Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 13)

15:15 - 14/10/2020

Giới thiệu phần 13, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 13)

Tiếp theo...

Phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cấp ủy Đảng, chính quyền đã kịp thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các hợp tác xã, kêu gọi cán bộ xã viên, người lao động tập trung khắc phục hậu quả bão lụt, ổn định sản xuất và đời sống. Huy động hàng ngàn ngày công lao động để sửa chữa, gia cố, nâng cấp đê thủy lợi Cửa Nghè, sửa chữa, xây dựng, đào đắp lại hệ thống cầu cống, các tuyến đường giao thông, kênh mương thủy lợi bị nước làm hư hỏng cuốn trôi, sửa sang trường học, trạm y tế, cửa hàng mua bán và nhà cửa của nhân dân bị bão lụt làm tốc mái, sụp đổ, xiêu vẹo... Ngoài sự nỗ lực tự lực tự cường giúp đỡ lẫn nhau khắc phục hậu quả bão lụt, đẩy mạnh sản xuất của cán bộ nhân dân trong xã, thì ở Trung ương, tỉnh, huyện Bố Trạch cũng đã kịp thời động viên, cứu trợ vật chất, hàng hóa, giúp đỡ những cá nhân, gia đình, tập thể bị thiệt hại trong bão lụt, góp phần quan trọng giúp nhân dân xã Hạ Trạch sớm khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống.

Trước tình hình kinh tế xã hội lâm vào tình trạng lạm phát suy thoái, Trung ương Đảng, chính phủ quyết định chủ trương việc thu hồi tiền cũ đang lưu hành, phát hành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới nhằm giải quyết lạm phát suy thoái, khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống kinh tế xã hội. Sáng 14/9/1985 lệnh công bố thu đổi tiền của Chính phủ được công bố công khai trên toàn quốc.

Thực hiện lệnh thu đổi tiền của chính phủ, ủy ban nhân dân xã Hạ Trạch đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, dân quân, công an xã tuyển chọn đội ngũ cán bộ Đảng viên, Đoàn viên, Hội viên triển khai các bàn thu đối tiền tại địa phương, tổ chức lực lượng bảo vệ, hướng dẫn nhân dân các thủ tục kê khai thu tiền cũ, đổi tiền mới và bảo đảm an ninh trật tự ở các khu vực địa điểm tổ chức thu đổi tiền. Do đó, trong suốt các ngày thực hiện thu đổi tiền ở địa phương đều được đảm bảo an toàn thuận lợi, không để tình hình sự cố xấu xảy ra.

Sau khi hoàn thành công tác thu đổi tiền và sự cố thiên tai bão lũ xảy ra. Cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ giúp đỡ nhau sửa sang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tích cực sửa sang hệ thống giao thông, thủy lợi. Hợp tác xã Hạ Trạch đã ứng dụng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng mới vào sản xuất phù hợp trên từng vùng đất, luân canh thời vụ để đẩy mạnh sản xuất tránh những thiệt hại do thiên tai... Bằng nhiều biện pháp khai hoang phục hoá, mở rộng diện tích trồng lúa, trồng màu, trồng các loại cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành nghề phụ, mở rộng giao lưu buôn bán... nhất là phong trào trồng màu, rau xanh, bầu bí trong các hợp tác xã, nhà trường và từng hộ gia đình phát triển mạnh và phát huy hiệu quả... Do đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế chính trị, văn hoá, xã hội trong 2 năm 1985-1986 đều thực hiện hoàn thành tốt, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ nhân dân được cải thiện ổn định.

Qua hơn 10 năm khôi phục xây dựng phát triển kinh tế xã hội sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã nỗ lực phấn đấu lập được nhiều thành quả tiến bộ được ghi nhận. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc nhiều năm trước nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh còn để lại trên mảnh đất con người Hạ Trạch hết sức nặng nề, cơ chế quản lý quan liêu bao cấp chưa được thay đổi, nền kinh tế nông nghiệp còn nghèo nàn lạc hậu đang là những chướng ngại kìm hãm quá trình kiến thiết xây dựng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Nhưng cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Hạ Trạch đã bám sát các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, chính phủ và cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình, khả năng thế mạnh của địa phương. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, văn hiến, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã đoàn kết, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khai hoang phục hoá, mở rộng diện tích, phát triển sản xuất chăn nuôi, đưa các giống cây trồng năng suất cao thay thế các loại giống cây cũ đã thoái hoá năng suất thấp. Phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu dùng... Xây dựng sửa sang nâng cấp các cơ sở văn hoá giáo dục Trường học, Trạm Y tế đảm bảo các điều kiện cho con em học tập và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hệ thống giao thông, thuỷ lợi được cải tạo, nâng cấp từ các đường xóm trong làng đến các trục đường chính ra các cánh đồng tạo điều kiện cho nhân dân đi lại sản xuất, giao thương, học tập, sinh hoạt thuận lợi. Sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, nhân dân xã Hạ Trạch đã mang lại những thành quả tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu xu thế phát triển chung của cộng đồng xã hội ở địa phương và khu vực; Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện nâng cao...

  1. Cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên quê hương (12/1986 - 2015)

Trước tình hình kinh tế xã hội đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra đường lối, chính sách đổi mới lãnh đạo đất nước cho phù hợp. Từ ngày 15 - 18/12/1986 Đảng cộng sản Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI tại thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, đổi mới đưa đất nước ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng và suy thoái... Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội đã phân tích đánh giá sâu sắc những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... Đồng thời thẳng thắn nghiêm khắc kiểm điểm nói rõ những sai lầm khuyết điểm, duy ý chí, quan liêu bảo thủ, trì trệ chậm đổi mới trong quá trình cải tạo xây dựng đất nước. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa kết hợp với kinh tế thị trường...

Sau khi có định hướng đường lối đổi mới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đề ra, Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên Đại hội Đại biểu toàn tỉnh lần thứ IV quyết định những nhiệm vụ cấp bách thực hiện đường lối đổi mới là: Tập trung mọi khả năng  đưa nền kinh tế địa phương ra khỏi khủng hoảng; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phù hợp với quy luật vận động của nền kinh tế thị trường và tổ chức thực hiện 3 chương trình kinh tế (Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm, Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng, Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu) coi đó là nhiệm vụ kinh tế xã hội cốt lõi. Và đó cũng là định hướng những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XV đề ra .

Quán triệt sâu sát chủ trương, đường lối đổi mới của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên và Đảng bộ Bố Trạch đề ra, ngày 26/01/1987 Đảng bộ xã Hạ Trạch tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XV nhiệm kỳ 1987 - 1989. Đại hội đã thảo luận thống nhất đề ra Nghị quyết thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung cao độ mọi khả năng và lực lượng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề, ra sức khai thác tiềm năng lao động, đất đai, tài nguyên, phấn đấu đạt vững chắc các chỉ tiêu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa xuất khẩu, không ngừng củng cố quan hệ sản xuất. Thực hiện đổi mới xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, tích cực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 1987 - 1989 gồm 11 người, ông Nguyễn Hồng Thuy được bầu giữ chức Bí thư Đảng bộ; ông Lê Quang Sự - Đảng ủy viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; ông Lê Tiến Đỉnh giữ chức vụ Thường trực Đảng ủy; ông Phan Trọng Hoành – Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp ủy, chính quyền xã Hạ Trạch tập trung chỉ đạo các Chi bộ Đảng các hợp tác xã đội sản xuất lập kế hoạch và rà soát lại các mục tiêu, phương hướng xây dựng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn quản lý để điều chỉnh thực hiện đổi mới hợp lý. Đặc biệt, từ khi Bộ chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10-NQ/TW (tháng 4/1988) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi chung là khoán 10) nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế hạch toán tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị kinh tế quốc doanh, các hợp tác xã ngành nghề... thì các hoạt động sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Hạ Trạch được đổi mới và phát triển đồng bộ. Các hợp tác xã và bà con xã viên đã chủ động, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới cơ cấu các loại giống cây trồng như lúa, hoa màu, cây công nghiệp một cách hợp lý, cân đối, đúng tỉ trọng, đạt năng suất sản lượng hiệu quả nhất. Bên cạnh đổi mới cơ cấu sản xuất các loại cây trồng, các hợp tác xã, đội sản xuất đã có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình và cá nhân tự chủ tổ chức phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm hồ, làm đìa nuôi tôm cua, cá và đánh bắt các loại thủy sản khác... Do đó, nhiều hộ gia đình xã viên đã tìm đến khai hoang những mảnh ruộng đầu thừa đuôi thẻo, những khu đất đã cất bốc mồ mả quy tập vào lăng còn bỏ hoang để san lấp khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa, trồng cây lương thực, rau màu, chân nuôi, nuôi trồng thủy sản...

Về xây dựng cơ bản, chính quyền địa phương đã biết tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn vốn, nguyên vật liệu của cấp trên và huy động vốn của địa phương, vốn trong nhân dân để đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình kinh tế, văn hóa, giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Hệ thống kênh mương đập Vực Sanh, đập Cửa Nghè và các tuyến mương máng nội đồng được đầu tư nâng cấp đảm bảo dẫn nước tưới đáp ứng yêu cầu sản xùất lúa, hoa màu quanh năm. Các tuyến đường giao thông liên thôn liên xã, đường Quan, đường Ban, đường vào xóm Rẫy, đường đi Mỹ Trạch, đường đê ngăn mặn được tu bổ nâng cấp phục vụ thiết thực hiệu quả việc đi lại, sản xuất giao thương mua bán và sinh hoạt giữa các địa phương, các thôn xóm.

Trên lĩnh vực Quốc phòng - An ninh trật tự, cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân đề cao cảnh giác với mọi âm mưu, phương thức thủ đoạn phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, chủ động đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội. Lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể đã phát huy vai trò xung kích nồng cốt, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, động viên hòa giải những mâu thuẫn, xích mích, khúc mắc trong mỗi gia đình, hàng xóm láng giềng với nhau tạo mối hòa thuận đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và lao động sản xuất. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự luôn giữ vững ổn định, góp phần tích cực phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Qua 2 năm tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Trung ương Đảng, chính phủ, tình hình kinh tế, chính trị văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn xã Hạ Trạch đã có những chuyển biến mới khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp luôn được đẩy mạnh phát triển. Lương thực hàng năm đạt trên 1.600 tấn, đàn gia súc đạt gần 600 con trâu bò, hơn 700 con lợn và hàng ngàn con gà vịt, nuôi trồng thủy sản năm 1988 đạt 8 tấn, năm 1989 đạt 13 tấn cá tôm cua các loại. Các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn theo hướng đổi mới, gọn nhẹ năng động, trẻ hóa đội ngũ, đảm bảo tính kế thừa. Các công trình phúc lợi, giao thông thủy lợi, trường học, trạm xá được xây dựng, củng cố nâng cấp cao rộng, sạch đẹp hơn. An ninh trật tự được giữ vững ổn định, đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân từng bước được nâng cao.

Từ ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập theo Quyết định của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên theo định giới hành chính cũ. Hơn 1.500 cán bộ, nhân viên, công nhân, sỹ quan chiến sỹ lực lượng vũ trang, giáo viên đang công tác tại cơ quan cấp tỉnh ở Bình Trị Thiên và một số huyện phía Nam được quyết định về công tác tại tỉnh Quảng Bình, trong đó có gần 100 người là con em quê hương xã Hạ Trạch, số con em Hạ Trạch từ Bình Trị Thiên về Quảng Bình phần lớn được phân công công tác tại các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, một số về công tác tại cấp huyện. Đây là nguồn nhân lực dồi dào góp phần tích cực động viên tinh thần, trí tuệ, vật chất, giúp đỡ gia đình và quê hương Hạ Trạch trên con đường đổi mới, phát triển vững mạnh.

Tuy nhiên đây mới chỉ là chặng đường đầu thời kỳ đổi mới, các nhân tố cũ và mới đang đan xen lẫn nhau, lối sống thời kỳ bao cấp còn tác động ảnh hưởng nặng, trong một thời gian ngắn chưa thể xóa bỏ được đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân xã Hạ Trạch phải tập trung đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương Hạ Trạch phát triển vững mạnh trên con đường đổi mới.

Phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới; Quý 1 năm 1989 được sự chỉ đạo thống nhất của Thường vụ huyện ủy huyện Bố Trạch, Đảng bộ xã Hạ Trạch đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI nhiệm kỳ 1989 - 1992, ông Lê Chiêu Nậm - Bí thư huyện ủy Bố Trạch về tham dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã thảo luận đánh giá sâu sát tình hình, kết quả đã đạt được và những tồn tại hạn chế trong quá trình đổi mới thực hiện nhiệm vụ chính trị kinh tế xã hội ở địa phương, đề ra Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới với những nội dung trọng tâm là: Thực hiện đổi mới, nhất là đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo; tiếp tục thực hiện đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý, cơ cấu đầu tư, khai thác thế mạnh tiềm năng để thực hiện hiệu quả 3 chương trình kinh tế, từng bước ổn định vững chắc kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, làm tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo...

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ. Ông Nguyễn Hồng Thuy tiếp tục được tái cử giữ chức Bí thư Đảng bộ; ông Lê Tiến Đỉnh ủy viên thường vụ Thường trực Đảng ủy; ông Nguyễn Đình Thới - Phó Bí thư Đảng ủy giữ chức Chủ tịch UBND; ông Phan Trọng Hoành - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã.

Bám sát Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hạ Trạch đã chỉ đạo các chi ủy, các đoàn thể, hợp tác xã tăng cường làm tốt công tác chính trị tư tưởng, kiện toàn, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh đảm bảo yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các cấp lãnh đạo đã quan tâm chỉ đạo vận động khuyến khích tạo điều kiện cho xã viên phát triển các mô hình kinh tế hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, đưa các loại giống lúa, cây trồng năng suất chất lượng cao vào sản xuất; động viên cán bộ nhân dân huy động vốn, đóng góp công, của xây dựng nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội như các công trình giao thông thủy lợi, trường học... Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hạ Trạch và các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế chính trị, văn hóa xã hội đã đề ra cụ thể là: sản xuất lương thực đạt trên 1.900 tấn, chăn nuôi trên 600 con trâu bò, gần 1.000 con lợn, khai hoang mở rộng diện tích, nuôi trồng thủy sản gần 100 héc ta, phát triển mở rộng vùng nuôi tôm, cua nước mặn ven bờ nam sông Gianh, xây dựng trường tiểu học ở xóm Rẫy (gần dốc Khe Hậu), trường mẫu giáo mầm non ở 2 hợp tác xã Trường Lưu và Thống Nhất cũ, quy hoạch lại khu vực chợ ở xóm 12, mở rộng nâng cấp tuyến đường giữa làng, đường quan, đường đê...

Trên lĩnh vực an ninh trật tự, từ những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20, tình hình kinh tế xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn, bọn tội phạm kinh tế hình sự hoạt động ngày càng gia tăng và biến động phức tạp, nhất là tình trạng cướp, trấn lột, giết người, cướp của, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng... gây ra tâm lý lo lắng, bất bình trong nhân dân. Đặc biệt là cuối năm 1989, cuộc khủng hoảng dây chuyền của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô ngày càng trầm trọng dẫn đến tan rã sụp đổ. Các thế lực phản động quốc tế tập trung chĩa mũi nhọn vào Việt Nam, mưu toan phá hoại chính trị, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nền tảng kinh tế xã hội để dễ bề tác động chi phối...

Để tăng cường kỷ cương, phép nước, lập lại trật tự trị an xã hội, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Ngày 04/5/1989 Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 135 về tăng cường bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới. Ngày 02/10/1989 Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ra Nghị quyết về lãnh đạo nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới. Tiếp sau đó ngày 04/10/1989 ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành kế hoạch 678 thực hiện Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới.

Sau khi có Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy kế hoạch 678 của UBND tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hạ Trạch đã tập trung chỉ đạo lực lượng công an xã, xã đội, các đoàn thể phát động phong trào quần chúng đấu tranh tố giác tội phạm, giáo dục giám sát quản lý số đối tượng hư hỏng, ngang bướng ở địa phương. Lực lượng công an xã đã phối hợp với Công an huyện Bố Trạch, xí nghiệp quản lý sửa chữa đường bộ tỉnh Quảng Bình xử lý những biểu hiện tiêu cực, xin đểu gây mất trật tự trị an ở nam bến phà Gianh, vận động nhân dân buôn bán ở bến phà sắp xếp thu dọn hàng quán, mở rộng hành lang an toàn giao thông, tạo cảnh quan mới sạch sẽ lịch sự, phục vụ tốt nhu cầu đi lại ăn uống nghỉ ngơi của hành khách và lái xe khi đi qua bến phà... Do đó, tình hình vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống từng bước bị đẩy lùi, các tệ nạn côn đồ, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, chấn lột giảm hẳn, an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, góp phần quan trọng phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế văn hóa xã hội ở địa phương bền vững.

Công tác giáo dục đào tạo luôn được duy trì phát triển toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu. Cán bộ nhân dân toàn xã phát huy truyền thống quê hương hiếu học, giáo viên học sinh thi đua dạy tốt học tốt nên kết quả học tập của học sinh đạt chất lượng cao, Nhà trường đạt danh hiệu Trường tiến tiến xuất sắc, Trường chuẩn quốc gia, chuẩn cấp Tỉnh. Năm 1990, xã Hạ Trạch được công nhận Phổ cập giáo dục cấp tiểu học đầu tiên của huyện Bố Trạch.

Đầu tháng 2 năm 1992, Đảng bộ xã Hạ Trạch đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII nhiệm kỳ 1992- 1994. Trên cơ sở phân tích tình hình đánh giá những thành công và hạn chế của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1989 - 1992, Đại hội đã đề ra Nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ 1992 - 1994 với những nhiệm vụ trọng tâm là: Khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, vật liệu xây dựng. Phát triển các thành phần kinh tế sản xuất hàng hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm tốc độ tăng dân số, khuyến khích người lao động làm giàu chính đáng. Nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng và hiệu lực tổ chức điều hành quản lý của chính quyền, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội... Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ, ông Nguyễn Văn Tầm được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Hồng Thuy - ủy viên thường vụ Thường trực Đảng ủy, ông Nguyễn Đình Thới Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Quán triệt đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp ủy, Chính quyền xã Hạ Trạch đã bám sát tình hình thực tiễn của địa phương lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử thách khó khăn thực hiện hiệu quả 3 chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, của huyện đề ra ở địa phương. Các cấp lãnh đạo xã đã chủ động thực hiện cơ chế quản lý kinh tế và cơ cấu kinh tế xã hội theo tinh thần đổi mới. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp cũ được xóa bỏ chuyển hẳn sang hạch toán theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức phát triển sản xuất, quản lý, phân phối sản phẩm, tài sản mình làm ra. Người lao động càng an tâm phấn khởi hăng hái phát triển sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Đặc biệt, từ năm 1993 sau khi có Nghị quyết Trung ương V khóa VII và các chủ trương mới của, Chính phủ về phát triển nông nghiệp nông thôn, Đảng ủy UBND xã đã thống nhất chủ trương giải thể hợp tác xã nông nghiệp, chuyển cơ chế quản lý theo mô hình hợp tác xã cũ sang cơ chế quản lý theo địa bàn dân cư gồm 9 thôn. Mỗi thôn đều có các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể thôn, Bí thư chi bộ, Thôn trưởng là người lãnh đạo thôn và chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, chính quyền xã về việc lãnh đạo điều hành xây dựng phát triển kinh tế văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn thôn.

Chủ trương chuyển đổi cơ cấu quản lý hợp tác xã theo cơ chế quản lý theo địa bàn dân cư thôn xóm thực sự là một cuộc đổi mới ở địa bàn nông thôn nói chung xã Hạ Trạch nói riêng, đã cởi trói cho quản lý chồng chéo quan liêu, trì trệ, bao cấp, chậm phát triển của mô hình hợp tác xã trong một thời gian kéo dài. Toàn bộ tài sản của hợp tác xã như trâu bò, phương tiện máy móc phục vụ sản xuất, kho tàng ruộng đất trước đây hợp tác xã quản lý được hóa giá chuyển giao cho các hộ gia đình xã viên nhận khoán chăm sóc tổ chức lại sản xuất; các công trình phúc lợi xã hội giao thông, thủy lợi, văn hóa thể thao... chuyển qua thôn quản lý theo địa bàn... qua đó việc quản lý điều hành chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế xã hội, an ninh, trật tự  trên địa bàn thôn được sâu sát toàn diện hơn, tạo điều kiện cho người lao động phát huy tinh thần làm chủ năng động sáng tạo, tổ chức phát triển sản xuất xây dựng cuộc sống mới, tự nguyện thực hiện các chính sách và nghĩa vụ với Nhà nước, với địa phương.

Từ chuyển hướng cơ chế quản lý kinh tế xã hội quan liêu bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chuyển hướng cơ chế quản lý hợp tác xã sang cơ chế quản lý theo địa bàn dân cư đã tạo sự chuyển biến căn bản cả về tư duy và thực tiễn hành động góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương phát triển khởi sắc. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực sản xuất hàng năm đạt trên 1.750 tấn, đàn gia súc gia cầm các hộ gia đình chăn nuôi phát triển hơn 500 con trâu bò, 1.000 con lợn, hàng chục ngàn con gia cầm, nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt trên 13 tấn/ năm. Về công tác giáo dục y tế, được cấp ủy chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng phát triển toàn diện. Trường Tiểu học số I Hạ Trạch liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc. Trường Trung học cơ sở (cấp II) sau khi tách trường cấp I - II Hạ Trạch được chuyển về xây dựng lại ở xóm 9  UBND xã tạm thời về làm việc tại hội trường hợp tác xã Thống nhất (xóm 4). Khuôn viên của trường cấp II được mở rộng kéo dài thêm phần đất của gia đình ông Bút (xóm 9). Sân vận động của xã giữa xóm 8 và xóm 9 trước mặt nhà ông Khoác, ông Xao trở thành sân chơi, sân học thể dục thế thao của học sinh trường cấp II Hạ Trạch. Trạm y tế cụm Bắc - Thanh - Mỹ - Hạ đóng ở dưới xóm 20 và trạm y tế của xã được huyện và lãnh đạo xã quan tâm tăng cường xây dựng cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ làm y tế, đảm bảo yêu cầu công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở. Các công trình phúc lợi giao thông thủy lợi được tôn tạo, nâng cấp, mở rộng (đường Quan, đường Biền, đường xóm 9 kéo ra bờ đê sông Gianh, đường Eo, đường Xóm Rẫy...) hệ thống kênh mương được duy tu bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo phục vụ yêu cầu đi lại sản xuất, sinh hoạt của nhân dân địa phương. Nhiều ngôi nhà ngói mới, nhà đổ bê tông của nhân dân được xây dựng cao đẹp mọc lên dọc tuyến đường quan từ Ngã 3 Hạ Trạch lên xóm 9, xóm Đình và đường từ giếng Kiệt lên xã Mỹ Trạch làm tô đẹp thêm cảnh quan quê hương Hạ Trạch(55).

Về công tác an ninh trật tự, lực lượng công an xã đã phát huy tốt vai trò nồng cốt xung kích trực tiếp thực hiện và nghiên cứu, đề xuất tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định của Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương về nhiệm vụ quốc phòng an ninh, góp phần quan trọng bảo vệ trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới xây dựng phát triển kinh tế văn hóa xã hội ở địa phương.

 (55)Năm 1990 – 1992 được sự đồng ý của cấp trên, cấp ủy, chính quyền xã Hạ Trạch đã quy hoạch các vùng đất sản xuất, đất ở và cấp hàng chục lô đất cho con em địa phương làm nhà ở.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 18/4/1994, Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hạ Trạch lần thứ XVIII nhiệm kỳ 1994 - 1996 được tổ chức. Về dự Đại hội có ông Lê Chiêu Nẫm - Bí thư Huyện ủy và các ông bà lãnh đạo đại diện các ban trong Huyện ủy cùng hơn 100 đại biểu trong Đảng bộ. Đại hội đã thảo luận nhất trí cao với đánh giá về những thành tựu đã đạt được trong 2 năm 1992 - 1994 và phương hướng phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trong những năm tới là: Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển cây công nghiệp và các dịch vụ phục vụ sản xuất, các công trình phúc lợi xã hội, giữ vững ổn định an ninh trật tự, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân... Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ, ông Nguyễn Văn Tầm được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ, ông Nguyễn Hồng Thuy - ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, ông Lê Văn Xàn ủy viên Thường vụ Thường trực Đảng ủy, ông Nguyễn Danh Huỳnh - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng công an xã.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, UBND xã thống nhất chỉ đạo các thôn quy hoạch lại các vùng đất sản xuất cho phù hợp với các loại cây trồng và thuận lợi cho việc tổ chức phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Cụ thể như quy hoạch vùng đất Đồng Phố vùng Rầy Tranh làm nơi chôn cất người chết, vùng đất Chóp cờ - Cù Sơn làm nơi quy tập mồ mả, lăng tẩm để nhường đất ngoài đồng cho phát triển sản xuất, quy hoạch vùng đất từ trên đường Biền về Hói Hạ để nuôi trồng thủy sản tôm, cua, cá, các cùng đất bàu nước trũng sâu từ bàu Eo, bàu Mật, bàu Vuông chạy xuống hai bên đường đầu xóm 20 trước làng vào Giếng Kiệt để phát triển sản xuất theo mô hình vườn ao chuồng vừa trồng lúa vừa thả cá, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt... Các công trình phúc lợi xã hội điện, đường, trường, trạm được xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Mạng lưới điện sáng quốc gia được kéo về từng thôn xóm đến các hộ gia đình. Các dịch vụ phục vụ sản xuất, chăn nuôi, xây dựng, sửa chữa máy móc, hàng tiêu dùng được hình thành phát triển khá phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

Bám sát chủ trương chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và vận dụng linh hoạt sáng tạo các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên vào tình hình thực tiễn của địa phương. Các thôn xóm, bà con xã viên đã chủ động tạo được các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình tự quản về an ninh trật tự hợp lý phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động chất lượng sản phẩm các công trình phúc lợi, các dịch vụ phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện chính sách đổi mới (1986-1996), bộ mặt nông thôn quê hương xã Hạ Trạch đã có nhiều chuyển biến mới khởi sắc. Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp trì trệ dần dần được xóa bỏ chuyển sang cơ chế quản lý hạch toán theo cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hệ thống giao thông thủy lợi, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, các công trình phúc lợi xã hội các dịch vụ lưu thông, mua bán phục vụ sản xuất, tiêu dùng được tổ chức sắp xếp phát triển đa dạng phong phú, phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ăn ở của nhân dân. Năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm thu hoạch các loại cây lưong thực, cây công nghiệp, gia súc, gia cầm, các loại tôm cá ngày càng tăng năm sau cao hơn năm trước, an ninh trật tự luôn được giữ vững ổn định, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ nhân dân liên tục được cải thiện, nâng cao, hình ảnh làng quê càng thêm tươi đẹp.

Ngày 26/1/1996 Đảng bộ xã Hạ Trạch tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX nhiệm kỳ 1996 - 2000, Đại hội vinh dự được đón tiếp Đoàn đại biểu Huyện ủy Bố Trạch, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của quê hương và đại diện Hội đồng hương Thành phố Đồng Hới, thị trấn Hoàn Lão, các ông bà lão thành cách mạng, Bí thư, Chủ tịch xã qua các thời kỳ về dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1996 - 2000 ông Lê Văn Xàn được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, ông Lê Tiến Đỉnh - Phó Bí thư, ông Lê Anh  Sơn - Ủy viên Thường vụ, thường trực, ông Nguyễn Danh Huỳnh - Đảng ủy viên giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND xã. Tại Đại hội này, ông Nguyễn Văn Tầm – Chủ tịch HĐND, nguyên Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Hồng Thuy – Chủ tịch UBND xã, không được bầu vào Đảng ủy nhưng vẫn giữ các chức vụ Chủ tịch HĐND và UBND xã đến hết nhiệm kỳ.

Đại hội đã thảo luận thống nhất cao với Nghị quyết phương hướng nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ với mục tiêu tổng quát là: Thực hiện mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế toàn diện, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Cụ thể: phấn đấu đưa tổng sản lượng sản xuất lương thực, thực phẩm tăng gấp 2 lần so với các năm trước. Quy hoạch lại vùng đất sản xuất, khu dân cư. Khảo sát xây dựng cải tạo, nâng cấp các công trình phúc lợi, giao thông, thủy lợi, trường học, trụ sở UBND xã, trạm xá, chợ, phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... củng cố kiện toàn vững mạnh các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể...

Sau thành công của Đại hội Đảng bộ xã, một vinh dự vô cùng to lớn, Đảng bộ nhân dân xã Hạ Trạch được đón nhận danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Nhà nước phong tặng theo quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 20/1/1996. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị văn hóa xã hội của mỗi cán bộ Đảng viên và nhân dân xã Hạ Trạch. Ngày 17/8/1996 Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân được tổ chức trọng thể tại khu vực Đình làng xã Hạ Trạch. Buổi lễ diễn ra long trọng có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, UBMT Tổ quốc tỉnh, các cơ quan cấp tỉnh, đại diện Lãnh đạo Huyện ủy, ủy ban nhân dân các đoàn thể huyện Bố Trạch ... cùng hàng ngàn con cháu Hạ Trạch đang sinh sống, công tác khắp nơi mọi miền Tố quốc về dự. Những người con em quê hương sống ở xa vì nhiều lý do không về được cũng hướng về quê hương chia sẻ niềm vui, nỗi tự hào với làng xóm, quê cha đất tổ. Buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng đã để lại trong lòng các thế hệ hôm nay dấu ấn đậm nét về tình cảm, niềm tự hào và lòng biết ơn các thế hệ ông cha, anh chị đi trước, có ý nghĩa khơi nguồn, giữ lửa cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương trên con đường xây dựng, phát triển trưởng thành.

Phấn khởi tự hào với thành quả đạt được qua 10 năm đổi mới, quê hương vừa được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và thành công Đại hội các cấp, Cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hạ Trạch đã lãnh đạo cán bộ nhân dân xã nhà phát huy truyền thống anh hùng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết thi đua phấn đấu thực hiện xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra trong giai đoạn 1996-2000, cụ thể đó là:

Thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội trong 5 năm 1996 - 2000 kinh tế tăng trưởng đều, ổn định thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với những năm trước. Cơ cấu kinh tế từng bước đổi mới đa dạng hóa, mở rộng ngành nghề sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ phục vụ sản xuất chăn nuôi, xây dựng, vận tải...

Về sản xuất lương thực hàng năm thu hoạch năng suất năm sau đều cao hơn năm trước, bình quân đạt từ 1.400 tấn đến 1.600 tấn. Năm 1996, năng suất lúa đạt 36 tạ/ha = 1.400 tấn, năm 1999; 2000 đạt 1.600 tấn/năm. Cùng với việc đầu tư đẩy mạnh sản xuất cây lúa, cấp ủy Đảng, chính quyền xã, thôn đã chỉ đạo tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế vườn trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, các loại rau quả... kết hợp với sản xuất cây lương thực các hộ gia đình lồng ghép phát triển chăn nuôi trên 700 con trâu bò, hơn 1.700 con lợn và hàng chục ngàn con gà vịt, ngan ngỗng, hàng trăm con dê...

Về nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo xã, thôn đã chủ động nghiên cứu, quy hoạch hơn 50 ha đất ở các vùng ruộng sâu trước mặt đường Bạn, vùng đất nước mặn, nước lợ phía sau đường Quan dọc bờ đê sông Gianh từ trên xóm 1 chạy xuống Hói Hạ để cho các hộ đấu thầu làm hồ nuôi tôm, cua, thả cá... Từ chủ trương đúng đắn của xã, nhiều hộ gia đình đã huy động vốn đấu thầu mua đất làm hồ, mua giống đầu tư công sức phát triển nuôi trồng thủy sản phát huy hiệu quả cao. Năm 1995 mới phát triển một số hộ nuôi tôm, cua thu hoạch có lãi cao nhất là 15 triệu đồng. Từ năm 1996 đến năm 2000 đã có trên 50 hộ gia đình làm hồ nuôi tôm, cua, nuôi cá thu lợi nhuận cao trong đó có nhiều hộ thu lợi hàng trăm triệu đồng, riêng năm 2000 có 8 hộ thu lợi hàng trăm triệu đồng/năm tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động.

Về xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, năm 1996 - 1997 hoàn thành công trình kéo lưới điện về các thôn xóm, đến các hộ gia đình. Hoàn thành bê tông hóa gần 1.000 mét kênh mương, tu bổ nâng cấp mương Hói Hạ, mương đường Kiệt và hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu cho vùng sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản trên khắp các cánh đồng làng. Xây dựng đình chợ, tường bao và nâng cấp nền chợ đám bảo vệ sinh thuận lợi cho nhân dân đi lại mua bán. Các công trình giao thông được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, đã thực hiện hoàn thành đổ bê tông nhựa đường Quan, xây dựng 5 cầu, 14 cống kiên cố và đổ đất Biên Hòa dọc các trục đường Ba Trại, đường Eo, đường Xóm Rẫy, đường Kiệt, đường chợ, đường xóm 9 ra bờ đê sông Gianh... tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất sinh hoạt... Tháng 4 năm 1998 Quỹ tín dụng nhân dân  xã Hạ Trạch được thành lập do ông Lê Quý Dực làm Giám đốc, ông Nguyễn Hồng Thuy làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ  tín dụng nhân dân ra đời là cơ sở pháp lý, niềm tin cho nhân dân vay vốn đầu tư cho con em học tập, phát triển sản xuất, làm nhà, mở dịch vụ,… đồng thời cũng là nơi để nhân dân gửi gắm đồng tiền tiết kiệm còn dôi dư chưa sử dụng. Tháng 10 năm 1998, cầu sông Gianh được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, chấm dứt tình trạng người xe chờ đợi chen lấn trên phà sang sông và cảnh tranh mua, tranh bán, giành dật khách gây mất trật tự trị an ở bờ nam bến phà sông Gianh. Từ đây, các hộ gia đình kinh doanh mua bán ở bến phà được chính quyền tạo điều kiện để chuyển đổi ngành nghề sang kinh doanh dịch vụ sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, nuôi trồng thủy sản...

Công tác giáo dục đào tạo được cấp ủy, chính quyền xã, thôn, phụ huynh học sinh và Nhà trường rất quan tâm chăm lo từ việc xây dựng cơ sở vật chất đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Đã hoàn thành xây dựng tầng II Trường tiểu học số 1 đây là ngôi trường được nhà hảo tâm Lê Quang Nhiệm – Việt Kiều ở Thái Lan hiến tặng quê hương Hạ Trạch xây dựng phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo vì tương lai con em của địa phương, xây thêm 17 phòng học, 3 nhà văn phòng ở các Trường tiểu học, Trường trung học phổ thông cơ sở, đảm bảo cơ bản bước đầu cho học sinh có đủ phòng học tập. Chất lượng giáo dục từng bước được chấn chỉnh, nâng cao. Sĩ số học sinh đến lớp học duy trì từ 98 đến 100%. Tỷ lệ thi hết cấp và lên lớp đạt 99%. Trong 5 năm 1996 - 2000 có 105 học sinh giỏi dự thi đạt tiêu chuẩn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Riêng năm học 1999 – 2000, có 45 em học sinh giỏi đứng đầu của huyện Bố Trạch. Trường tiểu học số 1 Hạ Trạch 5 năm liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc, Trường tiểu học số 2 đạt danh hiệu Trường tiên tiến, Trường  giáo dục mầm non tuy mới được thành lập cũng được xếp loại khá của huyện. Năm học 1999 – 2000 Trường Tiểu học số I Hạ Trạch được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác y tế khám chữa bệnh cho nhân dân trong xã được quan tâm đúng mức, Trạm y tế xã được xây dựng nâng cấp cao ráo, sạch đẹp hơn, cơ sở vật chất về y tế, cơ sở, thuốc chữa bệnh được tăng cường. Đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho cán bộ trong xã từ cơ sở.

Công tác an ninh quốc phòng hàng năm đều thực hiện hoàn thành xuất sắc công tác tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Đội ngũ cán bộ công an xã thôn được tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản do Công an Tỉnh, Công an huyện tổ chức theo chương trình công tác hàng năm. Lực lượng dân quân hàng năm được Huyện đội tổ chức huấn luyện quân sự theo đúng chương trình kế hoạch. Ngoài lực lượng Ban Công an xã, Ban quân sự xã mỗi thôn đều có một công an thôn, một thôn đội (9 thôn), mỗi xóm có có một trưởng xóm, đây là lực lượng nòng cốt xung kích làm công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở thôn xóm. Do đó, tình hình an ninh trật tự trong giai đoạn 1996 - 2000 luôn được đảm bảo ổn định, các tệ nạn xã hội từng bước bị loại trừ giảm hẳn, góp phần tích cực phục vụ hiệu quả công tác xây dựng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, cấp ủy chính quyền xã, thôn đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mở rộng phát triển các ngành nghề, dịch vụ sản xuất kinh doanh phục vụ đời sống tăng thu nhập cho gia đình. Năm 1995 mới chỉ có 3 xe công nông đến năm 2000 đã hàng chục chiếc xe công nông, 5 chiếc xe ô tô bán tải, ô tô khách, hàng chục chiếc máy cày phay đất, máy tuốt lúa, máy xay xát, dịch vụ sửa chữa xe máy, hàn xì, cung ứng vật liệu xây dựng được duy trì phát huy hiệu quả tốt.                     

Bên cạnh sự nỗ lực phát huy tiềm năng sẵn có tại chỗ của địa phương, nhiều gia đình có con em đi lao động, công tác ở nước ngoài và các địa phương khác có điều kiện thu nhập khá đã gửi tiền, hàng, tài sản về giúp đỡ gia đình xây dựng sửa sang nhà cửa, mở rộng sản xuất chăn nuôi, hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội

 

Còn nữa...

Tác giả : Ban biên tập

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip