Logo Footer
Lorem Ipsum
Website title
Cao Lao, Hạ Trạch quê mình. Bốn bề phong cảnh hữu tình nước non. Cao Lao tiền thế đặt tên. Cao trông vời vợi, Lao bền không xiêu

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (Phần 15)

Giới thiệu phần 14, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019.

Tiếp theo...

Về văn hóa xã hội tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm quan trọng giai đoạn 2010 -2015 nên được cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, văn hóa thông tin xã, thôn đã phối kết hợp chặt chẽ với Nhà trường, phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao kiến thức văn hóa, xã hội, rèn luyện phẩm chất đạo đức, thái độ phong cách ứng xử, xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh, bảo vệ trật tự trị an, vệ sinh môi trường. Các dòng họ mỗi lần tập trung lễ hội cúng tế là mỗi lần giáo dục nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, về truyền thống quê hương, dòng tộc, về quan hệ thứ bậc cho con cháu, ứng xử xưng hô với nhau cho phép đúng lễ nghĩa. Phong trào văn hóa thể thao, múa hát rèn luyện thân thể, thể dục dưỡng sinh... được các thế hệ già trẻ, học sinh ở nhiều thôn xóm tham gia đông vui.

Thường xuyên làm tốt công tác chính sách xã hội đối với người có công, gia đình Liệt sỹ, thương binh, người cao tuổi, hộ nghèo neo đơn... Tiếp tục rà soát lập hồ sơ còn tồn đọng, thiếu sót trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước đề nghị Nhà nước xét tặng thưởng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xét hưởng chế độ đãi ngộ cho những người cựu thanh niên xung phong, những người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, thương bệnh binh trước đây chưa được hưởng, chưa được đề nghị cấp xét giải quyết.

Hạ Trạch là một xã thuần nông, hầu hết dân trong xã không theo tín ngưỡng tôn giáo nào, chỉ có tấm lòng thành kính thờ phụng Tổ tiên Ông bà, Thành hoàng Làng, các anh hùng Liệt sỹ, người có công với đất nước và quê hương. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo hiếu với Tổ tiên, sau khi Đình Làng Cao Lao Hạ khai trương xây dựng, các thế hệ con cháu quê hương Hạ Trạch đang sinh sống, ở mọi miền đất nước và nước ngoài cùng đồng tâm, đồng lòng quyên góp tiền của trí tuệ cùng bà con chung sức xây dựng Đình Làng. Mùa xuân năm 2011, Đình Làng Cao Lao xây dựng hoàn thành. Ngày khánh thành được tổ chức trang nghiêm, bề thế, 25 họ tộc, 9 thôn, các Nhà trường, Hội đồng hương, các xóm đều thiết cỗ dâng hương cúng tế. Đại diện chính quyền các họ tộc áo dài khăn đóng chỉnh tề dâng hương hầu Thành hoàng Làng, Ông bà Tổ tiên, các bậc tiền bối có nhiều công đức với Làng, cầu mong cho quốc thái dân an, cháu con khỏe mạnh, hạnh phúc thành đạt, phát tài phát lộc, ấm no an bình. Cháu con khắp nơi trên khắp cả nước tề tựu về quê hương dự Lễ dâng hương đông vui, đoàn kết, thân ái. Đêm trước Lễ khánh thành, tổ chức buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ rất sôi động, tại sân đình con cháu tham gia rất đông vui. Đình Làng Cao Lao được xây dựng lại trên nền đất cũ, đây là di sản lịch sử văn hóa; tài sản quý cả về vật chất, tinh thần tâm linh, đạo đức nhân văn của Tổ tiên, Ông bà truyền lại cho con cháu xã Hạ Trạch, hôm nay và mai sau. Ngày 16/6 âm lịch hàng năm là ngày truyền thống tổ chức cúng tế dâng hương Đình Làng Cao Lao Hạ của nhân dân xã Hạ Trạch.

Cùng với xây dựng Đình Làng, các họ tộc được đông đảo con cháu khắp nơi đồng lòng, đồng sức cung tiến tiền của, đóng góp trí tuệ công sức xây dựng, nâng cấp Nhà thờ Họ khang trang, sạch đẹp, khuôn viên rộng rợp bóng cây xanh mát. Hàng năm cứ đến ngày Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, ngày kỵ giỗ Tổ tiên dòng họ rợp bóng cờ hoa con cháu gần xa tề tựu về đây thiết lễ dâng hương hầu Tổ tiên Ông bà. Hầu hết, Nhà thờ của các dòng họ được quy hoạch xây dựng dọc phía Bắc tuyến đường Bản từ xóm 3 đến xóm 14. Đứng giữa cánh đồng trước mặt Làng nhìn về hướng đường Bản (hướng Bắc) nơi hệ thống Nhà thờ Họ dựng lên cách điệu đồng đều giống như một tuyến phố cổ kính, linh thiêng, trang nghiêm, hoành tráng mọc lên ở làng quê. Đây là nét văn hóa truyền thống tâm linh đặc sắc có một không hai ở tỉnh Quảng Bình và trên toàn quốc được cư dân Làng Cao Lao Hạ bảo tồn phát triển qua nhiều thế kỷ đến nay.

Đặc biệt nhân dân Hạ Trạch biết tôn trọng lịch sử, nghiên cứu truyền thống lịch sử quê hương dân tộc đã phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử của Bộ, Sở văn hóa, du lịch, tìm tòi nghiên cứu, dựng lại lịch sử hình thành phát triển tồn tại của Thành Lồi (Thành Cao Lao, Thành Khu Túc) cách đây hàng ngàn năm, lăng mộ danh tướng Lê Mộ Khải phò vua Duy Tân cùng Tôn Thất Thuyết dựng cờ Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược đã được Trung ương, tỉnh Quảng Bình cấp bằng Di tích lịch sử.

Các khu lăng mộ của các gia tộc, dòng họ, các hộ gia đình được xếp đặt xây dựng trên các khu đất quy hoạch của địa phương và được con cháu xây cất tôn tạo khang trang, sạch đẹp đảm bảo vệ sinh môi trường, thể hiện rõ nét sự tôn kính linh thiêng, lòng quý trọng và biết ơn của các thế hệ con cháu với Tổ tiên, Ông bà với những người đã khuất.

Chợ Hạ Trạch được đầu tư xây dựng mở rộng cao ráo, thoáng mát, có khu đình chợ, có các ki ốt bán hàng, có bãi giữ xe đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh môi trường và công tác giữ gìn trật tự trị an theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhân dân Hạ Trạch và nhân dân trong vùng Bắc, Thanh, Mỹ, Hạ, Văn Phú... đi lại giao lưu mua bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Các dịch vụ y tế, điện, vật liệu xây dựng, sửa chữa đồ điện, xe máy, công cụ sản xuất, dịch vụ cung cấp phân bón, thức ăn gia súc, phục vụ sản xuất, cung cấp hàng tiêu dùng... được mở mang đều khắp trên các trục đường giao thông chính của xã: đường Quan, đường Ba Trại, đường làng Rẫy và trên nhiều tuyến đường xóm trong làng. Quỹ tín dụng là nơi nhân dân đặt lòng tin để gửi gắm tiền tiết kiệm và tạo điều kiện để nhân dân vay vốn hàng chục tỷ đồng phục vụ sản xuất xây dựng nhà cửa, đầu tư cho con em học tập, đi hợp tác lao động ở nước ngoài mua sắm đồ dùng phục vụ cuộc sống gia đình...

Ngày 24/10/2010, trang báo điện tử Làng Cao Lao Hạ ra đời. Dự lễ khai trương trang báo có ông Lê Quang Tân - Bí thư Đảng ủy, ông Lưu Văn Tác Chủ tịch UBND xã cùng bà con đồng hương Hạ Trạch tại Hà Nội, đại diện Hội đồng hương Hạ Trạch ở Đồng Hới...Trang web Cao Lao Ha.com ra đời là sáng kiến tâm đắc của ông Lưu Đức Hồng, Lưu Đức Hải là người con quê hương Hạ Trạch sinh sống tại Hà Nội do ông Tiến sỹ Lưu Đức Hải làm chủ biên. Trang báo Làng ra đời sẽ là nơi kết nối thông tin thời sự, các hoạt động về kinh tế, chính trị văn hóa xã hội là nơi kết nối tình cảm giữa bà con quê hương với con cháu Hạ Trạch sinh sống xa quê. Trang báo còn có ý nghĩa quan trọng về giáo dục truyền thống,  động viên con cháu hướng về cội nguồn đất cha quê tổ góp tiếng nói, công sức trí tuệ, vật chất xây dựng quê hương Hạ Trạch phát triển.

Đời sống tinh thần vật chất của nhân dân được cải thiện nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%. Nhà ở của các gia đình được xây dựng nâng cấp bê tông hóa, ngói hóa 100%. Nhiều ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên cao, đẹp, gần 100% hộ gia đình có sân phơi bằng bê tông, cửa ngõ nối ra đường đều được bê tông hóa, nhà nhà có ti vi, xe máy, nhiều gia đình có máy tính nối mạng internet, có xe ô tô riêng. Cảnh quan đô thị hóa bắt đầu chớm nở, hình thành ở Làng quê Hạ Trạch, mở ra tiền đề quan trọng cổ vũ động viên cán bộ nhân dân Hạ Trạch phấn đấu thực hiện hoàn thành xuất sắc chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh trên chặng đường mới.

Gần 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng đất nước (1986 - 2015) và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới., đây là thời kỳ Đảng, Chính phủ có nhiều chính sách cải cách mới, thuận lợi nhiều song cũng có nhiều thách thức khó khăn đang tiềm ẩn. Căn cứ vào tình hình, điều kiện hoàn cảnh thực tế ở địa phương, lãnh đạo xã Hạ Trạch đã nghiên cứu cụ thể hóa nội dung các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và vận dụng sáng tạo khôn khéo, hợp lý vào thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn lịch sử ở địa phương.

Từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, sản xuất manh mún, kìm hãm sản xuất, Hạ Trạch đã thực hiện công cuộc đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý cũ chuyển sang thực hiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế quản lý mới đã cơi nới thông thoáng, động viên khuyến khích người lao động mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất khai hoang mở rộng diện tích cây lương thực, cây công nghiệp, mở rộng ngành nghề sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ sản xuất, hàng tiêu dùng...

Nhân dân Hạ Trạch vốn có tính cần cù chịu khó, thông minh, năng động, sáng tạo trong tổ chức xây dựng lao động sản xuất. Được Đảng, Chính phủ mở đường chỉ lối đổi mới, cơ chế quản lý điều hành hợp lý, cán bộ nhân dân Hạ Trạch đã nêu cao tinh thần làm chủ, phát huy truyền thống quê hương đoàn kết thân ái tương trợ giúp đỡ nhau đẩy mạnh phát triển sản xuất xây dựng quê hương, thực hiện hoàn thành xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, sức khỏe của nhân dân đề ra trong từng giai đoạn lịch sử.

Những người con quê hương Hạ Trạch vì những lý do khách quan, chủ quan chính đáng đi lập nghiệp, sinh sống, công tác, lao động học tập ở xa quê dù lâu hay mới đều tôn trọng và phát huy tốt truyền thống quê hương anh hùng, địa linh nhân kiệt, phấn đấu làm tròn, làm tốt nhiệm vụ được cơ quan tổ chức phân công, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm.

Không những sống, làm việc tốt nơi đất khách, bà con thường xuyên quan tâm nhắc nhở giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ, động viên con cháu đóng góp phần công sức, trí tuệ, tiền của gửi về cộng đồng, cùng bà con ở Làng xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của xã, thôn, xây Nhà thời Họ, xây lăng mộ, giúp cha mẹ, anh em, gia đình xây dựng sửa chữa nhà cửa, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống...

Cảnh quan bộ mặt làng quê Cao Lao Hạ đã đổi mới khởi sắc, nhân dân có nhà cao cửa rộng, đường giao thông đi lại được bê tông hóa thẳng tắp, thông thoáng; các công trình phúc lợi trường học, trạm y tế, quỹ tín dụng nhân dân, chợ... được xây dựng nâng cấp đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe; cung cấp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất. Nhiều dịch vụ phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân được mở mang, hàng hóa phong phú, an ninh trật tự được giữ vững ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao... Đó là tiền đề cơ sở vững chắc để cán bộ nhân dân Hạ Trạch vững bước đi lên xây dựng quê hương dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo làng quê Hạ Trạch phát triển đi lên theo xu thế phát triển chung thời đại mới; tuy nhiên nó cũng kéo theo hệ lụy đánh mất đi vẻ đẹp xưa của làng quê, những lũy tre xanh, hàng chè tàu, hàng dâm bụt biểu tượng được thay thế bằng những bức tường rào xây gạch đá. Ngành nghề truyền thống như chằm nón, nghề rèn, trồng bông, trồng dâu nuôi tằm bị mai một dần, có nghề mất hẳn. Vị thơm ngon của củ khoai lang (khoai thành, khoai phố) bột trắng ngọt nổi tiếng trong vùng không còn, dân làng thèm tìm chẳng thấy, đâu còn cảnh lễ hội cướp cù, chơi bài chòi, chơi đu trong những ngày lễ tết, còn đâu cảnh đêm hè, trăng sáng sau vụ chiêm xuân lớp lớp thanh thiếu niên, trung niên làng trên xóm dưới kéo nhau ra đồng nơm cá, đào hố cá nhảy, tát cá hoặc “đánh giặc đất”... Song đó là quá khứ ắt phải nhường chỗ cho tương lai hiện đại phát triển trù phú giàu mạnh phồn vinh.

Phát huy truyền thống quê hương Hạ Trạch văn hiến anh hùng, cấp ủy Đảng, chính quyền nhiệm kỳ (2016 - 2020)(56) cùng cán bộ nhân dân tiếp tục lãnh đạo, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn mới điển hình là đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2016; Hoàn thành xây dựng Trường giáo dục mầm non chuẩn Quốc gia, hoàn thành xây dựng công trình tâm kinh của làng ở Lều Cù, Khe nước. Thực hiện nạo vét Hồ chứa nước Vực Sanh, xây dựng trụ sở, HĐND, UBND, Trường tiểu học số 1 cao 2 tầng gồm 08 phòng học, nâng cấp dự án nuôi trồng thủy sản do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đầu tư... Nhiều công trình phúc lợi giao thông thủy lợi được cải tạo nâng cấp, xây dựng mới, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ nhân dân được cải thiện, nâng cao.

 

 

 

 

 

 

(56)Cán bộ Lãnh đạo chủ chốt của xã nhiệm kỳ 2016-2020 gồm: ông Lê Quang Nho- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND; ông Nguyễn Văn Duy – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, ông Lưu Văn Tác – Phó Bí thư, Chủ tich UBND xã; ông Nguyễn Thành Chung - Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UBTWMT Tổ quốc xã; ông Lê Quang Thường – Đảng ủy viên,  Phó Chủ tịch UBND xã. Tháng 12/2018, ông Thường nghỉ hưu theo chế độ, ông Lê Quang Thành – Đảng ủy viên được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã.

 

 

 

KẾT LUẬN

Lịch sử hình thành và phát triển của Làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch) luôn gắn liền với lịch sử hình thành phát triển của tỉnh Quảng Bình. Thuở xa xưa trước lúc khai sinh, vùng đất Cao Lao vừa là tuyến đầu, vừa là hậu phương của các cuộc chiến tranh giành quyền lực, mở rộng lãnh thổ giữa các tập quyền phong kiến Phương Bắc từ trước đến Nhà Lý, Nhà Trần, Nhà Lê với Nhà nước Lâm Ấp, Chiêm Thành... ở phía Nam, dấu tích Thành Lồi (Thành Cao Lao) để lại minh chứng lịch sử sâu sắc. Thời bấy giờ, cư dân Làng Cao Lao chủ yếu là những người đi tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu được bố trí ở lại Thành Cao Lao bảo vệ vùng biên viễn.

Năm Canh Dần 1470, sau khi dẫn quân đi chinh phạt Nhà nước Chiêm Thành trở về, thấy vùng đất Bố Chính, Lâm Bình, đất rộng người thưa, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế và bảo vệ vùng biên ải, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu chiêu mộ tướng sỹ và cư dân các tỉnh phía Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An) vào lập ấp khai khẩn vùng đất Bố Chính, Lâm Bình. Hưởng ứng chiếu chiêu mộ của vua Lê, các ngài Đại tướng quân Nguyễn Văn Khai, Đại tướng quân Lưu Văn Tiên, Triệu phong quý công Lê Quang Lữ... dẫn theo một số quan lại, binh sỹ và anh em bà con vào Bố Chính và chọn vùng đất Cao Lao Hạ dừng chân, dựng trại lập ấp khai khấn ruộng đất mở mang sản xuất.

Từ đây làng Cao Lao Hạ chính thức được hình thành, có cư dân sinh sống lao động sản xuất. Các ông Lưu Văn Tiên, Nguyễn Văn Khai, Lê Quang Lữ chính là những người tiền khai canh đầu tiên của Làng, là ông tổ sinh ra dòng họ Lưu, Nguyễn đại tộc, họ Lê Quang ở làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch ngày nay).

Trải qua 545 năm hình thành xây dựng phát triển mảnh đất con người Cao Lao Hạ đã chinh chiến nếm đủ thương đau gian khổ của các cuộc chiến tranh tàn sát khốc liệt tranh giành quyền lực giữa các chế độ phong kiến, các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc, chống thực dân Pháp xâm lược, chống Mỹ cứu nước và cuộc sống thiếu thốn cơ cực dưới thế lực áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến và của cơ chế quan liêu bao cấp một thời trói buộc. Song với bản chất cần cù chịu khó, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất và truyền thống anh dũng kiên cường mưu trí, khôn khéo trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, nhân dân làng Cao Lao Hạ đã đoàn kết, đồng cam cộng khổ vượt qua mọi thử thách, khó khăn hiểm nguy chiến đấu và chiến thắng kẻ thù chung, cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống và tổ chức đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh nâng cao đời sống đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Nhìn lại 70 năm trở về trước ở làng quê Cao Lao Hạ phần lớn nhà ở của dân là nhà tranh vách đất, đường giao thông đi lại bùn đất lầy lội vào mùa mưa, mùa nắng đầy bụi bặm. Phần lớn, người dân trong làng mù chữ, thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét... vệ sinh môi trường thấp kém. Nhưng đến hôm nay thì bộ mặt làng quê Hạ Trạch đã đổi thay cơ bản theo xu thế phát triển thời đại mới. 100% số hộ gia đình trong toàn xã đã cất được nhà xây lợp ngói mới, hàng rào xây bao quanh, trong đó gần 30% số hộ có nhà đổ bê tông tầng 1, tầng 2, lợp ngói chống thấm, chống nóng, hơn 80% gia đình ở địa phương có ti vi, xe máy, tủ lạnh, xây bể chứa nước ngọt (nước ăn uống) nhiều hộ gia đình có con em sắm được ô tô riêng, xây nhà tắm, nhà cầu tự hủy khép kín. Trình độ dân trí được nâng cao, toàn dân trong xã được phổ cập học hết chương trình Trung học cơ sở, trên 90% số con em dưới 35 tuổi phổ cập hết chương trình Trung học phổ thông, 100% tuyến đường giao thông trong xã được bê tông hóa và đắp đất đá Biên Hòa thuận lợi cho nhân dân đi lại sản xuất, giao thương mua bán và sinh hoạt... 9/9 thôn được công nhận Làng văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe của nhân dân không ngừng đổi mới phát triển. Trường Tiểu học số 1 và Trường Trung học cơ sở nhiều năm đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia về công tác chăm sóc y tế cho nhân dân nhiều năm liền.

Đất làng Cao Lao Hạ được xưng danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Thành  Lồi (Thành Cao Lao) được Nhà nước cấp bằng di sản văn hóa cấp tỉnh. Tổ tiên khai sinh ra làng Cao Lao Hạ là những danh tướng, quan chức phẩm hàm cao của Triều đại Nhà Lê. Dưới các triều đại phong kiến kế tiếp có hơn 100 người con Cao Lao Hạ được triều đình phong chức tước làm quan Tri phủ, Tri huyện, Tỉnh trưởng, Phó bảng, quan văn quan võ và nhiều chức tước phẩm hàm khác. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước và trong công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch đã phát huy truyền thống đoàn kết kiên cường dũng cảm, chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cần cù thông minh sáng tạo trong lao động sản xuất, lập được nhiều chiến công xuất sắc được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận tôn vinh. Cán bộ nhân dân xã Hạ Trạch và hai cá nhân vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 30 mẹ được tuyên dương Mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng trăm liệt sĩ thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh người Cao Lao Hạ - Hạ Trạch luôn giữ vững và phát huy truyền thống văn hiến “Nhân Văn Võ tướng” qua nhiều thế hệ. Hơn 1.000  người đỗ đạt cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, trong đó có hơn 80 người được phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, đỗ tiến sỹ, thạc sỹ, 01 người được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Hàng trăm người được phong quân hàm sỹ quan trung cao cấp từ cấp Tá đến cấp Tướng. Nhiều người được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố, Lãnh đạo các phòng, ban cơ quan cấp tỉnh, huyện và tương đương. Hàng trăm người là nhà giáo ươm mầm xanh cho tương lai quê hương đất nước. Nhiều doanh nhân, chủ doanh nghiệp, nông dân đã vươn lên kinh doanh giỏi, sản xuất giỏi làm giàu cho quê hương và gia đình, xã hội...

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cao Lao Hạ địa linh nhân kiệt, văn hiến anh hùng, những đứa con thân yêu của quê hương sinh sống ở quê hương hay đi công tác xa quê luôn khắc ghi trong tâm trí tên làng, tên nước, tên sông với những địa danh Thành Lồi (Thành Cao Lao) Ba Trại, đỉnh Lều Cù, Dóc Oằn, Khe nước, Khe Ngang, Khe Hậu, Hòn Am, Rẫy Lúa, Rẫy Tranh, cửa Nghè, vực Sanh, Phấn Mua, Rộc, cửa Nam, Múi Bần, Múi Đớ, Chủ Thanh, Chủ Quý, Cồn Cui, Đồng Ran, Đồng Hà, Lòi Sim, Lòi Sắn, Bàu Mật, Bàu Eo, Bàu Ngang, Hói Hai, Hói Đun, Hói Hạ, Đồng Phố, Đuồi, bến đò, lầu ông Dư, Phoốc, Phố tỉnh, giếng Mây, giếng Hung, giếng Hóc, giếng Kiệt, giếng làng... Dường tre, đường Quan, đường Bản, với các trò chơi dân gian: cướp cù, đánh đù, bài chòi, trọi vụ, đánh khăng, đánh giặc đất... Đó vừa là tình cảm sâu sắc với quê hương, vừa là trách nhiệm nhắc nhở động viên con cháu hướng về cội nguồn, về đất cha quê tổ, cố gắng phấn đấu, rèn luyện vươn lên tô đẹp thêm truyền thống quê hương Hạ Trạch anh hùng.

Tự hào với truyền thống quê hương anh hùng hào kiệt cán bộ và nhân dân xã Hạ Trạch đem hết tinh thần, nghị lực đoàn kết, phấn đấu thực hiện hoàn thành xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ xây dựng dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh trên chặng đường mới của quê hương Hạ Trạch.

Từ những thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên quê hương 545 năm qua, nhân dân xã Hạ Trạch rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:

* Bài học thứ nhất

Quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt sáng tạo các chủ trương, chính sách, Chỉ thị Nghị quyết của Nhà nước, chính quyền các cấp, phù hợp với tình hình, hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn địa phương ở từng giai đọan lịch sử. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi công cuộc xây dựng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ quê hương đất nước.

Thực tiễn trải quá trình hình thành, xây dựng phát triển làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) đã chứng minh. Ngay sau khi vua Lê Thánh Tông hạ Chiếu chiêu mộ quân dân các tỉnh phía Bắc vào khai khẩn lập nghiệp ở vùng đất Lâm Bình - Bố Chính, Thủy tổ làng Cao Lao Hạ là những tướng lĩnh, mệnh quan triều đình đã nhanh nhạy quán triệt Chiếu chiêu mộ của Nhà vua dẫn theo quân sỹ, bà con, anh em vào Bố Chính - Lâm Bình chọn vùng đất Cao Lao dọc hạ lưu bờ Nam dòng Linh Giang (sông Gianh) hạ trại, lập làng định cư, khai khẩn đất đai, mở mang sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế xã hội. Đó là bước tiến quan trọng thực hiện chiến lược mở mang xây dựng phát triển kinh tế vừa bảo vệ vùng biên ải phía Nam của vua Lê. Dưới thời các triều đại phong kiến kế tiếp, các sỹ phu yêu nước, những người có uy tín trong chính quyền, trong các dòng họ ở làng Cao Lao đã nghiên cứu vận dụng linh hoạt khôn khéo các chủ trương, chính sách của triều đình, của các mệnh quan cấp trên để vận động hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức cho nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống bảo vệ quê hương và vùng biển ải của Nhà nước.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, cán bộ, nhân dân làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) đã chủ động vận dụng linh hoạt sáng tạo các chủ trương chính sách, Chỉ thị Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, của cấp trên trong từng giai đoạn cách mạng vừa xây dựng phát triển kinh tế, vừa kháng chiến kiến quốc phù hợp với tình hình thực tiễn cách mạng ở địa phương góp phần cùng quân dân cả nước, cả tỉnh chiến thắng giặc đói, giặc dốt, thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước. Trong thời đổi mới thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước, cấp ủy, chính quyền xã Hạ Trạch đã chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, của cấp trên và tổ chức vận dụng một cách sáng tạo hợp lý, linh hoạt với tình hình thực tiễn của địa phương. Từng bước đổi mới tư duy phong cách lãnh đạo, thực hiện xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp trì trệ cản trở phát triển kinh tế xã hội... chuyển sang thực hiện cơ chế quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế quản lý kinh tế mới là một cơ chế mở thông thoáng, cởi trói sự ràng buộc kìm hãm nghèo nàn, lạc hậu, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cán bộ nhân dân lao động xã Hạ Trạch phát huy tinh thần làm chủ, dám nghĩ, dám làm, chủ động đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế xã hội, cải thiện nâng cao đời sống, góp phần quan trọng thực hiện đường lối đối mới, môi trường, an sinh xã hội ở địa phương Hạ Trạch tiên tiến đi lên bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả tỉnh, cả nước.

 

Tác giả: Ban biên tập

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Video mới nhất

    Hồ Vực Sanh

    Hình ảnh mới nhất

    Hình ảnh quê hương xuân 2024

    Thống kê truy cập

    Hôm nay: 2258

    Trong tuần: 10204

    Trong tháng: 60023

    Tổng số: 197218

    Đang online: 306