành lập những đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn ở 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã nhằm tăng thêm nguồn lực cho việc cơ cấu nền kinh tế sản xuất lớn.

Từ tháng 3 năm 1976 Trung ương Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sát nhập các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh, thành lập tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 01/5/1976, tại quảng trường Phu Văn Lâu thành phố Huế, Ủy ban hành chính tỉnh Bình Trị Thiên công bố thành lập và ra mắt trước toàn thể đồng bào trong tỉnh, ông Nguyễn Húng làm Chủ tịch, các ông Ngô Đình Văn, Trần Đồng, Nguyễn Vạn, Nguyễn Văn Đài làm Phó Chủ

 

tịch, ông Lê Tư Sơn làm Ủy viên thường trực và 9 Ủy viên Ủy ban(53).

Về tổ chức Đảng, ngày 06/3/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Quyết định số 2063/QĐ-TW chỉ định bộ máy cơ quan Đảng ở Bình Trị Thiên gồm có 39 ủy viên Ban chấp hành, ông Nguyễn Hữu Khiếu làm Bí thư tỉnh ủy, ông cổ Kim Thành - Phó Bí thư thường trực, ông Bùi San - Phó Bí thư, ông Nguyễn Húng - Phó Bí thư.

Như vậy, từ ngày 01/5/1976, tỉnh Bình Trị Thiên có 20 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố. Các cơ quan cấp tỉnh đều tập trung vào trung tâm tỉnh thành phố Huế. Tỉnh Quảng Bình cũ có 6 đơn vị hành chính, cấp huyện gồm 5 huyện và 1 thị xã.

Sau thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc, cán bộ nhân xã Hạ Trạch vui mừng phấn khởi chào đón những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đó là đặt tên nước “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại hội Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần thứ IV và đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Việt Nam ; Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ nhất…

 (53)Lịch sử Quảng Bình, Nhà xuất bán Chính trị - hành chính, trang 711.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          Trước những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của tỉnh Bình Trị Thiên, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hạ Trạch đã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị cho các bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân học tập, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới. Qua đó, nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân càng được đổi mới nâng cao, được thể hiện qua vai trò lãnh đạo tổ chức thực hiện của các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng. Lực lượng đoàn viên thanh niên đã phát huy vai trò xung kích, gương mẫu trong lao động sản xuất, học tập, thực hiện ba cuộc cách mạng ở nông thôn và thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Các tổ chức Hội Nông dân luôn đi đầu trong phong trào thi đua phát triển sản xuất, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất. Lực lượng dân quân, công an xã đã phát huy vai trò nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự trị an ở địa phương. Hội phụ nữ luôn duy trì phát huy hiệu quả phong trào “Ba đảm đang” trong lao động sản xuất, nuôi dạy con cái, tham gia công tác xã hội, lo toan công việc gia đình,... Góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân toàn xã thực hiện xây dựng gia đình văn hóa mới, con người mới, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên quê hương.

Cùng với hợp nhất tỉnh về mặt Nhà nước, nhiều cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân, Công an nhân dân và các ngành công tác ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, là con em quê hương xã Hạ Trạch được điều động vào công tác trong các cơ quan ban ngành, quân sự, công an tỉnh Bình Trị Thiên và một số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Thừa Thiên, tỉnh Quảng Trị cũ góp phần cùng cán bộ nhân dân cả tỉnh xây dựng phát triển kinh tế xã hội giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh mới hợp nhất.

Phát huy khí thế thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và Đại hội Đảng các cấp. Tháng 5/1977, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ XI nhiệm kỳ 1977 - 1979 được tổ chức. Ông Hồ Bổng - Bí thư huyện ủy và đại diện một số ban ngành cấp huyện về dự. Đại hội đã bầu ông Lưu Văn Lân giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ, ông Lê Quang Sự giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch ủy ban hành chính xã, ông Nguyễn Văn Hiệp – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch kiêm trưởng Công an xã.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo và đường lối nhiệm vụ cách mạng của Đảng, Nhà nước, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch đã đề ra nghị quyết về nhiệm vụ cách mạng của Đảng bộ trong giai đoạn mới là: Phát huy quyền làm chủ của tập thể nhân dân lao động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cải thiện đời sống, văn hóa tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đưa nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa...

Bám sát nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch đề ra cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo các hợp tác xã xây dựng quy hoạch đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề phụ,... hợp lý với hoàn cảnh, điều kiện địa lý, khí hậu trên từng vùng đất, vùng đồng ruộng, ao hồ, tổ chức lại lực lượng lao động, kịp thời đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh trật tự, cải thiện đời sống an ninh, môi trường và các chương trình phúc lợi ở địa phương.

Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã từng bước đưa cơ giới hóa về phục vụ sản xuất nông nghiệp như đã đưa máy cày, máy bừa về cày bừa làm đất phục vụ sản xuất trên các cánh đồng Bàu Eo, Bàu Mật, Bàu Vuông, Bàu Hói, Bàu Hai,các vùng đất xung quanh cồn Vườn, chú Quý, chú Thanh, Múi Bần, Vùng Cửa... vừa tăng năng suất lao động, vừa giải phóng được sức kéo cho trâu, bò, vừa bảo vệ được sức khỏe con người. Những phương tiện, công cụ sản xuất được cải tiến, nâng cấp, lưỡi cày được thay bằng lưỡi cày cải tiến cày sâu, lật đất, cuốc, xẻng đa số được sử dụng hàng của Liên Xô, Trung Quốc; liềm gặt hái lúa được rèn từ những mảnh vỡ của bom đạn, quang gánh được thay bằng dây thép, dây đồng vừa chắc, vừa bền, sử dụng lâu dài.... Do đó, năng suất, hiệu quả lao động được nâng cao.

Các công trình phúc lợi tiếp tục được xây dựng, kiện toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt đi lại của cán bộ nhân dân. Trường học, bệnh xá, trụ sở ủy ban nhân dân xã, các hợp tác xã mua bán, sản xuất nông nghiệp được xây dựng ngói hóa hoàn toàn. Nhiều gia đình được thay mái nhà tranh, toóc bằng những mái ngói mới đỏ tươi, hệ thống giao thông thủy lợi được chỉnh trang thông thoáng đã tô đẹp cho bộ mặt làng xã khởi sắc, khang trang.

Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các trường lớp ở Hạ Trạch được duy trì và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, số học sinh tốt nghiệp cấp I lên học cấp II đạt 100%, học sinh cấp II  đều thi đỗ tốt nghiệp 100% và 90 - 95% em tiếp tục đi thi lên học cấp III, trong đó có nhiều em là học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liên tục từ cấp II lên cấp III... Nhiều học sinh được Nhà trường lưu giữ các cuốn vở ghi chép, vở bài tập để trưng bày “vở sạch chữ đẹp” toàn trường và ở huyện Bố Trạch.

Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được các tổ chức Đoàn, Hội quan tâm xây dựng phát triển khắp các thôn xóm và các nhà trường, nhất là vào các dịp lễ, tết, nghỉ hè, với nhiêu nội dung phong phú như tổ chức hái hoa dân chủ, thi hát, kể chuyện, kéo co, đánh đu, giao lưu bóng đá giữa thanh niên xã Hạ Trạch với thanh niên Làng Bản Phú (Quảng Văn), thanh niên 2 hợp tác xã Trường Lưu và Thống Nhất giữa các đội sản xuất với nhau. Phối hợp với các đội chiếu bóng lưu động của huyện Bố Trạch tổ chức nhiều buổi chiếu phim màn ảnh rộng, phim về truyền thống cách mạng, lao động sản xuất, tâm lý xã hội cho nhân dân xem... góp phần cải thiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Một số ngành nghề phụ được phát triển mạnh. Nghề mộc (đội thợ mộc) đã thực hiện sửa chữa, làm mới hàng trăm ngôi nhà của hợp tác xã, đội sản xuất, trường học, trạm y tế, nhà của bà con xã viên. Nghề chằm nón phát triển khắp làng trên xóm dưới, nhà nhà làm nón, từ các em thiếu niên đến các cụ già đều biết làm nón, bót vành... Nhiều gia đình tổ chức nghề đơm chim, đơm cá, đơm tôm,… rất hiệu quả góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Đánh giá những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng bộ xã Hạ Trạch trong 2 năm 1977 - 1979 nêu rõ: Năm 1979 diện tích trồng trọt và năng suất lúa tăng hơn so với năm 1978 là 12,5 tạ/ha, tổng sản lượng quy ra thóc là 350 tấn đạt 120% kế hoạch. Về chăn nuôi, năm 1978 phát triển 370 con trâu, bò, đàn lợn, hợp tác xã có hơn 200 con, lợn, xã viên nuôi hơn một nghìn con. Các đội ngành nghề đều thực hiện vượt mức kế hoạch...

Ngoài ra, thực hiện chủ trương của huyện, xã Hạ Trạch đã tổ chức đội Thủy lợi 202 gồm hàng trăm thanh niên khỏe mạnh tham gia nhiều công trình thủy lợi, xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của tỉnh và huyện Bố Trạch như: tham gia xây dựng đập thủy lợi giữ nước ở Khe Sắn (đập Đồng Ran) Bắc Trạch, tham gia khai hoang, xây dựng vùng kinh tế Phú Định, tham gia xây dựng đập Thủy lợi Thạch Hãn ở Quảng Trị.

Trên mặt trận quốc phòng an ninh, sau thất bại cay đắng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu thù địch chống Việt Nam, chúng thực hiện chính sách bao vây, cấm vận về kinh tế kích động thúc đẩy bọn phản động, tay sai xúc tiến kế hoạch “hậu chiến” chống phá Việt Nam. Lợi dụng những khó khăn về đời sống kinh tế xã hội của ta sau chiến tranh để kích động lôi kéo hàng ngàn đồng bào ta di cư ra nước ngoài nhằm tạo ra sự bất ổn ở trong nước. Ở biên giới Tây Nam, tập đoàn Pôn Pốt được sự chỉ đạo và tài trợ của các thế lực phản động quốc tế thực hiện chính sách “diệt chủng” với nhân dân Campuchia, gây cuộc chiến tranh Biên giới chống phá Việt Nam. Tháng 7/1978, cuộc chiến tranh Biên giới Việt Nam, Campuchia diễn ra với quy mô và cường độ rất ác liệt.

Trước tình hình đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra hết sức cấp bách. Đáp lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, hàng trăm lượt con em xã Hạ Trạch hăng hái tình nguyện lên đường ra tiền tuyền chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ non sông. Trong cuộc chiến chống bọn diệt chủng Pôn Pốt nhiều chiến sỹ con em Hạ Trạch đã anh dũng hy sinh nằm lại trên chiến trường biên giới Tây Nam, góp phần cùng quân dân cả nước và lực lượng cách mạng Campuchia đập tan tập đoàn phản động Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn “diệt chủng”.

Đầu năm 1979, bọn phản động bành trướng bá quyền Trung Quốc công khai thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam. Tháng 2/1979, chúng huy động trên 60 vạn quân phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc.

Khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, hàng trăm cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, Công an nhân dân, thanh niên là con em xã Hạ Trạch tiếp nối lên đường ra chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống quân xâm lược bành trướng bá quyền Phương Bắc. Trước những đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc và sự lên án mạnh mẽ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày 05/3/1979 Nhà cầm quyền Bắc Kinh buộc phải tuyên bố rút quân chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam.

Vừa động viên đưa tiễn con em lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xã Hạ Trạch đã chủ động kế hoạch sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, toàn xã thành lập một tiểu đoàn dân quân tự vệ được biên chế theo từng Đại đội, Trung đội và được luyện tập các phương án chiến đấu sát hợp theo điều kiện, đặc điểm địa hình của quê hương. Chính quyền, các đoàn thể đã huy động hàng ngàn ngày công, khai thác, vận chuyển hàng vạn cây tre, gỗ, 500 mét khối đá, hơn 2.000 viên gạch xây dựng 15 công sự, 10 lô cốt kiên cố, hơn 400 hố bắn cá nhân, đào đắp hơn 1.000 mét giao thông hào và nhiều tuyến hầm trú ẩn dọc tuyến đê bờ Nam sông Gianh, dọc tuyến Quốc lộ 1A, đường Ba Trại... sẵn sàng cơ động chiến đấu trong mọi tình huống.

Ngày 10/4/1979, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ XII nhiệm kỳ 1979 - 1982 được tiến hành; Đại hội đã bầu, ông Lưu Văn Học làm Bí thư Đảng ủy; ông Lưu Văn Lân Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã; ông Lê Văn Thạnh - ủy viên Thường vụ, chủ nhiệm hợp tác xã Thống Nhất. Đại hội đề ra nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1979 - 1982. Trong đó, có 5 nhiệm vụ trọng tâm cấp bách là:

  1. Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, vững chắc. Khai thác mọi tiềm năng từ nông - lâm, ngư, tiểu thủ công nghiệp, nghề phụ để sản xuất hàng hóa, từng bước cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân...
  2. Tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, công an xã vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
  3. Nghiên cứu, tổ chức lại sản xuất hợp lý trong từng hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã mua bán, các đội sản xuất.
  4. Thực hiện phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động kết hợp với đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kinh tế xã hội...
  5. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững mạnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới.

Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Đảng ủy đã tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị quán triệt Nghị quyết của Đảng bộ xã, Nghị quyết của Đảng bộ cấp trên, chỉ thị 100/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến cán bộ Đảng viên, xã viên hợp tác xã. Nghị quyết Trung ương VI và Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng mở ra cơ chế chính sách quản lý, phát triển sản xuất, hợp lý yêu cầu nguyện vọng của đại bộ phận người lao động, khuyến khích người lao động tích cực, tự giác phát triển sản xuất đúng hướng đảm bảo ba lợi ích Nhà nước, tập thể và người lao động... Do đó, đã khơi dậy được lòng dân đồng tình hưởng ứng hăng hái lao động sản xuất.

Sau khi quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng Chính phủ,  nhận thấy các hợp tác xã Trường Lưu, Thống Nhất đang làm ăn theo lối sản xuất nhỏ, kém hiệu quả,... không đáp ứng với tình hình xu thế sản xuất mới; Cấp ủy Đảng, chính quyền xã quyết định sát nhập 2 hợp tác xã Trường Lưu và Thống Nhất thành hợp tác xã Hạ Trạch. Ông Lê Văn Thạnh giữ chức Chủ nhiệm hợp tác xã, ông Phan Trọng Hoành, Nguyễn Đình Thới làm cán bộ kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Huỳnh làm kế toán Hợp tác xã .

Hợp tác xã Hạ Trạch đã tiến hành rà soát, cải cách công tác tổ chức, chuyển đổi cơ chế quản lý, phân chia lại ruộng đất và nhân lực lao động cho phù hợp. Tham mưu cho Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã đổi đất liền kề với xã Bắc Trạch để đào mương phóng úng và dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng từ vực Sanh ra Hói Đun đến Hói Hạ, đó là: xã Hạ Trạch được sử dụng khu vực đất vùng chùa Ba Đề, phía tây đường tỉnh lộ và giao cho xã Bắc Trạch vùng đất cuối cồn Hà. Đặc biệt, hợp tác xã đã thực hiện cơ chế chính sách khoán mới theo tinh thần Chỉ thị 100 của ban Bí thư Trung ương Đảng, áp dụng chính sách khoán đến nhóm và người lao động đảm bảo tiêu chí 3 lợi ích Nhà nước, tập thể và người lao động. Do đó, đã khuyến khích, động viên người lao động phát huy tinh thần làm chủ, tính năng động sáng tạo và ý thức trách nhiệm hăng hái tham gia lao động sản xuất phát triển chăn nuôi và các ngành nghề phụ khác.

Trên cơ sở đổi mới cơ chế sản xuất thực hiện khoán đến nhóm người và người lao động, chủ động công tác giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất nên năng suất lao động, sản lượng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và các ngành nghề đều tăng trưởng cao hơn những năm trước. Diện tích khai hoang phục hóa tăng 115%, diện tích gieo trồng tăng 110%, các giống cây trồng mới năng suất cao được lựa chọn đưa vào gieo trồng họp lý trên từng vùng đất. Nhiều vùng đất trước đây chỉ trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ màu đã chuyển đổi trồng được 2 vụ lúa, 1 vụ màu... Sản lượng thu hoạch được nâng cao từ 15 tạ/ha đã tăng lên 23 tạ/ha. Bình quân lương thực quy ra thóc là 17kg/l khẩu/1 tháng năm 1979 - 1980, đến năm 1981 - 1982 bình quân đầu người đạt 20 - 25kg lương thực mỗi tháng. Các ngành nghề được duy trì phát triển thường xuyên trong toàn hợp tác xã và mỗi gia đình... Nhờ vậy, đời sống kinh tế của cán bộ nhân dân xã ngày càng được cải thiện nâng cao.

Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho học sinh và nhân dân luôn được quan tâm. Các trường, lớp, trạm y tế xã được sửa sang, nâng cấp ngói hóa hoàn toàn, tỉ lệ học sinh vào học các lớp ngày càng cao. Chất lượng dạy và học được phát huy hiệu quả tốt, trường cấp I, cấp II Hạ Trạch liên tục đạt danh hiệu tiên tiến, trường chuẩn cấp huyện, cấp tỉnh. Đội ngũ cán bộ nhân viên y tế phát triển cả năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khỏe, hộ sinh, phòng bệnh cho nhân dân mọi lúc, mọi nơi khi có yêu cầu...

Tuy nhiên, bên cạnh việc chuyển biến tích cực về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề phụ trong đời sống xã hội vẫn còn tồn tại cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, giá cả thị trường, lưu thông phân phối hàng hóa có những biến động phức tạp, cung cầu không cân đối đã tác động kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân còn gặp những khó khăn nhất định. Những khó khăn phức tạp đó được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V và Đại hội Đảng bộ Bình Trị Thiên lần thứ III đã thảo luận mở ra con đường tháo gỡ, trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, điều chỉnh bước đi và quy mô quá trình công nghiệp hóa, coi trọng nông nghiệp là mặt trận hàng đầu để nhanh chóng đưa đất nước vượt qua thời kỳ suy thoái.

 Thực hiện kế hoạch chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp của Huyện ủy Bố Trạch, đầu tháng 12/1982, Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ XIII nhiệm kỳ 1982 - 1984 được tiến hành tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Hạ Trạch(54). Đại hội đã thảo luận và nhất trí cao với nội dung báo cáo chính trị đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội an ninh quốc phòng trong nhiệm kỳ 1979 - 1982. Đại hội nhất trí cao với phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra sát đúng với tinh thần đường lối chỉ đạo của cấp ủy Đảng cấp trên.

 Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng ủy. Ông Nguyễn Hồng Thuy được bầu làm Bí thư Đảng ủy; ông Lê Chiêu Nhi được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã; ông Phan Trọng Hoành Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã.

 (54)Ngày 18/12/1980 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI thông qua Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp quy định hệ thống, nhiệm vụ, quyền hạn HĐND, UBND các cấp. Từ đây, Ủy ban hành chính các cấp được đổi tên thành Ủy ban nhân dân.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra, Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo và tổ chức cho các Chi bộ, các hợp tác xã học tập, quán triệt nội dung tinh thần Nghị quyết 05 của Huyện ủy Bố Trạch về: Những biện pháp cấp bách trong tư tưởng và tổ chức đảm bảo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế xã hội trước mắt năm 1983 - 1984 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đến từng cán bộ Đảng viên và xã viên hợp tác xã.

 Sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết 05 của Huyện ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ X III, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo các Chi bộ họp tác xã rà soát, kiện toàn, củng cố tố chức cơ sở Đảng, chính quyền, tổ chức cho cán bộ Đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia thảo luận bàn bạc xây dựng các quy định, chế độ, nội quy phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân và các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương. Đánh giá phân tích rút ra những bài học thắng lợi việc thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa IV và Chỉ thị 100/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động đảm bảo ba lợi ích Nhà nước, tập thể và người lao động tại địa phương… qua đó, tiếp tục nghiên cứu đổi mới tư duy, đẩy mạnh công tác cải tiến mở rộng khoán, khuyến khích khoán đến từng hộ gia đình từng người lao động phù hợp với tính chất quy mô, điều kiện sản xuất từng ngành nghề lao động ở địa phương... Do đó, hiệu quả xây dựng kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Năm 1983, sản xuất nông nghiệp sản lượng thu hoạch đạt 35 tạ/1ha tặng 10 tạ/ha so với các năm trước. Các ngành nghề khác làm được cải tiến duy trì phát triển đạt hiệu quả tốt...

Ngày 19 tháng 5 năm 1984, Vực Sanh được khởi công xây dựng hồ chứa nước, có trữ lượng hơn 3 triệu mét khối tưới cho các cánh đồng Hạ Trạch và một số vùng thuộc xã Bắc Trạch, xã Mỹ Trạch. Đây là một trong những công trình thủy lợi  trọng điểm của tỉnh và của huyện Bố Trạch nên được chính quyền, các cấp và  ngành thủy lợi huy động các loại phươmg tiện, máy móc đào lấp, chuyên chở đất đá, nguyên vật liệu và hàng chục vạn ngày công lao động của cán bộ, công nhân và nhân dân các địa phương tham gia. Cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hạ Trạch đã chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, di dời hàng chục hộ dân trên địa bàn để phục vụ xây dựng công trình thủy lợi quan trọng; huy động hàng vạn ngày công tham gia đắp đập Vực Sanh, xây dựng hệ thống kênh mương chạy dài nhiều cây số từ Vực Sanh lên xã Mỹ Trạch, từ Vực Sanh chạy ra Hói Đun, nối liền với hệ thống mương máng xây dựng trước đây, dẫn nước tưới tiêu khắp cánh đồng Hạ Trạch.

Giao thông thủy lợi phát triển kết hợp hài hòa với thực hiện khoán đảm bảo ba lợi ích Nhà nước, tập thể và người lao động, đã khuyến khích các hoạt động lao động sản xuất của người lao động nâng cao. Các hợp tác xã, hộ gia đình và người lao động đã tự giải quyết, khắc phục khó khăn đưa cuộc sống kinh tế, xã hội từng bước ổn định và phát triển. Hàng năm, toàn xã sản xuất lương thực đạt bình quân trên 1.500 tấn, chăn nuôi trên 500 con trâu bò, 1.000 con lợn, hàng ngàn con gia cầm, nuôi trồng, đánh bắt hàng chục tấn hải sản (tôm, cua, cá các loại...). Thực hiện hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thực hiện chính sách xã hội với các đối tượng chính sách được cải thiện, chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa thể thao được các tổ chức Đoàn, Hội, Nhà trường thường xuyên đổi mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Động viên cán bộ nhân dân, học sinh công tác, lao động sản xuất tốt, học tập rèn luyện tốt, xây dựng nếp sống văn hóa mới vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, thân ái.

Năm 1985 là năm đất nước ta có nhiều ngày lễ kỷ niệm lịch sử trọng đại. Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; 95 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 10 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước... Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn quân cả nước ta nói chung, xã Hạ Trạch nói riêng được học tập, ôn lại quá khứ lịch sử cách mạng hào hùng, oanh liệt nhưng cũng đầy gian khổ, hy sinh của cả dân tộc kiên cường, bền bỉ, dũng cảm chiến đấu giành tự do, độc lập, bảo vệ vẹn toàn sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đó, tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của quê hương, đem hết tinh thần nghị lực, trí tuệ, tài năng vượt qua mọi thử thách hiểm nguy, khó khăn thực hiện hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Đầu năm 1985, Đảng bộ xã Hạ Trạch tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV. Đại hội đã thảo luận đánh giá sâu sát về tình hình và nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 1982 - 1984 đạt được nhiều thành quả quan trọng, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ nhân dân được cải thiện, nâng lên. Đồng thời, nghiêm khắc kiểm điểm rút ra những tồn tại, hạn chế đã cản trở, kìm hãm sự phát triển toàn diện ở địa phương đó là: Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp chậm được đổi mới, thiên tai bão lụt, hạn hán liên tiếp xảy gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, tài sản, cung cầu thiếu cân đối. Một số cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân còn bị ảnh hưởng tư tưởng sản xuất nhỏ, bao cấp, tư duy chậm đổi mới... Đại hội đã thống nhất Nghị quyết định hướng thời gian tới, trọng tâm là... tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, cải tạo nâng cấp các công trình giao thông thủy lợi, công trình phúc lợi xã hội phục vụ sản xuất cuộc sống dân sinh. Đẩy mạnh sản xuất các loại cây lương thực, cây công nghiệp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân... Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng ủy nhiệm kỳ 1985 - 1987, ông Nguyễn Hồng Thuy được bầu tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy; ông Lê Quang Sự - Đảng ủy viên, Chủ tịch UBND và ông Phan Trọng Hoành – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND.

Với khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng các ngày lễ kỷ niệm lịch sử lớn của Đảng, của dân tộc và Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ XIV, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị và mục đích ý nghĩa quan trọng những ngày lễ trọng đại của Đảng, của dân tộc cho cán bộ nhân dân. Phát động phong trào thi đua tăng gia lao động sản xuất, thực hiện hiệu quả các mặt công tác trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và các chủ trương chỉ đạo của huyện Bố Trạch đã đề ra. Do đó, trong 2 năm 1985 - 1986 cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã đoàn kết vượt lên khó khăn gian khổ, kịp thời khắc phục thiên tai bão lụt, củng cố hệ thống giao thông, thủy lợi, phát triển sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh công tác văn hóa giáo dục, chăm sóc sức khỏe cải thiện đời sống dân sinh, vệ sinh môi trường... đạt được những thành quả tiến bộ.

Tuy nhiên, do hệ lụy của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp kéo dài chậm được cải tiến đổi mới, giá cả thị trường biến động, leo thang liên tục, đồng tiền bị trượt giá kéo dài, cung cầu mất cân đối, giá lương - tiến trong tình trạng rượt đuổi nhau... đã làm cho nền kinh tế xã hội đất nước lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng, đời sống kinh tế, tinh thần của cán bộ nhân dân sinh viên, học sinh, lực lượng vũ trang nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cuối tháng 9 và tháng 10 năm 1985, hai cơn bão số 7, số 8 với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11 giật trên cấp 11, cấp 12, mưa lũ lớn liên tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh Quảng Bình đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Ở xã Hạ Trạch do ảnh hưởng của các cơn bão lũ lớn đã làm cho đê Cửa Nghè bị vỡ, hàng triệu m3 nước đổ dồn ra bao phủ cánh đồng và khu dân cư của làng làm 03 người chết, 10 ngôi nhà bị trôi, nhiều công trình giao thông thủy lợi, đê ngăn mặn, mương phóng úng, tưới tiêu bị vỡ, sạt lở làm hàng trăm héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng lâu ngày, hàng chục ngôi nhà của nhân dân, trường học bị tốc mái, sụp đổ và hư hỏng nặng, hàng ngàn kg lúa gạo, hàng trăm con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi... càng làm cho tình hình xây dựng kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Tác giả : Ban biên tập

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip