Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 4)

17:45 - 05/05/2020

Giới thiệu phần 4, cuốn “Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 - 2015” do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2019

Lịch sử xã Hạ Trạch 1470 – 2015 (phần 4)

.... Tiếp theo 

CHƯƠNG II

LÀNG CAO LAO HẠ THỜI KỲ (1470 - 1858)

          Theo lịch sử Quảng Bình và một số tư liệu thì vùng đất Cao Lao có cư dân sinh sống từ thời hình thành nhà nước Lâm Ấp đến thời kỳ nhà Lê làng Cao Lao Hạ chính thức được hình thành.

          Sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhà Lê bắt tay chấn hưng đất nước, để khôi phục kinh tế sau chiến tranh xây dựng vùng đất phía nam thành căn cứ vững mạnh bảo vệ miền biên viễn, nhà Lê đã có những chủ trương, chính sách đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang vùng đất mới ở Bố Chính, Lâm Bình. Năm Canh Dần 1470 vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân tiến đánh Chiêm Thành, thấy vùng đất Bố Chính, Lâm Bình có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, quân sự bảo vệ miền biên ải phía nam, Vua Lê Thánh Tông xuống chiếu chiêu mộ dân các châu, phủ phía bắc vào lập ấp ở châu Bố Chính: Bố Chính đất rộng người thưa liền với Châu Hoan vậy quân và dân đến đó khẩn hoang sẽ có lợi lớn.

          Hưởng ứng chiếu chiêu mộ của Vua Lê Thánh Tông quân, dân các  châu, lộ ở phía bắc lần lượt vào châu Bố Chính lập ấp, khai khẩn đất đai mở mang sản xuất phát triển đời sống dân sinh. Vùng đất Cao Lao phía nam sông Gianh là nơi những người Thanh - Nghệ Tĩnh đến khai phá lập ấp hình thành làng Cao Lao gồm: Cao Lao Thượng (Kẻ Thảng), Cao Lao Trung (Kẻ Chuông), Cao Lao Hạ (Kẻ Hạ). Căn cứ vào tên làng, giọng nói, tập quán đến nay khẳng định rằng nguồn gốc tổ tiên người làng Cao Lao Hạ chủ yếu là người Thanh Nghệ Tĩnh (Ô Châu Cận Lục 1553).

          Căn cứ vào các văn bản bút tích ghi chép và gia phả các họ tộc lâu đời nhất ở làng Cao Lao Hạ thì khi hưởng ứng chiếu chiêu mộ di dân của nhà vua, các quan, quân đến đây lập ấp đều mang theo gia quyến, người thân, dòng họ vì thế công cuộc khai khẩn vùng đất mới diễn ra thuận lợi.

          Qua nghiên cứu sử liệu với các tài liệu Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và gia phả các dòng họ ở làng Cao Lao Hạ lưu truyền lại thì các dòng họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lê là những dòng họ đầu tiên khai khẩn ra làng Cao Lao Hạ. Thủy tổ của các dòng họ đó là ngài Lưu Văn Tiên Đại tướng quân tước hiệu vua phong là Dực bảo trung hưng linh phù chi thần;

ngài Nguyên Văn Khai Đại tướng quân Nguyễn Quý Công(15); ngài Lê Quang Lữ Triệu phong Lê Quý Công. Đây là các vị tiền khai canh của làng Cao Lao Hạ.

Tiếp sau đó có 4 vị của 4 dòng họ có công hậu khai canh là: họ Lưu là ông Lưu Văn Hành chức Tướng thần lai tư Quí Phúc Công; họ Lê Văn là ông Lê Văn Giảm tước hiệu Dực Bảo Trung hưng linh Phù Chi Thần; họ Lê Quang là ông Lê Quang Diệu; họ Lê Chiêu là ông Lê Chiêu Phúc. Các vị thủy tổ của dòng họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lê Quang là những vị tiền khai canh của làng và 04 vị có công hậu khai canh được thờ tự tại nhà thờ của các dòng họ và được làng rước ra thờ tại Đình làng (Theo sách văn tế thần tại đình). Đồng hành cùng các vị tiền khai khẩn hoặc sau đó một thời gian có nhiều dòng họ khác nhưng do gia phả gốc bị mất, bị thất lạc nên chưa xác định được thời gian chính thức. Các họ lập ấp khai canh đều chọn những vùng đất trước mặt làng và bãi bồi ven sông Linh Giang (sông Gianh). Họ nào khai canh vùng đất nào thì đặt tên cho vùng đất đó: ông họ Nguyễn khai canh đặt tên vùng đất là Bàu Hào, Bàu Hóc, Đồng Giôn, Đồng Léc, Đồng Bẫy, Đồng Ran, Đồng Rú, Đồng Ông già, Cửa Nam, Kim Quy…; ông họ Lê Chiêu khai khẩn vùng lòi sắn, khu nại, khu vợt, Đồng hưng…, các ông họ Lê Quang, Lê Văn khai khẩn các xứ Cù sơn, Cửa cương, Múi Đớ, Múi Bần, Cù Neo, Hói Đá, Chú Thanh, Chú Qũi, Cồn Cui, Nội Bàn Trên, Nội Bàn Dưới, Bàu Mật, Bàu Gát, Bàu Dầu, Lẹm Hẹm…Ông họ Lưu khai khẩn vùng Bàu Vuông, Bàu Gát Su, Bàu Gát Dưới, Bàu Cửa, Ông Vườn, Hói Cổ…

          Cư dân Cao Lao Hạ lập làng sinh sống trên đất đai chạy dài song song với dãy núi Lệ Đệ và dòng sông Gianh từ Thành Cao Lao về đến Hói Hạ, trước mặt làng (Phía Nam) là cánh đồng ruộng mênh mông chạy dưới chân dãy núi Lệ Đệ, sau lưng làng (phía Bắc) là bãi bồi ven sông Gianh và bờ Sác chạy dài xuống Hói Hạ. làng nằm ở địa thế trước núi sau sông, hình làng dáng tựa thuyền rồng.

          Theo gia phả họ Lưu (ở Bồ Khê) có ghi: các vị Tổ Tiên của làng gặp nhau và dừng chân lập nghiệp tại làng Cao Lao Hạ…sau khi khai khẩn lập nghiệp ở làng Cao Lao Hạ có người họ Lưu, rồi họ Nguyễn tiếp tục đi xuống khai phá vùng Bồ Khê (xã Thanh Trạch - Bố Trạch ngày nay). Họ Lưu đến khai khẩn vùng đồng bằng trải rộng từ Đồng Lào, Đồng Văn về đến đồng Con Ruộng.

(15) Theo gia phả hội đồng gia tộc Đại tôn Nguyễn Cương Quốc Công ở Nghệ An và thư tịch của làng cũng như một số tài liệu lịch sử ghi lại thì Thủy tổ họ Nguyễn Văn đại tộc ở làng Cao Lao Hạ là ngài đại tướng quân dực bảo trung hưng thần hoàng Nguyễn Văn Khai (tướng quân dưới triều Vua Lê Thánh Tông), ngài là con thứ hai của võ vệ tam phụ quốc đồng tri triều liệt hầu Nguyễn Bá Kiệt, là cháu nội của Thái sư cương quốc công Nguyễn Xí (Nguyễn Xí là người có công lớn giúp Triều Lê hai lần khai quốc xây dựng đất nước thịnh vượng, di tích lăng mộ của ông ở Nghệ An dược nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia).

 

 

 

Cố Nguyễn từ Cao Lao xuống Bồ Khê khai khẩn ra Đồng Sác, từ núi Thủy đến Mái Am…, người ta khen ngợi con cháu cố Nguyễn biết phát huy tác dụng của cánh đồng Sác mà trở nên giàu sang(16). Như vậy khẳng định rằng gốc tích họ Lưu, họ Nguyễn ở Bồ Khê xuất phát từ làng Cao Lao Hạ xuống.

Dựa vào địa thế từng vùng đất khai khẩn và khí hậu thời tiết theo mùa, các dòng họ người Cao Lao Hạ đã nghiên cứu sắp xếp tổ chức sản xuất gieo trồng các loại cây cho phù hợp như: vùng đất bàu, đất trũng thì trồng lúa hai vụ trong năm (vụ năm vụ mười), vùng đất bồi, đất cồn thì trồng xen một vụ lúa (các giống lúa thường trồng là: lúa ven, lúa nước hai, lúa mành, lúa nếp bắc, lúa nếp râu, lúa nếp bạc, lúa nếp cau…) 1 vụ màu (trồng khoai lang, trồng đậu, ngô, sắn, mè (vừng), trồng bông …). Đồng thời với phát triển sản xuất cây lương thực người Cao Lao Hạ đã biết chú trọng đẩy mạnh việc chăn nuôi gia súc (trâu, bò) để làm sức kéo phục vụ sản xuất, chăn nuôi gia cầm và các nghề phụ trồng dâu nuôi tằm, châm nón, nghề rèn, đánh bắt tôm, cá để phục vụ cuộc sống.

          Làng Cao Lao Hạ hình thành, tên làng “Cao Lao” mang ý nghĩa sâu sắc khắc ghi trong tâm nguyện người Cao Lao từ bao đời nay: “tên làng sáng chói ngàn đời trong tim trong óc của người Cao Lao”. Cao Lao theo từ Hán: Cao nghĩa là cao, cao không giới hạn tầm cao, Lao là bền, bền bĩ vững chãi. Trong Cao Lao hương sử có câu thơ của cụ Lưu Trọng Tuần viết ca ngợi về tên làng Cao Lao như sau:

Cao Lao tiền thế đặt tên

Cao trong vời vợi, lao bền không xiêu.

          Hay:

Cao không giới hạn tầm cao

Lao bền chí hướng gian lao vững chèo.

          Năm Quý Mão (1483) vua Lê Thánh Tông cho xây dựng hoàn thiện Bộ luật Hồng Đức ban hành trong cả nước, đây là bộ luật phức hợp bao gồm cả luật hình, luật hôn nhân, luật dân sự…đề cập đến tất cả các lĩnh vực quyền lực hệ thống nhà nước, các quan hệ xã hội có tác dụng rất lớn trong việc giữ gìn kỷ cương phép nước phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Luật pháp nhà Lê đã hạn chế một phần đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp quí tộc thay vào đó là chế độ tuyển mộ quan lại tham chính qua thi tuyển, nhà vua đã cho chỉnh trang mở rộng nhà Thái học và

(16) Lịch sử Quảng Bình, trang 226, xuất bản năm 2014.

 

 

 

Trường Quốc Tử Giám để đào tạo nhân tài cho đất nước.

          Trên cơ sở các điều luật của Bộ luật Hồng Đức làng, các dòng họ ở làng Cao Lao Hạ xây dựng các hương ước, qui ước của địa phương nhằm giáo dục răn đe nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật và các qui đinh của địa phương, làm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và các quy ước, hương ước của địa phương trong nhân dân …,Chính chính sách phát triển xây dựng đất nước sáng suốt của vua Lê Thánh Tông đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng nhất thời kỳ nhà Lê nắm quyền trị vì đất nước.

          Đầu năm Canh Tuất (1490) Lê Thánh Tông hoạch định vẽ lại bản đồ đất nước gồm 13 xứ, 52 phủ, 172 huyện, 50 châu. Dưới phủ , huyện thì có Hương, Phường, xã, Trang, Sách Động, Nguồn, Trường(17) . Làng Cao Lao Hạ thuộc châu Bố Chính. Đối với chính quyền cơ sở Lê Thánh Tông cho đổi tên Xã Quan thành Xã trưởng, chức Xã trưởng, Thôn trưởng do nhân dân trong xã bầu ra. Quyền hành Xã trưởng, Thôn trưởng được Triều đình xác định rõ là: nếu các xứ có trộm cướp nhóm họp thì các Quan phủ, châu, huyện, các Xã Trưởng nơi đó phải trị tội theo pháp luật. Nhà Lê cúng giao cho Xã Trưởng, Thôn Trưởng chịu trách nhiệm trước Phủ, Huyện và Triều đình về các loại thuế khóa, điều tra hoàn cảnh dân binh để giải quyết(18).

          Cùng với việc chấn hưng xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, nhà Lê đã thi hành một số chính sách mới về sở hữu ruộng đất và các biện pháp tích cực để phát triển nông nghiệp, nhà Lê chia ruộng đất ra làm 3 bộ phận chính.

Ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước là tất cả các ruộng đất bị tịch thu được của chính quyền đô hộ, của Ngụy quan và ruộng vô chủ; ruộng quốc khố do nhà nước quản lý giao cho các cơ quan chuyên trách về ruộng đất của Triều đình hay Quan lại địa phương quản lý rồi đem phát canh cho nông dân nhận cày cấy nộp tô cho nhà nước; ruộng cấp cho các công thần quan lại đó là những người có công trong cuộc chiến tranh giành giải phóng đất nước, người đang đảm nhận trọng trách của Triều đình.

(17) Lịch sử Quảng Bình, trang 226, xuất bản năm 2014.

(18) Lịch sử Quảng Bình, trang 227, xuất bản năm 2014.

 

 

 

 

 

 

          Ruộng công làng xã là loại ruộng tồn tại từ lâu đời, nhà Lê ban phép quân điền để đảm bảo cho những người không có hoặc có ít ruộng tư, binh lính hoặc dân phiêu tán cư ngụ nhận cày cấy. Loại ruộng này cứ 6 năm chia lại một lần để đảm bảo công bằng và căn cứ phẩm hàm trong thôn để phân chia tỷ lệ ruộng đất.

Ruộng tư hữu bao gồm ruộng đất của nông dân tự khai khẩn, tự cày cấy; ruộng của tầng lớp điền chủ loại ruộng này được sử dụng phát canh thu tô như ruộng nhà nước và điền trang.

          Thực hiện chính sách ruộng đất mới nhà Lê đã cho tịch thu ruộng đất trước đây của quan lại nhà Minh và tay sai chiếm hữu, điền trang thái ấp của quí tộc đã chết và ruộng hoang làm ruộng đất công và sử dụng ruộng đất đó ban lại cho quan lại, quý tộc có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, có công xây dựng triều chính để làm lộc điền, một phần bổ sung vào ruộng đất công của xã, thôn để chia ruộng cho dân cày cấy theo chế độ quân điền. Việc thực hiện chính sách ruộng đất dưới thời nhà Lê đã tạo ra sự công bằng trong xã hội, kích thích sản xuất phát triển, người dân có điều kiện tiếp tục khai khẩn mở rộng thêm nhiều vùng đất sản xuất khác đồng thời phát triển mở mang thêm các ngành  nghề thủ công khác.

          Về văn hóa giáo dục, nhà Lê đã cho dựng lại Trường Quốc Tự Giám để đào tạo nhân tài, ở các địa phương cho mở các trường công và trường tư để mở rộng việc học hành cho nhân dân. Ở kinh thành thì tổ chức việc thi Hội 3 năm một lần, ở địa phương thì tổ chức việc thi Hương, cho phép mọi người có học đều có thể dự thi để chọn nhân tài do đó đã khuyến khích học hành thi cử trong nhân dân. Ở làng Cao Lao hạ phong trào học tập, thi cử được quan tâm đẩy mạnh, nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, làng Cao Lao Hạ trở thành một trong những vùng đất văn vật từ truyền thống hiếu học: “Phan Xá khoe danh làng văn vật…Cao Lao kẻ sỹ giữ bền khí tiết, nhìn xem thi Lễ đều theo lễ nho gia”(19). Nhà Lê cũng đã đưa ra 24 điều huấn thị giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, đạo đức, luân thường đạo lý phong tục tập quán…cho các quan, quân và nhân dân học tập, tự soi chiếu mình mà rèn luyện tu dưỡng. Việc giáo dục đạo đức luân thường đạo lý  đã có tác dụng to lớn góp phần  rất quan trọng trong việc xây dựng chỉnh đốn trật tự kỷ cương phép nước và văn hóa đạo đức xã hội trong toàn dân nói chung người dân Cao Lao Hạ nói riêng.

(19) Lịch sử Quảng Bình, trang 245, xuất bản năm 2014.

 (20) Đình làng Cao Lao Hạ được xây dựng dưới triều nhà Lê (không rõ năm) được tu sửa lần thứ nhất năm 1822, lần thứ 2 năm 1941, lần thứ 3 năm 2013. Chùa Làng Cao Lao Hạ được xây dựng phía đông thành Cao Lao Hạ. Phía đông chùa Cao Lao Hạ có 06 miếu thờ các Nhân thần và Đền Thánh Võ, thờ Thần Nông, thờ cá Ông Ngư. Có Nghè ở phía tây cửa Nghè, Nghĩa Trũng cồn Cui thờ cúng các thần linh vô chủ vào Tiết Thanh Minh (15/3 âm lịch hằng năm)

 

 

 

 

 

 Gắn liền với việc thực hiện giáo dục truyền thống văn hóa đạo đức và hương ước làng xã, người Cao Lao Hạ luôn tỏ lòng tôn kính biết ơn: uống nước nhớ nguồn đã xây dựng các Miếu thờ các vị Thần, Đền thờ, Đình làng(20), để thờ tự các bậc Thành Hoàng khai khẩn, khai canh và những người có công với nước

với quê hương. Những dòng họ trong làng, lần lượt xây dựng nhà thờ họ để thờ cúng tổ tiên, đây là những nơi để các thế hệ người Cao Lao Hạ thành tâm dâng hương tưởng niệm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, ruộng vườn tươi tốt, che chở, phù hộ cho con cháu có sức khỏe, cuộc sống gặp nhiều may mắn an lành phát tài phát lộc…Việc làm đó đã in đậm trong tâm trí người Cao Lao Hạ, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần quan trọng trong việc giáo dục con cháu luôn nhớ về cội nguồn, sống có tâm, có đức, biết tôn trọng luân thường đạo lý hiếu thảo với ông bà, cha mẹ …Theo lịch sử Quảng Bình có ghi: trong mỗi làng ở Bố Chính…bất kể làng giàu hay nghèo, làng bản địa hay làng di cư đều có tổ hợp các thiết chế văn hóa cơ bản gồm: Đình, Chùa làng, Miếu thờ thành hoàng, Đền thờ các bậc hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh, miếu thờ các thần xuyên sơn…

          Đầu thế kỷ thế XVI lợi dụng Triều đình Hậu Lê sa đọa biến chất buông lỏng triều chính, năm 1527 sau khi có công đánh dẹp các thế lực chống đối, Thái Phó Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung tự quyền phế truất Vua Lê lập ra triều đại nhà Mạc. Để xây dựng thiết chế chính trị triều chính, tăng cường phát triển kinh tế, xã hội, vực dậy lòng tin của quần chúng nhân dân với triều chính, Nhà Mạc đã đem quân Triều đình đến các vùng biên viễn để chiêu quân, an dân, thiết lập củng cố hệ thống bộ máy chính quyền ở các địa phương, phân chia địa giới hành chính một số Châu, Phủ, Làng xã cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Làng Cao Lao hạ lúc này thuộc Châu Bố Chính.

          Về dân cư: sau khi hình thành làng Cao Lao Hạ năm 1470, nhân dân Cao Lao Hạ tập trung làm nhà sinh sống ở giữa trung tâm vùng đất của làng, các gia đình làm nhà đều hướng mặt vào phía Nam. Nhà được làm bằng gỗ, tre lợp mái bằng vọt, tranh, tóoc; Lá cỏ, quanh nhà được làm bằng phên đất, hoặc gỗ, tre, tráp tranh, toóc để chắn gió mưa. trước hiên nhà là sân rộng để phơi lúa, khoai sắn, rơm rạ…

          Nhà ở của nhân dân đều được xây dựng trên hai bên trục đường xóm (mỗi đường xóm cách nhau khoảng trên dưới 100m) được kết nối với ba trục đường cái lớn: Đường Bản trước mặt làng; đường Quan sau lưng làng và đường giữa làng. Trên mỗi trục đường xóm có hai lối thoát nước chạy song song hai bên từ đầu làng ra sau làng.

Là một làng thuần nông sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp do đó để phát triển sản xuất, chăn nuôi, các bậc tiền bối của làng đã chú trọng

chăm lo việc xây dựng các công trình thủy lợi đào kênh nương để tưới tiêu, chống hạn, chống lũ, đào ao, phoốc  để giữ trữ nước vào mùa nắng hạn như: ao chùa, ao cây đa Ông Dạ xóm 1, Phốốc xóm 2 (của nhà ông Tựu), Phốốc xóm 19 trước cửa Nhà văn hóa Thôn 7 ngày nay . Trồng Tre để chắn gió, chắn bão, lũ; trồng Bần, Sác để chống sạt lỡ xói mòn các vùng đất nằm phía Tây, phía Bắc Làng dọc kênh Hói Hạ và giữ môi trường sinh thái cho việc nuôi trồng thủy hải sản…Những công trình thủy lợi lớn được thực hiện có giá trị kinh tế lớn như: công trình thủy lợi Cữu khúc Long Khê, lợi dụng dòng nước chảy tự nhiên từ vực sanh chảy ra. Nhân dân làng Cao Lao Hạ đã tập trung khơi đào con kênh (hói) từ Vực Sanh (đầu rồng) chạy qua các cánh đồng: Đồng Hưng, Đồng Hà, Bàu Vuông, Bàu Mật…(thân rồng) về bàu Eo (rốn rồng) đến cầu Kiệt xóm 3 là đuôi rồng; Cửu khúc Long Khe mang nguồn nước dồi dào tưới tiêu cho toàn bộ cánh đồng phía nam của làng(21). Công trình Hói Hạ - Thành Cổ: đây là con Hói tự nhiên chạy từ đầu nguồn thượng cầu phía Tây của làng chạy nối liền với hào bao quanh thành Cao Lao qua Sác Biền, Đồng Phố, Đồng Đuồi xuống Hói Hạ nhập vào sông Gianh. Vùng đất này trước đây là nơi chiến tranh ác liệt giữa Chiêm Thành và Đại Việt  nên Hói này được khơi đào nạo vét phục vụ giao thông đi lại ra vào cửa sông Gianh. Sau khi lập làng các vị tiền bối khai khẩn đã cho nạo vét khai thông lại Hói để phục vụ sản xuất đánh bắt thủy sản , tiêu lũ(22). Cùng với những công trình thủy lợi, để khắc phục tình trạng lũ tràn về từ dòng sông Son tràn qua Cao Lao Thượng dồn về và chống gió mùa mưa bão, dân làng đắp một con đường đất ở phía tây của làng từ Đường Bản về Đường Quan phía đông thành Cao Lao rộng 3m, cao gần 1m dài hơn 1km và trồng một lũy Tre dày ven đường gọi là “Dường Tre”. Ở hai bên kênh Hói Hạ phía Bắc làng từ Sác Biền tới Sác Đuồi dài hơn 2km làng đã cho trồng các loại cây bần, cây sú, vẹt, cây sác…để chắn gió Bấc, gió sóc vừa tạo môi trường  xanh cho các loại động vật Chim muông, Chồn, Sóc … và các loại Cá, Tôm, Cua nước lợ nước mặn sinh sống phát triển phục vụ cải thiện đời sống nhân dân.

(21) Trong Cao Lao Hương Sử cụ Lưu Trọng Lư có viết: giữa làng có một Long Khê, chín chiếu uốn có ra bề Rồng doanh; đầu rồng tiếp vực con Sanh. Thân rồng chứa nước hạ thiên vẫn đầy.

(22) Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long có sắc phê chuẩn Hói Hạ nguyên văn ghi: Thủy nguyên Hói Cầu, Tẩu lưu Hói Hạ, Cao Lao Hạ, hà thủy lập Linh Giang. Nội dung sắc phê xác nhận Hói Hạ thuộc đất làng Cao Lao Hạ.

 

 

 

 

 

          Do đặc điểm địa lý vùng đất của làng Cao Lao Hạ nằm ven sông Gianh gần cửa biển nên khi đào giếng thì nước bị nhiễm mặn. Mặt khác thời kì này ít có gia đình có điều kiện đào giếng cũng như xây dựng bể chứa nước mưa. Làng đã chọn một số địa điểm thuận lợi trước mặt làng (dọc Đường Bản) để đào giếng chung cho cả làng sử dụng gọi là giếng làng, đó là các giếng ở xóm 3, xóm 9, xóm 15, giếng chùa. Nước giếng làng lơ lớ không ngọt, khó uống thường dùng để nấu ăn, tắm rửa, giặt…v.v.

Để có nước uống, nấu xôi, chè…làng đã cho đào các giếng Hóc, giếng Rú, giếng mới, giếng Kiệt, ngoài ra còn sử dụng một số mạch nước chảy tự nhiên khỏi mạch giếng như Giếng Mây, Giếng Hung… dưới chân dãy núi Lệ Đệ nhân dân phải đi gánh nước bằng lu, vải sành xa hơn 1km đem về dùng.  

Sự phát triển của cộng đồng làng xã , từ chỗ sản xuất tự cung tự cấp khép kín trong các làng xã đã bắt đầu xuất hiện các hoạt động giao thương mua bán, trao đổi hàng hóa. Nhiều chợ nông thôn và một số chợ lớn trung tâm mua bán khu vực (gọi là phố chính) hình thành để mua bán trao đổi hàng hóa; trung tâm mua bán (Phố tỉnh - Đồng phố) làng Cao Lao Hạ được hình thành(23).

          Từ khi nhà Mạc lên ngôi nắm quyền thì các phe phái phong kiến đối lập nổi dậy chống nhà Mạc ở nhiều nơi. Năm 1532 Thành hầu Nguyễn kim một vị Tướng cũ dưới triều Lê tập hợp các thế lực ở Thanh Hóa, Nghệ An thành lập một chính quyền riêng cát cứ chống lại nhà Mạc.

     Khi Nguyễn Kim bị mưu sát con rể là Trịnh Kiệm lên thay (1545) thì cuộc nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến cơ bản đã chấm dứt. Năm 1592 quân Trịnh kéo quân ra đánh chiếm Thăng long, quân nhà Mạc thất thủ rút chạy lên Cao Bằng. Sau khi thâu tóm quyền lực Trịnh Kiệm tìm mọi cách loại trừ phe cánh của Nguyễn Kim. Thấy rõ âm mưu của Trịnh Kiệm, Nguyễn Hoàng đến bái kiến Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và chị ruột Ngọc Bảo là Chánh phi của Trịnh Kiểm xin cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

          Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558) Nguyễn Hoàng đem theo những người tâm phúc, hiền tài với hơn 1.000 người theo đường biển vào Thuận Hóa. Về Thuận Hóa một mặt Nguyễn Hoàng giữ mối quan hệ với Chúa Trịnh một mặt xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh để làm chủ vùng đất phương nam. Năm 1604 Nguyễn Hoàng đổi tên châu Bố Chính thành phủ Quảng Bình.

          Với tầm nhìn xa trong rộng, Nguyễn Hoàng đã khéo léo trong đối xử, trong quan hệ bang giao để tránh né những âm mưu thâm hiểm của Chúa Trịnh. Biết thu phục nhân dân, khuyến khích phát triển kinh tế, an sinh xã hội nên Nguyễn Hoàng được nhân dân xứ đàng trong tôn kính mến phục ra sức ủng hộ xây dựng xứ đàng trong phát triển.

(23) Sách lịch sử Quảng Bình, trang 244, xuất bản năm 2014 có ghi về việc hình thành các trung tâm mua bán: ở Bố Chính có Hành Sơn và Cao Lao.

 

 

 

 

 

 

          Năm Quý Sửu (1613) Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn Nguyên (Nguyễn Phúc Nguyên) nối ngôi. Ông hết lòng chăm lo chính sự, thu phục trọng dụng nhân tài, quan tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống  nhân dân nên được dân chúng yêu mến gọi là Chúa Sãi (hay Phật Chúa). Năm 1620 hai người em của Nguyễn Phúc Nguyên là Chương Cơ Hiệp (Quận Văn) và Chương Cơ Trạch (Quận Hữu) âm mưu giành quyền Vương Sãi đã gửi mật thư cho Chúa Trịnh, xin quân vào đánh và tự mình làm nội ứng. Chúa Trịnh đã cho Đặng Quận Công Nguyễn Khải dẫn 5.000 quân vào Nhật Lệ Phủ Quảng Bình đón quân nội ứng. Biết được âm mưu làm phản Nguyễn Phúc Nguyên cho bắt Quận Văn, Quận Hữu thanh trừng phản nghịch; quân Trịnh không thấy quân nội ứng ra đón hoang mang vội rút quân về. Từ đây Chúa Nguyễn quyết tâm lập cơ đồ riêng chống Chúa Trịnh cắt đứt mọi giao tiếp với Chúa Trịnh.

          Trước thái độ bất tuân lệnh Triều chính ở Đàng ngoài, Chúa Trịnh quyết định đem quân vào chinh phạt Chúa Nguyễn và cuộc chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn ở Đàng ngoài và Đàng trong diễn ra trong 45 năm với nhiều trận chiến lớn diễn ra trong các năm 1627, 1630, 1633, 1635, 1643, 1648, 1655. Mảnh đất Quảng Bình nói chung vùng Cao Lao nói riêng trở thành nơi chiến địa chiến tranh khốc liệt của hai tập đoàn phong kiến Đàng trong và Đàng Ngoài.

          Năm 1627, Chúa Trịnh đưa 5.000 quân tiên phong vượt Hoành Sơn vào Quảng Bình đánh Nhà Nguyễn. Đến của biển Nhật Lệ quân Nguyễn tổ chức trận địa chiến đấu chặn đánh rất quyết liệt. Nhận thấy thế và lực suy giảm quân Trịnh buộc phải rút quân vê phương bắc. Sau trận chiến này mâu thuẫn giữa Trịnh - Nguyễn càng trở nên gay gắt. Từ đây triều chính Vua Lê - Chúa Trịnh ở Đàng ngoài liên tục huy động lực lượng tổ chức  những cuộc chiến chinh phạt Chúa Nguyễn ở Đàng trong nhưng đều bất thành.

          Tháng 6 năm 1672 với quyết tâm đánh Chúa Nguyễn xóa cát cứ đàng trong, Chúa Trịnh huy động một lực lượng quân sự hùng mạnh gồm 10 vạn quân thủy bộ 1.000 chiến thuyền đồng thời móc nối lôi kéo tàu thuyền người Hà Lan, Tây Ban Nha (lúc bấy giờ đang giao thương, buôn bán với Chúa Trịnh) trang bị cho quân đội Chúa Trịnh tiến đánh Đàng trong.

          Được tin Chúa Trịnh tổ chức lực lượng mạnh tấn công Đàng trong, Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Tần) đem đại quân ra trấn giữ tại các lũy Mũi Giùi, lũy Trường Sa, lũy Nhật Lệ, lũy Đồng Hới, Mũi Nại, Đồn Vọng…Đưa thủy quân ra chốt chặn ở cửa biển Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cửa Việt sẵn sàng cho cuộc chiến.

          Tháng 9 năm  Nhâm Tý (1672) quân Chúa Trịnh vượt sông Linh Giang đóng quân ở Đông Cao, Lý Hòa và Thanh Hà cho các tướng quân đi chiêu mộ binh sỹ, huy động phu phen, của cải vật lực trong vùng để bổ sung tiềm lực. Quân Trịnh tổ chức nhiều cuộc tấn công tổng lực vào lũy Trấn Ninh đều bị quân Nguyễn đánh cho tan tác, tổn thất nặng nề, cuối năm 1672 quân Trịnh vội vã rút quân về phía tả ngạn sông Linh Giang đồn trú. Thừa thắng xông lên quân Nguyễn huy động hơn 60 thớt voi và binh thuyền tiến quân truy đuổi. Quân Trịnh hoảng sợ giao cho Lê Thời Hiến trấn thủ Nghệ An kiêm Châu Bắc Bố Chính rồi vội vã kéo quân về Kinh Bắc. Từ đây Chúa Trịnh mất ý chí phục thù chấm dứt cuộc chiến với Chúa Nguyễn, lấy dòng Linh Giang làm giới tuyến. Chúa Nguyễn ở Đàng trong, Chúa Trịnh ở Đàng ngoài và dòng Linh Giang được mang tên “Sông Gianh” từ đây.

                                      Sông Gianh nước chảy đôi dòng

                                  Đèn chông đôi ngọn biết trông ngọn nào

          Trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài gần nữa thế kỷ nhân dân vùng đất Cao Lao đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng các công trình chiến lũy, xây các kho lương, súng đạn, các dinh trạm quân sự và cung cấp của cải vật lực lương thảo, bổ sung binh lính cho quân Nguyễn phục vụ cuộc chiến tranh chống trả quân Trịnh ở Đàng ngoài cho đến khi giành được thắng lợi. Tuy nhiên cuộc chiến này cũng đã để lại những hậu quả  tổn hại không nhỏ cả về người và cơ sở vật chất, ruộng vườn bị bỏ hoang hóa không sản xuất ở nhiều nơi, các ngành nghề truyền thống, không có điều kiện mở mang phát triển, giao thương buôn bán hạn chế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

          Chiến tranh chấm dứt mở ra thời kì thái bình để các Chúa Nguyễn có điều kiện tập trung xây dựng tái thiết đất nước “Đàng Trong” phát triển. Chúa Nguyễn đã thực thi nhiều chính sách cải cách phát triển kinh tế - xã hội giao thương mua bán, tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, lực lượng quân đội và các thể chế quản lý nhà nước về trật tự kỷ cương xã hội. Nhờ có chính sách chính trị, kinh tế, xã hội thông thoáng hợp lý, ôn hòa nên nhân dân Cao Lao Hạ(24) có điều kiện thuận lợi nhất định để xây dựng phát triển kinh tế ổn định đời sống cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, góp phần cùng quân dân Phủ Quảng Bình xây dựng xứ Đàng Trong phát triển thịnh vượng.

 ....Còn nữa ....

Bình luận

Bài viết liên quan

Bàn về tên xã mới khi sát nhập 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch
Khu dân cư Thôn 3 dự thi tuyến đường nông thôn mới
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao
Những mẩu chuyện nhà nông
Làng Cao Lao Hạ quê mình

Video clip