Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 3)

15:49 - 27/04/2020

Giới thiệu phần 3, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 3)

 

CHƯƠNG I

LÀNG CAO LAO HẠ TRƯỚC NĂM 1470

 

          Làng Cao Lao Hạ nay là xã hạ Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình nằm bên hữu ngạn dòng Đại Linh Giang, tiền làng có dãy núi Lệ Đệ làm bình phong, có Cựu khúc Long Khê uốn lượn giữa cánh đồng trù phú, hậu làng có dòng Đại Linh Giang (Sông Gianh) là ranh giới phía Bắc của làng.

          Trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của làng Cao Lao Hạ luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Bình. Theo thư tịch cũ, thời vua Hùng lập quốc vùng đất Cao Lao Hạ thuộc Bộ Việt thường là 1 trong 15 Bộ của nước Văn Lang. Thời kỳ nước Văn Lang bị phong kiến phương Bắc sang đô hộ vùng đất Cao Lao Hạ khi thì thuộc quận Tượng Lâm khi thì thuộc quận Nhật Nam. Cuối thế kỷ thứ II, khi chính quyền phong kiến phương Bắc rơi vào khủng hoảng, đất nước loạn lạc nhân lúc này nhân dân hai quận Cửu Chân và Giao Chỉ ở phía Bắc đứng lên khởi nghĩa chống lại ách thống trị hà khắc của nhà Đông Hán. Năm 192 chớp lấy thời cơ thuận lợi nhân dân Nhật Nam dưới sự lãnh đạo của Khu Liên đứng lên khởi nghĩa giành thắng lợi. Sau khi đánh chiếm hai huyện Tây Quyển và Tỷ Ảnh (phần lớn sách viết là Tỷ Cảnh) mở rộng địa bàn giải phóng đến Linh Giang (sông Gianh). Quân khởi nghĩa quyết định thành lập nhà nước độc lập lấy tên là Lâm Ấp(7), vùng đất Cao Lao Hạ tỉnh Quảng Bình nằm trong lãnh thổ nước Lâm Ấp.

          Nhà nước Lâm Ấp ra đời, các vị vua Lâm Ấp luôn chú trọng xây dựng thiết chế chính trị, hành chính phát triển kinh tế, xây dựng phát triển lực lượng quân sự và hệ thống thành lũy vững chãi đề phòng sự tấn công xâm lược của phong kiến phương Bắc. Dấu tích tòa thành Cao Lao Hạ và Ninh Viễn là minh chứng lịch sử để lại.

          Qua sử liệu và thực tế khảo sát nghiên cứu học giả Đào Duy Anh cho rằng thành Cao Lao Hạ chính là huyện thành Tây Quyển của quận Nhật Nam thời Hán cũng là thành Khu Túc - thành Lâm Ấp buổi quốc sơ. Thành được xây dựng trên đất cao trải dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Thành mở nhiều cửa, cửa phàm cung điện đều mở về hướng nam. Nhà cửa, phố chợ bao quanh, núi ngăn đất hiểm nên binh khí, chiến cụ của Lâm Ấp đều để tại Khu Túc(8).

(7) Lịch sử tỉnh Quảng Bình, trang 92.

(8)Lịch sử tỉnh Quảng Bình, trang 96.

 

 

 

 

Như vậy có cơ sở khẳng định thành Cao Lao Hạ (thành Khu Túc) lúc bấy giờ đã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nhà nước Lâm Ấp ở phía Bắc cũng là nơi đồn trú của lực lượng quân đội Lâm Ấp làm nhiệm vụ bảo vệ miền biên viễn phía bắc.

          Sau khi nhà nước Lâm Ấp ra đời đến hết thế kỷ thứ 3 các vị vua Lâm Ấp lãnh đạo nhân dân vừa xây dựng phát triển đất nước vừa liên tục đấu tranh chống âm mưu xâm lược thống trị của nhà Ngô, (Trung Quốc). Năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh Triệu Quốc Đạt nổi dậy tập hợp lực lượng khởi nghĩa đánh quân nhà Ngô chiếm các quận huyện Cửu Chân, nhân cơ hội đó vua tôi nhà nước Lâm Ấp tăng cường lực lượng quân sự tổ chức đánh chiếm huyện Thọ Lãnh. Sau đó, quân Ngô tổ chức đánh lại, cuộc chiến giữa quân Ngô và quân Lâm Ấp diễn ra ở thành Cao Lao trong nhiều năm, từ đó vùng đất thành Cao Lao trở thành chiến địa tranh chấp ác liệt giữa quân Ngô và quân Lâm Ấp.

          Qua gần 2 thế kỷ đấu tranh chống quân xâm lược phương Bắc, nhà nước Lâm Ấp thường xuyên dựa vào hệ thống chiến lũy trong đó có lũy thành Cao Lao để phòng thủ và tổ chức phản công làm cho quân nhà Ngô đến nhà Tần rất vất vả đối phó.

          Đến thế kỷ thứ V nhất là vào những năm 413; 420; 431; 433; 446 thành Cao Lao là nơi chiến địa khốc liệt giữa vương quốc Lâm Ấp và các thế lực phong kiến phương Bắc gây nên bao cảnh đau thương tang tóc cho cư dân trên vùng đất này. Đặc biệt sau trận chiến ác liệt tại thành Cao Lao quân Lâm Ấp thất thủ, vua Lâm Ấp phải đưa vợ con chạy trốn, quân Giao Châu vào lãnh thổ Lâm Ấp cướp bóc, vơ vét vàng bạc kho báu các sản vật của người Lâm Ấp rồi rút quân về phía Bắc(9). Để có thời gian hòa hoãn giữ yên bờ cõi lãnh thổ các vị vua kế vị của Lâm Ấp thường xuyên cống nạp các sản vật quý hiếm cho các triều đại phong kiến Phương Bắc, do đó thời gian yên bình không có chiến tranh kéo dài một trăm năm.      

(9) Lịch sử tỉnh Quảng Bình, trang 103.

 

 

 

 

 Năm 605, sau khi nhà Tùy chiếm quyền nhà Chu thống lĩnh Trung Quốc, vua Tùy đã cử Lưu Phương làm Hoan Châu đạo hành tổng quản cất quân để đánh chiếm Lâm Ấp. Vua Lâm Ấp là Phạm Chí đã dẫn đại quân từ Tượng Lâm ra chiến lũy Hoành Sơn chặn đánh quân Tùy. Vùng đất Thọ Linh, Tây Quyến, Tỷ Ảnh, thành Cao Lao trở thành bãi chiến trường khốc liệt, mặc dù vua tôi Lâm Ấp kiên cường dũng cảm chiến đấu, đánh quân thù nhưng cuối cùng không giữ nổi thành Cao Lao. Quân Tùy thừa cơ đánh thắng vào kinh đô thủ phủ của Lâm Ấp, vua Lâm Ấp phải bỏ kinh đô chạy trốn quân Tùy chiếm được lãnh thổ xóa bỏ chính quyền Lâm Ấp ở trung ương, chia đất Lâm Ấp thành các huyện Lâm Châu và Cảnh Châu trực thuộc nhà Tùy. Một thời gian sau nội bộ nhà Tùy ở Trung Quốc lục đục rối ren phải rút quân về nước, vua Lâm Ấp đem quân trở về thu phục lại giang sơn và thực hiện chính sách hòa hiếu với nhà Đường (thay ngôi nhà Tùy) mang lại thời kỳ thái bình cho Lâm Ấp, từ đó vùng đất biên viễn Chăm Pa ở Quảng Bình nói chung Cao Lao nói riêng có thời gian yên bình để xây dựng, phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

          Từ năm 758 vùng đất Cao Lao thuộc vương quốc Hoàn Vương (thay thế Lâm Ấp) quốc hiệu này được duy trì từ năm 758 đến 859 và từ năm 859 gọi là Chiêm Thành.

          Tháng 7 năm Canh Thìn (980) đại quân nhà Tống phát động cuộc tấn công nước Đại Việt. Lúc này Lê Hoàn được thái hậu Dương Vân Nga và các triều thần tôn lên làm vua đã trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn cùng các tướng lĩnh, toàn quân và dân Đại Việt đã anh dũng kiên cường chiến đấu đánh tan đại quân xâm lược nhà Tống. Sau khi đánh đuổi quân nhà Tống về nước Lê Hoàn cho sứ giả đến giao hiếu với quân vương Chiêm Thành, nhưng vua Chiêm Thành vẫn giữ thái độ thù địch. Trước thái độ đó Lê Hoàn quyết định tự cầm quân tiến đánh Chiêm Thành. Vùng đất Cao Lao (quận Bố Chính) lại một lần nữa rơi vào cảnh chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Việt Nam, cuộc tiến quân đánh Chiêm Thành của Lê Hoàn giành thắng lợi vua Chiêm Thành phải chấp nhận mối quan hệ giao bang hòa hiếu để giữ yên bờ cõi đất nước(10).

          Sau chiến thắng quân xâm lược Tống, nhà Lê tập trung phát triển kinh tế văn hóa xã hội, trước hết là khuyến khích phát triển nông nghiệp tổ chức lễ cày ruộng tịch điền, xây dựng các công trình thủy lợi, đào kênh vét mương lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng… Đặc biệt năm 991, vua Lê sai phụ quốc Ngô Từ An đưa 3 vạn người từ miền Bắc đi mở đường bộ từ Nam Giới (Hà Tĩnh) đến Châu Địa Lý (Quảng Bình) ngày nay.

(10) “Địa lý lịch sử tỉnh Quảng Bình” bảo tảng tổng hợp Quảng Bình xuất bản năm 1998, trang 140.

 

 

 

 

          Năm 1005, Lê Hoàn mất, vương triều rơi vào khủng hoảng đến năm 1009 Lý Công Uẩn được các Đại thần trong triều đình tôn lên làm Vua mở ra triều đại nhà Lý. Tháng 7 năm 1010 Lý Công Uẩn viết chiếu dời đô, từ thành Hoa Lư về Thăng Long. Để quản lý đất nước Lý Công Uẩn thực hiện, phân chia lại hệ thống chính quyền ở trung ương và các địa phương, tiến hành các cuộc mở mang bờ cõi để gây thanh thế sẵn sàng đối phó với nạn ngoại xâm. Nhà Lý chia đất nước ra làm 24 phủ, lộ , châu, đạo (cách gọi địa phương lúc bấy giờ; ở trung tâm, đồng bằng gọi là Lộ; ở miền núi và vùng biên viễn gọi là Châu hay Đạo), đứng đầu Phủ Lộ là Tri Phủ, Phán Phủ; dưới phủ (lộ, châu, đạo) là huyện hay quận có 1 huyện lệnh cai quản. Huyện gồm nhiều Hương dưới Hương là các làng, xóm… Đi đôi với việc xây dựng hệ thống chính quyền các cấp, nhà Lý quan tâm xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh để bảo vệ nền độc lập. Quân đội nhà Lý được chia làm 3 thứ quân: quân triều đình, quân của các địa phương và dân quân; có các binh chủng bộ binh - thủy binh - kị binh - tượng binh - lính cung nỏ… Đặc biệt nhà Lý đã vận dụng sáng tạo chính sách “ngụ binh ư nông”(11) chiến lược quân sự này được các triều đại phong kiến Việt Nam kế tiếp vận dụng để xây dựng và bảo vệ đất nước.

          Về kinh tế nhà Lý rất chú trọng phát triển các nguồn lực nông nghiệp, các ngành nghề thủ công nghiệp, mở mang giao thương buôn bán, nhiều trung tâm buôn bán thương cảng được xây dựng, cải tạo phát triển ở nhiều địa phương trong đó có vùng Cao Lao.

          Trước nguy cơ nhà Tống lăm le xâm lược và âm mưu quấy nhiễu xâm lấn biên cương phía nam Đại Việt của nhà nước Chiêm Thành. Để loại trừ mối nguy hiểm từ hai phía, tháng 2 năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông quyết định đích thân cùng Tướng quân Lý Thường Kiệt kéo quân vào đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Chế Cũ đưa vợ con trốn chạy khỏi kinh thành. Lý Thường Kiệt cho quân truy đuổi và bắt được Chế Cũ đưa về kinh thành Thăng Long. Để chuộc mạng sống Chế Cũ xin dâng 3 châu: Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (phần đất Quảng Bình và Bắc Quảng trị ngày nay) cho nước Đại Việt, vua Đại Việt Lý Thánh Tông chấp nhận tha cho Chế Cũ về nước.

(11) Theo Phan Huy Chú thì ngoại binh không có lương, cứ luân phiên đến canh gác, cho về cày cấy trồng trọt để tự cung cấp (Lịch sử tỉnh Quảng Bình, trang 138, xuất bản năm 2014).

 

 

 

 

          Sau thất bại trước cuộc tấn công của Đại Việt từ năm 1073-1075, vua Chiêm Thành liên tục cho quân ra quấy phá vùng biên viễn phía nam Đại Việt, đồng thời phối hợp với quân Tống âm mưu xâm lược Đại Việt, một lần nữa vua nhà Lý cử Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Chiêm Thành. Tháng 9 năm Ất Dậu 1075, Lý Thường Kiệt đem 3 vạn quân vào 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh quân Chiêm Thành lo sợ vội tháo chạy về phía nam. Lý Thường Kiệt không truy đuổi quân Chiêm nữa mà tập trung vào những công việc củng cố quyền lực khẳng định chủ quyền của nhà Lý đối với 3 châu mà vua Chiêm Thành (Chế Cũ) đã giao quyền cho Đại Việt, Lý Thường Kiệt đã thân chinh đo vẽ bản đồ thiết đặt đơn vị hành chính thi hành chính sách an dân, đổi tên châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh(12).

          Thực hiện chiếu dụ của vua nhà Lý, Lý Thường Kiệt thân chinh chiêu mộ những cư dân vùng duyên hải Bắc Bộ và Châu Hoan, Châu Ái (Thanh Nghệ Tĩnh) vào khai khẩn vùng đất Bố Chính (Lâm Bình), chính vì vậy nhiều làng xã đồng bằng ở Quảng Bình ngày nay mang dấu ấn làng xã miền bắc, rõ nét nhất là việc đặt tên làng theo dòng họ hay ngành nghề truyền thống…

          Đầu thế kỷ XII, sau khi Lý Nhân Tông mất, các vị vua kế nghiệp nhà Lý đều nhỏ tuổi không đủ tố chất và bản lĩnh để điều hành đất nước, một số quân thần nhân cơ hội này lộng hành, tham bạo phân chia bè đảng, triều đại nhà Lý bước vào giai đoạn khủng hoảng, suy tàn(13). Quyền lực dần rơi vào tay nhà Trần, phụ quốc Thái úy Trần Thừa nắm quyền một thời gian rồi chuyển giao lại cho chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, là người có năng lực, tài năng, mưu lược và quyết đoán nên khi thấy “thế nước suy yếu, đói kém liên miên, nhân dân cực khổ” ông đã lập kế cho Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho Trần Cảnh, cuộc thay đổi triều chính từ họ Lý sang họ Trần diễn ra êm thấm, không có xung đột, đất nước yên bình. Sau khi lên ngôi, nhà Trần tiếp tục công việc kiến thiết đất nước, khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố chính quyền  từ trung ương đến địa phương, xây dựng quân đội và thi hành chính sách bang giao hòa hiếu với các nước láng giềng để giữ thái bình. Nhà Trần phân cấp chính quyền địa phương thành 3 cấp: Phủ Lộ; huyện châu; hương, xã. Riêng ở địa bàn phía nam biên viễn với Chiêm Thành, nhà Trần vẫn giữ nguyên 2 đơn vị hành chính là Bố Chính và Lâm Bình.

(12) Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư ghi là: Lý Thường Kiệt bên họa địa đồ hình thể núi sông của ba Châu Bố Chính, Đại Lý, Ma Linh rồi về. Đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, đổi Châu Ma Linh thành Châu Minh Linh, chiêu mộ dân chúng đến đây ở (Lịch sử Quảng Bình trang 151, xuất bản năm 2014).

(13) Lý Nhân Tông (1066 - 1127) vị vua thứ tư của Triều Lý lãnh đạo đất nước phát triển giai đoạn huy hoàng nhất, thịnh vượng nhất của nhà Lý. Đến thời vua Lý Cao Tông (1173 - 1210) vị vua thứ 7 nhà Lý trị vì từ năm 1176 – 1210; Lý Huệ Tông (1194 - 1226) vị vua thứ 8 của nhà Lý trị vì 3 năm 1221 -1224; Lý Chiêu Hoàng (1218 - 1278) vị vua thứ 9 và là vị vua cuối cùng của nhà Lý trị vì từ năm 1224 – 1225.

 

 

 

          Năm 1252, trước nguy cơ xâm lược của quân Mông Cổ, ở phía Nam quân Chiêm Thành liên tục quấy phá. Tháng giêng năm 1252 vua Trần quyết định thân chinh đem quân đánh Chiêm Thành, sau 10 tháng tấn công quân Chiêm thất thủ phải chạy trốn, quân nhà Trần bắt vợ vua Chiêm thành và nhiều thần thiếp.       Tháng 9 năm 1257, bốn vạn quân Nguyên Mông ồ ạt kéo quân vào biên giới Đại Việt và cho sứ giả đem yêu sách đến yêu cầu nhà Trần đầu hàng mở cửa kinh thành cho chúng, Vua Trần bắt giam sứ giả và xuống chiếu kêu gọi cả nước đánh giặc. Tháng giêng năm 1258, quân Nguyên Mông theo lưu vực sông Hồng kéo quân xuống Đại Việt.

          Ngày 29 tháng giêng năm 1258, vua Trần Nhân Tông hạ lệnh đem quân ra đánh địch, cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt quân địch và bị thiệt hại nặng nề, nhiều tướng lĩnh, quân lính Nguyên Mông bị nhà Trần tiêu diệt, bắt sống buộc chúng phải tháo chạy về nước.

          Với âm mưu thâm hiểm đánh Chiêm Thành rồi phối hợp với đạo quân phía bắc đánh xuống sẽ nhanh chóng thôn tín được Đại Việt, cuối năm 1282, quân Nguyên Mông đưa quân đội vượt biên đánh Chiêm Thành, một lần nữa Vua Trần đã huy động các lực lượng chính binh, phiên binh, dân binh và của cải vật chất phối hợp với quân triều đình tăng cường hỗ trợ giúp sức Chiêm Thành đánh quân Nguyên Mông.  Cuộc chiến này diễn ra dai dẳng quyết liệt, quân Nguyên mông đã 8 lần cử sứ thần qua thương lượng thu phục đều bị nhà Chiêm bắt giữ.

          Không từ bỏ dã tâm xâm lược nước Đại Việt, tháng giêng năm 1285 nhà Nguyên Mông huy động 50 vạn quân chia làm 3 hướng tấn công vào nước Đại Việt. Với quyết tâm chống giặc bảo vệ bờ cõi nước nhà, Vua Trần Thánh Tông đã tổ chức hội nghị Bình Than (hội nghị Diên Hồng) bàn việc nước. Hội nghị đã đồng lòng quyết tâm “đánh giặc”, toàn quân đều chích lên cánh tay hai chữ “Sát thát” giết giặc Nguyên. Bằng tài thao lược của các tướng lĩnh nhà Trần và tinh thần quả cảm “Sát thát” quân và dân nhà Trần đã đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi nước Đại Việt.

            Tháng 12 năm 1287, vua Nguyên Mông tiếp tục huy động 30 vạn quân cả thủy cả bộ tấn công vào Đại Việt. Nắm rõ âm mưu địch vua nhà Trần đã chủ động triển khai lực lượng chặn đánh địch trên cả 2 tuyến đường bộ và đường thủy giành được những thắng lợi to lớn. Đặc biệt với chiến thắng Bạch Đằng, năm 1288 quân dân nhà Trần đã đập tan hoàn toàn âm mưu xâm lược của nhà Nguyên Mông.

          Nhằm giữ mối quan hệ hòa hiếu thân thiện với Chiêm Thành tháng 6 năm Bính ngọ (1306) vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền trân cho Vua Chiêm Thành, đổi lại Vua Chiêm Thành nhượng vùng đất Châu Ô, Châu Lý cho nước Đại Việt. Sau khi Vua Chiêm Thành Chế Mân chết, Chế Chí lên nối ngôi (1307) đã công khai chống lại Đại Việt đưa quân tiến công chiếm lại Châu Ô, Châu Lý, từ đây mối quan hệ 2 nước trở lại thù địch gay gắt.

          Để bảo vệ lãnh thổ biên cương phía Nam tháng 12 năm 1311 vua Trần Anh Tông thân chinh đem quân đi đánh Chiêm Thành, một lần nữa vùng đất Bố Chính, Lâm Bình trở thành tiền tuyến vừa là hậu phương phục vụ cuộc chiến tranh, nhân dân tại đây đã cung ứng lương thực, vũ khí, phương tiện chiến đấu và bổ sung lực lượng cùng đạo quân của vua Trần đánh Chiêm Thành thắng lợi.

          Năm 1361 vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga phát động cuộc chiến tranh chống Đại Việt, quân Chiêm Thành tấn công vào Cảng Dĩ Lý (thuộc Lý Hòa – Hải Trạch – Bố Trạch ngày nay). Nhân dân vùng Cao Lao đã phối hợp với quân dân Bố Chính chiến đấu ngoan cường làm cho quân Chiêm tổn thất nặng nề. Sách Đại việt sử ký toàn thư chép: năm Tân sửu (1361)…giặc cỏ Chiêm Thành vượt biển đến cướp dân ở cửa biển Dĩ Lý, quân của phủ ấy đã đánh tan bọn chúng(14).

          Khi thấy triều đình của Vua Trần Dụ Tông bắt đầu suy yếu, vua Chiêm Thành liên tục phát động nhiều cuộc chiến tranh đánh Đại Việt. Tháng 6 năm 1376 vua Trần Dụê Tông xuống chiếu: “cho các quận sắm sửa khí giới, chiến thuyền để chuẩn bị thân chinh đi đánh Chiêm Thành”, tháng 12 năm 1376 Trần Dụê Tông dẫn 12 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, quân và dân Bố Chính, Lâm Bình đã đóng góp sức người, sức của, vật chất cùng đạo quân triều đình tiến đánh Chiêm Thành giành được thắng lợi.

          Vào cuối thời nhà Trần đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Năm 1400 Lê Quý Ly phế truất Trần Thiếu Đế cướp ngôi lên làm vua và đổi họ Lê Quý Ly thành Hồ Quý Ly lập mưu thiết lập triều đại nhà Hồ. Nhà Hồ lên ngôi đã có những cải cách kinh tế quan trọng… Song do thực hiện chính sách thống trị hà khắc đàn áp dã man những người chưa đồng chí hướng làm cho nhân dân hoang mang ly tán không ủng hộ triều đình.

          Vào đầu thế kỷ XV, triều đại nhà Hồ lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên, cuối năm 1406 nhà Minh huy động 40 vạn quân kéo vào đánh Đại Việt, nhà Hồ đem quân ra chiến đấu nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì thất bại. Quân Minh bắt hai cha con Hồ Quý Ly về Trung  Quốc chấm dứt sự tồn tại 7 năm của triều đại nhà Hồ. Tháng 4 năm 1407 nhà Minh đổi tên nước Đại Việt thành bộ Giao Chỉ coi như một quận, huyện của Trung Quốc. Từ đây bộ máy đô hộ của nhà Minh được thiết lập từ quận đến các phủ, huyện.

Đối với vùng đất Bố Chính, Lâm Bình đây là nơi giữ vị trí chiến lược vô cùng quan trọng để bảo vệ thành trì phía nam, do đó nhà Minh đã cho tuyển mộ, đinh tráng thành lập ngụy binh, xây thành lũy, đưa quân đến đồn trú phục vụ việc cai trị và khống chế trục đường thương lộ bắc nam. Do chính sách cai trị hà khắc của nhà Minh nhân dân ta ở nhiều nơi đã đứng lên đấu tranh chống lại chính quyền đô hộ của nhà Minh, đó là những cuộc khởi nghĩa do Trần Ngỗi (1407-1409), Trần Quý Kháng (1409-1413); Phạm Ngọc, Lê Ngã (1419-1420) lãnh đạo... Dưới sự chỉ huy của Đặng Tất quân dân Lâm Bình, Bố Chính đã nổi dậy phối hợp đánh

(14) Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư -  Lịch sử Quảng Bình, trang 177, xuất bản năm 2014.

 

 

 

 

vào khu đồn trú của nhà Minh ở Nhật Lệ và một số nơi khác buộc chúng phải tháo chạy tan rã, một số tìm đường chạy ra bắc, một số bị bắt được đưa về Bố Chính làm lao dịch…

          Năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu đã tuyên thệ tại vùng núi Lam Sơn - Thanh Hóa dấy binh khởi nghĩa đánh giặc Minh. Trong những năm đầu nghĩa quân Lê Lợi dựa vào vùng núi Lam Sơn gây dựng lực lượng, tổ chức những trận đánh tập kích vào các sở lỵ, căn cứ của nhà Minh ở Thanh Hóa và Nghệ An. Sau khi chiếm được Nghệ An, Lê Lợi quyết định tiến đánh vào Lâm Bình, Thuận Hóa giải phóng miền biên viễn phía Nam. Tháng 7 năm Ất Tý (1425), Tư đồ Trần Nguyên Hãn và Thượng  tướng Doãn Nổ dẫn hơn 1.000 binh sỹ kéo quân vào Bố Chính, Lâm Bình, Thuận Hóa. Được sự tiếp ứng của lực lượng thuỷ quân do các tướng Lê Ngân, Phạm Bôi, Lê Văn An chỉ huy, nghĩa quân Lam Sơn đã nhanh chóng đánh bại hoàn toàn quân đồn trú của nhà Minh giải phóng Lâm Bình, Bố Chính, Thuận Hóa.

          Chiến thắng Lâm Bình, Thuận Hóa làm cho quân Minh thế tàn lực kiệt, nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục tấn công các căn cứ, các thủ phủ có quân Minh chiếm đóng ở Chúc Động, Tốt Động, thành Đông Quan, chặn đánh đội quân chi viện ở Chi Lăng, Xương Giang, tiêu diệt hoàn toàn đạo quân xâm lược của nhà Minh giải phóng đất nước, giành chính quyền về tay nhà Lê.

          Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhân dân Bố Chính, Lâm Bình nói chung và vùng đất Cao Lao nói riêng đóng góp sức người, sức của cho nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc, những thanh niên trai tráng khỏe mạnh đều được tuyển chọn huấn luyện bổ sung vào các đạo quân của nghĩa quân. Nhiều cư dân trong thân tộc họ Trần trước đây di dân vào lập nghiệp và một số người bị đàn áp sau khi nhà Trần sụp đỗ chạy vào lánh nạn, làm ăn ở Bố Chính, Lâm Bình đã tìm về với nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu đánh đuổi quân Minh lập được nhiều công trạng hiển hách được ghi danh.

          Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đô hộ thắng lợi vẻ vang mở ra một trang sử mới cho lịch sử nước nhà, chấm dứt thời kỳ đô hộ của phong kiến phương bắc đưa đất nước Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển hưng thịnh.

 Còn nữa...

 

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip